Bài tập 3. Hãy đọc các tình huống sau và tư vấn cho các nhân vật cách kiểm soát tài chính cá nhân phù hợp.
Tình huống 1.
C đến trung tâm thương mại để mua sắm. Đến gian hàng mĩ phẩm ưa thích, C được mời chào với các ưu đãi hấp dẫn. Đồng thời, một chị nhân viên khác của gian hàng đối diện cũng mời chào C và giới thiệu dòng mĩ phẩm cao cấp đang giảm giá đến 80%. C rất phân vân, một bên là hãng mĩ phẩm mình hay sử dụng, một bên là mĩ phẩm cao cấp đang giảm giá.
Nếu là C, bạn sẽ ứng xử như thế nào?
Tình huống 2.
H cùng mẹ đi siêu thị mua thực phẩm cho cả nhà sử dụng trong 3 ngày. Đến gian trái cây, H chọn mỗi loại trái cây hơn 1 kg. Đi một vòng siêu thị, trên xe đẩy có hơn 15 loại trái cây khác nhau. Khi được mẹ hỏi vì sao lựa nhiều như vậy, H trả lời: "Con mua để dành, trái cây mùa này ngon lắm mẹ ơi!"
Nếu là mẹ H, em sẽ ứng xử như thế nào?
Tình huống 3.
K cùng bạn bè đăng kí gói tập yoga tại một câu lạc bộ. Anh nhân viên giới thiệu rất nhiều gói tập với giá cả, dịch vụ cung cấp khác nhau. Gói cao cấp nhất là sử dụng miễn phí toàn bộ dịch vụ và không giới hạn số giờ tập. Các bạn của K đều chọn mua gói này. Riêng K nhìn lại quỹ tiền của mình chỉ có thể mua được gói tập bình dân. K quyết định mượn tiền của bạn để mua gói cao cấp dù biết rằng bản thân khó có thể trả nợ bạn được.
Nếu là K, bạn sẽ ứng xử như thế nào?
Tình huống 4.
B được bố làm cho một thẻ tín dụng (thẻ phụ) để sử dụng phục vụ việc học. Tuy nhiên, B biết rằng thẻ này có thể sử dụng để thanh toán các loại hàng hoá trực tuyến, cũng như có thể sử dụng thanh toán ở những nhà hàng, quán ăn, rạp chiếu phim sang trọng mà không cần tiền mặt. Thế là B dùng thẻ một cách thoải mái vì B biết rằng, bố sẽ thanh toán toàn bộ số tiền này cho B.
Nếu là bạn của B, em sẽ ứng xử như thế nào?