Câu hỏi ôn tập Công nghệ 9 Trồng cây ăn quả cánh diều mới

Tải bộ câu hỏi ôn tập Công nghệ 9 - Trải nghiệm nghề nghiệp - Trồng cây ăn quả Cánh diều chương trình mới. Bộ tài liệu tổng hợp nhiều dạng bài tập, câu hỏi hay, tổng hợp kiến thức trọng tâm của bài học giúp học sinh ôn tập, nắm chắc kiến thức, đạt thành tích tốt trong học tập. Mời thầy cô và các em kéo xuống tham khảo.

BÀI 5: KĨ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC CÂY XOÀI

(16 CÂU)

1. NHẬN BIẾT (4 CÂU)

Câu 1: Cây xoài có thể trồng được ở những loại đất có đặc điểm như thế nào?

Trả lời: 

- Đất có pH khoảng 5,5 - 7,0; hàm lượng chất hữu cơ 2 - 3%; khả năng thoát nước tốt; đất ít sẽ, không có tầng đá; mạch nước ngầm ở độ sâu 1,0 - 2,5m. 

 

Câu 2: Nêu tên các bước của quy trình trồng và chăm sóc cây xoài.

Trả lời: 

1. Lựa chọn thời vụ trồng cây;

2. Xác định mật độ trồng cây;

3. Chuẩn bị hố trồng cây;

4. Trồng cây;

5. Bón phân;

6. Tưới nước;

7. Phòng trừ sâu, bệnh;

8. Tỉa cành và tạo tán;

9. Điều khiển ra hoa, đậu quả.

 

Câu 3: Nêu cách tưới nước phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây xoài.

Trả lời:

- Sau khi trồng xong, cần tưới nước ngay và nên phủ kín gốc bằng lá cây, cỏ khổ hoặc rơm, rạ để giữ ẩm.

- 0 – 3 năm tuổi: 10 - 20 lít/cây, 2 lần trong một tuần.

-  Trước khi cây ra hoa 2 – 3 tháng: không nên tưới nước.

- Bắt đầu nhú mầm hoa đến khi thu hoạch: duy trì độ ẩm khoảng 65 - 80%, tùy theo độ ẩm đất có thể từ 2 – 3 ngày tưới một lần với lượng khoảng 30 - 50 lít/cây.

 

Cầu 4: Nêu cách tỉa cành, tạo tán và điều khiển ra hoa, đậu quả để cây ăn quả cho năng suất thu hoạch và chất lượng quả cao.

Trả lời: 

* Tỉa cành, tạo tán: 

- Trên thân chính, ở vị trí khoảng 0,7m cần cắt bỏ ngọn để cây ra nhiều lộc, sau đó chọn để lại 3 cành cấp 1, hướng đều các phía.

- Sau khi cành cấp 1 ra hai đợt lộc và khi lá đã có màu xanh đậm cần tiến hành bấm ngọn để lại 30 – 40 cm để ra cành cấp 2.

- Làm tương tự với cành cấp 2 và 3, khống chế chiều cao khoảng 3 – 4m.

- Từ năm thứ ba, cắt tỉa cành mọc thẳng đứng, cành trong tán, cành mọc chúc xuống, cành bị sâu, bệnh, cành bắt chéo, cành che lập hoặc mọc dày để trong tán thông thoáng, hạn chế sâu bệnh.

- Vin cành cấp 1 thành góc 45o - 60o so với thân chính để tạo tán.

- Tỉa bỏ những chùm hoa nhỏ, nhiều chùm gần nhau, quả có đường kính 3 - 5 cm, chùm quá nhiều quả, quả dị hình. Mỗi chùm chỉ nên để 1 - 3 quả.

* Điều khiển ra hoa, đậu quả: 

- Xử lí ra hoa bằng cách phun Ethrel nồng độ 0,5ml/l (hay 500 ppm). 

- Nếu tưới Paclobutrazol vào đất với liều lượng 1 - 2g nguyên chất cho 1 m đường kính tán khi cành đã thành thục, cần kết hợp phun KNO3 nồng độ 2,0 - 2,5%.

 

2. THÔNG HIỂU (7 CÂU)

Câu 1: Hãy phân tích đặc điểm thực vật học của cây xoài.

Trả lời: 

- Rễ: rễ cọc, phát triển mạnh có thể ăn sâu xuống đất tới 6 - 8m; nhiều rễ nhánh phát triển tập trung ở tầng đất 0 - 50 cm → giúp cây bám chắc vào đất, hút được nhiều nước và muối khoáng.

- Thân và cành: cây thân gỗ, chiều cao khoảng 5 - 10m, nhiều cành. Mỗi năm ra 3 - 4 đợt lộc → Tạo nhiều quả, tăng năng suất thu hoạch.

