Câu hỏi ôn tập Lịch sử 12 CTST mới

Tải bộ câu hỏi ôn tập Lịch sử 12 Chân trời sáng tạo chương trình mới. Bộ tài liệu tổng hợp nhiều dạng bài tập, câu hỏi hay, tổng hợp kiến thức trọng tâm của bài học giúp học sinh ôn tập, nắm chắc kiến thức, đạt thành tích tốt trong học tập. Mời thầy cô và các em kéo xuống tham khảo.

CHƯƠNG 2: ASEAN – NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG LỊCH SỬ

BÀI 4: SỰ RA ĐỜI VÀ PHÁT TRIỂN 

CỦA HIỆP HỘI CÁC QUỐC GIA ĐÔNG NAM Á (ASEAN)

(14 CÂU)

1. NHẬN BIẾT (2 CÂU)

Câu 1: Nêu quá trình hình thành tổ chức ASEAN.

Trả lời:

Quá trình hình thành tổ chức ASEAN:

- Bối cảnh: Sau khi giành được độc lập, các quốc gia Đông Nam Á bước vào thời kì phát triển kinh tế, yêu cầu hợp tác khu vực trở nên cấp thiết.

+ Xu thế khu vực hóa trên thế giới những năm 50, 60 của thế kỉ XX cổ vũ các nước Đông Nam Á tìm cách liên kết với nhau.

+ Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, các cường quốc bên ngoài có sự can dự vào khu vực Đông Nam Á.

→ Là cơ sở để thành lập một tổ chức nhằm thúc đẩy hợp tác, tương trợ lẫn nhau giữa các nước Đông Nam Á.

- Hành động:

+ Tháng 1/1959: Hiệp ước hữu nghị và hợp tác kinh tế Đông Nam Á (SEAFET), gồm Ma-lai-xi-a và Phi-lip-pin ra đời. .

+ Tháng 7/1961: Ma-lai-xi-a, Phi-lip-pin, Thái Lan liên kết thành Hiệp hội Đông Nam Á (ASA).

+ Năm 1963: In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Phi-lip-pin hợp tác thành khối MAPHILINDO.

→ Hiệp ước và khối này đã nhanh chóng tan rã (không dung hòa được lợi ích của các nước thành viên).

+ Ngày 8/8/1967, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được thành lập tại Băng Cốc (Thái Lan), trên cơ sở Tuyên bố ASEAN giữa Ngoại trưởng năm nước: In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Phi-lip-pin, Xin-ga-po, Thái Lan.

 

Câu 2: Nêu những nét chính về các giai đoạn phát triển của ASEAN từ năm 1967 đến nay.

Trả lời:

Những nét chính về các giai đoạn phát triển của ASEAN từ năm 1967 đến nay:

- Giai đoạn 1967 – 1976:

+ ASEAN tập trung phát triển cơ cấu tổ chức, hoàn thiện nguyên tắc hoạt động, chú trọng hợp tác giữa các thành viên trong tổ chức.

+ Tháng 11/1971: ra Tuyên bố về Khu vực Hòa bình, Tự do và Trung lập (ZOPFAN).

- Giai đoạn 1976 – 1999:

+ Năm 1976: ASEAN ra Tuyên bố về sự Hòa hợp ASEAN I (Tuyên bố Ba-li I), góp phần phát triển mạnh hệ thống tổ chức, trong đó Hội nghị Thượng đỉnh là cơ chế hoạt động cao nhất của ASEAN.

+ Kí Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), tạo cơ sở cho sự phát triển và hợp tác kinh tế giữa các thành viên, mở rộng quan hệ hợp tác, đối thoại với các đối tác bên ngoài.

+ Mở rộng ASEAN 5 thành ASEAN 10. 

- Giai đoạn 1999 – 2015: 

+ ASEAN chú trọng sự đoàn kết trong tổ chức, đóng vai trò trung tâm trong quá trình liên kết khu vực Đông Á. 

