Giải chi tiết chuyên đề Địa lí 12 Cánh diều chuyên đề 1: Thiên tai và biện pháp phòng chống

Giải chuyên đề 1: Thiên tai và biện pháp phòng chống chuyên đề Địa  12 cánh diều. Phần đáp án chuẩn, hướng dẫn giải chi tiết cho từng bài tập có trong chương trình học của sách giáo khoa chuyên đề mới. Hi vọng, các em học sinh hiểu và nắm vững kiến thức bài học.

CHUYÊN ĐỀ 12.1. THIÊN TAI VÀ BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG 

 

MỞ ĐẦU

Câu hỏi: Hằng năm ở nước ta thiên tai đã gây ra những thiệt hại to lớn cả về người và tài sản. Vì vậy, việc trang bị kiến thức, kĩ năng, đồng thời xây dựng ý thức phòng, chống thiên tai thực sự cần thiết và hữu ích đối với tất cả mọi người trong xã hội. Nước ta thường xảy ra những thiên tai nào? Chúng ta đã có những biện pháp nào để phòng, chống thiên tai?

Bài làm chi tiết:

- Những thiên tai thường xảy ra ở nước ta: bão, áp thấp nhiệt đới, gió mạnh trên biển, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt; nước dâng, xâm nhập mặn, nắng nóng, hạn hán, rét hại, mưa đá, sương mù, sương muối,...

- Có nhiều biện pháp được áp dụng để phòng chống thiên tai, bao gồm:

+ Quản lý rủi ro và lập kế hoạch ứng phó

+ Tăng cường cơ sở hạ tầng

+ Bảo vệ môi trường

+ Tăng cường nhận thức cộng đồng

+ Sử dụng công nghệ thông tin

+ Hợp tác quốc tế

 

I. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG 

Câu hỏi: Dựa vào thông tin bài học, hãy trình bày quan niệm về thiên tai. Lấy ví dụ minh hoạ.

Bài làm chi tiết:

* Những quan niệm có liên quan về thiên tai

- Thiên tai là “hiện tượng tự nhiên bất thường có thể gây thiệt hại về người, tài sản, môi trường, điều kiện sống và các hoạt động kinh tế – xã hội, bao gồm bão, áp thấp nhiệt đới, gió mạnh trên biển, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy hoặc hạn hán; nước dâng, xâm nhập mặn, nắng nóng, hạn hán, cháy rừng do tự nhiên, rét hại, mưa đá, sương mù, sương muối, động đất, sóng thần và các loại thiên tai khác” (Theo Điều 1, Luật số 60/2020/QH14 - Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, năm 2020).

- Thiên tai là hiện tượng tự nhiên bất thường có thể gây thiệt hại về người, tài sản, môi trường, điều kiện sống và các hoạt động kinh tế – xã hội.

* Ví dụ: bão, áp thấp nhiệt đới, gió mạnh trên biển, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy hoặc hạn hán; nước dâng, xâm nhập mặn, nắng nóng, hạn hán, cháy rừng do tự nhiên, rét hại, mưa đá, sương mù, sương muối, động đất, sóng thần,….

 

Câu hỏi: Dựa vào thông tin bài học, hãy trình bày các đặc điểm của thiên tai ở Việt Nam.

Bài làm chi tiết:

- Có nhiều loại thiên tai

+ Do các đặc điểm về vị trí địa lí, khí hậu, địa hình, sông ngòi.... nên Việt Nam thường xuyên chịu ảnh hưởng của nhiều loại thiên tai khác nhau. 

+ Mỗi loại thiên tai lại có sự khác nhau về điều kiện hình thành, đặc điểm, quy mô, mức độ nguy hiểm, khả năng gây thiệt hại.... 

+ Trong đó, các thiên tai phổ biến nhất và gây nhiều thiệt hại là: bão, ngập lụt, hạn hán, sạt lở đất, lũ quét, nắng nóng, mưa lớn, xâm nhập mặn, rét hại....

- Thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp và có sự khác nhau giữa các vùng

+ Biến đổi khí hậu toàn cầu và khu vực đã làm cho thiên tai ở nước ta những năm gần đây có xu hướng gia tăng cả về tần suất, quy mô và cường độ. 

+ Thời gian xuất hiện ngày càng bất thường, trái quy luật nên rất khó dự báo và phòng chống, đặc biệt là mưa lớn, lũ, ngập lụt, bão, lũ quét, sạt lở đất, rét hại, nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn....

+ Thiên nhiên nước ta có sự phân hoá đa dạng theo không gian và thời gian, đặc biệt là sự phân hoá của khí hậu và địa hình. 

=> Mỗi vùng thường có các loại thiên tai khác nhau tùy thuộc vào vị trí địa lí và những đặc điểm tự nhiên mang tính đặc thù của từng vùng.

- Thiên tai được phân thành các cấp rủi ro khác nhau

+ Các cấp rủi ro thiên tai được xác định dựa vào cường độ, phạm vi ảnh hưởng, khu vực chịu tác động trực tiếp và khả năng gây thiệt hại của thiên tai.

+ Cấp độ rủi ro thiên tai được xác định cho từng loại thiên tai và được phân tối đa thành 5 cấp theo mức độ tăng dần của rủi ro thiên tai.

+ Các cấp rủi ro thiên tai được công bố cùng nội dung bản tin dự báo, cảnh báo về thiên tai.

 => là cơ sở cho việc cảnh báo, chỉ đạo, chỉ huy, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.

 

Câu hỏi: Dựa vào thông tin bài học, hãy trình bày các nguyên nhân hình thành thiên tai ở Việt Nam.

Bài làm chi tiết:

* Tác động của các nhân tố tự nhiên

- Tác động tổng hợp của vị trí địa lí và các nhân tố tự nhiên ở nước ta đã tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện nhiều loại thiên tai.

- Do vị trí địa lí nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, có lượng mưa lớn và phân mùa sâu sắc nên mùa mưa thường có mưa lớn, lũ lụt, năng nóng,...; mùa khô thường bị hạn hán, xâm nhập mặn, rét hại,...

- Do tiếp giáp với Biển Đông – là vùng biển nhiệt đới nên hằng năm nước ta thường chịu ảnh hưởng nhiều của bão, áp thấp nhiệt đới....

- Địa hình nhiều đồi núi, chia cắt phức tạp, vỏ phong hoá dày trong điều kiện mưa lớn và phân mùa nên thường xảy ra sạt lở đất, lũ quét,...

* Tác động của biến đổi khí hậu

- Biến đổi khí hậu trên toàn cầu và khu vực là một trong những nguyên nhân làm xuất hiện và gia tăng thiên tai ở nước ta trong tất cả các mùa. 

- Xu hướng tăng lên của nhiệt độ Trái Đất, mực nước biển dâng, gia tăng tính thất thường của mưa,... đã làm cho các loại thiên tai phổ biến ở nước ta xuất hiện ngày càng nhiều hơn, với cường độ lớn hơn và diễn biến phức tạp, khó lường.

* Tác động của quá trình phát triển kinh tế – xã hội

- Gia tăng dân số cùng với những tác động tiêu cực từ hoạt động kinh tế – xã hội như: khai thác rừng, xây dựng hồ chứa, khai thác khoáng sản, khai thác nước ngầm, đô thị hoá, xây dựng cơ sở hạ tầng (công trình giao thông, khu đô thị, khu công nghiệp, khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí,....).... là nguyên nhân làm gia tăng tỉnh bất thường của thiên tai ở nước ta cả về cường độ, quy mô và thời gian xuất hiện.

- Việc gia tăng hoạt động khai thác tài nguyên thiên thiên, phát triển thuỷ điện, phát triển công nghiệp ở thượng lưu, trung lưu các sông lớn như sông Hồng, sông Cửu Long (Mê Công) thuộc lãnh thổ các nước trong khu vực cũng là nguyên nhân góp phần làm trầm trọng hơn các loại thiên tai ở vùng hạ lưu thuộc lãnh thổ nước ta như: lũ, ngập lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở đất,... 

