1. Dân cư
Vùng Tây Nguyên có nhiều dân tộc cùng chung sống như: Gia Rai, Ê Đê, Ba Na, Mnông, Kinh, Mông, Tày, Thái, Nùng,...
Tây Nguyên là vùng thưa dân nhất ở nước ta, dân cư phân bố không đều. Các đô thị và ven trục giao thông chính có mật độ dân số cao hơn mật độ dân số trung bình của cả vùng. Những huyện vùng cao có mật độ dân số rất thấp, nơi thấp nhất chỉ khoảng 10 người/km.
2. Hoạt động sản xuất
Trồng cây công nghiệp lâu năm
Một số cây công nghiệp: cà phê, hồ tiêu, cao su, chè,...
Những thuận lợi và khó khăn trong việc trồng cây công nghiệp lâu năm ở vùng Tây Nguyên:
- Thuận lợi: có diện tích lớn đất đỏ badan với đặc tính tơi xốp, phì nhiêu kết hợp cùng khí hậu thuận lợi cho việc trồng các cây công nghiệp lâu năm.
- Khó khăn: thiếu nước tưới vào mùa khô, thị trường tiêu thụ chưa ổn định,...
Chăn nuôi gia súc
Vật nuôi chủ yếu: bò, bò sữa, trâu.
Hiện nay, chăn nuôi trâu, bò ở đây đang được phát triển với nhiều hình thức khác nhau như chăn thả tự nhiên và chăn nuôi chuồng trại. Ở đây có những trang trại chăn nuôi bò theo quy mô lớn.
Phát triển thuỷ điện
Các công trình thuỷ điện: I-a-ly, Đrây H'ling, Sê San 3,...Các nhà máy đó được xây dựng trên hệ thống sông Đồng Nai, sông Sê-rê-pốk, sông Sê San,...
Lợi ích của việc phát triển thuỷ điện ở vùng Tây Nguyên:
- Cung cấp điện cho sản xuất và đời sống của người dân.
- Các hồ thuỷ điện đem lại nguồn nước tưới quan trọng vào mùa khô.
- Là nơi nuôi trồng thuỷ sản.
- Tạo cảnh đẹp để phát triển du lịch.
3. Một số nét chính về văn hoá
Buôn làng và nhà rộng
Ở một số dân tộc, mỗi buôn có một nhà rông với nét riêng về hình dáng và cách trang trí. Nhà rông là ngôi nhà chung lớn nhất của buôn. Nhiều sinh hoạt tập thể của cả buôn được diễn ra ở đây. Theo quan niệm của người dân Tây Nguyên, nhà rông càng to đẹp chứng tỏ buôn càng giàu có, thịnh vượng.
Lễ hội và nhạc cụ
Lễ hội ở vùng Tây Nguyên có nhiều lễ hội đặc sắc như: lễ hội Cồng chiêng, hội Đua voi, hội Xuân, lễ Mừng lúa mới,... Trong lễ hội, người dân thường nhảy múa tập thể với những điệu nhảy vui nhộn cùng với âm thanh trầm hùng. Người dân ở vùng Tây Nguyên có nhiều nhạc cụ độc đáo như: cồng, chiêng, đàn tơ-rưng, đàn krông-pút, đàn đá,... Các nhạc cụ này thường được làm từ các vật liệu như: đồng, tre, nứa, đá,...
4. Truyền thống yêu nước và đấu tranh cách mạng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên
Trong lịch sử cách mạng Việt Nam, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên luôn thể hiện tinh thần yêu nước và đấu tranh anh dũng với nhiều tấm gương tiêu biểu như: N'Trang Lơng, Đinh Núp,...