Văn mẫu 11: Anh (chị) hãy trình bày suy nghĩ của mình về “bệnh vô cảm” trong xã hội hiện nay

Đề bài: Anh (chị) hãy trình bày suy nghĩ của mình về “bệnh vô cảm” trong xã hội hiện nay. Theo đó, Baivan gửi đến các bạn 3 dàn bài + bài văn mẫu để các bạn có thể tham khảo. Từ đó, giúp các bạn có những bài văn hay nhất cho riêng mình.

[toc:ul]

Dàn ý chung

1. Mở bài: Giới thiệu vấn đề cần nghị luận (bệnh vô cảm)

2. Thân bài: 

  • Giải thích khái niệm:
    • "Vô cảm" là không có cảm giác, không có tình cảm, không xúc động trước một sự vật, hiện tượng, một vấn đề gì đó trong đời sống… 
    • Bệnh vô cảm là căn bệnh của những người không có tình yêu thương, sống dửng dưng trước nỗi đau của con người, xã hội, nhân loại...
  • Thực trạng, biểu hiện của bệnh vô cảm
    • Thực trạng:
      • Căn bệnh này xuất hiện nhiều ở rất nhiều học sinh, thanh niên: những con người này sống ích kỉ, ham chơi, chỉ biết đòi hỏi, hưởng thụ không có trách nhiệm với gia đình, xã hội.
      • Thậm chí có học sinh tìm đến cái chết chỉ vì cha mẹ không đáp ứng các yêu cầu cá nhân của mình...
    • Biểu hiện:
      • Thờ ơ với buồn vui, sướng khổ, với những số phận của những người xung quanh mình…
      • Thờ ơ với những vấn đề xã hội dù lớn, dù nhỏ, các phong trào, các sự kiện…
      • Thờ ơ trước những vẻ đẹp thiên nhiên, của cuộc sống, của con người…
      • Thờ ơ với cái xấu, cái ác. Lên xe ô tô, thấy kẻ gian móc túi hoặc bọn côn đồ hành hung hành khách…
      • Thờ ơ với chính cuộc sống, tương lai của mình, “nước chảy bèo trôi”, đến đâu hay đến đó.
  • Nguyên nhân của bệnh vô cảm:
    • Do xã hội phát triển nhiều loại hình vui chơi giải trí
    • Do phụ huynh nuông chiều con cái...
    • Lối sống thực dụng của nền công nghiệp hiện đại.
    • Sự ích kỉ trong long người, sợ vạ lây, mất thời gian.
  • Hậu quả của bệnh vô cảm:
    • Ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách, phát triển của xã hội
    • Vô cảm nguy hiểm với cả chính người bệnh lẫn vả người xung quanh
    • Bệnh vô cảm nếu không được giáo dục, không được ngăn chặn sẽ là tác nhân làm “lệch chuẩn” hay “loạn chuẩn” đạo đức
  • Biện pháp giải quyết bệnh vô cảm:
    • Cải cách giáo dục một cách đúng đắn và hiệu quả
    • Sống yêu thương, quan tâm và vị tha cho nhau
    • Mở lòng với những người xung quanh.

3. Kết bài: Nêu cảm nghĩ của e về bệnh vô cảm

Bài mẫu 1: Anh (chị) hãy trình bày suy nghĩ của mình về “bệnh vô cảm” trong xã hội hiện nay

Văn mẫu 11: Anh (chị) hãy trình bày suy nghĩ của mình về “bệnh vô cảm” trong xã hội hiện nay

Bài văn

“Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng

Để làm gì, em biết không?

Để gió cuốn đi...”

Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã gửi gắm qua những nốt nhạc của mình một sợi chỉ đỏ để gắn kết con người với nhau. Đó chính là “tấm lòng” theo gió cuốn đi. Thế nhưng, thực trạng của xã hội hiện đại lại không đẹp như lời bài hát, bởi căn bệnh vô cảm đã và đang lan truyền một cách chóng mặt - một căn bệnh nguy hiểm mà ai trong số chúng ta cũng có thể mắc phải.