 

Câu hỏi: Dựa vào thông tin bài học, hãy trình bày các cách phân loại thiên tai ở Việt Nam.

Bài làm chi tiết:

- Căn cứ vào vùng lãnh thổ, thiên tai được chia thành hai loại: thiên tai diễn ra trên phạm vi hẹp (một huyện hoặc một vài huyện) và thiên tai diễn ra trên phạm vi rộng (bao gồm nhiều tỉnh, thành phố).

- Căn cứ vào thời gian diễn ra, thiên tai được chia thành hai loại: thiên tai xuất hiện trong thời gian ngắn (từ một vài phút đến một vài giờ) như: lốc, sét, lũ quét,... và thiên tai xuất hiện trong thời gian dài (từ một vài ngày đến hàng tháng) như: bão, ngập lụt, hạn hán....

- Căn cứ vào mức độ thiệt hại, thiên tai được chia thành hai loại:

+ Hiểm hoạ là những thiên tai có thể gây tổn thất về người, tài sản, môi trường, điều kiện sống và gián đoạn các hoạt động kinh tế, xã hội. Hiểm hoạ có thể diễn ra đột ngột, tốc độ nhanh (như động đất, lũ quét,...) hoặc có thể diễn ra trong thời gian dài (như hạn hán).

+ Thảm hoạ là những thiên tai dẫn đến những tổn thất nghiêm trọng về người, tài sản, môi trường. Thảm họa thường có phạm vi ảnh hưởng rộng lớn, làm gián đoạn cuộc sống của cộng đồng và suy thoái môi trường.

- Căn cứ vào nguồn gốc phát sinh chủ yếu, thiên tai được chia thành ba loại:

+ Thiên tai có nguồn gốc khí tượng (thiên tai khí tượng) như: bão, sét, mưa đá....

+ Thiên tai có nguồn gốc thuỷ văn (thiên tai thuỷ văn) như: ngập lụt, lũ, nước dâng....

+ Thiên tai có nguồn gốc địa chất (tai biến địa chất) như: động đất, sạt lở đất, sụt lún đất....

 

II. MỘT SỐ THIÊN TAI, NGUYÊN NHÂN, HẬU QUẢ VÀ BIỆN PHÁP PHÒNG TRÁNH

Câu hỏi: Dựa vào thông tin bài học, hãy:

- Phân tích nguyên nhân và hậu quả của bão.

- Trình bày các biện pháp phòng chống bão ở nước ta.

Bài làm chi tiết:

* Nguyên nhân

Bão thường được hình thành trên các vùng biển ẩm (có nhiệt độ trên 26 °C), nơi có quá trình đối lưu, bốc hơi và hội tụ mạnh của không khí. Ở nước ta, bão thường được hình thành và di chuyển vào từ phía tây Thái Bình Dương.

* Hậu quả

- Về người và sức khỏe cộng đồng: Bão có thể gây thiệt hại về người (bị thương, chết), làm giảm khả năng lao động, tăng nguy cơ dịch bệnh, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe cộng đồng.

- Về kinh tế: Bão thường làm hư hỏng, mất mát nhà cửa, tài sản, phương tiện giao thông, công trình xây dựng; thiệt hại về cây trồng, vật nuôi; gián đoạn sản xuất công nghiệp và các ngành dịch vụ....

- Về môi trường: Bão thường gây ô nhiễm môi trường và là nguyên nhân làm xuất hiện các loại thiên tai khác như: lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất....

* Biện pháp phòng chống

a. Nhóm biện pháp lâu dài:

- Trồng rừng và bảo vệ rừng phòng hộ ven biển nhằm làm suy yếu cường độ hoạt động của bão khi đổ bộ vào đất liền.

- Nghiên cứu, tăng cường đầu tư nhằm nâng cao hiệu quả (tính chính xác, kịp thời) công tác dự báo bão.

- Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình xây dựng, hiện đại hoá phương tiện cứu hộ, cứu nạn nhằm tăng hiệu quả phòng chống bão.

- Giáo dục, tuyên truyền, tập huấn nhằm nâng cao nhận thức của người dân về bão và biện pháp phòng chống bão,...

b. Nhóm biện pháp cụ thể:

- Trước khi có bão

+ Chặt, cưa bỏ cây khô, cành to ở vườn nhà, trường học đề phòng bị gãy đổ khi có bão.

+ Dự trữ lương thực, thực phẩm, nước sạch, chất đốt và các vật dụng cần thiết của gia đình.

+ Thực hiện các biện pháp phòng chống bão: chằng chống nhà cửa, bảo quản, cất giữ các giấy tờ quan trọng, sách vở, tài sản, công cụ sản xuất....

+ Thường xuyên theo dõi thông tin dự báo, cảnh báo và các chỉ đạo về ứng phó với bão trên các phương tiện thông tin đại chúng, các chỉ đạo của địa phương và nhà trường.

+ Sơ tán và trú ẩn ở những nơi an toàn, được xây kiên cố như: nhà ở, các công trình công cộng, trụ sở cơ quan nhà nước, trường học, trạm y tế,...

- Khi bão đang xảy ra

+ Không ra khỏi nơi tránh bão.

+ Tránh xa các khu vực nguy hiêm như: cửa kính, cột điện, đường dây điện, cây cao,...

+ Thực hiện theo hướng dẫn của nhà trường, địa phương, gia đình về các việc nên làm, không nên làm khi đang có bão....

- Sau khi bão tan

+ Tiếp tục theo dõi thông tin về bão, đề phòng mưa lớn, lũ lụt và các thiên tai - khác có thể xảy ra.

+ Tham gia cứu giúp người bị nạn theo hướng dẫn của người thân, địa phương, nhà trường.

+ Kiểm tra nhà ở, tài sản, đồ dùng, công cụ sản xuất, nguồn điện, nguồn nước, lương thực, thực phẩm dự trữ của gia đình,... nhằm phát hiện các thiệt hại cần khắc phục, sửa chữa.

+ Dọn dẹp vệ sinh môi trường ở gia đình, cộng đồng và nhà trường đề phòng dịch bệnh,...

 

Câu hỏi: Dựa vào thông tin bài học, hãy: 

- Phân tích nguyên nhân và hậu quả của hạn hán. 

- Trình bày các biện pháp phòng chống hạn hán ở nước ta.

Bài làm chi tiết:

* Nguyên nhân 

Hạn hán hình thành do không có mưa hoặc rất ít mưa trong một thời gian dài, đặc biệt là ở những nơi có lớp phủ thực vật bị suy giảm, làm hạ thấp mực nước ngâm, sông ngòi, ao hồ cạn kiệt, độ ẩm của đất giảm mạnh và trở nên khô căn.

* Hậu quả 

- Về người: Hạn hán làm cạn kiệt và ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt, gia tăng các bệnh truyền nhiễm....

- Về kinh tế: Hạn hán thường gây thiệt hại lớn trong nông nghiệp do thiếu nước cho trồng trọt, chăn nuôi, từ đó dẫn đến thiếu lương thực và thực phẩm; giảm công suất hoặc gián đoạn hoạt động của các nhà máy thuỷ điện, hạn chế hoặc gián đoạn hoạt động giao thông vận tải đường thuỷ....

- Về môi trường: Hạn hán làm biến đổi môi trường sống của các loài sinh vật, tăng nguy cơ và mức độ hoang mạc hoá, cạn kiệt và ô nhiễm nguồn nước (nước mặt và nước ngầm); tăng mức độ và diện tích bị nhiễm mặn, nhiễm phèn ở các vùng ven biển....

