Đề văn 8: Thuyết minh về chiếc đèn ông sao

Đề văn 8: Thuyết minh về chiếc đèn ông sao. Theo đó, Baivan gửi đến các bạn 3 dàn bài + bài văn mẫu để các bạn có thể tham khảo. Từ đó, giúp các bạn có những bài văn hay nhất cho riêng mình.

[toc:ul]

Bài mẫu 1: Thuyết minh về chiếc đèn ông sao

Đề văn 8: Thuyết minh về chiếc đèn ông sao

Dàn ý

1. Mở bài

  • Dẫn dắt và giới thiệu đối tượng cần thuyết minh: Chiếc đèn ông sao

2. Thân bài

  • Nguồn gốc: Không rõ ai là người sáng tạo ra đầu tiên 
  • Xuất phát từ nguồn cảm hứng: Hình ảnh những ngôi sao sáng trên trời cao
  • Cách làm đèn ông sao:
    • Chuẩn bị 10 que tre có độ dài bằng nhau, buộc chặt vào nhau để tạo khung cho chiếc đèn có dạng ngôi sao 5 cánh 
    • Sử dụng tiếp 4 que tre dài bằng nhau nhưng ngắn hơn 5 que ban đầu đặt ở giữa ngôi sao để tạo độ phồng
    • Sau khi tạo khung, lấy keo bôi lên từng bề mặt của thanh tre và giấy kính nhiều màu dán lên
    • Lấy tua rua dán xung quanh đèn để trang trí cho bắt mắt và cây gậy đặt ở phía dưới cùng làm tay cầm
  • Nơi bày bán nhiều đèn ông sao, đèn cù, đèn kéo quân nổi tiếng ở Hà Nội phải kể đến là phố Hàng Mã
  • Giá thành một chiếc đèn ông sao: 15000 - 50000 đồng 
  • Khẳng định đèn ông sao là món đồ chơi không thể thiếu của trẻ em trong dịp Tết Trung thu trên khắp mọi miền đất nước.

3. Kết bài

  • Khẳng định lại giá trị của đèn ông sao trong đời sống văn hóa truyền thống của đất nước và nêu suy nghĩ của bản thân. 

Bài làm

Chợ Bưởi ngày chín, ngày tư
Riêng một tháng tám lại dư phiên rằm
Ai ơi nhớ lấy kẻo nhầm
Đi mua hoa quả chơi rằm trung thu.

Câu ca dao ấy của cha ông ta đã gợi nên trong mỗi người về Tết trung thu – Tết đoàn viên. Đây không chỉ là dịp để gia đình đoàn tụ mà đó còn là ngày trẻ em được vui hội trăng rằm và có lẽ bởi vậy, vào ngày này, trẻ con thường có rất nhiều đồ chơi mới, đặc biệt không thể thiếu đó chính là đèn ông sao. Đèn ông sao không chỉ đẹp, gần gũi mà cách làm ra nó cũng có rất nhiều điều thú vị, độc đáo.

Chiếc đèn ông sao truyền thống có hình sao vàng năm cánh, là một hình ảnh quen thuộc chúng ta vẫn thường thấy trên lá cờ Tổ quốc. Mỗi dịp rằm tháng tám, bố mẹ, ông bà lại thường làm những chiếc đèn ông sao để con em mình có thể chơi hội rằm vì những vật liệu để làm nó rất đơn giản, dễ tìm. Để có thể làm một chiếc đèn ông sao theo kiểu truyền thống, chúng ta cần chuẩn bị một số nguyên liệu cơ bản như thanh tre để làm khung cho chiếc đèn, dây kẽm, keo dán, giấy bóng kính màu hoặc giấy gói quà tùy theo sở thích của mỗi người. Ngoài ra, chúng ta có thể chuẩn bị thêm giấy màu, bút màu, thước,… để trang trí chiếc đèn của mình thật đẹp. Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ những nguyên liệu kể trên là ngay lập tức chúng ta có thể bắt đầu làm một chiếc đèn ông sao được trang trí theo sở thích của mình.

