[toc:ul]
1. Thơ tự do
- Thơ tự do là thể thơ không quy định số tiếng trong mỗi dòng thơ và số dòng trong mỗi khổ thơ
- Thơ tự do có thể có vần hoặc không vần. Khi có vần, cách gieo nhịp trong bài thơ tự do rất linh hoạt. Nhịp điệu của thơ tự do được tạo nên bởi cách ngắt các vế trong dòng thơ, số tiếng của từng dòng, cách bố trí thanh điệu hoặc vần ở các tiếng được nhấn mạnh trong dòng thơ
- Tính chất phóng khoáng về hình thức giúp thơ tự do có thể diễn tả sinh động cảm xúc của nhà thơ trước những biểu hiện mới mẻ, đa dạng, phong phú của cuộc sống
2. Mạch cảm xúc
Thơ trữ tình thể hiện cảm xúc của nhà thơ trước một đối tượng nào đó. Vì vậy, cảm xúc là yếu tố đầu tiên, quan trọng nhất của thơ trữ tình. Cảm xúc vận động theo trình tự và phát triển thành mạch. Mạch cảm xúc có nhiều cung bậc và sắc thái, chi phối các yếu tố nội dung và hình thức của một bài thơ trữ tình
3. Cảm hứng chủ đạo
Cảm hứng chủ đạo của một tác phẩm văn học là tình cảm sâu sắc, mãnh liệt chi phối toàn bộ cách thể hiện đời sống, con người và sự lựa chọn hình thức nghệ thuật trong tác phẩm
*VĂN BẢN:
1. Tác giả
- Chính Hữu (1926 – 2007) quê ở Hà Tĩnh, từng tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ
- Đề tài chủ yếu trong thơ ông là người lính và chiến tranh. Trong thơ ông, người lính hiện lên giản dị, mộc mạc với tình yêu quê hương, đất nước, đồng đội chân thành và sâu nặng
- Một số tác phẩm chính: Đầu súng trăng treo (1966), Tuyển tập Chính Hữu (1998), ...
2. Tác phẩm
Đồng chí được sáng tác sau khi tác giả tham gia chiến dịch Việt Bắc Thu đánh bại cuộc tiến công quy mô lớn của giặc Pháp lên chiến khu Việt Bắc
1. Đặc điểm về thể thơ, mạch cảm xúc và cảm hứng chủ đạo của bài thơ Đồng chí
a. Đặc điểm về thể thơ
- Số tiếng trong một dòng: không bằng nhau giữa các dòng, có dòng bảy tiếng, có dòng tám tiếng, có dòng sáu tiếng, bốn tiếng, ba tiếng, hai tiếng.
- Số dòng trong mỗi khổ: không đều nhau, phù hợp với nội dung cảm xúc.
- Bài thơ gieo vần chân, vần liền: đá – lạ, nhau – đầu, kỉ – chí, cày – lay, vá – giá, giày – tay,... ; vần chân phối hợp với vần lưng (vai – vài);...
- Nhịp thơ: Các dòng trong bài thơ ngắt nhịp linh hoạt, có dòng nhịp 3/4 (Quê hương anh/ nước mặn đồng chua), có dòng nhịp 4/4 (Đêm rét chung chăn/ thành đôi tri kỉ), có dòng nhịp 2/2 (Áo anh/ rách vai), nhịp 2/4 (Quần tôi/ có vài mảnh vá), nhịp 4/3 (Đứng cạnh bên
nhau/ chờ giặc tới),...
- Hình thức thơ tự do phóng khoáng, ngắt nhịp linh hoạt giúp nhà thơ thể hiện tinh tế nhiều sắc thái cảm xúc.
b. Mạch cảm xúc
Để xác định được mạch cảm xúc của bài thơ, trước hết ta sẽ xác định bố cục của văn bản:
- Phần 1 gồm bảy dòng thơ đầu
- Phần 2 bao gồm số dòng còn lại.
Toàn bộ bài thơ là cảm xúc của nhà thơ trước tình đồng chí, đồng đội giữa những người lính. Cảm xúc ấy bắt đầu từ những suy tư về cơ sở hình thành tình đồng chí đồng đội, phát triển thành niềm xúc động trước những biểu hiện và sức mạnh của tình đồng chí, đồng đội.
c. Cảm hứng chủ đạo
Ngợi ca tình đồng đội, đồng chí, tinh thần yêu nước, dũng cảm vượt lên mọi thiếu thốn, gian khổ, hiểm nguy của những người lính là cảm hứng chủ đạo của bài thơ
2. Khởi nguồn của tình đồng chí
- Các cụm từ nước mặn đồng chua, đất cày lên sỏi đá gợi lên những vùng quê thiên nhiên khắc nghiệt, đất đai cằn cỗi, khó canh tác nên cuộc sống của con người khó khăn, vất vả, lam lũ
- Nhận xét về cách dùng từ ngữ, hình ảnh biểu tượng gắn với các nhân vật anh và tôi qua sáu dòng thơ đầu:
+ Dòng 1 và 2: cụm từ quê hương anh xuất hiện ở dòng 1, cụm từ làng tôi xuất hiện ở dòng 2 gợi sự xa cách về không gian địa lí giữa hai miền quê của hai người lính.
