Trắc nghiệm Tiếng việt 4 CTST bài: Ôn tập học kì 1

Bộ câu hỏi trắc nghiệm tiếng việt 4 chân trời sáng tạo. Câu hỏi và bài tập trắc nghiệm Bài: Ôn tập học kì 1. Bộ trắc nghiệm có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Hi vọng, tài liệu này sẽ giúp thầy cô nhẹ nhàng hơn trong việc ôn tập. Theo thời gian, chúng tôi sẽ tiếp bổ sung thêm các câu hỏi.

A. TRẮC NGHIỆM

I. ĐỌC - HIỂU (05 CÂU)

CHIỀU NGOẠI Ô

Chiều hè ở ngoại ô thật mát mẻ và cũng thật là yên tĩnh. Khi những tia nắng cuối cùng nhạt dần cũng là khi gió bắt đầu lộng lên. Không khí dịu lại rất nhanh và chỉ một lát, ngoại ô đã chìm vào nắng chiều.

Những buổi chiều hè êm dịu, tôi thường cùng lũ bạn đi dạo dọc con kênh nước trong vắt. Hai bên bờ kênh, dải cỏ xanh êm như tấm thảm trải ra đón bước chân người. Qua căn nhà cuối phố là những ruộng rau muống. Mùa hè, rau muống lên xanh mơn mởn, hoa rau muống tím lấp lánh. Rồi những rặng tre xanh đang thì thầm trong gió. Đằng sau lưng là phố xá, trước mặt là đồng lúa chín mênh mông và cả một khoảng trời bao la, những đám mây trắng vui đùa đuổi nhau trên cao. Con chim sơn ca cất tiếng hót tự do, thiết tha đến nỗi khiến người ta phải ao ước giá mình có một đôi cánh. Trải khắp cánh đồng là ráng chiều vàng dịu và thơm hơi đất, là gió đưa thoang thoảng hương lúa chín và hương sen. Vẻ đẹp bình dị của buổi chiều hè vùng ngoại ô thật đáng yêu.

Nhưng có lẽ thú vị nhất trong chiều hè ngoại ô là được thả diều cùng lũ bạn. Khoảng không gian vắng lặng nơi bãi cỏ gần nhà tự nhiên chen chúc những cánh diều. Diều cốc, diều tu, diều sáo đua nhau bay lên cao. Tiếng sáo diều vi vu trầm bổng. Những cánh diều mềm mại như cánh bướm. Những cánh diều như những mảnh hồn ấu thơ bay lên với biết bao khát vọng. Ngồi bên nơi cắm diều, lòng tôi lâng lâng, tôi muốn gửi ước mơ của mình theo những cánh diều lên tận mây xanh. 

(Theo Nguyễn Thụy Kha)

Câu 1: Bài văn miêu tả cảnh gì?

  1. Cảnh buổi chiều ở vùng ngoại ô rất nóng.
  2. Cảnh buổi chiều ở vùng ngoại ô rất thanh bình.
  3. Cảnh buổi chiều ở vùng ngoại ô rất ồn ào, náo nhiệt.
  4. Cảnh buổi chiều ngột ngạt, khó chịu ở vùng ngoại ô.

Câu 2: Câu văn nào trong bài tả vẻ đẹp của ruộng rau muống?

  1. Hai bên bờ kênh, dải cỏ xanh êm như tấm thảm trải ra đón bước chân người.
  2. Qua căn nhà cuối phố là những ruộng rau muống.
  3. Mùa hè, rau muống lên xanh mơn mởn, hoa rau muống tím lấp lánh.
  4. Những buổi chiều hè êm dịu, tôi thường cùng lũ bạn đi dạo dọc con kênh nước trong vắt.

Câu 3: Điều gì làm tác giả cảm thấy thú vị nhất trong những buổi chiều hè ở vùng ngoại ô?

  1. Ngắm cảnh đồng quê thanh bình.
  2. Được hít thở bầu không khí trong lành.
  3. Ngắm cảnh đồng quê và thả diều cùng lũ bạn.
  4. Đi dọc con kênh nước trong vắt.

Câu 4: Câu “Khoảng không gian vắng lặng nơi bãi cỏ gần nhà tự nhiên chen chúc những cánh diều.” thuộc kiểu câu nào?

  1. Câu hỏi.
  2. Câu kể.
  3. Câu cảm thán.
  4. Câu cầu khiến.

Câu 5: Từ nào dưới đây cùng nghĩa với từ “ước mơ”?