- Lá: 

+ Cây xanh quanh năm, tán cây có hình bầu dục hoặc bán cầu.

+ Lá đơn và sắp xếp theo hình xoắn ốc.

+ Hình dạng của lá thay đổi tùy thuộc vào giống: mũi mác, thuôn dài hoặc hình trứng,...

+ Lá non mới ra có màu đồng đỏ, chuyển dần sang màu xanh sáng và màu xanh đậm khi lá trưởng thành.

→ Tăng hiệu quả quang hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình sinh trưởng và phát triển của cây xoài.

- Hoa: cây xoài có thể ra hoa đực, hoa cái hoặc lưỡng tính, có màu vàng nhạt. Cành hoa phân nhánh nhiều, mọc ra từ đỉnh sinh trưởng, có thể dài 20 - 30 cm; mỗi chùm có khoảng 200 - 400 hoa. Chủ yếu thụ phấn nhờ côn trùng và gió.

→ Tăng khả năng thụ phấn cho cây xoài.

- Quả: khi chín, vỏ quả xoài thường có màu vàng hoặc tím vàng, thịt quả thường có màu vàng đậm, mềm, ít xơ; khối lượng quả đạt 100 - 1500g tùy loại. Hạt xoài thường lớn, vỏ hạt có lớp lông xơ dày, bên trong là nhân hạt. một số giống xoài có hạt lép, làm tăng tỉ lệ phần ăn được.

→ Quả chứa hạt, hạt phát triển thành cây xoài mới. Đồng thời quả xoài giúp tạo hiệu quả kinh tế.

 

Câu 2: Vì sao các trang trại thường thu hoạch đồng loạt quả xoài khi vỏ quả còn có màu xanh mà không chờ quả chín vàng trên cây?

Trả lời:

Vì quả xoài khó bảo quản chất lượng trong quá trình thu hái và vận chuyển nên người ta thường thu hoạch xoài xanh để tránh bị giập nát.

 

Câu 3: Hãy phân tích các yêu cầu ngoại cảnh đến sự sinh trưởng và phát triển của cây xoài.

Trả lời:

* Nhiệt độ: nhiệt độ trung bình năm 24 - 26℃; nhiệt độ trung bình tháng lạnh nhất không dưới 15℃, vì cây xoài là cây ăn quả nhiệt đới, đây là khoảng nhiệt độ tối ưu nhất giúp cho cây xoài sinh trưởng và phát triển tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

* Ánh sáng: ưa sáng mạnh, cây có năng suất cao ở vùng có bức xạ mặt trời lớn. Do quá trình ánh sáng ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình quang hợp của cây xoài để tạo thành chất hữu cơ từ đó tác động đến quá trình sinh trưởng và phát triển.

* Độ ẩm: lượng mưa trung bình khoảng 500 - 1 500 mm/năm. Độ ẩm đất 50 - 60% thuận lợi cho cây phân hóa mầm hoa, 70 - 80% thuận lợi cho ra hoa và quả phát triển. Do nước là yếu tố quan trọng tham gia vào nhiều quá trình sinh hóa, qua đó tác động đến sự sinh trưởng và phát triển của cây xoài.

* Đất: pH khoảng 5,5 - 7,0; hàm lượng chất hữu cơ 2 - 3%; khả năng thoát nước tốt; đất ít sét, không có tầng đá; mạch nước ngầm ở độ sâu 1,0 - 2,5 m giúp rễ cây dễ dàng phát triển, hấp thụ đủ chất dinh dưỡng để cây sinh trưởng và phát triển tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

 

Câu 4: Vì sao cây xoài trồng ở vùng miền Bắc Việt Nam thường có tỉ lệ đậu quả và năng suất thấp hơn trồng ở miền Nam?

Trả lời:

Vì giai đoạn cây xoài ra hoa, tạo quả từ tháng 12 đến tháng 2 năm sau, đó là thời điểm miền Bắc thường gặp các đợt gió mùa đông bắc, nhiệt độ thấp kèm theo mưa phùn, độ ẩm cao, khí hậu lạnh làm hoa rụng nhiều, tỉ lệ đậu quả thấp, hiệu quả kinh tế giảm mạnh.

 

Câu 5: Vì sao cần chia phân bón thành nhiều lần để bón cho cây xoài? 

Trả lời:

Để đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng theo từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây.

 

Câu 6: Vì sao nên bón phân cho cây xoài theo mép tán cây (Hình 5.5)?

Trả lời: 

Do cây xoài có nhiều rễ nhánh, rễ mới tập trung ở mép tán cây nên bón phân ở vị trí này sẽ giúp cây hấp thu dinh dưỡng thuận lợi.