Yêu thương nhau mới khó, chứ xa cách nhau thì chẳng phải là chuyện quá dễ dàng sao? Vô cảm là trạng thái cảm xúc mang tính tiêu cực, là sự tuyệt đối của thờ ơ, lạnh lùng. Sự bình thản một cách đáng sợ của chúng ta trước mọi biến đổi của cuộc sống xung quanh đã tạo nên những bức tưởng kiên cố ngăn cách ta với thế giới. Benjamin Franklin đã nhắc tới những con người với căn bệnh vô cảm ấy qua câu nói “Có những người chết ở tuổi 25 và đến 75 tuổi mới được chôn”. Câu nói có khiến ai đó giật mình? Ta có ở trong đó không? Ta chết khi còn quá trẻ. Vì tâm hồn ta mục ruỗng, héo úa, tàn tạ. Lẽ sống của ta cũng không còn vì ta chưa bao giờ cho đi để nhận lại yêu thương. Yêu thương sẽ chỉ được nảy mầm khi nó được gieo xuống và được chăm sóc hàng ngày. Vô cảm chính là thứ thuốc độc giết chết tâm hồn của ta, khi chúng chưa kịp gieo xuống đất và lớn lên.

Xã hội càng hiện đại, lượng thông tin mà chúng ta nhận được từ nó lại càng nhiều. Nhưng đáng buồn thay, ngày qua ngày những thông tin ấy chỉ toàn là mặt tối của hiện đại, của phát triển. Ta rùng mình ớn lạnh khi nghe tin một đứa bé 12,13 tuổi dám thẳng tay giết hại người bà của mình chỉ vì vài chục nghìn thỏa mãn đam mê với những trò chơi ảo trên mạng. Người yêu cũ sẵn sàng giết hại cả nhà bạn gái chỉ vì sự ngăn cản từ phía gia đình. Bao nhiêu cái chết thương tâm, bao nhiêu mạng người vô tội chỉ vì những con quỷ dữ máu lạnh tồn tại trong tâm hồn và chỉ một phút lơ là, nó đã cướp đi phần lương thiện trong ta.

Còn đau đớn hơn khi ngày ngày trên mặt báo là những khuôn mặt ngây thơ vẫn còn đang ngồi trên ghế nhà trường đã sẵn sàng hành hung bạn bằng dao, bằng kiếm, bằng những trận ẩu đả đậm chất giang hồ chỉ vì bạn lỡ lời trên mạng xã hội hay vì nhắn tin vụng trộm với “bạn trai”, “bạn gái” của mình. Nhưng buồn hơn nữa là bạn bè đứng đó, không những không can ngăn, không tìm cách giúp bạn hòa giải mà lại cổ vũ, xúi bẩy, quay clip đăng lên mạng để nhận được những ánh nhìn mà đối với chúng là sự ngưỡng mộ, là sự nể phục. Điều gì đã khiến những cô cậu học trò áo trắng đơn thuần mang trong mình một tâm hồn hiếu chiến đến thế? Sẽ ra sao nếu các em vẫn cứ tiếp tục thờ ơ với chính mình, tiếp tục sống với những tháng ngày bồng bột, thiếu suy nghĩ, với sự vô cảm cứ lớn dần lên không cách nào kìm hãm lại được? Thật khó mà tưởng tưởng một đất nước với những con người lấy thách thức làm bản lĩnh, lấy chiến tích của những cuộc ẩu đả làm thước đo giá trị của con người, đất nước ấy không biết sẽ đi về đâu.

Ta quên làm sao được tiếng khóc nức nở, tiếng van xin đầy bất lực của anh tài xế trong vụ hôi bia ở Đồng Nai tháng 12/2013. Nhìn đôi mắt ngỡ ngàng, đôi tay run rẩy và sự níu kéo tuyệt vọng của anh ta có thấy nhói lòng? Người ta bỏ qua hết những âm thanh ấy, bước qua giá trị đạo đức thường ngày, đạp đổ lằn ranh của sự lương thiện mà bước chân sang bờ bên kia của cái ác. Đôi khi, ranh giới giữa thiện và ác cũng chỉ mong manh như một tấm màn mỏng. Vậy mà ta vẫn không đủ lý trí để xé toạc tấm màn mà sống với đúng lương tri của mình.

