Đề bài: Kể về một chuyến đi tham quan một di tích lịch sử em đã được tham gia.

Đề bài: Kể về một chuyến đi tham quan một di tích lịch sử em đã được tham gia. Theo đó, Baivan gửi đến các bạn 3 dàn bài + bài văn mẫu để các bạn có thể tham khảo. Từ đó, giúp các bạn có những bài văn hay nhất cho riêng mình.

[toc:ul]

Bài mẫu 1: Kể về một chuyến đi tham quan một di tích lịch sử em đã được tham gia (Cố đô Huế)

Dàn bài

1. Mở bài: Giới thiệu khái quát về chuyến đi thăm di tích lịch sử: Đó là địa điểm nào?, Em đến vào thời gian nào? Trong dịp gì?

2. Thân bài:

  • Cố đô Huế từng là thủ đô của Việt Nam dưới triều đại của nhà Nguyễn.
  • Bắt đầu chuyến viếng thăm, gia đình em ghé thăm Kinh thành Huế đầu tiên.
  •  Khi tiến thẳng vào trong khu vực đại nội là hình ảnh của các công trình kiến trúc hàng trăm năm tuổi.
  • Em dừng bước trước cổng Ngọ môn quan.
  • Trong khuôn khổ cố đô còn có các lăng tẩm của các vị vua nhiều đời.

3. Kết bài: Kết thúc chuyến tham quan, nêu cảm nhận, suy nghĩ của em về địa điểm đó. 

Bài văn

Em thường được nghe rất nhiều người nói về vẻ đẹp của cố đô Huế, cũng đã từng biết đến nơi này qua sách vở, và càng đọc càng tìm hiểu em lại càng khao khát có một lần được đặt chân đến vùng đất Huế mộng mơ vớ điệu Nam ai, Nam bình, với những nàng thơ thướt tha trong tà áo dài tím. Biết được niềm mong ước của em thế nên kỳ nghỉ hè vừa rồi, bố mẹ đã dẫn em về Huế chơi, coi như là phần thưởng cho tấm giấy khen học sinh giỏi mà em đạt được sau một năm học chăm chỉ.

