KHỞI ĐỘNG
Câu hỏi: Hãy chia sẻ những điều em biết về Cố đô Huế
Trả lời:
Cố đô Huế là thủ phủ Đàng Trong dưới thời các chúa Nguyễn từ năm 1687 đến 1774, sau đó là thủ đô của triều đại Tây Sơn từ năm 1788 khi Hoàng đế Quang Trung tức Nguyễn Huệ lên ngôi. Khi Nguyễn Ánh lên ngôi vào năm 1802 lấy niên hiệu là Gia Long, ông cũng chọn thành Phú Xuân làm kinh đô cho nhà Nguyễn – triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam. Huế kết thúc sứ mệnh là thủ đô Việt Nam vào năm 1945 khi vị hoàng đế cuối cùng của nhà Nguyễn là Bảo Đại thoái vị.
KHÁM PHÁ
1. Vị trí địa lí
Câu hỏi: Quan sát hình 1, em hãy xác định vị trí địa lý của Quần thể di tích Cố đô Huế
Trả lời:
Cố đô Huế là thành phố tỉnh lỵ của tỉnh Thừa Thiên Huế, Việt Nam.
2. Vẻ đẹp Cố đô Huế
Câu hỏi: Quan sát các hình từ 2 đến 5 và đọc thông tin, em hãy mô tả vẻ đẹp của Cố đô Huế qua các danh lam thắng cảnh và một số công trình tiêu biểu.
Trả lời:
Danh lam thắng cảnh và một số công trình tiêu biểu của Cố đô Huế:
Sông Hương: Sông Hương chảy qua thành phố Huế. Nước sông Hương có màu xanh ngọc, chảy lững lờ qua thành phố, qua các làng mạc yên bình, các di tích lịch sử cổ kính kết hợp với cảnh quan thiên nhiên hai bên bờ sông tạo nên vẻ đẹp huyền bí mà thơ mộng. Nối hai bờ sông Hương có nhiều cây cầu nhưng nổi tiếng nhất là cầu Trường Tiền.
Núi Ngự: Núi Ngự (hoặc núi Ngự Bình) nằm cách trung tâm thành phố Huế khoảng 4 km về phía nam. Trước đây, núi Ngự được coi như hệ thống thành lũy tự nhiên đồ sộ, kiên cố, bảo vệ Kinh thành Huế. Ngày nay, núi Ngự vẫn rợp bóng thông xanh ngát. Từ trên đỉnh núi, có thể nhìn ngắm sông nước, cung điện, chùa chiền, lăng tẩm và vẻ đẹp thơ mộng của Cố đô Huế.
3. Một số câu chuyện lịch sử liên quan đến Cố đô Huế
Câu hỏi: Đọc thông tin, em hãy chọn và kể lại một câu chuyện lịch sử liên quan đến Cố đô Huế
Trả lời:
- Câu chuyện: Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Huế
+ Hoà trong không khí Cách mạng tháng Tám của cả nước, tại Huế, ngày 23/8/1945, nhân dân đã giành được chính quyền.
+ Chiều 30/8/1945, trước cổng Ngọ Môn, hàng vạn người dân xứ Huế chứng kiến giây phút lịch sử: Vua Bảo Đại đọc chiếu thoái vị và trao lại ấn, kiếm cho chính quyền cách mạng. Trên kì đài, cờ đỏ sao vàng tung bay giữa những tiếng hô vang “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa muôn năm!”. Sự kiện này đánh dấu sự thắng lợi trọn vẹn của Cách mạng tháng Tám trên đất Cố đô.
4. Một số biện pháp để bảo tồn và gìn giữ giá trị của Cố đô Huế
Câu hỏi: Quan sát hình 6, 7 và đọc thông tin, em hãy đề xuất một số biện pháp để bảo tồn và gìn giữ giá trị của Cố đô Huế.
Trả lời:
- Một số biện pháp bảo tồn và gìn giữ giá trị của Cố đô Huế:
+ Sử dụng khoa học, công nghệ trong bảo tồn, tu bổ, phục hồi di tích;
+ Hạn chế các phương tiện vào Đại Nội;
+ Trồng thêm cây xanh;
+ Tích cực quảng bá hình ảnh Cố đô Huế đến du khách trong và ngoài nước.
LUYỆN TẬP
Câu hỏi: Em hãy chọn và mô tả một danh lam thắng cảnh hoặc một công trình kiến trúc tiêu biểu của Cố đô Huế và cho biết tại sao em chọn công trình này.
Trả lời:
Quần thể di tích Cố Đô Huế xinh đẹp này là sự góp phần của các công trình tiêu biểu như Tử Cấm Thành, các lăng tẩm, đền đài, chùa chiền… Nằm dọc phía bờ bắc của con sông Hương êm ả là hệ thống kiến trúc quy mô, đồ sộ của chúa Nguyễn: Tử Cấm Thành, Hoàng Thành Huế và Kinh Thành Huế, nó vẫn kiên cường sừng sững giữa bao biến động của thời gian trải dài từ Tây sang Đông hùng vĩ. Kinh Thành Huế là nơi đầu tiên được vua Gia Long khảo sát vào năm 1803, và sau 2 năm thì nó được chính thức khởi công xây dựng dưới sự giám sát của nhà Nguyễn. Đây là nơi có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, phía đông giáp đường Phan Đăng Lưu, phía tây giáp giáp đường Lê Duẩn, phía nam giáp đường Trần Hưng Đạo. Phía bên trong của kinh thành cũng có vị trí vô cùng thuận lợi được giới hạn theo bản đồ gồm:phía tây là đường Tôn Thất Hiệp, phía đông là đường Xuân 68, phía nam là đường Ông Ích Khiêm và phía bắc giáp đường Lương Ngọc Quyến.
VẬN DỤNG
Câu hỏi: Em hãy viết một thông điệp để quảng bá vẻ đẹp của Cố đô Huế
Trả lời:
Thông điệp: Cố đô Huế - kinh đô xưa, trải nghiệm mới!