1. Dân cư
Các dân tộc sinh sống ở vùng Nam Bộ là Kinh, Khơ-me, Chăm, Hoa,...
Vùng Nam Bộ có số dân nhiều nhất so với các vùng khác của nước ta. Trong vùng, dân cư phân bố không đều, tập trung ở các đô thị và dải đất phù sa ven sông Tiền, sông Hậu.
2. Hoạt động sản xuất Sản xuất công nghiệp
Sản xuất công nghiệp
Một số ngành công nghiệp ở vùng Nam Bộ:
- Điện tử
- Hóa chất
- Dệt may
- Thực phẩm
- Nhiệt điện
Trên lược đồ, những vùng được khoanh tròn đỏ là trung tâm công nghiệp của vùng.
Nam Bộ trở thành vùng sản xuất công nghiệp lớn nhất nước ta vì:
- Nguồn lao động dồi dào.
- Cơ sở hạ tầng - cơ sở vật chất kĩ thuật phát triển.
- Thị trường tiêu thụ rộng lớn và ổn định (trong nước, nước ngoài).
- Có chính sách khuyến khích phát triển của Nhà nước.
Sản xuất nông nghiệp
Nam Bộ là vùng sản xuất lúa, trồng cây ăn quả và nuôi trồng thuỷ sản lớn nhất nước ta. Đây cũng là vùng trồng nhiều cây công nghiệp có giá trị xuất khẩu như: cao su, hồ tiêu, điều.... và nuôi nhiều vịt, gà, lợn.
- Các tỉnh trồng lúa chính ở Nam Bộ: Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ...
- Cây ăn quả: Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang...
- Cây cao su, điều, tiêu: Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước...
- Trâu, bò: Tây Ninh, Bình Phước, Long An...
- Lợn: Đồng Tháp, Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang, Kiên Giang, Đồng Nai, Cà Mau...
- Gia cầm: Kiên Gang, Hậu Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Trà Vinh, Sóc Trăng, Tây Ninh...
Sản xuất lúa
Những tỉnh trồng nhiều lúa ở vùng Nam Bộ: Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Bạc Liêu, Tây Ninh.
Vùng Nam Bộ trở thành vựa lúa lớn nhất cả nước: Nhờ có diện tích đồng bằng lớn, đất đai màu mỡ, khí hậu nóng ẩm, áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất.
Nuôi trồng thuỷ sản
Những tỉnh nuôi trồng thuỷ sản ở vùng Nam Bộ: Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau
Vùng Nam Bộ trở thành vùng nuôi trồng thuỷ sản lớn nhất cả nước do có vùng biển rộng, mạng lưới sông ngòi dày đặc, nhiều vùng đất ngập nước, người dân nhiều kinh nghiệm và năng động.
3. Một số nét văn hoá
Nhà ở và phương tiện đi lại
Trước kia ở Tây Nam Bộ, người dân thường làm nhà dọc theo các sông ngòi, kênh rạch để tiện cho việc sinh hoạt. Nhà ở đơn sơ, thoáng mát. Còn Đông Nam Bộ là vùng đất cao, nhiều rừng rậm nhiệt đới có thú dữ nên nhà ở thường làm chắc chắn hơn để sống an toàn. Ngày nay, diện mạo làng quê ở vùng Nam Bộ đã có nhiều thay đổi. Nhiều ngôi nhà kiên cố, khang trang được xây dựng. Đường sá, phương tiện giao thông ngày càng đa dạng và hiện đại hơn.
Xuồng, ghe là phương tiện đi lại phổ biến của người dân nơi đây.
Chợ nổi trên sông
Vùng Nam Bộ có nhiều sông ngòi, kênh rạch nên phương tiện đi lại của người dân chủ yếu là xuồng, ghe. Chợ nổi là nét văn hoá đặc thù của vùng sông nước Tây Nam Bộ. Chợ nổi thường họp ở những đoạn sông thuận tiện cho việc đi lại bằng xuồng, ghe từ nhiều nơi đến. Chợ thường nhộn nhịp nhất vào buổi sáng. Ngay từ sáng sớm, việc mua bán đã diễn ra tấp nập. Các mặt hàng như: rau, quả, thịt, cá, quần áo,... đều có thể mua bán trên xuồng, ghe.
4. Truyền thống đấu tranh yêu nước và cách mạng của đồng bào Nam Bộ
Những hành động thể hiện tinh thần yêu nước của các nhân vật lịch sử trong bài:
- Trương Định – “Bình Tây Đại nguyên soái”: Ông là người lãnh đạo phong trào chống thực dân Pháp của nhân dân ở ba tỉnh miền Đông Nam Kì.
- Nguyễn Trung Trực: Khi Pháp tấn công thành Gia Định, ông đã tham gia kháng chiến và lập nhiều chiến công vang dội.
- Nguyễn Thị Định: tham gia hoạt động cách mạng. Bà đã lãnh đạo "Đội quân tóc dài" đấu tranh đòi chính quyền Ngô Đình Diệm chấm dứt việc tàn phá xóm làng, bắn giết người vô tôi.
Em ấn tượng với Nguyễn Trung Trực bởi câu nói “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây” và những công lao ông mang lại. Câu nói toát ra sự hào hùng, anh dũng, đồng thời thể hiện tinh thần yêu nước của nhân dân ta.