Tố Hữu đã từng viết:

“Có gì đẹp trên đời hơn thế

Người với người sống để yêu nhau...”

Lương thiện là bản tính vốn có của mỗi người. Mới sinh ra chúng ta có ai là người xấu? Nhưng dòng đời xuôi ngược bon chen với gánh nặng cơm áo gạo tiền khiến ta thay đổi, biến chất. Con người bị những thứ vật chất phù phiếm che mắt để rồi sa ngã, đánh mất chính mình. Tiền tài, danh lợi lại là thứ được xếp trước đạo đức và nhân cách con người. Sự tác động khách quan từ cuộc sống cũng chỉ là một phần nhưng quan trọng nhất vẫn là cá nhân mỗi chúng ta. Nếu chúng ta đủ lý trí và bản lĩnh đã không bị cám dỗ bởi những thứ phù hoa ấy. Hoặc giả như ta kiên định ngay từ đầu với quan điểm sống của riêng mình thì ta còn dễ bị lung lay bới những tác động trong chốc lát từ ngoại cảnh sao? 

Hệ lụy tất yếu của căn bệnh vô cảm là mọi sự kết nối trở nên màu mè, vô nghĩa. Con người sống với nhau bằng sự giả dối, hời hợt. Những mối quan hệ dần rạn nứt, mờ nhòe bởi ta thu mình lại trong vỏ ốc chật hẹp, chỉ đủ chỗ cho những toan tính nhỏ nhen và ích kỷ. Con người không còn rung động trước cái đẹp mong manh, khó nắm bắt của thiên nhiên như màu “trắng điểm” hoa lê trong Truyện Kiều vì họ chỉ đi lướt qua, chứ không dừng lại để cảm nhận. Con người cũng sẽ không yêu bằng sự cao thượng như Puskin, nồng nàn, mãnh liệt như Xuân Diệu, cũng chẳng phải là sự quê mùa chân thật như Nguyễn Bính nữa, thay vào đó là một tình yêu đầy thực dụng của tình - tiền - tài. Chao ôi! Xã hội bây giờ sao mà loạn quá!

Thế nhưng, ta vẫn hãy giữ niềm tin vào tình yêu và tấm lòng. Bởi đâu đó xung quanh ta vẫn có những người nguyện ươm những mầm lương thiện vào đất, ấp ủ nó từng ngày, từng giờ; nâng niu, chia sẻ từng miếng cơm, manh áo cho những người kém may mắn hơn ta. Cũng có thể chỉ là một lời an ủi, động viên rất nhỏ từ một người xa lạ lúc ta đang lạc đường, lỡ bước cũng đủ để kéo một tâm hồn lạc về lại với cuộc sống. Chỉ có yêu thương mới đủ sức đánh bại được bệnh vô cảm đang ăn sâu vào suy nghĩ những con người hiện đại. Mà yêu thương ở đâu được? Trong mỗi chúng ta vẫn luôn có một hạt mầm, chỉ cầm ươm cho nó lớn lên....

Bệnh vô cảm đang hủy hoại cộng đồng từng ngày và nó sẽ còn phát triển không ngừng nếu chúng ta vẫn ích kỷ, nhỏ nhen với suy nghĩ bó hẹp trong cái giếng của mình. Yêu thương và chia sẻ, dù nhỏ nhưng tôi tin nó vẫn sẽ đủ sức để lan truyền tới trái tim của tất cả mọi người. Giống như ở đâu đó trên Trái Đất này, Chí Phèo sẽ vẫn gặp Thị Nở ở một thời điểm nào đó trong cuộc đời mình....

Bài mẫu 2: Anh (chị) suy nghĩ như thế nào về căn bệnh vô cảm hiện nay trong xã hội

Văn mẫu 11: Anh (chị) hãy trình bày suy nghĩ của mình về “bệnh vô cảm” trong xã hội hiện nay

Bài văn

Xã hội đang ngày càng phát triển với tốc độ chóng mặt trên tất cả các lĩnh vực văn hóa, chính trị, kinh tế. Chính sự phát triển như vũ bão này lại là tác nhân khiến cho thái độ sống của con người với nhau trở nên xa lạ, không còn thân thiết. Bởi guồng quay cuộc sống kéo họ vào những bận rộn, hối hả đời thường. Và thái độ sống vô cảm, thờ ơ cũng từ đó mà hình thành nên.