+ Thông qua Hiến chương ASEAN (2007), thông qua lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN với ba trụ cột (2009): ASPC, AEC, ASCC.

- Giai đoạn 2015 – nay: 

+ Năm 2015, Cộng đồng ASEAN được thành lập, tập trung thực hiện các mục tiêu cộng đồng, thúc đẩy hợp tác nội khối trên cơ sở ba trụ cột ASPC, AEC, ASCC.

+ ASEAN chủ động mở rộng quan hệ hợp tác với các chủ thể bên ngoài, phát huy vị thế trung tâm tại các diễn đàn hợp tác trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đảm bảo hòa bình và phát triển. 

 

2. THÔNG HIỂU (2 CÂU)

Câu 1: Trình bày mục đích thành lập ASEAN. 

Trả lời:

Mục đích thành lập ASEAN:

- Thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội và phát triển văn hóa trong khu vực thông qua các nỗ lực chung trên tinh thần bình đẳng và hợp tác nhằm tăng cường cơ sở cho một Cộng đồng các quốc gia Đông Nam Á hòa bình, thịnh vượng.

- Thúc đẩy hòa bình và ổn định khu vực bằng việc tôn trọng công lí và nguyên tắc luật pháp trong quan hệ giữa các quốc gia trong vùng và tuân thủ các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc. 

- Thúc đẩy sự cộng tác tích cực và giúp đỡ lẫn nhau trong các vấn đề cùng quan tâm trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, khoa học – kĩ thuật và hành chính,…

 

Câu 2: Trình bày quá trình phát triển từ ASEAN 5 đến ASEAN 10.

Trả lời:

Quá trình phát triển từ ASEAN 5 đến ASEAN 10:

- Từ khi thành lập, ASEAN có 5 thành viên (1967), đến năm 199, phát triển lên 10 thành viên. 

+ Năm 1967: ASEAN 5 gồm Thái Lan, Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a, Xin-ga-po, Phi-lip-pin.

+ Năm 1984: ASEAN 6 – Bru-nây gia nhập.

+ Năm 1995: ASEAN 7 – Việt Nam gia nhập.

+ Năm 1997: ASEAN 9 – Lào và Mi-an-ma gia nhập.

+ Năm 1999: ASEAN 10 – Cam-pu-chia gia nhập. 

- ASEAN với 10 quốc gia thành viên có sự đa dạng về chế độ chính trị, văn hóa, ngôn ngữ, trình độ phát triển, gắn kết với nhau vì mục tiêu chung.

 

3. VẬN DỤNG (5 CÂU)

Câu 1: Sự kiện Việt Nam trở thành thành viên thứ bảy của ASEAN có ý nghĩa gì?

Trả lời:

Ý nghĩa của sự kiện Việt Nam trở thành thành viên thứ bảy của ASEAN:

- Là dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của ASEAN.

- Đó không chỉ là sự tăng thêm số lượng các thành viên mà còn thúc đẩy nhanh quá trình thực hiện mục tiêu xây dựng ASEAN trở thành “ngôi nhà chung” của các quốc gia Đông Nam Á. 

 

Câu 2: Có ý kiến cho rằng “Đóng góp quan trọng nhất của ASEAN trong quá trình thành lập và phát triển hơn 50 năm qua là xây dựng được môi trường hòa bình, ổn định ở Đông Nam Á”. Em có đồng ý với ý kiến này không? Vì sao?

Trả lời:

- Đồng ý với ý kiến “Đóng góp quan trọng nhất của ASEAN trong quá trình thành lập và phát triển hơn 50 năm qua là xây dựng được môi trường hòa bình, ổn định ở Đông Nam Á”

- Giải thích:

+ Trước khi ASEAN ra đời, Đông Nam Á khi đó được xem là “Khu vực Balkan” của Đông Á với các bất ổn xuất phát từ chiến tranh, xung đột và sự nghi kị trong quan hệ giữa các quốc gia.