  1. Kỉ niệm.
  2. Êm dịu.
  3. Mơ ước.
  4. Yên bình.

II. THỰC HÀNH TIẾNG VIỆT (10 CÂU)

Câu 1: Danh từ là gì? 

  1. Là những hư từ.
  2. Là những từ chỉ hành động của con người, sự vật …
  3. Là những từ chỉ sự vật: con người, sự vật, sự việc, hiện tượng, khái niệm… 
  4. Là những từ chỉ đặc điểm, tính chất của con người, sự vật…

Câu 2: Động từ là gì?

  1. Là từ chỉ hoạt động, trạng thái của sự vật. 
  2. Là những từ chỉ hành vi của con người.
  3. Là những từ chỉ đặc điểm, tính chất của con người, sự vật.
  4. Là những từ chỉ sự vật.

Câu 3: Tính từ là gì? 

  1. Là những từ chỉ sự vật: con người, sự vật, sự việc, hiện tượng, khái niệm. 
  2. Là từ miêu tả đặc điểm (hình dáng, màu sắc, âm thanh, hương vị,…) hoặc tính chất của sự vật, hoạt động, trạng thái,…
  3. Là những từ chỉ hành động của con người, sự vật.
  4. Là những từ chỉ đặc điểm, tính chất của con người.

Câu 4: Câu dưới đây có những danh từ chung nào?

Nguyễn Tuân sinh ở phố Hàng Bạc, Hà Nội, quê ở thôn Thượng Đình, xã Nhân Mục (tên nôm là làng Mọc), nay thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

  1. Nguyễn Tuân, quê, thôn, xã, phường.
  2. Thượng Đình, Hà Nội, quê, thôn, xã, quận.
  3. Thôn, xã, phường, quận.
  4. Phố, quê, thôn, xã, làng, phường, quận.

Câu 5: Dòng nào dưới đây là viết đúng?

  1. Thị trấn Sa-pa thuộc tỉnh lào Cai.
  2. Thành phố Đà Lạt thuộc tỉnh Lâm đồng.
  3. Thành phố Hạ Long thuộc tỉnh Quảng Ninh.
  4. Vườn quốc gia Cúc Phương thuộc thành phố Hà nội.

Câu 6: Tìm thành ngữ có chứa động từ “chạy”?

  1. Chạy lên chạy xuống.
  2. Chạy trời không khỏi nắng.
  3. Chạy như chớp.
  4. Cả A và B.

Câu 7: Tìm động từ chỉ hoạt động trong câu dưới đây?

Cái giàn mướp bố tôi bắc chìa ra mặt ao như mái nhà.

  1. Giàn mướp.
  2. Bắc.
  3. Chìa ra.
  4. Mái nhà.

Câu 8: Từ “tưởng tượng” thuộc loại động từ nào dưới đây?

  1. Động từ chỉ hoạt động của con người.
  2. Động từ chỉ trạng thái của con người.
  3. Động từ chỉ hoạt động của vật.
  4. Động từ chỉ trạng thái của vật.

Câu 9: Dưới đây đâu là tính từ chỉ đặc điểm của tiếng suối, tiếng thác?

  1. Rực rỡ.
  2. Ào ào.
  3. Thẳng tắp.
  4. Nôn nóng.

Câu 10: Tìm tính từ trong câu dưới đây?

Mầm cây mới lên chỉ có mấy cái lá mảnh mai, màu xanh như men sứ.

  1. Mầm cây, mảnh mai.
  2. Mảnh mai, men sứ.
  3. Mảnh mai, màu xanh.
  4. Mầm cây, men sứ.

III. VIẾT (05 CÂU)

Đọc bài văn sau và trả lời câu hỏi.

Bà nội tôi thuộc rất nhiều ca dao, tục ngữ, thành ngữ... Vì thế khi nói chuyện bà hay chêm vào đó những câu tục ngữ lạ mà tôi không hiểu. Những lúc như thế bà lại cặn kẽ giảng giải. Hôm nay, bà nói về câu thành ngữ “Ếch ngồi đáy giếng” chỉ những kẻ dù hiểu biết rất hạn hẹp nhưng lúc nào cũng huênh hoang, tự đắc. Rồi để giải thích cho tôi hiểu hơn, bà kể lại cho tôi nguồn gốc câu thành ngữ ấy. Và thế là bà đã kể cho tôi nghe câu chuyện “Ếch ngồi đáy giếng”.