Làm một chiếc đèn ông sao truyền thống không phải là công việc quá khó song nó đòi hỏi sự cẩn thận, tỉ mỉ của người làm. Để làm ra chiếc đèn ông sao, trước hết, cần làm khung của chiếc đèn. Chúng ta dùng tre đã chuẩn bị, chẻ ra là mười thanh nhỏ hơn có độ dài bằng nhau, độ dài của thanh tre này tùy thuộc vào kích thước của chiếc đèn mà bạn mong muốn. Ngoài ra, chúng ta cùng cần chuẩn bị bốn thanh có chiều dài từ 5-8 xăng-ti-mét để chống hai mặt của chiếc đèn. Sau khi đã chẻ ra, bạn dùng dao vót để được bề mặt nhẵn bóng. Sau khi đã có được mười thanh trẻ nhẵn với kích thước mong muốn, bạn dùng dây kẽm buộc năm trong số mười thanh tre ấy thành một hình ngôi sao và làm tương tự với số thanh tre còn lại là chúng ta đã có hai mặt của chiếc đèn.

Tiếp đó, chúng ta buộc hai hình ngôi sao ấy lại với nhau bằng dây kẽm và dùng bốn thanh tre nhỏ hơn đã được chuẩn bị vào phần giao nhau giữa giữa các ngôi sao để chúng có thể tạo thành hình 3D. Sau khi đã hoàn thành phần khung của chiếc đèn, chúng ta dùng keo và giấy bóng kính hoặc giấy màu đã được chuẩn bị dán lên bề mặt ngôi sao theo ý thích của bản thân. Và với những bước đơn giản như vậy là bạn đã có thể có một chiếc đèn ông sao theo ý muốn của mình. Đồng thời, để chiếc đèn được đẹp hơn bạn có thể trang trí lên các cánh của ngôi sao những hình ảnh ngộ nghĩnh mà bạn thích. Thêm vào đó, để thuận lợi trong quá trình sử dụng, chúng ta có thể làm thêm một chiếc cán cầm tay cho chiếc đèn ông sao và gắn những cây nến xinh xinh vào trong nó.

Việc làm một chiếc đèn ông sao để vui chơi trong đêm hội trăng rằm không phải là một công việc khó khăn phức tạp, chỉ với những bước đơn giản là chúng ta đã có thể tạo ra nó. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần lưu ý khi làm đèn để có một chiếc đèn thật đẹp. Trước hết, những thanh tre để làm khung đèn cần phải được vót nhẵn để tránh bị đứt tay hay làm rách lớp giấy bóng kính. Thêm vào đó, giấy được dán lên khung đèn cần có màu sắc bắt mắt và phải được dán chắc chắn, có độ phẳng, căng để trông chiếc đèn thêm đẹp hơn.

Tóm lại, chiếc đèn ông sao là món đồ chơi quen thuộc của mỗi đứa trẻ mỗi dịp tết Trung thu. Để làm ra một chiếc đèn ông sao không quá cầu kì, tốn kém song nó lại có ý nghĩa đặc biệt. Chiếc đèn ông sao ấy sẽ sống mãi trong lòng mỗi người, là nơi lưu giữ những kỉ niệm ngọt ngào, ấm áp trong những tháng ngày tuổi thơ bên gia đình ấm áp, đúng như có ai đó đã từng nói rằng “Thật kì lạ khi ta không nhớ trung thu năm ngoái nhưng ánh sáng lấp lánh của chiếc đèn ông sao tuổi thơ cứ lưu luyến mãi trong tim.”

Bài mẫu 2: Em hãy thuyết minh về chiếc đèn trung thu

Đề văn 8: Thuyết minh về chiếc đèn ông sao

Bài làm

Đèn ông sao là một trong những món đồ chơi truyền thống, quen thuộc của thiếu nhi nói riêng và mỗi người dân Việt Nam nói chung, là nét đặc trưng riêng biệt của Trung thu nước ta.

Đèn ông sao được dùng trong dịp tết Trung thu. Không ai biết chính xác nguồn gốc hay thời điểm ra đời của loại đèn này. Theo các già làng, đèn ông sao mô phỏng từ những ngôi sao lấp lánh trên bầu trời xung quanh mặt trăng. Tết Trung thu là Tết “mặt trăng”, trăng bước vào giai đoạn to tròn đẹp nhất trong năm. Do đó, các phụ huynh thường làm đèn dạng hình ngôi sao cho các cháu bé để đêm rằm sẽ “tùng rinh” khắp làng. Việc này cũng gần giống như một hình thức lễ rước mặt trăng.

