Giải Chuyên đề 1: Lịch sử tín ngưỡng và tôn giáo ở Việt Nam (phần II) chuyên đề Lịch 12 cánh diều. Phần đáp án chuẩn, hướng dẫn giải chi tiết cho từng bài tập có trong chương trình học của sách giáo khoa chuyên đề mới. Hi vọng, các em học sinh hiểu và nắm vững kiến thức bài học.
Câu hỏi: Nêu nguồn gốc của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở Việt Nam.
Bài làm chi tiết:
- Thờ cúng tổ tiên là tín ngưỡng xuất hiện từ xa xưa và tồn tại ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là ở một số nước Đông Bắc Á và Đông Nam Á.
+ Niềm tin cho rằng linh hồn của người đã chết vẫn còn hiện hữu trong đời sống và có ảnh hưởng đến người thân trong gia đình.
+ Sự tưởng nhớ, kính trọng và lòng biết ơn của người đang sống đối với các thế hệ tiền nhân, đặc biệt là ông bà, cha mẹ đã qua đời.
+ Ảnh hưởng từ các yếu tố Nho giáo, Đạo giáo, Phật giáo,...
Câu hỏi: Đọc thông tin, tư liệu trong mục 1 và quan sát hình ảnh, nêu những nét chính của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở Việt Nam.
Bài làm chi tiết:
- Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên biểu hiện chủ yếu ở việc lập bàn thờ và hoạt động cúng lễ, giỗ.
- Hoạt động cúng lễ được tiến hành vào ngày mùng một, ngày rằm, ngày tết truyền thống và những dịp khác, tuỳ theo niềm tin hoặc nhu cầu tâm linh của gia chủ.
- Giỗ là nghi thức quan trọng trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, để tưởng nhớ ngày người thân qua đời theo âm lịch.
- Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên còn gắn với một số hoạt động khác như xây dựng nhà thờ họ, chung ruộng hương hoả, tảo mộ,...
Câu hỏi: Theo em, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên có ý nghĩa như thế nào trong đời sống văn hoá của người Việt?
Bài làm chi tiết:
Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên có ý nghĩa rất lớn trong đời sống văn hoá của người Việt. Đây không chỉ là một phần của niềm tin tôn giáo mà còn là một phần quan trọng của bản sắc văn hóa dân tộc.
- Thờ cúng tổ tiên là cách mà người Việt ghi nhớ và bảo tồn truyền thống gia đình. Việc thờ cúng giúp gắn kết các thế hệ trong gia đình và duy trì mối quan hệ gia đình mạnh mẽ.
- Thờ cúng tổ tiên là cách để biểu dương và tri ân những công lao của tổ tiên đã đi trước. Đây cũng là cách thể hiện lòng kính trọng và tôn trọng đối với nguồn gốc và lịch sử của mình.
- Thờ cúng tổ tiên là một phần của văn hóa Việt Nam và thường được kết hợp với các nghi lễ, lễ hội và nghi thức khác để tạo ra một không gian giao thoa văn hóa độc đáo.
- Việc thờ cúng tổ tiên cũng là cách để người thân trong gia đình cảm thấy được an ủi và cảm thông trong những thời điểm khó khăn, mất mát và thử thách trong cuộc sống.
Tóm lại, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên không chỉ là một phần của niềm tin tôn giáo mà còn là một phần quan trọng của văn hóa, giúp gắn kết gia đình, bảo tồn truyền thống và tôn trọng nguồn cội của mình.
Câu hỏi: Đọc thông tin và tư liệu, nêu nguồn gốc của tín ngưỡng thờ Quốc tổ Hùng Vương.
Bài làm chi tiết:
- Tín ngưỡng thờ Quốc tổ Hùng Vương ở Việt Nam bắt nguồn từ sự tưởng nhớ và biết ơn các Vua Hùng, là những người đứng đầu nhà nước Văn Lang- nhà nước đầu tiên của người Việt.
- Theo truyền thống, lễ giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức tại Đền Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh, thuộc xã Hy Cương, thành phố Việt Trì (Phú Thọ).
Câu hỏi: Đọc thông tin, tư liệu trong mục 2 và quan sát hình ảnh, nêu những nét chính của tín ngưỡng thờ Quốc tổ Hùng Vương.
Bài làm chi tiết:
- Tín ngưỡng thờ Quốc tổ Hùng Vương biểu hiện ở hoạt động thờ cúng các Vua Hùng và hướng về ngày giỗ Tổ, với lễ hội Đền Hùng (Phú Thọ).