+ Trải qua gần 60 năm tồn tại, ASEAN đã giúp tạo dựng một môi trường hòa bình, ổn định trong quan hệ giữa các quốc gia thành viên thể hiện qua việc không có chiến tranh hay xung đột lớn trong quan hệ liên quốc gia giữa các thành viên ASEAN. Nhờ vậy mà các thành viên có điều kiện tập trung xây dựng và phát triển kinh tế, nâng cao vị thế quốc gia của từng thành viên cũng như của cả khối ASEAN ở khu vực Đông Á, châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới.

 

Câu 3: Em hãy cho biết ý nghĩa biểu trưng của lá cờ ASEAN.

Trả lời: 

Ý nghĩa biểu trưng của lá cờ ASEAN:

- Trên lá cờ biểu trưng cho sự thống nhất của ASEAN có 4 màu: xanh, đỏ, trắng, vàng.

+ Màu xanh: biểu trưng cho hòa bình và ổn định.

+ Màu đỏ: thể hiện sự năng động và lòng can đảm.

Cờ ASEAN – Wikipedia tiếng Việt

+ Màu trắng: thể hiện sự thuần khiết.

+ Màu vàng: biểu tượng cho sự thịnh vượng.

- Vòng tròn màu đỏ viền trắng: thể hiện sự thống nhất của Cộng đồng ASEAN.

- Hình ảnh bó lúa: tượng trưng cho ước mơ của các thành viên sáng lập về một ASEAN bao gồm tất cả các nước Đông Nam Á, gắn bó với nhau trong tình hữu nghị, đoàn kết.

→ Lá cờ ASEAN đại diện cho một ASEAN năng động, thống nhất, hòa bình và ổn định; là một biểu tượng của các quốc gia thành viên về các nguyên tắc và sự nỗ lực của ASEAN; là một công cụ để tăng cường nhận thức và sự đoàn kết của cộng đồng ASEAN.

 

Câu 4: Sưu tầm thông tin, tư liệu trên sách, báo, internet và trình bày một số hiểu biết về Hiến chương ASEAN. 

Trả lời:

- Hiến chương ASEAN là hiến pháp dùng cho Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Mục đích thảo ra hiến chương chính thức được bàn đến ở Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 11 diễn ra tại Kua-la-lăm-pua (Ma-lai-xi-a) tháng 12/2005. 10 lãnh đạo khối ASEAN đã được nhiệm vụ thảo hiến chương. Hiến chương được thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 13 vào tháng 11/2007.

- Nội dung của Hiến chương:

+ Nhấn mạnh tính trung tâm của ASEAN trong hợp tác khu vực.

+ Tôn trọng các nguyên tắc toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền, không can thiệp vào bản sắc quốc gia của các thành viên ASEAN.

+ Khuyến khích bản sắc và hoà bình khu vực, giải quyết hoà bình các tranh chấp thông qua đối thoại và tham vấn, và bác bỏ gây hấn.

+ Ủng hộ luật pháp quốc tế với sự tôn trọng nhân quyền, công bằng xã hội và thương mại đa bên.

+ Khuyến khích hội nhập thương mại vùng.

+ Chỉ định một Tổng thư ký và các Đại diện thường trực của ASEAN.

+ Thành lập một cơ quan nhân quyền và một cơ cấu về các tranh chấp chưa giải quyết, để được quyết định tại các Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN.

+ Phát triển quan hệ thân thiện bên ngoài và một lập trường với Liên hiệp quốc.

+ Tăng cường số lượng các cuộc Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lên hai lần một năm và khả năng can thiệp vào các tình huống khẩn cấp.

+ Lặp lại việc sử dụng cờ, bài ca, biểu tượng và ngày quốc gia ASEAN vào 8/8.