+ Dòng 3 và 4: Từ anh và tôi đã được đặt gần nhau hơn (xuất hiện trong cùng một dòng thơ), nhưng họ vẫn là những người xa lạ đến từ những phương trời khác nhau.
+ Dòng 5: Biện pháp tu từ điệp ngữ đã tạo nên hình ảnh sóng đôi Súng bên súng, đầu sát bên đầu. Đây là câu thơ tả thực và nó đã gợi lên tư thế của người lính trong đêm phục kích. Họ luôn sát cánh bên nhau trong mọi khó khăn, nguy hiểm. Các cặp câu đã được tác giả sử dụng biện pháp tu từ điệp ngữ như “Súng bên súng” là chung nhiệm vụ, chung hành động; “đầu sát bên đầu” là chung chí hướng, chung lí tưởng. Chính Hữu đã dùng các từ “sát, bên” gợi sự chia sẻ của người lính, ý hợp tâm giao. Có thể nói, đây chính là biểu tượng đẹp cho tình đồng chí của những người lính đang kề vai sát cánh bên nhau cùng sẵn sàng chiến đấu.
+ Dòng 6: Chi tiết đêm rét chung chăn cho thấy một thực tế mà những người lính phải trải qua, đó là sự thiếu thốn về vật chất. Tuy nhiên, đó lại là chất keo gắn kết những người lính. Việc đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi để hoàn thành tốt nhiệm vụ đã khiến họ trở thành những người bạn thân thiết, thấu hiểu lẫn nhau.
- Qua sáu dòng thơ đầu, tác giả đã lí giải về khởi nguồn của tình đồng chí giữa những người lính: Từ những người xa lạ cùng cảnh ngộ ở những miền quê nghèo khác nhau, họ tập hợp trong cùng một đội ngũ để thực hiện lí tưởng cao cả là chiến đấu giành độc lập cho đất nước. Trong gian lao, họ cùng nhau chia sẻ những khó khăn, gian khổ và vì thế họ dần thấu hiểu, cảm thông lẫn nhau, trở thành tri kỉ của nhau.
- Dòng thơ thứ bảy đặc biệt ở chỗ chỉ có 2 tiếng: Đồng chí và dấu (!). Cấu trúc câu thơ đặc biệt đứng giữa bài thơ như một cái lưng ông thắt lại tạo ra một kết cấu lạ, kết cấu hình bó mạ, Nó có vai trò như một bản lể khép lại nội dung cảm xúc ở sáu câu thơ đầu – cội nguồn của tình đồng chí – đồng thời mở ra nội dung cảm xúc ở các câu thơ còn lại – những biểu hiện của tình đồng chí, đồng đội. Hai tiếng “đồng chí” vang lên kết hợp với dấu chấm than là tiếng gọi chan chứa tình cảm yêu thương của những người lính dành cho nhau.
=> Ở bảy câu thơ đầu, tác giả đã lí giải khởi nguồn của tình đồng chí. Tình đồng chí là kết tinh tình cảm giữa những người lính: đồng cảnh + đồng ngũ + đồng cảm – đồng chí. Đây là một tình cảm thiêng liêng, gắn bó giữa những con người cùng chung một chiến hào, nhiệm vụ
3. Những biểu hiện của tình đồng chí
– Ruộng nương anh gửi bạn thân cày/ Gian nhà không, mặc kệ gió lung lay:
+ Lối nói khẩu ngữ mặc kệ có tác dụng nhấn mạnh tinh thần quyết tâm ra đi của người lính. Anh sẵn sàng gửi lại những tài sản quý giá nhất của người nông dân là ruộng nương, là gian nhà tranh đơn sơ để lên đường ra mặt trận.
+ Cụm từ gian nhà không, từ láy lung lay miêu tả rõ hơn cuộc sống thiếu thốn, khó khăn của người lính. Chí lớn của người lính phảng phất tinh thần của những chiến sĩ quyết ra đi vì chí lớn
-> Tình đồng chí trước hết biểu hiện ở sự cảm thông sâu sắc những tâm tư, nỗi niềm của nhau. Người lính hiểu đồng đội của mình đi chiến đấu để lại sau lưng những gì yêu quý nhất của quê hương. Dù dứt khoát ra đi nhưng thẳm sâu trong lòng họ là nỗi nhớ quê hương
da diết. Ở ngoài mặt trận, họ vẫn xót xa hình dung thấy gian nhà lung lay trong cơn gió mạnh nơi quê nhà xa xôi, cảm nhận được tình thương, nỗi nhớ của người thân.
- Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính: cách diễn tả tình cảm của con người một cách gián tiếp, kín đáo qua các sự vật trong những mô típ rất quen thuộc về làng quê của ca dao: “giếng nước gốc đa”. Câu thơ có biện pháp tu từ ẩn dụ, nhân hóa. Những biện pháp này đã góp phần thể hiện một cách sâu sắc tình cảm của quê hương, của người hậu phương đối với người bộ đội. Nó làm cho lời thơ vừa có sắc thái dân gian, vừa hiện đại. Sự nhớ mong chờ đợi của quê hương với những chàng trai ra đi tạo cho hồn quê có sức sống mãnh liệt hơn.
- Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh/ Sốt run người vừng trán ướt mồ hôi: miêu tả những triệu chứng của căn bệnh sốt rét rừng, thiếu thuốc men.
- Áo anh rách vai/ Quần tôi có vài mảnh vá/ Miệng cười buốt giá! Chân không giày: những chi tiết gợi ấn tượng về cuộc sống thiếu thốn của bộ đội ta trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Thiếu quân trang, quân dụng, lương thực, bộ đội phải mặc những bộ quần áo lâu ngày đã rách, vá đi vá lại. Trời lạnh nhưng các anh cũng không có giày để đi. Trời giá buốt khiến môi khô, “miệng cười buốt giá”
- Tuy nhiên, nỗi cơ cực đã vơi bớt bởi sự chia sẻ của những người đồng đội. “Thương nhau tay nắm lấy bàn tay” là một câu thơ thể hiện tinh thần đồng đội cao đẹp của những người chiến sĩ. Chiến đấu nơi núi rừng khắc nghiệt, hiểm trở, người lính đã phải chịu đựng sự buốt giá, lạnh lẽo. Cử chỉ “ tay nắm lấy bàn tay” tuy đơn sơ, nhỏ bé, nhưng nó chứa đựng tình yêu thương sâu sắc của những người lính dành cho nhau. Họ đang truyền cho nhau những hơi ấm, niềm tin, sức mạnh như để cổ vũ nhau, mạnh mẽ vượt qua tất cả khó khăn gian khổ phía trước.
-> Tình đồng chí còn thể hiện ở sự đồng cam cộng khổ, cảm thông, sẻ chia những khó khăn, gian lao giữa những người lính.
- Về hình ảnh “Đầu súng trăng treo”, có thể có những cách hiểu như sau:
+ Hình ảnh thơ mộng và lãng mạn đối lập với hiện thực khốc liệt mà những người lính đang phải trải qua là cảnh rừng đêm hoang vắng, sương muối lạnh lẽo; là nhiệm vụ nguy hiểm, cận kề cái chết. Bối cảnh đó làm nổi bật tình đồng đội của những người lính đang “đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới”: luôn kề vai sát cánh bên nhau giữa cái giá rét của rừng đêm, giữa sự căng thẳng của những giây phút “chờ giặc tới”; tâm hồn luôn bay bổng, cảm nhận tinh tếvẻ đẹp của thiên nhiên.
+ Biểu tượng cho vẻ đẹp phong phú trong thế giới tâm hồn của người lính: vừa là chiến sĩ vừa là thi sĩ, vừa thực tế nhưng cũng rất đỗi mộng mơ.
+ Thể hiện ý nghĩa của cuộc chiến mà người lính tham gia: chiến đấu để giành lấy cuộc sống hoà bình cho nhân dân.
+ Gợi lên đặc điểm của thơ ca kháng chiến: giàu chất hiện thực và giàu cảm hứng lãng mạn.
- Trong đoạn thơ từ “Ruộng nương anh gửi bạn thân cày” đến hết, nhà thơ đã bộc lộ kín đáo niềm xúc động trước những biểu hiện của tình đồng chí chân thật, mộc mạc giữa những người lính:
+ Thấu cảm cảnh ngộ, tâm tư, nỗi lòng của nhau.
+ Đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi, cùng nhau vượt qua gian khó trong cuộc sống đời thường.
+ Kể vai sát cánh bên nhau trong chiến hào thực thi nhiệm vụ.
=> Tình đồng chí đã tiếp thêm hơi ấm, sức mạnh giúp người lính kiên cường vượt qua mọi thử thách, hoàn thành nhiệm góp phần đưa cuộc chiến tới thắng lợi cuối cùng.
1. Đặc sắc bố cục thể loại
- Tuân thủ theo đúng luật thơ tự do
2. Ngôn ngữ
- Ngôn ngữ cô đọng, giản dị và giàu sức biểu cảm.
- Các chi tiết, hình ảnh được sử dụng mang tính tiêu biểu, chân thực