Ngày xưa, có một chú ếch sống trong một cái giếng nhỏ. Vì sống ở đó lâu ngày nên nó không biết thế giới ở ngoài kia ra sao. Xung quanh nó chỉ có vài con cua, ốc, nhái bé nhỏ... nên nó tưởng rằng mình là to là mạnh nhất. Ếch ta tự hào lắm về tiếng kêu ồm ộp của mình. Mỗi khi nó kêu làm vang động cả cái giếng nhỏ, khiến những con vật nhỏ khác rất hoảng sợ. Ếch cứ ngỡ mình rất oai. Ngẩng mặt lên nhìn trời, nó thấy bầu trời chỉ bằng chiếc vung chứ không cao và rộng lớn như người ta thường đồn đại. Ểch ta kiêu hãnh lắm và cho rằng trời quá bé nhỏ còn nó mới xứng là một vị chúa tể. Suy nghĩ ấy đã làm cho ếch ta coi thường mọi vật. Trong cái nhìn của ếch thì chẳng có ai bằng nó cả. Thế nên, một năm trời mưa to, nước trong giếng dâng cao, đưa ếch ta ra ngoài. Quen cái nhìn cũ, quen cách nghĩ cũ, ếch huênh hoang đi lại trên đường, đi khắp nơi như chốn không người. Theo thói quen, nó cất tiếng kêu ồm ộp và tưởng rằng ai cũng sợ như dưới đáy giếng kia. Nó đưa cặp mắt lên nhìn và vẫn cho rằng bầu trời bé tẹo như cái vung nên chẳng để ý gì đến xung quanh. Bỗng nó thấy tối sầm lại, không nhìn rõ gì nữa. Một vật gì rất lớn che mất tầm nhìn của nó. Nó đâu biết rằng đó là chân của một con trâu nên đã bị dẫm bẹp. Thế là hết đời một con ếch ngông nghênh.

Nghe câu chuyện bà kể, tôi thấy chú ếch con thật đáng chê trách. Giống như có nhiều người trẻ hiện nay ít kinh nghiệm, ít hiểu biết nhưng lại là những người có tính cách hung hăng, huênh hoang, ngông nghênh nhiều nhất.

Câu 1: Nội dung của câu chuyện “Ếch ngồi đáy giếng” được kể trong văn bản trên là gì?

  1. Khuyên nhủ con người nên biết mình biết ta.
  2. Phê phán những kẻ hiểu biết cạn hẹp mà huênh hoang, khuyên nhủ người ta phải cố gắng mở rộng tầm hiểu biết của mình, không được chủ quan, kiêu ngạo.
  3. Phê phán những kẻ tự cao tự đại, không biết khiêm tốn.
  4. Giúp người đọc nhận thức được vị trí hiện tại của mình.

Câu 2: Câu chủ đề của bài văn trên là gì?

  1. Bà đã kể cho tôi nghe câu chuyện “Ếch ngồi đáy giếng”.
  2. Bà tôi thuộc rất nhiều ca dao, tục ngữ, thành ngữ…
  3. Bà nói về câu thành ngữ “Ếch ngồi đáy giếng”.
  4. Bà kể lại cho tôi nguồn gốc câu thành ngữ “Ếch ngồi đáy giếng”.

Câu 3: Tìm các từ liên kết câu trong phần mở đầu của đoạn văn trên?

  1. Mọi chuyện, diễn ra, cuối cùng.
  2. Vì thế, sau đó, sau lần ấy.
  3. Và thế là, sau khi.
  4. Vì thế, rồi, và thế là.

Câu 4: Mục đích của đoạn mở đầu bài văn trên là gì?

  1. Dẫn dắt để kể câu chuyện “Ếch ngồi đáy giếng”
  2. Giới thiệu câu chuyện “Ếch ngồi đáy giếng” một cách trực tiếp.
  3. Kể lại câu chuyện “Ếch ngồi đáy giếng”
  4. Không có đáp án nào đúng.

Câu 5: Người viết có thái độ như thế nào khi nghe xong câu chuyện?

  1. Trung lập.
  2. Phê phán.
  3. Tích cực.
  4. Thờ ơ.

Đáp án trắc nghiệm

Xem đáp án
Tìm kiếm google: Trắc nghiệm tiếng việt 4 CTST, bộ trắc nghiệm tiếng việt 4 chân trời sáng tạo, trắc nghiệm tiếng việt 4 bài: Ôn tập học kì 1

Xem thêm các môn học

Bộ trắc nghiệm tiếng việt 4 CTST


Copyright @2024 - Designed by baivan.net