Nhà em ở Đà Nẵng, thế nên cả nhà quyết định đi tàu ra Huế, để được thưởng thức cảnh thiên nhiên tươi đẹp, đồng thời đảm bảo an toàn. Cố đô Huế từng là thủ đô của Việt Nam dưới triều đại của nhà Nguyễn, cũng là nơi kết thúc chế độ phong kiến ngàn năm của Việt Nam ta. Cố đô Huế đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới cần được bảo tồn vì lợi ích của nhân loại. Bắt đầu chuyến viếng thăm, gia đình em ghé thăm Kinh thành Huế đầu tiên, khu di tích hiện lên với một vẻ trẫm tĩnh, mang đậm hơi thở lịch sử suốt mấy trăm năm, tường thành phủ kín rêu xanh bước. Khi tiến thẳng vào trong khu vực đại nội là hình ảnh của các công trình kiến trúc hàng trăm năm tuổi, dù bị thời gian mài mòn và chiến tranh tàn phá nhưng nó vẫn giữ được cái vẻ uy nghiêm, mang đậm dấu ấn văn hóa triều đại một thời. Em dừng bước trước cổng Ngọ môn quan, bức tường thành nhuốm màu thời gian, với lớp rêu phong xanh mờ, là một trong 4 cổng lớn nhất của Hoàng thành. Bao gồm hai phần là đài - cổng theo hình khối hộp vuông và phần phía trên là lầu Ngũ Phụng, với lối kiến trúc truyền thống trang trí bằng hình phụng thanh thoát tao nhã, lại lợp bằng ngói lưu ly vàng và xanh trông bề thế và đẹp vô cùng. Bên cạnh Ngọ Môn chính là một dòng kênh đào nhỏ nước rất trong và xanh, vừa để tạo cảnh quan cũng là để bảo vệ cho hoàng thành bên trong. Khi tiến vào đại nội, em hết sức ngỡ ngàng và sung sướng trước quang cảnh trước mắt, dường như bấy nhiêu câu từ trong sách vở cũng chẳng thể diễn tả nổi cái vẻ đẹp mang dấu ấn thời gian, đã từng chứng kiến  một thời rực rỡ của các ông hoàng bà chúa này. Đình đài lầu các phân bố rộng khắp nơi, trong đó phải kể đến Điện Thái Hòa, nơi vua và các quan cùng nhau bàn bạc việc nước. Với lối kiến trúc trùng thềm điệp ốc, sơn son thiếp vàng, chạm trổ hình rồng vờn mây đặc sắc, mái điện cũng được lợp ngói lưu ly vàng, làm nổi bật lên cái vẻ uy nghiêm và rực rỡ của nơi tập trung quyền lực em thượng. Về phần phục vụ ăn ở sinh hoạt cho hoàng tộc thì bao gồm có cung Diên Thọ, là nơi ở của Hoàng thái hậu các đời, cung Trường Sanh với khu vực hoa viên rộng lớn là nơi để vua chúa vãn cảnh, thư giãn, sau cũng trở thành chỗ ở cho hậu cung. Điện Kiến Trung là nơi ăn ở sinh hoạt của vua, Điện Cần Chánh là nơi để tiếp đãi yến tiệc, Thái Bình Lâu có thể xem như là thư phòng riêng của nhà vua, Duyệt Thị Đường là nơi vua và các quan xem biểu diễn tuồng chèo, nhã nhạc,... Về thờ cúng thì có Thế Miếu, Triệu Tổ Miếu, Hoàng Khảo Miếu, điện Hoàng Nhân. Điểm chung là tất cả đều được xây dựng bằng lối kiến trúc truyền thống của Việt Nam, lấy hình rồng phượng làm chủ đạo trang trí, bên cạnh đó còn chạm trổ một số các bài thơ văn cổ, mái được lợp hầu hết bằng ngói lưu ly vàng hoặc xanh. Ngoài ra còn có một số các lư, đỉnh lớn bằng đồng dựng trong miếu thờ, hoặc ở các cung điện,... Trong khuôn khổ cố đô còn có các lăng tẩm của các vị vua nhiều đời, xây với lối kiến trúc phương Đông điển hình, nằm ở vị trí đắc địa, phong thủy hữu tình, ví như lăng Tự Đức, Lăng Khải Định

Mặc dù rất mệt vì phải di chuyển liên tục, bởi sự rộng lớn của hoàng thành và cố đô nhưng em rất vui và rất hạnh phúc khi được ghé thăm nơi mà mình hằng mơ ước bấy lâu. Chuyến đi chơi không chỉ giúp em thư giãn sau một năm học vất vả mà còn khiến em học hỏi được thêm nhiều kiến thức lịch sử. 

Bài mẫu 2: Kể về một chuyến đi tham quan một di tích lịch sử em đã được tham gia ( Văn miếu Quốc Tử Giám).

Dàn bài

1. Mở bài: Giới thiệu khái quát về chuyến đi thăm di tích lịch sử: Đó là địa điểm nào?, Em đến vào thời gian nào? Trong dịp gì?

2. Thân bài:

  • Thứ đầu tiên khiến em ấn tượng về khu Văn Miếu chính là phần tường gạch vồ bao quanh toàn bộ diện tích rộng lớn.
  • Hồ nước trong xanh, phẳng lặng, cây cối bên bờ xum xuê, rủ bóng dưới mặt hồ.
  • Bước qua khu vực hồ thì chính là cổng Văn Miếu.
  • Vượt qua Khuê Văn Các ta chính thức tiến vào nơi có dựng bia tiến sĩ.

3. Kết bài: Kết thúc chuyến tham quan, nêu cảm nhận, suy nghĩ của em về địa điểm đó. 

Bài văn

Trong lần về Hà Nội thăm ông bà gần đây nhất, em đã có dịp được đến thăm quan Văn Miếu Quốc Tử Giám, một trong những công trình kiến trúc thể hiện sự phát triển của nền giáo dục Việt Nam ta từ những thế kỷ XXI. Nơi đây cũng là một trong những địa điểm vô cùng thu hút khách du lịch của Hà Nội.