Đèn ông sao là một loại đèn lồng làm thủ công rất quen thuộc đối với mỗi người Việt Nam. Để làm ra một chiếc đèn ông sao cần nhiều công phu và đòi hỏi người làm phải khéo tay. Đầu tiên, người thợ chẻ các mảnh tre thành 10 que tre gắn thành 2 hình ngôi sao. Sau đó, người thợ lấy 2 ngôi sao vừa tạo dùng dây buộc các đầu ngôi sao lại. Chẻ thêm 4 que ngắn có độ dài bằng nhau, cho vào phần giao giữa các ngôi sao để dựng hai mặt ngôi sao căng phồng lên. Cố định các mối giao. Sau khi khung ngôi sao được gắn lại chắc chắn, tiếp tục lấy keo phết lên bề mặt thanh tre của từng cánh sao. Cuối cùng, người thợ dùng giấy màu tùy thích dán lên trên bề mặt thanh tre, tức là những chỗ vừa được quết keo. Loại giấy dùng trong đèn ông sao truyền thống là giấy bóng kính màu trong suốt để khi thắp nến vào sẽ cho màu sắc lung linh. Ngoài ra, có thể cắt thêm giấy thành những đường viền đẹp để dán lên phần cánh của các ngôi sao.

Hình ảnh những chiếc đèn ông sao dường như đã in sâu trong ký ức mỗi người, nó gọi về kí ức tuổi thơ với niềm háo hức có được chiếc đèn để trông trăng. Trung thu xưa, mỗi dịp Rằm tháng tám, các ông bố bà mẹ lại rục rịch vót tre, mua nến làm cho mấy đứa nhỏ chiếc đèn ông sao đón Trung thu. Những em bé cầm những chiếc đèn xanh đỏ, lung linh nối đuôi nhau đi quanh sân đình cùng hát vang bài ca “Chiếc đèn ông sao” (Phạm Tuyên):

“Chiếc đèn ông sao sao năm cánh tươi màu.

Cán đây rất dài cán cao quá đầu.

Em cầm đèn sao em hát vang vang.

Đèn sao tươi màu của đềm rằm liên hoan!

Tùng rinh rinh, tùng tùng tùng rinh rinh!

Đây ánh sao vui chiếu xa sáng ngời.

Tùng rinh rinh, rinh rinh tùng rinh rinh.

Ánh sao Bác Hồ toả sáng nơi nơi…”

Những hình ảnh thân thuộc đó cho thấy vị trí không thể thay đổi của chiếc đèn ông sao trong đời sống tâm hồn mỗi con người Việt Nam.

Ngày nay, việc sử dụng đèn ông sao có phần yếu thế hơn so với các mặt hàng đèn lồng khác, nhất là đèn lồng nhựa xuất xứ từ Trung Quốc. Khắp các cửa hàng tạp hóa trong những ngày Trung thu đa phần là đèn nhựa, gần như không còn thấy bóng dáng chiếc đèn ông sao nữa. Nếu có nơi nào còn bán đèn ông sao thì chỉ Hàng Mã (Hà Nội) song số lượng rất ít. Phần là do giá thành đèn công nghiệp rẻ hơn. Do giá rẻ nên nhiều khả năng lồng đèn Trung Quốc được sản xuất từ nhựa kém chất lượng, chứa nhiều thành phần kim loại nặng có thể ảnh hưởng sức khỏe của người sử dụng, nhất là đối với trẻ em. Phần nữa vì thị hiếu thay đổi. Đèn lồng nhựa thường màu sắc, cách trang trí bắt mắt, thường gắn thêm đèn nhiều màu và âm thanh vui nhộn nên trẻ em thích thú hơn. Do đó, người làm đèn ông sao ít dần, nghề làm đèn lồng thủ công cũng theo đó mai một dần. Tuy vậy, mỗi dịp Trung thu đến, đâu đó vẫn có hình ảnh chiếc đèn sao năm cánh được bày bán thành từng dãy nhỏ đẹp mắt và thi thoảng lại có vài em nhỏ ngắm ngía, lựa chọn cho mình một chiếc đèn ông sao vừa ý.

