Giải chuyên đề học tập Sinh học 10 KNTT bài 3: Công nghệ tế bào động vật và thành tựu

Dưới đây là phần hướng dẫn giải chi tiết cụ thể cho bộ chuyên đề học tập Sinh học 10 Kết nối tri thức bài 3: Công nghệ tế bào động vật và thành tựu. Lời giải đưa ra ngắn gọn, cụ thể sẽ giúp ích cho em các em học tập ôn luyên kiến thức tốt, hình thành cho học sinh phương pháp tự học, tư duy năng động sáng tạo. Kéo xuống để tham khảo

Câu hỏi khởi động

Việc thay thế các bộ phận bị bệnh, bị tổn thương trên cơ thể người đang gặp phải những khó khăn là thiếu nguồn tạng hiến và xảy ra hiện tượng đào thải sau ghép. Đó là những vấn đề lớn cần các nhà khoa học nghiên cứu giải quyết. Một trong các hướng nghiên cứu là sử dụng các tạng ở động vật biến đổi gene để chống lại hiện tượng đào thải ở người bệnh hoặc nuôi cấy mô tế bào tạo ra các tạng để ghép cho người bệnh. Công nghệ nuôi cây tế bào động vật còn đem lại những triển vọng nào khác trong tương lai?

Hướng dẫn trả lời:

Trong tương lai, công nghệ tế bào động vật không chỉ nuôi cấy tạo các mô, cơ quan thay thế cho các mô, cơ quan bị bệnh mà còn giúp tăng sinh khối, cung cấp nguồn tế bào cho công nghệ chuyển gene, nhân bản vô tính, sản xuất thịt nhân tạo, cũng như cung cấp tế bào, mô cho nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu nhân bản virus,...

I. Các giai đoạn chung của công nghệ tế bào động vật

II. Một số thành tựu và triển vọng của công nghệ tế bào động vật

1. Nhân bản vô tính động vật

Câu hỏi 1. Trình bày quy trình của nhân bản vô tính động vật.

Hướng dẫn trả lời:

Quy trình nhân bản vô tính động vật có thể được tóm tắt như sau:

  • Tách tế bào cho nhân từ một loại mô nào đó của con vật cần nhân bản. Nuôi cấy tế bào trong môi trường nhân tạo để nhân tế bào được đưa về trạng thái giải biệt hoá giống như nhân của tế bào hợp tử. Sau đó, tách lấy nhân tế bào.
  • Tách tế bào trứng tử con vật cho trứng, sau đó loại bỏ nhân của tế bào trứng.
  • Dung hợp nhân tế bào của con vật cần nhân bản vào trứng đã mất nhân.
  • Nuôi cấy tế bào trứng được cấy nhân cho phát triển thành phôi sớm trong môi trường nhân tạo.
  • Cấy phôi vào tử cung con cái cho mang thai.

Trình bày quy trình của nhân bản vô tính động vật.

Câu hỏi 2. Nêu nguyên nhân khiến việc nhân bản vô tính động vật vẫn chưa thực sự thành công.

Hướng dẫn trả lời:

Hiện nay, tỉ lệ nhân bản thành công các con vật còn khá thấp. Con vật nhân bản như cừu Dolly có tuổi thọ thấp hơn bình thường, chứng tỏ quy trình nhân bản cần phải hoàn thiện nhiều hơn nữa.

Một trong các lí do mà các nhà khoa học nghĩ đến là việc tái lập trình hệ gene của tế bào cho nhân còn chưa được hoàn thiện. Trong quá trình biệt hoá tế bào, nhiều gene được đóng/mở bằng cách methyl hoá (gắn thêm nhóm -CH3) một số vị trí nucleotide (cytosine). Trong quá trình giải biệt hoá tế bào cho nhân, có thể một số gene trong tế bào cho nhân chưa được khử nhóm methyl nên còn nhiều gene chưa được giải biệt hoá, dẫn đến quá trình phát triển của con vật nhân bản chưa bình thường.

2. Liệu pháp tế bào gốc

Câu hỏi 1. Người ta có thể tạo ra các tế bào gốc để chữa bệnh bằng cách nào?

Hướng dẫn trả lời:

Liệu pháp tế bào gốc là phương pháp chữa bệnh bằng cách truyền tế bào gốc được nuôi cấy ngoài cơ thể vào người bệnh. Khi vào trong cơ thể, các tế bào này sẽ biệt hoá thành các tế bào nhất định để thay thế cho các tế bào bị bệnh.