Hôm ấy là thứ bảy, mùa thu ở Hà Nội rất dịu dàng và mát mẻ, cả gia đình em thuê một chiếc ô tô, để đi đến Quốc Tử Giám, sau khi mất khoảng 40 mươi phút ngồi xe thì  cuối cùng em cũng được chiêm ngưỡng cái vẻ cổ kính, uy nghiêm của ngôi trường có niên đại sớm nhất Việt Nam này. Cả nhà em ai nấy cũng vô cùng hào hứng và vui vẻ, xuống xe và đi bộ dần vào bên trong, vừa đi vừa nói chuyện rộn ràng. Thứ đầu tiên khiến em ấn tượng về khu Văn Miếu chính là phần tường gạch vồ bao quanh toàn bộ diện tích rộng lớn. Khu Văn Miếu bao gồm có 4 cửa, ngăn cách khu vực ra làm 5 tầng không gian khác nhau, chúng em theo sự hướng dẫn, tiến vào từ cửa chính ở phía Nam, quang cảnh đầu tiên chúng em nhìn thấy đó chính là một hồ nước trong xanh, phẳng lặng, cây cối bên bờ xum xuê, rủ bóng dưới mặt hồ, tạo cảm giác vô cùng thư thái mát mẻ, hỏi ra thì mới biết đây gọi là hồ Văn hay còn gọi là hồ Mình Đường, hồ Giám. Bước qua khu vực hồ thì chính là cổng Văn Miếu, với với cửa hình vòm rộng lớn, phía trước có 4 trụ lớn và hai tấm bia Hạ mã. Cổng này vốn được xây bằng gạch, quét sơn trắng nhưng có lẽ do thời gian mài mòn nên phần tường gần mái đã phủ đầy rêu phong, mái gạch vốn đỏ giờ cũng ngả màu, khiến nó mang một vẻ cổ kính, lâu đời. Tiến vào bên trong chính là vườn Giám rộng lớn cây cối rợp bóng, xanh tươi và khu Văn Miếu mang đậm vẻ thâm nghiêm tĩnh mịch. Xuyên qua hết khu này là đến cổng thứ hai mang tên Đại Trung Môn, dẫn thẳng đến Khuê Văn Các, một công trình kiến trúc khá độc đáo. Với hình ảnh ngôi lầu tám mái, bốn cửa tròn, được sơn màu đỏ, lấy bốn trụ gạch vuông làm đế, được ví là nơi giao hòa hội tụ linh khí đất trời. Em phát hiện ra rằng hình ảnh của Khuê Văn Các chính là những hình chìm được in trên các tờ tiền polymer mà chúng ta hằng ngày không bao giờ để ý. Vượt qua Khuê Văn Các ta chính thức tiến vào nơi có dựng bia tiến sĩ, trong đó em khá ấn tượng với một chiếc giếng lớn hình vuông nằm ở giữa, được gọi là giếng Thiên Quang hay còn gọi là Ao Văn. Hai bên giếng là các bia Tiến sĩ lớn bằng đá xanh, mỗi tấm bia như vậy được dựng trên lưng một con rùa bằng đá, quay mặt vào giếng. Em đếm cả thảy có 82 chiếc bia đá lớn, mà để bảo vệ cho chúng khỏi mưa nắng, người ta còn dựng lên hai tòa đình vuông, với trụ được làm bằng gỗ, mái bằng ngói đỏ, còn gọi là đình thờ bia. Nghe nói rằng đến Văn Miếu sờ đầu rùa, học hành sẽ tinh thông hơn, thế nên em đã đi một vòng sờ em hơn 10 cái đầu rùa, cốt chỉ mong năm em học hành tiến bộ hơn. Bố em thấy thế chỉ biết phì cười vì sự ngây thơ của đứa con là em. 