Trước hết chúng ta cần hiểu rõ vô cảm là như thế nào? Và tại sao lại gọi vô cảm là “bệnh”. Người ta chỉ gọi bệnh ho, bệnh lao, bệnh ngoài da có thể dùng thuốc để chữa nhưng vô cảm cũng là một loại bệnh. Chắc hẳn có ý ẩn dụ gì đằng sau câu chữ đó. Vô cảm chính là thái độ sống lạnh nhạt, thờ ơ đối với cuộc sống, với những người ở xung quanh chúng ta. Bản thân chúng ta không quan tâm, không có trách nhiệm đối với chính bản thân mình và với người khác.

Hiện nay khi đất nước ngày càng phát triển thì vô cảm càng dễ dẫn đến thành một loại bệnh. Cần phải tìm “phương thuốc” để chữa trị, xích gần hơn nữa tình cảm giữa người với người, phương pháp ấy sẽ xóa bỏ được lối sống lãnh đạm, thờ ơ này ở con người trong xã hội này.

Căn bệnh vô cảm khi đã tồn tại trong con người thì sẽ ăn sâu, bám rễ không chịu buông. Mỗi người cần có cách thức, có phương pháp để hạn chế căn bệnh nguy hiểm có thể ăn mòn trái tim của mỗi người.

Bệnh vô cảm xuất hiện trong đời sống hiện đại ngày càng nhiều, đó chính là thái độ, cách ứng xử giữa người với người. Họ không còn thân thiết, hỏi thăm nhau đủ thứ chuyện mà đã trở nên vô cảm, lạnh lùng, thờ ơ, không còn quan tâm nhiều đến cuộc sống của nhau nữa.

Những người con xa nhà lâu ngày, bị cuốn vào guồng quay của công việc nên việc hỏi thăm cha mẹ thường xuyên cũng thưa dần. Rồi những lần gọi điện, những lần về thăm cứ cạn vơi theo năm tháng. Như thế chúng ta đang vô tình khiến cho trái tim mình, cho bản thân mình vô cảm với những người thân yêu nhât. Vô cảm thật đáng trách, đáng giận nhưng nếu chúng ta biết rút kinh nghiệm, biết sửa chữa, biết hỏi thăm cuộc sống của nhau thì thật đáng quý. Con người ai cũng có lỗi lầm, chỉ cần biết nhận sai và sửa sai.

Hiện nay, có rất nhiều tình huống dở khóc dở cười khi con người cứ lạnh nhạt, vô tâm với nhau. Mỗi người một hoàn cảnh, một cuộc sống; có người giàu sang, có người khốn khó, biết trách ai được.

Chiều nay khi đi trên phố, tôi thấy có một đôi vợ chồng trẻ đi trên chiếc xe Sh sang chảnh. Họ đi qua khu chợ ồn ào, náo nhiệt, cười nói rất vui vẻ. Họ bắt gặp một bà lão già mắt kèm nhèm dắt theo một đứa cháu nhỏ chân không đi dép mặc bộ quần áo rách rưới. Họ ngả chiếc nón trước mắt hai vợ chồng kia xin vài ba đồng. Nhưng hai bà cháu nhận lại là ánh mắt khinh khỉnh, không quan tâm. Hai vợ chồng ấy mang theo hương nước hoa thơm lừng, bỏ lại sau lưng thái độ lạnh lùng đến vô tâm. Như vậy đó, vô cảm chỉ là những biểu hiện nhỏ nhặt trong cuộc sống như vậy nhưng chúng ta đâu phải ai cũng có đủ tâm để nhận ra.

Con người ta sống ở trên đời cần phải yêu thương, chia sẻ cho nhau những lúc khốn khó. Thấy nỗi khổ của người khác như nỗi khổ của bản thân mình thì mới có thể giúp đỡ một cách thực tâm được. Cũng bởi vì thái độ sống thờ ơ, lạnh nhạt nên cuộc sống của họ thiếu đi tình yêu thực tâm nhất.