Tế bào gốc sử dụng có thể là tế bào gốc phôi, tế bào gốc trưởng thành và tế bào gốc cảm ứng. Các tế bào gốc có thể được lấy từ những phôi thụ tinh trong ống nghiệm giai đoạn 6 ngày tuổi. Tế bào gốc phôi được lấy ra rồi nuôi trong môi trường nhân tạo (H 3.2).

Người ta có thể tạo ra các tế bào gốc để chữa bệnh bằng cách nào?

Tế bào gốc cũng có thể được lấy từ các thai bị sảy hoặc được tạo ra bằng nhiều cách khác. Tuy vậy, truyền tế bào gốc phôi từ một cơ thể vào một cơ thể khác cũng có thể gặp phản ứng đào thải các tế bào lạ của hệ miễn dịch.

Những năm gần đây, các nhà khoa học đã tách thành công nhiều loại tế bào gốc trưởng thành từ mô và cơ quan của người rồi đem nuôi cấy trong môi trường nhân tạo. Ví dụ: Tế bào gốc lấy từ máu cuống rốn trẻ sơ sinh được bảo quản lâu dài ở điều kiện lạnh sâu là một nguồn tế bào gốc hữu ích dùng để chữa bệnh. Ưu điểm lớn nhất của việc sử dụng tế bào gốc tự thân (của chính bệnh nhân) là không kích hoạt hệ thống miễn dịch chống lại tế bào của cơ thể.

Câu hỏi 2. Một số thành tựu sử dụng tế bào gốc để chữa bệnh ở người.

Hướng dẫn trả lời:

Liệu pháp tế bào gốc cũng đang được ứng dụng trong việc hỗ trợ chữa trị một số bệnh ung thư ở người. Trong điều trị ung thư, người ta hay sử dụng tia phóng xạ hoặc hoá chất để tiêu diệt các tế bào ung thư. Tuy nhiên, tia phóng xạ và hoá chất không chỉ tiêu diệt các tế bào ung thư mà còn tiêu diệt các tế bào bình thường vốn phân chia mạnh (ví dụ: tế bào máu). Do đó, cách điều trị này gây nhiều tác dụng phụ không mong muốn. Để giúp người bệnh có thể phục hồi các tế bào lành bị tổn thương như các loại tế bào máu, trong đó có các loại tế bào của hệ miễn dịch, người ta thường tách chiết các tế bào gốc trưởng thành từ người bệnh, đem nhân nuôi trong điều kiện nhân tạo rồi tiêm trở lại cho bệnh nhân.

Liệu pháp tế bào gốc cũng đã được thử nghiệm để chữa bệnh tiểu đường type1. Tế bào tuyến tụy của người bệnh không còn khả năng tổng hợp hormone insulin, vì vậy việc dùng tế bào gốc khoẻ mạnh đưa vào tuyến tuy để thay thế tế bào bệnh là một hướng đi đầy hứa hẹn.

Một hướng nghiên cứu khác là nuôi cấy các tế bào chuyên hoá khoẻ mạnh lấy từ người bệnh, sau đó giải biệt hoá cho chúng trở lại thành các tế bào gốc đa tiềm năng. Các tế bào gốc đa tiềm năng này sẽ được biệt hoá thành tế bào chuyên hoá khác nhau, thay thế cho các tế bào bị bệnh. Bằng công nghệ này, các nhà khoa học Nhật Bản đã tiến hành thử nghiệm lâm sàng dùng tế bào gốc để chữa bệnh mù do thoái hoá điểm vàng ở người cao tuổi. Kết quả cho thấy tình trạng bệnh đã được cải thiện.

Bằng liệu pháp tế bào gốc, các nhà khoa học kì vọng sẽ chữa được bệnh Parkinson, người có cơ tim bị tổn thương do đột quy hay bị tổn thương các tế bào thần kinh.

Liệu pháp tế bào gốc giúp chữa được nhiều bệnh nhưng việc dùng tế bào gốc phôi người để chữa bệnh vẫn còn một số quan ngại về vấn đề đạo đức. Một số nước cho rằng phá các phôi dù là ở giai đoạn phôi sớm là vi phạm đạo đức. Để khắc phục điều này, các nhà khoa học đã nuôi cấy các tế bào gốc trưởng thành để sử dụng trong việc chữa bệnh bằng liệu pháp tế bào gốc.

3. Liệu pháp gene
4. Triển vọng công nghệ tế bào động vật

Câu hỏi 1. Liệu pháp gene là gì? Trình bày các bước tiến hành trong liệu pháp gene.

Hướng dẫn trả lời:

Liệu pháp gene là phương pháp chữa bệnh đi truyền bằng cách thay thế gene bệnh bằng gene bình thường.