Kết thúc chuyến thăm, cả gia đình em còn tham quan nhiều địa điểm khác nữa, nhưng có lẽ Văn Miếu - Quốc Tử Giám, với hình ảnh Khuê Văn Các, bia Tiến Sĩ, đầu rùa là để lại trong em nhiều ấn tượng sâu sắc hơn cả. em mơ tưởng về một thời xa xưa nơi đây đã đến và đi biết bao nhiêu sĩ tử, đã vinh danh biết bao nhiêu tiến sĩ mà lòng bồi hồi không thôi.

Bài mẫu 3: Kể về một chuyến đi tham quan một di tích lịch sử em đã được tham gia (thành Cổ Loa).

Dàn bài

1. Mở bài: Giới thiệu khái quát về chuyến đi thăm di tích lịch sử: Đó là địa điểm nào?, Em đến vào thời gian nào? Trong dịp gì?

2. Thân bài:

  • Đây là lần đầu tiên cả lớp chúng em có một chuyến du lịch cùng nhau.
  • Sau hai tiếng chạy xe, cuối cùng chúng em đã đến được di tích thành Cổ Loa
  • Không gian của khu di tích thành Cổ Loa cũng cổ kính, trang nghiêm, mang màu sắc dân gian.
  • Trung tâm của di tích thành Cổ Loa chính là đền thờ An Dương Vương.
  • Bên cạnh đền thờ An Dương Vương là một am nhỏ thờ công chúa Mị Châu.
  • Bức tượng công chúa Mị Châu trong am thờ là một bức tượng không đầu.