- Trong lễ hội Đền Hùng, phần lễ bắt đầu bằng lễ dâng hương tại Đền Thượng. Đồ tế lễ có bánh chưng, bánh giày để nhắc lại sự tích Lang Liêu, đồng thời ghi nhớ công lao các vua Hùng đã dạy dân trồng lúa, phần hội diễn ra quanh khu vực núi Hùng, gồm các hoạt động biểu diễn, các trò chơi và thi đấu, ...
- Tín ngưỡng thờ Quốc tổ Hùng Vương còn biểu hiện qua hệ thống cơ sở thờ các Vua Hùng ở nhiều nơi trên cả nước như Khu di tích lịch sử Đền Hùng (Phú Thọ), Đền thờ Vua Hùng tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đền Hùng tại Đà Lạt (Lâm Đồng), ...
Câu hỏi: Theo em, tín ngưỡng thờ Quốc tổ Hùng Vương có ý nghĩa và vai trò như thế nào trong đời sống văn hoá của người Việt?
Bài làm chi tiết:
- Lễ hội Đền Hùng được xem là lễ hội đặc biệt quan trọng của dân tộc Việt Nam, nhằm thể hiện ý thức hướng về nguồn cội, phản ánh truyền thống tốt đẹp “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.
- Thờ cúng Quốc tổ Hùng Vương cũng là cách để gắn kết và đoàn kết dân tộc, tạo ra một tinh thần đồng lòng và tự hào dân tộc. Việc tôn vinh và kính trọng Quốc tổ giúp tạo ra một tinh thần đoàn kết mạnh mẽ trong cộng đồng người Việt.
- Thờ cúng Quốc tổ Hùng Vương cũng là cách để tôn vinh lòng yêu nước và tình thân quốc của người Việt, khơi dậy tinh thần tự hào về quê hương và dân tộc, đồng thời khuyến khích các thế hệ sau biết trân trọng và gìn giữ di sản văn hóa của dân tộc.
Câu hỏi: Nêu nguồn gốc của tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam.
Bài làm chi tiết:
- Thờ Mẫu là một tín ngưỡng nguyên thuỷ gắn với cư dân nông nghiệp, được hình thành từ nhiều tín ngưỡng bản địa khác nhau (thờ nữ thần trong tự nhiên, thờ Mẫu thần) cùng với những ảnh hưởng của Đạo giáo từ Trung Quốc.
+ Chế độ mẫu hệ thời nguyên thủy và tục thờ các nữ thần đại diện cho thiên nhiên như nữ thần Mặt Trời, nữ thần Mặt Trăng,...
+ Theo thời gian, hệ thống nữ thần được bổ sung. Một số nữ thần được tôn vinh là “Mẫu”, như Mẫu Âu Cơ, Bà Chúa Ngọc, Bà Chúa Xứ,...
+ Từ khoảng thế kỉ XVI - XVII, tục thờ nữ thần, mẫu thần phát triển thành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ (Tam tòa Thánh Mẫu), Tứ phủ.
Câu hỏi: Đọc thông tin trong mục 3 và quan sát hình ảnh, nêu những nét chính của tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam.
Bài làm chi tiết:
- Đối tượng thờ cúng của tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam gồm nhiều vị thần khác nhau. Khi phát triển thành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, đối tượng thờ cúng chủ yếu là Ngọc Hoàng, Tam toà Thánh Mẫu, ...
- Việc thờ cúng của tín ngưỡng thờ Mẫu chịu ảnh hưởng của Đạo giáo, gắn liền với mong muốn cầu tài, lộc, sức khỏe.
- Hệ thống nghi lễ và lễ hội trong tín ngưỡng thờ Mẫu rất đa dạng và có nhiều nét đặc sắc. Trong đó nổi bật là nghi lễ hầu bóng (lên đồng) và hệ thống lễ hội “Tháng Tám giỗ cha”, “Tháng Ba giỗ mẹ”.
- Ở Trung Bộ và Nam Bộ, gắn liền với tục thờ Mẫu và thờ Nữ thần còn có hình thức diễn xướng Múa bóng (múa dâng lễ trong các nghi lễ) và Hát bóng tối, thường được tổ chức tại các đền
Câu hỏi: Nêu nguồn gốc của tín ngưỡng thờ Thành hoàng ở Việt Nam.
Bài làm chi tiết:
- Tín ngưỡng thờ Thành hoàng ở Việt Nam có nguồn gốc từ tục thờ thổ thần (thần bản địa) ở các làng xóm.