 

Câu 5: Từ khi gia nhập ASEAN năm 1995, với tinh thần “chủ động, tích cực và có trách nhiệm”, Việt Nam đã có những đóng quan trọng gì cho sự phát triển của Hiệp hội? Những đóng góp đó có ý nghĩa gì?

Trả lời:

- Việt Nam đã có những đóng quan trọng cho sự phát triển của Hiệp hội từ khi gia nhập ASEAN năm 1995:

+ Thứ nhất, là một nước tầm trung trong khu vực, với dân số đứng thứ 3, diện tích đứng thứ 4 ở Đông Nam Á, việc Việt Nam tham gia ASEAN đã giúp cho tổ chức này lớn mạnh cả về quy mô, tiềm lực và tổ chức, giúp ASEAN trở thành một tổ chức vững mạnh, chấm dứt sự nghi kỵ, chia rẽ, đối đầu, mở ra một thời kỳ phát triển mới của hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực.

+ Thứ hai, Việt Nam đã tích cực tham gia và đóng góp vào xây dựng định hướng phát triển và các quyết sách lớn của ASEAN: Hiến chương ASEAN, Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và các Kế hoạch tổng thể kèm theo, Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN (MPAC), Sáng kiến hội nhập ASEAN (IAI)…

+ Thứ ba, Việt Nam luôn thể hiện trách nhiệm thành viên, đóng góp vào các thành tựu chung của Hiệp hội. Chỉ 3 năm sau khi gia nhập ASEAN, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 6 tại Hà Nội; hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2010 và 2020; tham gia triển khai đầy đủ và sâu rộng các hoạt động hợp tác trong các lĩnh vực chính trị- an ninh, kinh tế và văn hóa- xã hội; là một trong số những nước đạt tỉ lệ thực thi cao các chương trình, biện pháp liên kết của ASEAN.

- Ý nghĩa những đóng góp đó của Việt Nam:

+ Được các nước thành viên ASEAN cũng như bạn bè quốc tế công nhận và đánh giá cao. Nhiều nước kì vọng Việt Nam đóng vai trò lớn hơn trong việc dẫn dắt ASEAN. 

+ Là cơ sở để chúng ta triển khai Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến 2030, vươn lên đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt ASEAN, tổ chức đa phương có tầm quan trọng chiến lược hàng đầu đối với Việt Nam.

 

4. VẬN DỤNG CAO (5 CÂU)

Câu 1: Trong cuốn sách Kì diệu ASEAN – Chất xúc tác cho hòa bình, xuất bản vào dịp 50 năm thành lập tổ chức ASEAN (1967 – 2017), các tác giả cho rằng thành công của ASEAN là một điều kì diệu và thế giới sẽ trở nên tốt đẹp hơn khi các khu vực đang pháh triển khác noi sương sự thành công của ASEAN để tạo ra hòa bình, thịnh vượng. 

Theo em, vì sao ASEAN được đánh giá như một “điều kì diệu”?

Trả lời:

ASEAN được đánh giá như một “điều kì diệu”, bởi: 

- Thứ nhất, ASEAN đã xây dựng và duy trì được môi trường khu vực hòa bình, ổn định và an ninh trong nhiều thập kỷ. Đây là tiền đề quan trọng cho sự phát triển và lớn mạnh của ASEAN.

- Thứ hai, ASEAN hiện nay là một cộng đồng với mức độ hợp tác, liên kết ngày càng sâu rộng trên cả 3 trụ cột chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội; trở thành một trong những khu vực phát triển năng động nhất thế giới với GDP khoảng 3.300 tỷ USD (năm 2021) và là nền kinh tế đứng thứ 5 thế giới, mang lại lợi ích thiết thực cho khoảng 680 triệu dân.

- Thứ ba, ASEAN là một tổ chức có uy tín và vị thế ngày càng cao, có quan hệ đối ngoại rộng mở, đóng vai trò trung tâm trong khu vực, được các đối tác, trong đó có tất cả các nước lớn, coi trọng, tăng cường hợp tác.