Các bước tiến hành liệu pháp gene:

(1) Tách tế bào từ người bệnh, nhân nuôi trong môi trường nhân tạo rồi dùng các biện pháp của công nghệ di truyền để chỉnh sửa gene bị bệnh hoặc thay thế gene bệnh bằng gene lành.

(2) Sàng lọc các tế bào đã được chỉnh sửa hoặc thay thế gene rồi nhân lên, tạo ra một số lượng lớn tế bào khoẻ mạnh.

(3) Tiêm các tế bào đã được chỉnh sửa hoặc thay thế gene vào cơ thể bệnh nhân.

Câu hỏi 2. Trình bày sự khác biệt giữa liệu pháp tế bào mầm sinh dục và liệu pháp tế bào cơ thể.

Hướng dẫn trả lời:

Khác biệt cơ bản giữa liệu pháp tế bào mầm sinh dục với liệu pháp tế bào cơ thể (soma) là thay thế gene trong tế bào mầm sinh dục thì gene được thay thế có thể truyền lại cho thế hệ sau, trong khi liệu pháp tế bào soma thì gene thay thế không được truyền lại cho thế hệ sau.

Câu hỏi 3. Nêu một số thử nghiệm về liệu pháp gene ở người.

Hướng dẫn trả lời:

Năm 2000, tại Pháp, các nhà khoa học đã dùng liệu pháp gene (liệu pháp tế bào soma) để chữa bệnh di truyền cho ba bệnh nhân mắc bệnh suy giảm miễn dịch do hỏng một gene trong tế bào tuỷ xương. Các tế bào tuỷ xương của bệnh nhân được lấy ra, nuôi cấy trong phòng thí nghiệm và được thay thế gene bệnh bằng gene lành nhờ một loại thể truyền là retrovirus. Loại virus dùng làm thể truyền là loại đã được cắt bỏ những gene quan trọng khiến virus không thể tự nhân lên trong tế bào cũng như không thể gây bệnh. Virus làm thể truyền chỉ có nhiệm vụ cài gene cần chuyển vào hệ gene của tế bào nhận như cách chúng vẫn làm khi xâm nhập vào tế bào người. Tế bào tuỷ xương đã thay thế gene sau đó được tiêm trở lại cho bệnh nhân. Tế bào tuỷ xương của các bệnh nhân đã sản sinh ra được protein mà trước đó bị thiếu, như vậy, thử nghiệm coi như đã thành công. Tuy nhiên, một thời gian sau, ba bệnh nhân đều bị bệnh ung thư bạch huyết và một trong số họ đã chết. Nguyên nhân được cho là retrovirus đã cài gene lành vào nhiễm sắc thể người chưa đúng vị trí, dẫn đến kích hoạt gene làm cho tế bào bạch cầu phân chia mất kiểm soát.

Bệnh u xơ nang cũng có thể được chữa trị bằng liệu pháp gene (H 3.5). Bệnh nhân mang gene đột biến CFTR tạo ra protein CFTR không bình thường nên tế bào niêm mạc phổi bị bao bọc bởi quá nhiều dịch nhảy cản trở quá trình hô hấp. Gene bình thường được truyền vào tế bào phổi của bệnh nhân thông qua vector là virus.

Nêu một số thử nghiệm về liệu pháp gene ở người.

Luyện tập và vận dụng

Bài 1. Nêu các triển vọng của việc nhân bản vô tính động vật.

Hướng dẫn trả lời:

Ngày nay, với quy trình công nghệ nhân bản được cải tiến không ngừng, các nhà khoa học đã nhân bản thành công nhiều loài động vật như bò, lợn, cừu, ngựa, lừa, mèo, chó, khỉ và nhiều loại động vật có vú khác. Năm 2021, các nhà khoa học ở viện chăn nuôi của Việt Nam lần đầu tiên nhân bản thành công được các con lợn ỉ, một giống lợn quý của nước ta.

Nhân bản vật nuôi không chỉ nhằm mục đích sản sinh ra nhiều cá thể có cùng kiểu gene ưu việt mà chúng còn được dùng như những “nhà máy” sản xuất thuốc chữa bệnh cho người. Ví dụ: Động vật nhân bản có thêm gene của người sản sinh ra các protein dùng để chữa một số bệnh di truyền ở người như dê chuyển gene sản sinh ra protein của người và tiết vào sữa, protein này dễ dàng được tách chiết và tinh chế từ sữa dê dùng làm thuốc chữa bệnh di truyền rối loạn đông máu.