- Trong quá trình phát triển, do ảnh hưởng của văn hoá Trung Hoa và chính sách của nhà nước quân chủ, việc thờ thổ thần từng bước được thay thế bằng thờ Thành hoàng.
Câu hỏi: Nêu những nét chính của tín ngưỡng thờ Thành hoàng ở Việt Nam.
Bài làm chi tiết:
- Đối tượng thờ cúng của tín ngưỡng thờ Thành hoàng rất đa dạng, gồm Thành hoàng là thiên thần ; Thành hoàng là nhiên thần; Thành hoàng là nhân thần.
- Địa điểm thờ cúng Thành hoàng là đình làng- trung tâm hành chính và là nơi sinh hoạt cộng đồng quan trọng nhất ở làng xã Việt Nam truyền thống.
- Hoạt động cúng lễ Thành hoàng được tổ chức vào nhiều dịp trong năm. Bên cạnh đó, nhiều làng xã còn thực hiện lễ tế tại đình làng.
Câu hỏi: Nêu nguồn gốc của tín ngưỡng thờ anh hùng dân tộc ở Việt Nam.
Bài làm chi tiết:
- Tín ngưỡng thờ anh hùng dân tộc xuất phát từ sự tưởng nhớ và biết ơn những người có công lao đối với cộng đồng, đất nước.
- Tín ngưỡng thờ anh hùng dân tộc còn xuất phát từ mong muốn nhận được sự phù hộ, bảo vệ từ vong linh của các vị anh hùng đối với cá nhân và cộng đồng.
Câu hỏi: Đọc thông tin, tư liệu và quan sát hình ảnh trong mục 5, nêu những nét chính của tín ngưỡng thờ anh hùng dân tộc.
Bài làm chi tiết:
- Biểu hiện chủ yếu của tín ngưỡng thờ anh hùng dân tộc là xây dựng cơ sở thờ tự, thực hiện thờ cúng, tổ chức lễ hội:
+ Xây dựng cơ sở thờ tự: lăng, mộ, đền thờ, miếu thờ, tượng đài, nhà tưởng niệm,...
+ Thực hiện thờ cúng dâng hương, hoa và đồ lễ theo định kỳ, vào ngày giỗ,...
+ Tổ chức lễ hội: với các nghi thức như rước đèn, rước kiệu,... và các cuộc thi đấu, trò chơi dân gian.
Câu hỏi: Giới thiệu những anh hùng dân tộc hoặc người có công lao với cộng đồng được thờ ở địa phương em.
Bài làm chi tiết:
Tín ngưỡng thờ anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt:
Anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt (1019 - 1105) là một danh tướng đời nhà Lý. Ông là người đã có công lớn trong việc đánh đuổi quân xâm lược nhà Tống vào năm 1075 - 1077. Ông được biết đến là một trong 14 vị tướng tài, anh hùng dân tộc tiêu biểu trong lịch sử Việt Nam.
Ngôi đền thờ Thái úy Lý Thường Kiệt trên mảnh đất thiêng xưa kia nay thuộc xã Hà Ngọc, huyện Hà Trung (Thanh Hóa). Đây là một trong những ngôi đền cổ ở Thanh Hóa, dù trải qua hàng trăm năm nhưng đến nay vẫn còn giữ được vẻ nguyên sơ với nhiều chứng tích lịch sử, văn hóa lớn.
Đền được xây dựng theo kiến trúc nhà 5 gian, 2 chái. Mái đền được lợp ngói âm dương, cột kèo và các “vì” trong đền được chạm khắc tinh xảo với các họa tiết hoa văn về các linh vật như: Long, Ly, Quy, Phụng; thiên nhiên, cỏ cây, hoa lá… Xung quanh là các công trình phụ trợ, cây cổ thụ, vườn hoa, cây cảnh… Gian chính giữa của ngôi đền thờ Thái úy Lý Thường Kiệt lúc nào cũng nghi ngút khói hương.
Ngôi đền cổ thờ Thái úy Lý Thường Kiệt ở xã Hà Ngọc, huyện Hà Trung, Thanh Hóa.
Giải chuyên đề Lịch sử 12 Cánh diều, Giải chuyên đề Chuyên đề 1: Lịch sử tín ngưỡng và SGK chuyên đề Lịch sử 12 Cánh diều, Giải chuyên đề Lịch sử 12 cánh diều Chuyên đề 1: Lịch sử tín ngưỡng và