Mỗi quốc gia Á Đông đều đón Trung thu vào ngày 15/8 (âm lịch) và chọn cho mình một loại đèn lồng mang đặc sắc riêng của dân tộc. Con người Việt Nam luôn chọn đèn ông sao làm dấu hiệu bản sắc của mình!

Bài mẫu 3: Thuyết minh về đèn ông sao truyền thống

Đề văn 8: Thuyết minh về chiếc đèn ông sao

Bài làm

"Tùng rinh rinh, tùng tùng tùng rinh rinh" đó là lời bài hát " Chiếc đèn ông sao" được hát nhiều nhất trong đêm trung thu. Nhắc đến đèn ông sao, đây là đồ chơi quen thuộc của trẻ em trong đêm trăng Rằm tháng 8. Trẻ con sẽ được đi rước đèn, phá cỗ ngắm trăng sáng. Chiếc đèn ông sao là vật không thể thiếu trong lễ rước đèn đó.

Trước tiên, về nguồn gốc, không rõ đồ vật này do ai chế tạo ra đầu tiên và bắt nguồn từ đâu. Chỉ biết rằng, chiếc đèn ông sao lấy cảm hứng từ hình ảnh những ngôi sao sáng trên trời xanh quanh mặt trăng. Đèn ông sao là vật dụng được làm thủ công với đôi bàn tay khéo léo, tỉ mỉ, cẩn trọng của người làm. Để làm ra được một chiếc đèn ông sao đòi hỏi rất nhiều công đoạn. Đầu tiên, cần chuẩn bị 10 que tre để tạo khung cho chiếc đèn thành hình ngôi sao 5 cánh. 10 chiếc que này phải có chiều dài bằng nhau, lấy 5 que buộc vào nhau để thành hình sao. Khi tạo thành một đôi hình sao 5 cánh, người ta sử dụng 4 que tre ngắn cũng có độ dài bằng nhau đặt ở giữa ngôi sao để tạo độ phồng. Sau khi đã tạo được khung cho ngôi sao, người thợ sẽ lấy keo bôi lên từng bề mặt của thanh tre và lấy giấy dán lên. Loại giấy được dán lên thanh tre là giấy bóng nhiều màu, có độ bóng nhưng đa phần chúng ta thấy được giấy bóng này có màu đỏ. Cuối cùng, họ lấy những tua rua dán xung quanh đèn ông sao. Chắc chắn không thể thiếu cây gậy đặt ở phía dưới cùng làm tay cầm.

Chiếc đèn ông sao đã đồng hành cùng tuổi thơ của biết bao thế hệ. Vào gần đến những ngày trung thu, rất nhiều những chiếc đèn ông sao, đèn cù, đèn lồng được bày bán ở khắp mọi nơi, trông chúng thật lung linh và bắt mắt. Hồi đó, mỗi đứa trẻ có một chiếc đèn ông sao hoặc một cây đèn cù, vừa đi vừa hát quanh xóm rất vui vẻ. Ngày nay, nhiều loại đồ chơi vào dịp trung thu được bày bán khắp nơi nhưng ở thủ đô Hà Nội, phố Hàng Mã là dãy phố bày bán đèn ông sao, đèn cù, đèn kéo quân truyền thống nổi tiếng của cả nước với những chiếc đèn được làm vô cùng bắt mắt, mang đậm nét văn hóa Việt Nam mỗi dịp Trung thu đến. Ngoài ra, bạn cũng có thể bắt gặp những chiếc đèn đầy màu sắc ở các cửa hàng tạp hóa nhưng với số lượng ít hơn. Giá thành dao động của một chiếc đèn ông sao từ 15 000 - 50 000 đồng tùy độ to nhỏ. Có thể thấy chiếc đèn ông sao có mặt ở khắp mọi nơi và in sâu vào tiềm thức của mọi người vào dịp lễ đặc biệt này.

Đèn ông sao đã trở thành món quà tinh thần của biết bao nhiêu trẻ nhỏ. Nó mãi mãi là thứ đồ chơi mang ý nghĩa nhất vào ngày Tết đoàn viên này.

Tìm kiếm google:

Xem thêm các môn học

Bài văn mẫu 8


Đia chỉ: Tòa nhà TH Office, 90 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại hỗ trợ: Fidutech - click vào đây
Chúng tôi trên Yotube
Cùng hệ thống: baivan.net - Kenhgiaovien.com - tech12h.com