Đối với thế hệ trẻ thì thái độ sống vô cảm cần phải ngăn chặn trước. Vì tương lai đất nước cần những con người tài giỏi và biết sẻ chia, biết yêu thương đồng loại. Dù ở trong hoàn cảnh nào, chúng ta có thể dùng chính trái tim mình để sưởi ấm những trái tim khác đang đầy những vết xước hơn.

Vô cảm bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, từ sự phát triển quá nhanh của xã hội khiến cho con người không bắt kịp được. Cũng từ đó họ bị cuốn sâu vào sự bộn bề, lo toan mà quên mất đi tấm lòng yêu thương, sẻ chia với những người xung quanh mình.

Vô cảm có thể sẽ thành thói quen nếu như chúng ta không kịp ngăn chặn và từ bỏ. Bởi vậy, mỗi cá nhân cần phải tự nhận thức được suy nghĩ của bản thân mình. Rằng khi yêu thương và sẻ chia thương yêu thì chúng ta sẽ thấy bản thân mình sống có ích, sống tốt đẹp hơn.

Bài mẫu 3: Bệnh vô cảm- anh (chị) hãy trình bày suy nghĩ của mình trong xã hội hiện nay

Văn mẫu 11: Anh (chị) hãy trình bày suy nghĩ của mình về “bệnh vô cảm” trong xã hội hiện nay

Bài văn

Dưới sự phát triển vội vã của cuộc sống hiện đại, những vấn đề về con người và cuộc sống của con người trở thành trung tâm thu hút sự quan tâm của dư luận. Đặc biệt, “bệnh vô cảm” đã trở thành một trong những điểm nóng xã hội suốt nhiều năm qua.

Trước hết, chúng ta cần tìm hiểu: “bệnh vô cảm” là gì? Bệnh vô cảm là một trạng thái tinh thần mà ở đó, con người không nảy sinh cảm xúc đối với những sự vật, sự việc xung quanh mình. Họ hoàn toàn lạnh lùng, thờ ơ, không mảy may xúc động. Một số người gọi đây là hiện tượng “robot hóa” và thường xảy ra ở giới trẻ. Người ta gọi đây là một căn bệnh đáng sợ của xã hội, một cái chết từ trong tâm hồn. Ban đầu, nó chỉ là một hiện tượng nổi lên với một ít trường hợp cụ thể. Dần dà, nó trở nên lan rộng và âm thầm trở thành một căn bệnh của con người, của xã hội. Người sống vô cảm thu mình trong thế giới ích kỉ của cá nhân, ngại va chạm, sợ phiền toái, không xót thương cho những cảnh đời bất hạnh thậm chí còn tàn nhẫn gieo rắc khổ đau cho người khác.

Thực trạng căn bệnh vô cảm diễn ra vô cùng phức tạp trong xã hội. Hằng ngày, truyền thống đa phương tiện đưa tin chóng mặt những cuộc ẩu đá đánh nhau, những mâu thuẫn cá nhân được giải quyết bằng tay chân, những vụ bạo lực học đường xảy ra hàng loại, những đứa trẻ thờ ơ đối với chính gia đình của mình, những kẻ thấy người tai nạn chỉ đưa mắt trơ trơ…. Đó là muôn hình vạn trạng gương mặt của căn bệnh nơi tâm hồn kia. Dư luận ngày càng bàng hoàng, lo lắng trước hậu quả những khôn lường. Và đã có những trả giá nặng nề bằng cả tính mạng. Còn đáng buồn hơn khi những người ngoài cuộc còn tham gia vào bằng sự vô tâm, tiếp tay quay và đăng tải những clip kèm theo những lời bình luận hời hợt, khiếm nhã, đẩy các giá trị đạo đức ngàn xưa đi vào con đường băng hoại.