 

Câu 2: Em hãy cho biết, ngoài các mục đích chính về sự thành lập của ASEAN, ASEAN còn hướng tới những điều gì?

Trả lời:

Ngoài các mục đích chính về sự thành lập của ASEAN, ASEAN còn hướng tới:

- Giúp đỡ lẫn nhau đào tạo và cung cấp phương tiện nghiên cứu trong các lĩnh vực giáo dục, chuyên môn, kĩ thuật và hành chính.

- Hợp tác có hiệu quả để khai thác tốt hơn thế mạnh kinh tế của nhau, mở rộng thương mại, thúc đẩy trao đổi hàng hóa giữa các nước, cải thiện hệ thống giao thông, liên lạc, nâng cao mức sống của người dân.

- Thúc đẩy việc nghiên cứu Đông Nam Á.

- Duy trì hợp tác chặt chẽ cùng có lợi với các tổ chức quốc tế và khu vực có tôn chỉ và mục đích tương đồng, thúc đẩy hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa các tổ chức này.

 

Câu 3: Sau gần 60 năm ASEAN hình thành và phát triển, Việt Nam đã có những đóng góp gì để phát huy tích cực hơn nữa trách nhiệm của mình vào công cuộc phát triển chung của Cộng đồng ASEAN?

Trả lời:

Những đóng góp của Việt Nam để phát huy tích cực hơn nữa trách nhiệm vào công cuộc phát triển chung của Cộng đồng ASEAN: 

- Thứ nhất, tăng cường liên kết kinh tế sâu rộng và kết nối toàn diện trong nội khối và với các đối tác, thúc đẩy thương mại và đầu tư, hướng tới phồn vinh chung, củng cố nền tảng vững chắc trong quan hệ giữa các quốc gia.

- Thứ hai, củng cố đoàn kết, thống nhất, phát huy vai trò và đóng góp tích cực của ASEAN vào công cuộc duy trì môi trường hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực, là điều kiện tiên quyết cho hợp tác và phát triển.

- Thứ ba, lan tỏa văn hóa tham vấn, đối thoại, đẩy mạnh tinh thần gắn bó, tương trợ và ủng hộ lẫn nhau giữa các nước thành viên; nâng cao khả năng phối hợp lập trường chung của ASEAN trong việc xử lý các vấn đề khu vực và quốc tế; thúc đẩy hình thành và tuân thủ các quy tắc, chuẩn mực ứng xử chung trong quan hệ giữa các quốc gia; ứng phó kịp thời, hiệu quả với các thách thức đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực.

- Thứ tư, thúc đẩy tăng trưởng bền vững và bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội trên nền tảng đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số và các công nghệ mới; tiếp tục nỗ lực thu hẹp khoảng cách phát triển; xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của thời đại.

- Thứ năm, làm sâu sắc ý thức cộng đồng và bản sắc ASEAN, tạo dựng các giá trị chung của ASEAN và phổ biến rộng rãi trong người dân, thúc đẩy nhận thức về Cộng đồng ASEAN thống nhất trong đa dạng, nâng cao hình ảnh của Cộng đồng ASEAN trong khu vực và trên thế giới.

- Thứ sáu, đẩy mạnh quan hệ đối tác vì hòa bình và phát triển bền vững với các nước trên thế giới, phát huy vai trò và đóng góp của ASEAN trong cộng đồng quốc tế; mở rộng và nâng tầm quan hệ với các đối tác trên toàn cầu, góp phần định hình cấu trúc, “luật chơi” mới của khu vực và thế giới.

- Thứ bảy, nâng cao năng lực thích ứng và hiệu quả hoạt động của ASEAN, tiếp tục hoàn thiện cơ chế hoạt động, phối hợp của các cơ quan trong ASEAN, nâng cao cao tính hấp dẫn của các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, bảo đảm các thủ tục và quy trình của ASEAN được tuân thủ, tôn trọng.