* Biện pháp phòng chống

a. Nhóm biện pháp lâu dài

- Bảo vệ rừng, mở rộng diện tích rừng, đặc biệt là rừng phòng hộ nhằm tăng khả năng giữ đất, giữ nước, giảm thiểu mức độ hạn hán.

- Đầu tư phát triển các công trình thuỷ lợi, tăng cường khả năng dự trữ và phân phối nước cho sản xuất, sử dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước.

- Chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, áp dụng các mô hình sản xuất, các cây trồng có khả năng chịu hạn trong nông nghiệp.

- Nâng cao nhận thức của người dân về việc sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ nguồn nước,...

b. Nhóm biện pháp cụ thể

- Trước khi có hạn hán

+ Theo dõi thông tin dự báo về tình hình hạn hán trên các phương tiện thông tin đại chúng.

+ Dự trữ nước sinh hoạt cho gia đình; xây dựng bể chứa hoặc sử dụng các vật dụng có thể chứa nước để thu gom, dự trữ nguồn nước mưa.

+ Dự trữ lương thực, thực phẩm cho gia đình, dự trữ và bảo quản nguồn thức ăn cho gia súc, gia cầm trong mùa khô....

- Khi đang hạn hán

+ Thực hiện theo sự chỉ đạo, hướng dẫn của địa phương về các biện pháp ứng phó với hạn hán.

+ Sử dụng tiết kiệm và bảo vệ nguồn nước, tận dụng nước đã dùng cho sinh hoạt (ví dụ nước rửa rau, nước vo gạo,...) đê tưới cây hoặc dọn vệ sinh....

+ Cẩn trọng khi sử dụng lửa, thiết bị điện trong gia đình để đề phòng tránh hoả hoạn,...

- Sau khi hạn hạn

+ Kiểm tra và sửa chữa, củng cố hệ thống bể chứa, vật dụng có thể chứa nước.

+ Hỗ trợ khắc phục hậu quả do hạn hán và khôi phục các hoạt động sản xuất sau hạn hán ở gia đình, cộng đồng và nhà trường....

 

Câu hỏi: Dựa vào thông tin bài học, hãy: 

- Phân tích nguyên nhân, hậu quả của sạt lở đất và lũ quét.

- Trình bày các biện pháp chủ yếu để phòng chống, giảm nhẹ thiệt hại do sạt lở đất và lũ quét ở nước ta.

Bài làm chi tiết:

 

Sạt lở đất

Lũ quét

Nguyên nhân 

Các nguyên nhân chủ yếu gây ra sạt lở đất là: đất đã trên các sườn dốc bị thấm nước do mưa lớn hoặc nước lũ, mực nước sông, hồ thay đổi đột ngột do tích nước trong hồ chứa; các hoạt động của con người (chặt phá rừng, xẻ sườn núi làm đường giao thông, xây dựng nhà ở, khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng, lấn chiếm dòng chảy....).

Lũ quét thường xảy ra do mưa lớn trên các khu vực địa hình dốc, chia cắt mạnh và lớp phủ thực vật bị phá huỷ. Ngoài ra, lũ quét có thể xuất hiện do vỡ đập hoặc xả lũ khẩn cấp với lưu lượng lớn. Do xuất hiện đột ngột nên lũ quét là loại thiên tai rất khó dự báo.

Hậu quả 

Sạt lở đất có thể gây thiệt hại lớn: gây thương vong về người, phá huỷ nhà ở, tài sản của người dân, các công trình giao thông, thông tin liên lạc, gián đoạn hoạt động giao thông vận tải, du lịch, mất rừng và đất canh tác,...

Lũ quét có thể gây thiệt hại về người (bị thương, chết); phá huỷ nhà cửa, các công trình công cộng; xói lở đất hoặc bồi lấp đất, đá vào đồng ruộng,....