Có thể lấy một số minh chứng để thấy bệnh vô cảm đã trở thành báo động chung của xã hội, trở thành câu chuyện không của riêng ai. Một con số đã khiến mọi người phải bảng hoàng: Việt Nam xếp hạng 123/176 về chỉ số cảm nhận tham nhũng và đứng thứ 13 trong bảng xếp hạng những quốc gia mà người dân ít có cảm xúc nhất. Vụ “hôi của tập thể” của anh Vũ Trường Chính ở thành phố Hồ Chí Minh. Anh bị cướp lấy 50 triệu đồng trong lúc dừng xe đường đỏ và giằng co qua lại khiến túi tiền văng tung tóe ra khắp đường. Lúc đó, những kẻ qua đường đã lợi dụng cơ hội để nhặt tiền và bỏ chạy. Và những câu chuyện máu lạnh tương tự như vụ những người “hôi bia” (hơn 1400 két) ở Đồng Nai, bỏ mặc những lời van nài thảm thương của tài xế. Một ví dụ khác để thấy sự vô cảm chẳng những xảy ra chẳng những nơi đầu ngõ, ngoài đường mà đã ăn sâu vào những mối quan hệ gần gũi hằng ngày, đó là những câu chuyện bạo lực học đường đã gây ra biết bao phẫn nộ. Kẻ trong cuộc đôi khi chỉ vì lời một xích mích nhỏ mà xử nhau ra vẻ đàn chị, đàn anh. Người bên ngoài thản nhiên quan sát, quay clip đăng tải lên mạng xã hội để câu like, câu view.

Tất nhiên, thực trạng đau lòng trên đã dẫn tới những hậu quả, những hệ lụy đầy đau thương, mất mát. Mối quan hệ giữa con người và con người ngày càng trở nên lỏng lẻo, rời rạc. Những câu ca dao, tục ngữ răn dạy như “thương người như thể thương thân” ngày càng trở nên xa rời với xã hội. Căn bệnh vô cảm khiến họ sẵn sàng làm ngơ hay quay lưng với những bất hạnh, mất mát đang hiển hiện trước mắt mình. Những hành vi tư lợi cá nhân ngày càng nhiều, lối sống ích kỉ ngày càng được vun vén tốt tươi. Đã có biết bao lời lên án nhưng tất cả dường như còn quá yếu ớt. Những quan hệ đổ vỡ thậm chí là những cái chết đã gây ra biết bao nhiêu phẫn nộ và lấy đi biết bao nhiêu nước mắt của những người yêu thương mình.

Vậy, nguyên nhân nào đã gây ra căn bệnh vô cảm trên? Có hai yếu tố: chủ quan và khách quan, nhưng ở đây, yếu tố khách quan gây tác động chủ đạo. Sự phát triển không ngừng của khoa học, công nghệ cùng với những áp lực về cơm, áo, gạo, tiền trong thời buổi kinh tế thị trường đã làm cho người trở nên ích kỉ, thờ ơ, vô cảm, chỉ biết chăm chút cho chính mình. Cộng với đó, thái độ tương tự “không nghe, không thấy, không biết của những người xung quanh càng đẩy vấn đề càng trở nên trầm trọng, bế tắc hơn.

Đã có nhiều giải pháp được đề xuất và thực hiện. Trước nhất, cần sự tham gia mạnh mẽ của truyền thông để có thể chuyển tải từng câu chuyện thương tâm đã xảy ra đến từng người. Lời khuyên, lời cảnh báo từ những chuyên gia tâm lí hi vọng sẽ khiến mọi người có thể mở rộng lòng mình để giao hòa với xã hội, sống từng phút từng giây với những sự kiện nóng hỏi bên ngoài. Bên cạnh đó, nhân tố gia đình vô cùng quan trọng. Sự quan tâm lo lắng và răn dạy của phụ huynh sẽ góp phần không nhỏ vào việc hình thành nhân cách, tình cảm của mỗi con người.

Tóm lại, câu chuyện căn bệnh vô cảm sẽ là câu chuyện dài chưa biết đến khi nào có thể chấm dứt nhưng tôi tin, những hành động nho nhỏ của mỗi cá nhân sẽ góp phần cải thiện mạnh mẽ cả một cộng đồng. Trước những thực trạng, hậu quả, nguyên nhân nêu trên, mỗi con người cần xây dựng sự ý thức cho mình. Và có thể, hãy lan truyền sự sẻ chia, yêu thương để cái chết từ trong tâm hồn kia mãi mãi lui vào quá khứ.