 

Câu 7: Vì sao cần cắt tỉa cành và tạo tán cho cây xoài?

Trả lời:

Tỉa cành và tạo tán giúp cây thông thoáng và tập trung dinh dưỡng nuôi cành mới, giảm sâu, bệnh hại.

 

3. VẬN DỤNG (3 CÂU)

Câu 1: Túi nylon có lợi ích gì khi làm bầu cho cây xoài (Hình 5.4)? Vì sao cần loại bỏ túi nylon trước khi trồng cây xoài?

Trả lời:

- Túi nylon đem lại rất nhiều lợi ích như giúp giữ nước, đất và độ ẩm cho cây, có khả năng chịu được ánh nắng mặt trời giúp cho việc vận chuyển cây giống trở nên thuận tiện và dễ dàng hơn.

- Cần loại bỏ túi nylon trước khi đem trồng cây giống xuống đất để tránh bị cho cây bị úng nước, rễ được thuận lợi phát triển.

 

Câu 2: Cây xoài có thể trồng ở địa phương em không? Vì sao?

Trả lời:

- Đối với các tỉnh ở miền Nam, cây xoài có thể trồng vì xoài thường ra hoa và quả phát triển vào mùa khô từ tháng 12 đến tháng 5 nên có sản lượng và chất lượng tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

- Đối với hầu hết các vùng ở miền Bắc, xoài ra hoa vào mùa xuân có mưa phùn kết hợp gió mùa Đông Bắc lạnh nên tỉ lệ đậu quả thấp, hiệu quả kinh tế kém.

Em hãy tìm hình ảnh về một số loài sâu, bệnh hại chính trên cây xoài.

 

Câu 3: Em hãy tìm hình ảnh về một số loài sâu, bệnh hại chính trên cây xoài.

Trả lời:

    

     Rầy xanh          Ruồi đục quả            Rệp sáp

  

     Bệnh thán thư hại xoài                 Bệnh nấm phấn trắng

 

4. VẬN DỤNG CAO (2 CÂU)

Câu 1: Giả sử một vườn có khoảng 200 cây xoài đang ở thời điểm xuất hiện nụ hoa. Biết giai đoạn này cây cần bón phân: NPK 0,3 kg/cây; KCl 0,2 kg/cây. Hãy tính khối lượng các loại phân bón cần dùng cho 200 cây xoài trên?

Trả lời:

Lượng phân bón NPK cần dùng là: 0,3 × 200 = 60 (kg).

Lượng phân bón KCl cần dùng là: 0,2 × 200 = 40 (kg).

 

Câu 2: Bác Hiệp được một người bạn giới thiệu trồng một giống xoài Thái Lan. Trong năm đầu tiên, xoài đậu rất nhiều quả, mỗi chùm có 5 - 8 quả, nhưng nó chỉ to tầm 5 - 7 cm thì rụng dần chỉ còn 1 quả. Em hãy giúp bác tìm hiểu nguyên nhân hiện tượng này và đề xuất một số biện pháp chăm sóc phù hợp.

Trả lời:

* Nguyên nhân hiện tượng quả non bị rụng:

- Hoa đực nhiều, hoa cái và hoa lưỡng tính có thể đậu quả ít.

- Tỉ lệ thụ phấn thấp. 

- Điều kiện thời tiết không tốt, cản trở quá trình thụ phấn của cây, tạo điều kiện thuận lợi cho nấm gây bệnh cho hoa và quả non.

- Sâu bệnh hại quả non như rệp, sâu đục quả non, bệnh thán thư, bệnh phấn trắng,... trong đó bệnh thán thư là phổ biến nhất làm trái rụng đồng loạt.

- Do di truyền.

- Thiếu nước, dinh dưỡng, đặc biệt là phân Kali. Nứt cuống và nứt trái có thể còn do thiếu calcium.

* Một số biện pháp hạn chế hiện tượng rụng hoa và quả non:

- Bón phân đủ loại và đủ lượng phù hợp với từng giai đoạn của cây.

- Đảm bảo đủ độ ấm trong giai đoạn ra hoa, đậu quả non, chú ý tăng cường thêm kali và calcium.

- Phun NAA (hormone sinh trưởng) nồng độ 50 ppm, 3 lần vào lúc trổ hoa, lúc 3 tuần và lúc 6 tuần sau khi hoa nở.

- Thường xuyên kiểm tra vườn để phát hiện sớm và xử lí kịp thời các loại sâu, bệnh hại cây xoài.

 

Tìm kiếm google: Câu hỏi ôn tập công nghệ trồng cây ăn quả 9 cánh diều, tự luận công nghệ 9 trồng cây ăn quả cánh diều, bài tập tự luận công nghệ 9 cánh diều

Xem thêm các môn học


Copyright @2024 - Designed by baivan.net