[toc:ul]
1. Tác giả
- Nguyễn Đình Thi (1924 – 2003) quê ở Hà Nội, là nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình văn học, nhạc sĩ
- Thơ ông tự do, phóng khoáng, đồng thời cũng hàm súc, giàu chất suy tư, dạt dào cảm hứng yêu nước. Hình tượng xuyên suốt trong thơ Nguyễn Đình Thi là đất nước Việt Nam đau thương và quật khởi, con người gian lao và anh dũng
- Một số tác phẩm tiêu biểu: Diệt phát xít (1945), Người Hà Nội (1947), Đất nước (1955), ...
2. Tác phẩm
Lá đỏ được sáng tác vào 12/1974- thời điểm cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ bước vào giai đoạn cuối, toàn quân và dân ta đang dồn sức cho tiền tuyến
a. Đặc điểm về thể thơ
- Số tiếng trong một dòng: tự do, linh hoạt, dòng sáu tiếng, dòng bảy tiếng. Bốn khổ, số dòng linh hoạt trong mỗi khổ
- Vần thơ: hai khổ đầu gieo vần chân (gió – đỏ, hương – trường), hai khổ cuối không gieo vần
- Về nhịp thơ:
Gặp em/ trên cao/ lộng gió
Rừng lạ/ ào ào/ lá đỏ
Em đứng bên đường/
như quê hương
Vai áo bạc/ quàng súng trường
Đoàn quân/ vẫn đi/ vội vã
Bụi Trường Sơn/ nhòa trời lửa
Chào em/ em gái tiền phương
Hẹn gặp nhé/ giữa Sài Gòn..
+ Nhịp thơ không tuân theo một quy tắc nhất định, dòng ngắt nhịp 2/2/2, dòng ngắt nhịp 4/3, dòng ngắt nhịp 3/3,... Nhịp thơ linh hoạt, phù hợp với cảm xúc của nhà thơ cũng như đối tượng miêu tả.
=> Hình thức bài thơ tự do, không bị gò bó vào các quy định về số tiếng trong một dòng, vần, nhịp,... do đó đã miêu tả (dù chỉ vài nét chấm phá) hết sức sinh động hình ảnh Trường Sơn những năm khói lửa, hình ảnh đoàn quân ra trận, hình ảnh người “em gái tiền phương” cũng như niềm xúc động sâu xa, niềm tin và hi vọng của nhà thơ vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến.
b. Mạch cảm xúc
Bài thơ có thể chia làm 2 phần: phần 1 (4 dòng thơ đầu): Cuộc gặp gỡ trên đỉnh Trường Sơn và phần 2 (còn lại): Cuộc chia tay trên đỉnh Trường Sơn
- Mạch cảm xúc xuyên suốt bài thơ là tình yêu quê hương, đất nước. Cảm xúc ấy vận động qua các cung bậc:
+ Mến thương người em gái nhỏ – hình bóng quê hương - mà người lính tình cờ gặp gỡ trên tuyến đường Trường Sơn.
+ Yêu mến, tự hào về những người anh hùng chưa biết tên làm nên chiến thắng vĩ đại; biết ơn những cống hiến, hi sinh lớn lao, thầm lặng của hàng triệu người con cho Tổ quốc,...
+ Niềm tin mãnh liệt vào chiến thắng cuối cùng của cuộc kháng chiến.
c. Cảm hứng chủ đạo
Cảm hứng chủ đạo trong bài thơ Lá đỏ là tinh thần chiến đấu anh dũng và lạc quan, niềm tin vào ngày mai thắng lợi. Ngoai ra bài thơ còn ca ngợi tinh thần yêu nước, những đóng góp lớn lao của những người anh hùng chưa biết tên để tạo nên sức mạnh dân tộc, góp phần làm nên chiến thắng trong những cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm
1. Cuộc gặp gỡ trên đỉnh Trường Sơn
- Cuộc gặp gỡ diễn ra trên đỉnh Trường Sơn “lộng gió”, “rừng lạ ào ào lá đỏ”, “bụi Trường Sơn nhoà trời lửa.
- Các hình ảnh vẽ lên khung cảnh rừng Trường Sơn khoáng đạt, gợi ấn tượng vừa lãng mạn vừa hào hùng, dữ dội với những vẻ đẹp lạ lùng của rừng lá đỏ, những trận mưa lá đổ ào ào như trút trong gió lộng trên những đỉnh núi cao giữa mùa thu của đại ngàn Trường Sơn, lửa bụi chiến tranh bay nhoà trời,... Tất cả gợi lên một khung cảnh Trường Sơn trong những năm tháng không thể nào quên. Đó là thời điểm cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ bước vào giai đoạn khốc liệt, lúc toàn quân và dân ta đang dồn sức cho tiền tuyến, quyết tâm thống nhất đất nước.
