Bài tập 1. Viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) nêu suy nghĩ của bạn về tính hàm súc của ngôn ngữ thơ ca.
Trả lời:
Trong dòng chảy của văn học, mỗi loại hình nghệ thuật lại có những đặc trưng khu biệt với những loại hình nghệ thuật khác, đó chính là những yếu tố cơ bản cốt lõi để phân định các loại thể trong văn chương. Thơ là một loại hình đặc biệt, được xếp trong sự phân khu của các phương thức trữ tình và là một trong những thể loại xuất hiện sớm nhất. Và điểm phân biệt thơ và các thể loại văn chương khác một cách rõ ràng nhất đó là ngôn ngữ thơ. So với nhiều thể loại khác thơ thường có dung lượng khiêm tốn hơn. Để phản ánh thế giới hiện thực muôn màu, thế giới tình cảm phức tạp của con người ngôn ngữ thơ phải thực sự hàm súc. Vậy như thế nào được hiểu là hàm súc ? Hàm súc là hình thức diễn đạt, qua đó, người nói có thể thông báo được một nội dung lớn nhất bằng một số lượng các yếu tố ngôn ngữ ít nhất. Đây là đặc điểm, đồng thời cũng là yêu cầu rất cao của ngôn từ văn học nói chung và trong thơ ca nói riêng. Tính chất này xuất phát từ một lẽ “bài thơ là tổ chức ở trình độ cao của ngôn ngữ, một tổ chức chặt chẽ tinh tế của ngôn ngữ” nên ngôn ngữ thơ biểu hiện cao độ tính hàm súc. Tính hàm súc là đặc điểm chung của ngôn ngữ trong tác phẩm văn chương, nhưng do đặc trưng của thể loại mà nó biểu hiện một cách tập trung với yêu cầu cao nhất trong ngôn ngữ thơ. Tính hàm súc trong thơ ca biểu hiện ở chỗ lời ít ý nhiều, lời hết mà ý chưa cạn, nói như Lưu Trọng Lư, “một câu thơ hay là một câu thơ có sức gợi”. Biểu hiện đó được chứng minh qua nhiều thi phẩm như: ‘Tây Tiến” - một tác phẩm mà người đọc thấy rằng tuy không xuất hiện từ “chết” nhưng ta vẫn gặp rất nhiều khái niệm chỉ cái chết:
“Gục lên súng mũ bỏ quên đời”
“Rải rác biên cương mồ viễn xứ”
“Áo bào thay chiếu anh về đất”
“Tây Tiến người đi không hẹn ước”
Hay đọc tác phẩm “Sóng” của Xuân Quỳnh, ta bắt gặp một thứ ngôn ngữ dạt dào của một trái tim rạo rực, cháy bỏng với những khát khao trong tình yêu:
“Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức”
Tính hàm súc còn biểu hiện ở chỗ: hàm súc trong thơ cũng có nghĩa là phải chính xác, giàu hình tượng, có tính truyền cảm và thể hiện cá tính của người nghệ sĩ dựa trên cơ sở vận dụng các thủ pháp nghệ thuật như ẩn dụ, so sánh… tạo nên nhiều lớp nghĩa cho câu thơ. Trong tác phẩm “Tây Tiến”, Quang Dũng đã sử dụng nhiều từ ngữ chính xác, đem lại hiệu quả nghệ thuật cao. Miêu tả thời gian, Quang Dũng không sử dụng khái niệm mùa quen thuộc, ông đã sáng tạo hình ảnh “mùa em”. Xuân, hạ, thu, đông là mùa của cả đất trời, của tất cả mọi người. Nhưng “mùa em” thì chỉ có của riêng Quang Dũng mà thôi. “Mùa em” là mùa ta gặp em, mùa gắn với hương nếp Mai Châu hay nghĩa tình người Tây Bắc. Theo lẽ đó, thơ không có chỗ đứng cho hư từ mà chỉ có thực từ, trong thơ, ý phải tỏa vào lời, lời phải đỡ với ý, ý phải sâu nhưng lời cũng phải chặt. Một điều đáng nói là, tính hàm súc thường chỉ xuất hiện trong mực thước văn học truyền thống bởi tính chặt chẽ và quy phạm của từ ngữ, đến giai đoạn văn học đương đại, đặc điểm này bị đe dọa bởi sự dài dòng và nông cạn của một số tác giả. Nó đặt ra yêu cầu về sự cân bằng giữa truyền thống và hiện đại giữa hai thuộc tính này.