Các biện pháp phòng, chống

- Khi chưa có sạt lở đất: Cần tìm hiểu các điều kiện tự nhiên của địa phương, đặc biệt là về khả năng xuất hiện sạt lở đất cũng như các trận sạt lở đất đã từng xảy ra, bảo vệ kết hợp với mở rộng diện tích rừng ở địa phương, trao đổi với gia đình, người thân lập kế hoạch và biện pháp phòng tránh khi sạt lở đất xảy ra, theo dõi thông tin cảnh báo trên các phương tiện thông tin, của địa phương về nguy cơ xảy ra sạt lở đất ở địa phương.

- Khi có nguy cơ xảy ra sạt lở đất (mưa lớn kéo dài ở những khu vực địa hình dốc....): Thực hiện việc sơ tán khỏi khu vực nguy hiểm khi có yêu cầu của địa phương và các cơ quan chức năng, theo dõi và nhận biết các dấu hiệu bất thường, báo hiệu hiện tượng sạt lở đất (cây gãy đổ, vết nứt trên tường nhà, sự thay đổi đột ngột của nước sông suối từ nước trong thành nước đục, âm thanh di chuyển của đất đá,...); sẵn sàng di chuyển nhanh đến nơi an toàn khi quan sát thấy các dấu hiệu của sạt lở đất.

- Sau khi có sạt lở đất: Không lại gần các khu vực bị sạt lở – là những nơi chưa ổn định và có thể tiếp tục bị sạt lở, hỗ trợ người thân, bạn bè và cộng đồng khắc phục hậu quả của sạt lở đất....

– Trồng rừng và bảo vệ rừng để hạn chế mức độ tập trung nước trên bề mặt; áp dụng các biện pháp canh tác hợp lí trên đất dốc.

– Xây dựng các hệ thống cảnh báo sớm và kế hoạch ứng phó khẩn cấp khi có lũ quét.

– Thực hiện sơ tán theo kế hoạch và sự hướng dẫn của địa phương; chủ động sơ tán khẩn cấp khi thấy các dấu hiệu có thể xảy ra lũ quét (mưa lớn kéo dài ở thượng nguồn, âm thanh dịch chuyển của đất đá, cây cối với tốc độ lớn,...).

– Giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức và nâng cao kĩ năng phòng chống lũ quét cho cộng đồng....

 

III. THỰC HÀNH TÌM HIỂU THIÊN TAI VÀ BIỆN PHÁP

Câu hỏi:

- Thu thập thông tin (số liệu, tranh, ảnh, video) để trưng bày và giới thiệu về một loại thiên tai phổ biến ở địa phương.

- Viết báo cáo dưới dạng đoạn văn ngắn về một loại thiên tai để tuyên truyền trong trường học hoặc cộng đồng dân cư.

Bài làm chi tiết:

Mưa lớn gây ngập lụt và thiệt hại nặng nề tại Thừa Thiên Huế và Quảng Trị

THỪA THIÊN HUẾ ĐỐI MẶT VỚI NGẬP, LŨ DÀI NGÀY

Sơ bộ thống kế thiệt hại đến sáng 15/11, đã có ít nhất 3 người mất tích tại Quảng Trị. Về nhà, đã có ít nhất 22 nhà bị tốc mái; 1.342 nhà bị ngập (Quảng Trị: 1.259; Đà Nẵng: 83); riêng tỉnh Thừa Thiên Huế đang thống kê số nhà bị ngập (36 phường, xã của thành phố Huế và các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Hương Thuỷ, Phú Vang, Phú Lộc và Nam Đông bị ngập từ 0,3-0,8m).

Thiệt hại về nông nghiệp: 69 ha cây ăn quả, hoa màu (Quảng Trị: 65ha; Đà Nẵng: 04 ha) và 50.000 cây giống lâm nghiệp, 5.000 cây hoa cúc giống (Quảng Trị). Về chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản: 1.090 con gia súc, gia cầm bị nước cuốn trôi.

Đối với giao thông, tình trạng tắc đường do ngập cục bộ một số vị trí trên các tuyến Quốc lộ QL1A, QL 49B (Thừa Thiên Huế), Quốc lộ QL 40B (Quảng Nam), Quốc lộ QL 15 (Quảng Bình) và một số tuyến đường tỉnh lộ, huyện lộ tại Quảng Nam (ĐT 609, 611), Quảng Trị (tắc 10 điểm ngầm tràn, cầu tràn ở huyện Đăc Krong).