Năm 2003, các nhà khoa học đã nhân bản thành công một con bò bằng cách lấy nhân từ tế bào da của một con bò đông lạnh đã chết từ năm 1980 cấy vào tế bào trứng đã bị loại bỏ nhân. Thành công này mở ra một hướng ứng dụng mới của nhân bản vô tính ở động vật, giúp gia tăng số lượng cá thể động vật có nguy cơ tuyệt chủng cao.

Mặc dù nhân bản vô tính đã thành công ở nhiều loài động vật, tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề cần phải khắc phục. Tỉ lệ nhân bản thành công ở nhiều loài động vật là rất thấp, các con vật nhân bản không sống được lâu (cừu Dolly chỉ sống được 6 năm), nhiều con mắc bệnh. Điều này chứng tỏ việc tái lập trình hệ gene từ tế bào cho nhân vẫn không được diễn ra một cách hoàn hảo trong tế bào trứng. Một số gene có thể đã không được đóng/mở đúng thời điểm trong quá trình phát triển cá thể.

Bài 2. Liệu pháp gene cần phải khắc phục những trở ngại gì để có thể đưa vào sử dụng trong thực tế?

Hướng dẫn trả lời:

Sử dụng các vector để đưa gene vào tế bào không đảm bảo gene thay thế được gắn vào đúng vị trí của gene gây bệnh. Việc gắn gene sai vị trí có thể làm bất hoạt các gene khác hoặc làm cho gene thay thế biểu hiện không đúng liều lượng, không đúng vị trí. Việc cần khắc phục hiện nay là tìm được công cụ đưa gene bình thường vào đúng vị trí của gene gây bệnh. Một trong các công cụ có triển vọng là hệ thống enzyme CRISPR/Cas9.

Bài 3. Sử dụng tế bào gốc có thể hỗ trợ điều trị một số bệnh ung thư như thế nào?

Hướng dẫn trả lời:

Liệu pháp tế bào gốc có thể hỗ trợ điểu trị một số bệnh ung thư khác bằng cách giúp phục hồi các tế bào gốc tuỷ xương để chúng sản sinh ra các tế bào thay thế những tế bào máu, tế bào hệ miễn dịch bị hoá chất và tia phóng xa tiêu diệt trong quá trình điều trị ung thư.

Ngoài ra, tế bào gốc đang được nghiên cứu thử nghiệm để chữa một số bệnh như ung thư bạch cầu, ung thư hạch, u nguyên bào thần kinh và đa u tuỷ. Các tế bào gốc tuỷ xương được tiêm vào tuỷ xương của bệnh nhân, tại đây chúng phân chia và biệt hoá thành các loại tế bào khác nhau, thay thế các tế bào bị bệnh.

Sử dụng tế bào gốc cũng có thể trực tiếp chống lại tế bào ung thư. Đây là hiện tượng được gọi là “tế bào ghép chống lại khối u”. Tế bào ghép từ người hiến tặng có khả năng tấn công các tế bào ung thư còn sót lại trong cơ thể người bệnh sau những đợt điều trị ung thư với các hoá chất liều cao.

Các loại tế bào gốc được sử dụng có thể là tế bào gốc tự thân (tế bào gốc trưởng thành phân lập từ cơ thể người bệnh, từ tế bào gốc lấy từ máu cuống rốn được bảo quản từ khi mới sinh) hoặc tế bào gốc đồng loại (từ người hiến tặng). Sử dụng các loại tế bào gốc tự thân thì cơ thể sẽ không có phản ứng đào thải tế bào ghép. Nếu truyền tế bào gốc đồng loại, cho dù người hiến tặng và người nhận có kiểu gene tương đồng vẫn có nguy cơ đào thải nên bệnh nhân phải sử dụng thuốc hạn chế đáp ứng miễn dịch loại thải tế bào ghép.

Bài 4. Sử dụng tế bào gốc gây nên những quan ngại gì về vấn đề đạo đức?

Hướng dẫn trả lời:

Việc sử dụng tế bào gốc có thể gây quan ngại về vấn đề đạo đức trong việc tạo ra tế bào gốc bằng cách tạo ra các phôi và phá huỷ phôi ở giai đoạn sớm.

Tìm kiếm google: Giải chuyên đề sinh học 10, giải CĐ sinh học 10 KNTT, giải CĐ sinh học 10 KNTT bài 3 Công nghệ tế bào động vật và thành tựu

Xem thêm các môn học

Giải chuyên đề học tập sinh học 10 kết nối tri thức


Đia chỉ: Tòa nhà TH Office, 90 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại hỗ trợ: Fidutech - click vào đây
Chúng tôi trên Yotube
Cùng hệ thống: baivan.net - Kenhgiaovien.com - tech12h.com