3. Kết bài: Kết thúc chuyến tham quan, nêu cảm nhận, suy nghĩ của em về địa điểm đó. 

Bài văn

Kết thúc năm học với nhiều thành tích nổi bật, tập thể lớp 6A1 chúng em được cô giáo và hội phụ huynh tổ chức một chuyến đi tham quan di tích lịch sử, đây vừa là phần thưởng cho những nỗ lực, cố gắng trong năm học vừa qua mà đó còn là dịp để chúng em thêm hiểu biết về những truyền thống lịch sử quý giá của dân tộc. Là một chuyến đi chơi nhưng đồng thời cũng phục vụ thiết thực cho việc học của chúng em. Đó là chuyến đi thăm di tích lịch sử thành Cổ Loa.
Sau khi bàn bạc và thống nhất ý kiến, cô giáo chủ nhiệm và hội phụ huynh đã quyết định đưa chúng em đi tham quan di tích lịch sử thành Cổ Loa, nơi thờ vua An Dương Vương và công chúa Mị Châu. Đây là di tích lịch sử nổi tiếng của Việt Nam, chứa đựng nhiều câu chuyện về lịch sử, về bài học dựng nước, giữ nước của các vua Hùng. Chúng em đã biết về di tích thành Cổ Loa thông qua truyền thuyết về An Dương Vương, Mị Châu- Trọng Thủy, nhưng đây là lần đầu tiên chúng em được đặt chân đến địa danh lịch sử, địa danh của những câu chuyện lịch sử kì bí, hấp dẫn này.
Để bắt đầu chuyến tham quan, chúng em sẽ tập trung ở trường, sau đó sẽ được cô giáo chủ nhiệm và đại diện hội phụ huynh cùng thực hiện chuyến đi lí thú này. Vì di tích thành Cổ Loa khá xa trường học của chúng em, nên chúng em tập trung ở trường từ khá sớm, sáu giờ sáng bố mẹ chúng em sẽ đưa chúng em lên trường, sau đó ba mươi phút thì xe bắt đầu chuyển bánh. Đây là lần đầu tiên cả lớp chúng em có một chuyến du lịch cùng nhau, lại là chuyến đi về một địa danh lịch sử nổi tiếng như vậy nên chúng em đều vô cùng háo hức, chờ mong.
Sau hai tiếng chạy xe, cuối cùng chúng em đã đến được di tích thành Cổ Loa, đến đây, chúng em được cô hướng dẫn viên du lịch nồng nhiệt tiếp đón và hướng dẫn hành trình cũng như giới thiệu, thuyết minh về khu di tích thành Cổ Loa này. Khu di tích Thành Cổ Loa nằm ở huyện Đông Anh, ngoại thành của thủ đô Hà Nội. Đây là nơi diễn ra câu chuyện dựng nước, giữ nước của vua Thục Phán An Dương Vương và câu chuyện tình yêu bi thảm của công chúa Mị Châu và Phò mã người Trung Quốc, Trọng Thủy.
Không gian của khu di tích thành Cổ Loa cũng cổ kính, trang nghiêm, mang màu sắc dân gian như trong những câu chuyện cổ, những mái nhà ngói đỏ, những cây đa, cây đề lớn, có lẽ chúng cũng đã sống qua rất nhiều năm rồi, là nhân chứng cho những sự kiện lịch sử. Trung tâm của di tích thành Cổ Loa chính là đền thờ An Dương Vương, đây là điện thờ chính nên rất rộng lớn và trang nghiêm, dẫn vào đền thờ phải đi qua một khoảng sân rộng lớn, hai bên sân có trồng rất nhiều cây cổ thụ, em có cảm tưởng những cây cổ thụ như những người hiền thần luôn ở bên, trung nghĩa với vua An Dương Vương vậy.
Ngôi đền có mái cong hình đầu rồng vô cùng trang nghiêm, trong điện được trưng bày những câu đối lớn, có chữ Hán mà em không hiểu lắm, chính giữa của điện thờ là một bức tượng An Dương Vương uy nghi trong bộ hoàng bào, ngồi từ trên cao nhìn xuống, cảm xúc chung của chúng em khi vào điện thờ An Dương Vương chính là sự tôn kính, tự hào. Hai bên điện thờ là những bức tượng của những vị quan có công với dân, với nước, những người hiền thần có công giúp vua An Dương Vương dựng nước.
Bên cạnh đền thờ An Dương Vương là một am nhỏ thờ công chúa Mị Châu, công chúa Mị Châu là con gái của vua An Dương Vương, vì ngây thơ, cả tin mà Mị Châu có một kết thúc thật bi thảm. Bức tượng công chúa Mị Châu trong am thờ là một bức tượng không đầu, nó làm cho em nhớ lại sự việc công chúa Mị Châu bị vua cha trừng phạt khi nghe Rùa vàng kết tội, nhìn hình ảnh bức tượng không đầu khiến cho chúng em vô cùng xót xa cho người công chúa này. Nàng là một người ngây thơ, cả tin vì quá tin tưởng vào người chồng mà vô tình lộ bí mật quốc gia, dẫn đến mất nước. Theo em thì Mị Nương là một người đáng thương hơn đáng trách. Nhà thơ Tố Hữu cũng từng bày tỏ sự cảm thông đối với Mị Châu qua những vần thơ như sau:"Tôi kể ngày xưa chuyện Mị Châu Trái tim lầm chỗ để trên đầu Nỏ thần vô ý trao tay giặc Nên nỗi có đồ đắm bể sâu". Đằng sau truyền thuyết về An Dương Vương, Mị Châu - Trọng Thủy là bài học về giữ nước, nhưng ta đều cảm thông cho sự dại khờ, thủy chung của công chúa Mị Châu cùng cái chết đầy oan nghiệt của nàng.
Chuyến tham quan di tích thành Cổ Loa là một chuyến đi thực sự bổ ích và lí thú, chúng em biết nhiều hơn về những câu chuyện lịch sử, được tận mắt chứng kiến những nơi diễn ra câu chuyện lịch sử ấy, thông qua chuyến đi chúng em cũng thêm hiểu hơn về những bài học trên lớp, là cơ hội để chúng em mở mang sự hiểu biết.

Tìm kiếm google:

Xem thêm các môn học

Bài văn mẫu 6


Đia chỉ: Tòa nhà TH Office, 90 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại hỗ trợ: Fidutech - click vào đây
Chúng tôi trên Yotube
Cùng hệ thống: baivan.net - Kenhgiaovien.com - tech12h.com