Các tuyến đường thuộc 36 phường, xã của thành phố Huế; nhiều tuyến đường thuộc các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Hương Thuỷ, Phú Vang, Phú Lộc và Nam Đông bị ngập (từ 0,3-0,8m), chia cắt giao thông. Sạt lở taluy dương một số vị trí trên đường quốc lộ, tỉnh lộ: QL 9C (100m3), QL 9B, ĐT 558C (Quảng Bình); ĐT 601, QL 14G (TP Đà Nẵng); ĐT 628 (Quảng Ngãi).

Tối 14/11, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã trực tiếp chỉ đạo tổ chức di dời 351 hộ dân (huyện Nam Đông: 151 hộ; huyện Phú Lộc: 146 hộ; TP Huế: 54 hộ.

Thông tin từ Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên – Huế, lũ ở các sông đang lên nhanh. Sông Hương và sông Bồ hiện đang ở trên mức báo động báo động 3. Do ảnh hưởng của mưa lớn, vào tối 14/11, mực nước tại khu vực Đập Đá đã tràn qua đường, gây ách tắc giao thông. Người dân sinh sống tại một số tuyến thường xuyên bị ngập lụt của thành phố Huế như Bà Triệu, Trường Chinh, Nguyễn Hữu Cảnh... đã di chuyển đồ đạc, xe cộ lên chỗ cao để phòng tránh. 

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế cảnh báo nguy cơ rất cao xảy ra ngập lụt kéo dài ở vùng trũng thấp, khu đô thị, sạt lở ven sông Bồ, sông Hương, sông Truồi nhất là tại các huyện Quảng Điền, thị xã Hương Trà, Phú Vang, thị xã Hương Thủy, Hương Thủy, Phú Lộc, Nam Đông và thành phố Huế,

Cũng trong tối 14/11, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên - Huế phát đi công văn yêu cầu các trường học trên địa bàn tỉnh cho toàn bộ học sinh nghỉ học ngày 15/11 để ứng phó với mưa lụt đang diễn biến phức tạp.

Theo thông tin từ Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị, mưa lớn những ngày qua khiến nước trên các sông lên cao.

Tại huyện Cam Lộ, nước lũ trên sông Hiếu lên cao đột ngột, người dân không kịp trở tay khiến 60 con bò, 1.000 con gia cầm bị cuốn trôi. Trung đoàn 19 (Sư đoàn 968) đóng chân trên địa bàn huyện cũng cử hàng trăm chiến sĩ giúp dân khắc phục hậu quả. Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Cam Tuyền (xã Cam Tuyền) cử 30 đoàn viên, giáo viên và hàng chục phụ huynh tham gia dọn dẹp, vệ sinh nhà hiệu bộ, phòng học, sân trường bị ngập nước.

Tại 2 huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông, mưa lũ khiến 14 ngầm, cầu tràn bị ngập, một số khu dân cư bị chia cắt cục bộ. Lực lượng chức năng đã triển khai lực lượng canh gác và bố trí barie, biển cảnh báo tại các vị trí ngầm, tràn bị chia cắt, các điểm nguy cơ sạt lở, khu vực nguy hiểm,… đảm bảo an toàn cho người và phương tiện.

Ngoài ra, mưa lớn cũng khiến nhiều đoạn bờ sông, bờ suối trên địa bàn tỉnh tiếp tục bị xói, sạt lở. Một số công trình cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi bị ngập và hư hỏng. Sản xuất nông nghiệp cũng chịu thiệt hại nặng với 65 ha cây ăn quả, rau màu; 50.000 cây giống cây lâm nghiệp, 15.000 cây hoa cúc giống bị ngập úng. Hiện chính quyền các địa phương tỉnh Quảng Trị đang rà soát, thống kê số liệu thiệt hại và tập trung khắc phục hậu quả.