 

Câu 4: Hiện nay, ASEAN đứng trước nhiều khó khăn, trong đó có những khó khăn chưa từng gặp phải, đặc biệt là dịch bệnh COVID-19. Theo em, đâu là “chìa khóa” để ASEAN vững tin vượt qua khó khăn này?

Trả lời:

- Đại dịch COVID-19 bùng phát đã làm gián đoạn các hoạt động của đời sống quốc tế. Tuy nhiên, dưới sự dẫn dắt của Việt Nam trong năm Chủ tịch 2020, ASEAN đã thể hiện sự chủ động thích ứng, kịp thời chuyển các cuộc họp và các hoạt động sang hình thức trực tuyến, qua đó duy trì được đà hợp tác liên kết khu vực và các nỗ lực xây dựng Cộng đồng, cùng nhau ứng phó với đại dịch. 

- ASEAN đã nhanh chóng thông qua và triển khai các sáng kiến:

+ Thành lập Quỹ ASEAN ứng phó với COVID-19.

+ Thiết lập Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp.,

+ Đề xuất thành lập Trung tâm ASEAN về các tình huống y tế khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi…

→ Kịp thời huy động nguồn lực của ASEAN cũng như sự hỗ trợ của các đối tác cho công tác phòng chống dịch.

- Cùng với những nỗ lực ứng phó với COVID-19, ASEAN đã sớm thúc đẩy các biện pháp phục hồi sau đại dịch:

+ Xây dựng Khung phục hồi tổng thể ASEAN và kế hoạch triển khai nhằm giảm thiểu tác động của đại dịch và thúc đẩy phục hồi toàn diện trong ASEAN.

+ Kí thỏa thuận về Khung hành lang đi lại ASEAN - đây là sáng kiến nhằm tạo thuận lợi cho đi lại vì mục đích công vụ và kinh doanh trong ASEAN, trong lúc dịch COVID-19 vẫn chưa hoàn toàn được kiểm soát. 

→ Các biện pháp này đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần để các nước ASEAN vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa dần mở cửa trở lại, thúc đẩy hợp tác phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.

 

Câu 5: Trong tương lai, ASEAN sẽ phải tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức như: nguy cơ lạm phát, suy thoái kinh tế, nguy cơ khủng hoảng năng lượng, lương thực, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, dịch bệnh, môi trường, biến đổi khí hậu,… Theo em, đâu là nền tảng để ASEAN vượt qua những thách thức này?

 

Trả lời:

Nền tảng để ASEAN vượt qua những thách thức trong tương lai:

- Thứ nhất, những thành tựu đạt được trong gần 60 năm qua là cơ sở, nền tảng để ASEAN tiếp tục đẩy mạnh liên kết hợp tác, nâng cao thực lực và sức chống chọi với các tác động từ bên ngoài.

- Thứ hai, ASEAN đã có kinh nghiệm ứng xử với các khó khăn thách thức, gần đây nhất là đối phó với đại dịch COVID-19, xử lý cạnh tranh nước lớn và thúc đẩy phục hồi sau đại dịch… với những thành công ấn tượng.

- Thứ ba, ASEAN tiếp tục duy trì được đoàn kết, thống nhất bên trong và có được sự ủng hộ, hỗ trợ bên ngoài, từ các đối tác của ASEAN và cộng đồng quốc tế.

 

Tìm kiếm google: Câu hỏi ôn tập lịch sử 12 chân trời sáng tạo, tự luận lịch sử 12 chân trời sáng tạo, bài tập tự luận lịch sử 12 ctst

Xem thêm các môn học

Giải lịch sử 12 CTST mới


Đia chỉ: Tòa nhà TH Office, 90 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại hỗ trợ: Fidutech - click vào đây
Chúng tôi trên Yotube
Cùng hệ thống: baivan.net - Kenhgiaovien.com - tech12h.com