Bài mẫu 4: Hãy phát biểu suy nghĩ của anh (chị) về căn bệnh vô cảm trong xã hội hiện nay

Văn mẫu 11: Anh (chị) hãy trình bày suy nghĩ của mình về “bệnh vô cảm” trong xã hội hiện nay

Bài văn

Trong đời sống đang phát triển mạnh mẽ về công nghệ, máy móc, con người có thể kiếm được nhiều tiền hơn, giàu có hơn, nhưng có một thứ dường như có biểu hiện vơi đi, đó là sự quan tâm giữa người với người? Cuộc sống công nghiệp với những tất bật và tốc độ vận động quá nhanh khiến người ta hẫng hụt đến mức ít quan tâm đến nhau hơn. Phải chăng những tất bật ấy là nguyên nhân khiến "bệnh vô cảm" có cơ hội lan rộng?

Vô cảm là một căn bệnh hiện không có trong danh sách của ngành y học, nhưng nó đã ảnh hưởng rất lớn đối với đời sống con người. Vậy "bệnh vô cảm" là gì? Vô là không, cảm là tình cảm, cảm xúc. Vô cảm là trạng thái con người không có tình cảm. Sống khép mình lại, thờ ơ lạnh nhạt với tất cả mọi việc xung quanh. Trong nhịp sống hiện đại ngày nay, một sô" người chỉ lo vun vén cho đời sống cá nhân và quay lưng lại với eộng đồng xã hội. Một số người tự làm mình trở nên xa lánh, không quan tâm đến ai, không biết đến niềm vui nỗi buồn của người khác. Đó là "bệnh vô cảm". Chỉ lo chạy theo giá trị vật chất, đôi khi con người ta đã vô tình đánh mất đi vẻ đẹp đích thực của tâm hồn. Cuộc sống dù có sung túc hơn, giàu sang hơn, nhưng khi con người không biết quan tâm yêu thương nhau, thì đó vẫn không được xem là cuộc sống trọn vẹn được. Ngại giúp đỡ những người gặp khó khăn hoạn nạn, cuộc sống của chúng ta dần đi ngược lại với truyền thống đạo đức tốt đẹp của nhân dân từ xưa "Lá lành đùm lá rách".

Ngày nay, một số người chi biết sống và nghĩ cho riêng mình. Như khi thấy bao người hành khất bên đường, họ không giúp đỡ, thậm chí còn khinh miệt, dè bỉu chế nhạo trước nỗi bất hạnh của những mảnh đời đáng thương đó. Và cũng như bao tệ nạn, bao việc xấu xa cướp giật giữa đời thường vẫn xảy ra hằng ngày đấy thôi, nhưng không, ai dám can ngăn. Vì sao? Vì sao con người lại vô cảm như vậy? Phải chăng cũng vì họ sợ, sợ sẽ gặp rắc rối liên lụy, cho nên không dại gì lo nghĩ đến chuyện của người khác. Nhưng đó không là "chuyện của người khác", đó chính là những vấn đề chung của xã hội. Sao con người lại có thể quay lưng lại với chính cộng đồng mình đang sống được kia chứ! Và không chỉ dừng lại ở một vài cá nhân, bộ phận nhà nước cũng có lối sống ích kỉ như vậy. Một vài cơ quan giàu sang luôn tìm cách bóc lột người dân, như về việc chiếm đất đai, tài sản... Rồi sau đó, họ ngoảnh mặt đi một cách lạnh lùng, bỏ lại sau lưng những mảnh đời khốn khổ cùng bao giọt nước mắt hờn trách cuộc đời không thể sẻ chia cùng ai. Đó không phải là biểu hiện của "bệnh vô cảm" hay sao!