 

LUYỆN TẬP – VẬN DỤNG

Câu 1: Lập sơ đồ hệ thống hoá các đặc điểm của thiên tai ở Việt Nam.

Bài làm chi tiết:

Câu 2: Hãy lựa chọn một loại thiên tai và hoàn thành thông tin theo bảng gợi ý dưới đây vào vở:

Loại thiên tai

Nguyên nhân

Hậu quả

Biện pháp

?

?

?

?

Bài làm chi tiết:

Loại thiên tai

Nguyên nhân

Hậu quả

Biện pháp

Lũ quét

Lũ quét thường xảy ra do mưa lớn trên các khu vực địa hình dốc, chia cắt mạnh và lớp phủ thực vật bị phá huỷ. Ngoài ra, lũ quét có thể xuất hiện do vỡ đập hoặc xả lũ khẩn cấp với lưu lượng lớn. Do xuất hiện đột ngột nên lũ quét là loại thiên tai rất khó dự báo.

Lũ quét có thể gây thiệt hại về người (bị thương, chết); phá huỷ nhà cửa, các công trình công cộng; xói lở đất hoặc bồi lấp đất, đá vào đồng ruộng,....

– Trồng rừng và bảo vệ rừng để hạn chế mức độ tập trung nước trên bề mặt; áp dụng các biện pháp canh tác hợp lí trên đất dốc.

– Xây dựng các hệ thống cảnh báo sớm và kế hoạch ứng phó khẩn cấp khi có lũ quét.

– Thực hiện sơ tán theo kế hoạch và sự hướng dẫn của địa phương; chủ động sơ tán khẩn cấp khi thấy các dấu hiệu có thể xảy ra lũ quét (mưa lớn kéo dài ở thượng nguồn, âm thanh dịch chuyển của đất đá, cây cối với tốc độ lớn,...).

– Giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức và nâng cao kĩ năng phòng chống lũ quét cho cộng đồng....

 

Câu 3: Ở địa phương em thường có loại thiên tai nào? Em có thể làm gì để góp phần vào việc phòng chống, giảm nhẹ thiệt hại của loại thiên tai đó?

Giải chi tiết:

Ở Thái Bình, thiên tai thường xuyên xảy ra đó là bão. Để góp phần vào việc phòng, chống, giảm nhẹ thiệt hại của thiên tai, em sẽ:

- Nắm vững thông tin về các biện pháp phòng tránh và ứng phó với thiên tai bão, bao gồm cách xây dựng nhà cửa an toàn, lập kế hoạch sơ tán và cung cấp các vật dụng cần thiết.

- Tham gia vào các hoạt động cộng đồng về phòng chống thiên tai bão, bao gồm việc tham gia vào các buổi họp, diễn tập sơ tán và thảo luận về các biện pháp phòng tránh.

- Tình nguyện trong các tổ chức hoặc chương trình cung cấp cứu trợ và hỗ trợ cho những người bị ảnh hưởng bởi thiên tai bão, từ việc cung cấp thực phẩm và nước uống cho đến việc xây dựng lại cộng đồng.

- Học cách tự bảo vệ bản thân và gia đình bằng cách lập kế hoạch sơ tán, sử dụng các vật dụng bảo hộ và cung cấp các phương tiện an toàn như pin dự phòng và đèn pin.

- Chia sẻ thông tin hữu ích về biện pháp phòng tránh và ứng phó với thiên tai bão với gia đình, bạn bè và cộng đồng để tăng cường nhận thức và chuẩn bị.

 

Tìm kiếm google:

Giải chuyên đề Địa lí 12 Cánh diều, Giải chuyên đề chuyên đề 1: Thiên tai và biện pháp SGK chuyên đề Địa lí 12 Cánh diều, Giải chuyên đề Địa lí 12 cánh diều chuyên đề 1: Thiên tai và biện pháp

Xem thêm các môn học


Copyright @2024 - Designed by baivan.net