1. Vị trí địa lí
Địa đạo được xây dựng ở huyện Củ Chi, cách trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 70 km về phía tây bắc.
Địa đạo Củ Chi là một hệ thống đường hầm dài khoảng 250 km toả rộng như mạng nhện trong lòng đất. Hiện nay, di tích Địa đạo Củ Chi được bảo tồn ở hai địa điểm:
Địa đạo Bến Dược thuộc xã Phú Mỹ Hưng.
Địa đạo Bến Đình thuộc xã Nhuận Đức.
2. Một số công trình tiêu biểu của Địa đạo Củ Chi
Địa đạo Củ Chi gồm hệ thống công sự ngầm, hầm bí mật được ngụy trang rất sâu và kín đáo dưới lòng đất, trong rừng rậm. Phía trên địa đạo được bố trí dày đặc mìn và các hầm chông, cạm bẫy. Dưới lòng đất là cả một hệ thống phòng thủ với các công trình tiêu biểu như: hầm giải phẫu, bếp Hoàng Cầm, khu hầm xưởng chế tạo vũ khí, bệ bắn,....
Bệnh viện dã chiến nằm ở tầng cuối cùng trong lòng địa đạo.
Bếp Hoàng Cầm được sử dụng phổ biến trong địa đạo, nằm ở tầng trên cùng, cách mặt đất khoảng 3 m.
3. Huyền thoại dưới lòng đất
Đào hầm
Để đào được địa đạo, đầu tiên phải đào một giếng với đường kính 0,6 m, sâu 3 m. Sau đó lại dùng cuốc tay tiếp tục khoét sâu từ đáy giếng, tạo đường hầm đủ rộng để người đi được dưới lòng đất. Cứ cách 16 m lại tạo một giếng. Chỉ trong thời gian 2 năm, quân dân Củ Chi đã đào được 250km địa đạo.
Đập tan trận càn "Bóc vỏ Trái Đất"
Đầu năm 1967, quân Mỹ thực hiện trận càn quét mang tên “Bóc vỏ Trái Đất" với mục đích phá hệ thống Địa đạo Củ Chi. Quân Mỹ đã huy động hàng chục chiếc xe tăng, xe ủi với công suất lớn, cày xới mặt đất liên tục để tìm ra vị trí các nắp hầm. Quân Mỹ còn tuyển chọn một đội quân “chuột cống" gồm 600 lính công binh “nhỏ người" thực hiện nhiệm vụ phá hệ thống địa đạo.
Quân Mỹ đi tới đâu cũng bị các chiến sĩ từ các ụ chiến đấu và giao thông hào đánh trả bằng mọi hình thức, mọi thứ vũ khí. Trong trận đánh này, quân dân Củ Chi đã bám trụ kiên cường, chiến đấu dũng cảm, đẩy lùi cuộc càn quét của quân Mỹ.