Nếu cứ mãi tiếp tục như vậy, cuộc sống này sẽ mất hết tình thương, mất hết niềm cảm thông san sả, mất đi cả truyền thống đạo đức quý báu ngày xưa. Sẽ không còn là "một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ nữa", mà chỉ còn lại sự lạnh nhạt, sự thờ ơ vô cảm. "Tình thương là hạnh phúc của con người", liệu cuộc sống này có còn ý nghĩa nữa hay không nếu con người cứ tự khép mình lại và chỉ biết sống cho bản thân? Liệu bạn có cảm thấy hạnh phúc nếu xung quanh mình chỉ toàn là giọt nước mắt cùng với nỗi bất hạnh của bao người? Thomas Merton đã từng nói: "Nếu chúng ta chỉ biết tìm hạnh phúc cho riêng mình thì có thể chúng ta sẽ chẳng bao giờ tìm thấy. Hạnh phúc đích thực là biết sổng vì người khác". Bạn giàu sang ư? Bạn thành công ư? Nhưng khi đã trở nên vô cảm, bạn chỉ thấy mỗi bản thân mình mà thôi. Sự giàu sang, sự thành công như vậy có mang lại hạnh phúc cho bạn không khi bạn chỉ sống một mình, hay đúng hơn là bạn tự tách mình ra khỏi cộng đồng, sống không sẻ chia.

Sống đôi khi đơn giản là học cách yêu thương. Hãy thử một lần trải lòng mình ra dù chỉ là chút ít ỏi. Bởi vì, khổ đau được san sẻ sẽ vơi đi một nửa, còn hạnh phúc được san sẻ sẽ nhân đôi. Hãy thử nghĩ xem, cụ già trên đường kia sẽ có thể qua đường nếu bạn chịu bỏ chút ít thời gian dừng xe lại và dắt cụ qua. Em bé sẽ không lạc giữa chợ nếu bạn chịu bỏ chút ít thời gian đưa em về phường công an tìm mẹ... Mỗi ngày đến trường, bạn có thể dành dụm một chút ít tiền cho quỹ "Vì người nghèo". Nhiều, rất nhiều những việc bạn có thể làm nếu bạn chịu bỏ "chút ít". Những đóng góp của bạn đôi khi rất nhỏ nhặt nhưng quan trọng hơn hết, đó là tình thương, là sự quan tâm chia sẻ, là cả một tấm lòng. Hãy làm những gì có thể để giúp cho nỗi đau của bao người được vơi đi. Sự trao đi yêu thương đôi khi cũng là điều mang lại hạnh phúc. Phải nói rằng, xã hội càng văn minh, thì con người đối xử với nhau nhân ái hơn, văn minh hơn. Tuy nhiên, vẫn tồn tại đâu đó lối sống thực dụng, ích kỉ là làm tổn thương đến truyền thống "nhiều điều phủ lấy giá gương" của dân tộc ta. Vì vậy, chúng ta không nên nói đời sống công nghiệp đã làm nảy sinh 'bệnh vô cảm", mà căn bệnh ấy xuất phát từ việc giáo dục con em và công dân chúng ta chưa thật nghiêm túc. Thật khó tìm nguyên nhân đầy đủ, nên xin trao câu hỏi này cho các nhà giáo dục và xă hội học, tâm lí học,...

Trong ca khúc "Mưa hồng", cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng viết: "Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ". Vâng, đừng sốhg quá vội vã! Đừng để dòng đời hối hả có thể cuốn bạn đi! Đừng quay lưng lại với tất cả! Đừng để dòng màu đỏ chảy trong con người bạn trở nên lạnh đen. Đừng để một khi nào đó dừng lại, bạn chợt nhận ra mình đã vô tình đánh mất quá nhiều thứ! Hãy nuôi dưỡng lòng nhân ái, tình thương của mình cùng mọi người đẩy lùi "căn bệnh vô cảm" kia. Và cũng bởi vì: ngày mai có thể sẽ không bao giờ đến nên hãy cho và nhận những gì bạn có trong ngày hôm nay.

Tìm kiếm google:

Xem thêm các môn học

Bài văn mẫu 11


Đia chỉ: Tòa nhà TH Office, 90 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại hỗ trợ: Fidutech - click vào đây
Chúng tôi trên Yotube
Cùng hệ thống: baivan.net - Kenhgiaovien.com - tech12h.com