-> Nhận xét về không gian gặp gỡ: Đó là một nơi đẹp đẽ, thoáng đãng, đứng từ trên cao nguyên lộng gió ta cảm nhận được một khoảng không vô tận, bao la. Và thể hiện trước không gian đó là hình ảnh rừng lá đỏ ào ào, bay trong gió. Giữa khung cảnh bầu trời xanh mát mẻ, nổi bật lên là hình ảnh là đỏ, màu lá đỏ như tô điểm thêm cho bầu trời Trường Sơn giữa lúc khói lửa mịt mù, do bom đạn thả xuống đất Trường Sơn. Không gian này đã giúp em hiểu thêm được con đường kháng chiến vô cùng nguy hiểm và gian nan.
- Hình ảnh “em gái tiền phương” hiện lên qua những chi tiết: Em đứng bên đường như quê hương; Vai áo bạc quàng súng trường. Hình ảnh “vai áo bạc” đã gợi ra biết bao tháng ngày mưa dầm nắng lửa ở núi rừng. Thế nhưng, những người con gái mảnh mai ấy vẫn vượt qua tất cả để có mặt chính tại đây, với súng trường quàng trên vai.-> gợi cảm giác vừa thân thương, dịu dàng, gần gũi, giản dị; vừa kiên cường, dũng cảm, vững vàng khi làm nhiệm vụ.
– Hình ảnh “em gái tiền phương” được so sánh “như quê hương” trở thành biểu tượng của quê hương, đất nước.
– “Em gái tiền phương” là một cô thanh niên xung phong. Hình ảnh ấy biểu tượng cho cuộc chiến tranh nhân dân – “em gái tiền phương”, nữ chiến sĩ giao liên hay cô gái thanh niên xung phong. Sự có mặt của cô gái trên tuyến đường Trường Sơn nơi tuyến đầu Tổ quốc đã nhắc thế hệ mai sau về cuộc chiến đấu toàn dân tham gia, trong đó có sự đóng góp của những người con gái trẻ trung, xinh đẹp nhưng vô cùng dũng cảm, gan dạ
2. Cuộc chia tay trên đỉnh Trường Sơn
- Hình ảnh đoàn quân trên đường ra tiền tuyến trong bài thơ được miêu tả qua hai câu thơ: “Đoàn quân vẫn đi vội vã/ Bụi Trường Sơn nhoà trời lửa”. Hình ảnh “Đoàn quân vẫn đi vội vã” gợi lên không khí hành quân hào hùng, thần tốc trong khung cảnh “Bụi Trường Sơn nhoà trời lửa”. Hình ảnh đoàn quân đi vội vã cũng là biểu tượng kết tinh của tinh thần, ý chí, khát vọng chiến thắng, khát vọng độc lập, thống nhất của cả dân tộc.
- Từ láy vội vã trong câu thơ “Đoàn quân vẫn đi vội vã” đã làm nổi bật tinh thần khẩn trương, tranh thủ từng phút giây hành quân ra tiền tuyến cho kịp bước vào trận chiến cuối cùng; bất chấp gian khổ, hiểm nguy.
- Hình ảnh “Bụi Trường Sơn nhòa trời lửa” gợi cho em về sự khắc nghiệt và gian lao của chiến tranh.
=> Hình ảnh đoàn quân đứng trước nguy hiểm nhưng những đôi chân vẫn mạnh mẽ, vững chãi bước đi trên con đường để tiến về phía trước khung cảnh không một chút buồn hay lo lắng mà vô cùng lạc quan và yêu đời.
- Có thể coi bài thơ “Lá đỏ” như là dự cảm về một Việt Nam chiến thắng vì hai câu đó đã thể hiện một lời chào hẹn gặp lại Sài Gòn - nơi mà đoàn quân ta đang tiến về để giải phóng. Niềm tin này có căn cứ, dựa trên cơ sở thực tế: đó là sự đồng lòng quyết tâm dồn sức mạnh toàn dân, toàn quân vào cuộc chiến. Đồng thời, đây cũng là sức mạnh của cả dân tộc bước tiếp trên những chặng đường cuối cùng của cuộc kháng chiến trường kì, gian khổ và đi đến thắng lợi vĩ đại, mang lại độc lập, tự do, hoà bình cho đất nước
1. Đặc sắc bố cục thể loại
- Tuân thủ theo đúng luật thơ tự do
2. Ngôn ngữ
- Ngôn ngữ cô đọng, giản dị và giàu sức biểu cảm.
- Các chi tiết, hình ảnh được sử dụng mang tính tiêu biểu, chân thực