Bài tập 1. Đọc lại ba bài thơ hai-cư (haiku) trong SGK Ngữ văn 10, tập một (tr. 45) và trả lời các câu hỏi:
1. Bạn đã gặp những “thách thức” nào khi đọc, cảm nhận chùm thơ hai-cư của Ba-sô (Basho), Chi-y-ô (Chiyo), Ít-sa (Issa)? Vì sao những điều bạn vừa nêu có thể được gọi là “thách thức"?
2. Nếu ví mỗi bài thơ như một bức tranh không lời, theo bạn, những bức tranh này thuộc loại nào trong số các loại tranh mà bạn đã biết hoặc nghe nói tới?
3. Khi phân tích hay phát biểu cảm nhận về các bài thơ hai-cư nói trên, thường bài viết, bài nói dài gấp nhiều lần độ dài vốn có của bài thơ. Hiện tượng này gợi lên ở bạn suy nghĩ gì?
4. Hãy xác định mối liên hệ giữa ba hình ảnh được gợi lên từ ba dòng thơ trong bài hai-cư của Ba-sô. So với hai hình ảnh đầu tiên, hình ảnh sau cùng có vị trí như thế nào?
5. Phân tích ý nghĩa của phát hiện “Dây gàu vương hoa bên giếng” trong bài thơ của Chi-y-ô đối với chính nhà thơ và người đọc.
6. Làm rõ những mối tương quan đa chiều giữa các đối tượng được nhắc đến trong bài thơ của Ít-sa.
Trả lời:
1.
- Khi đọc, cảm nhận chùm thơ hai-cư, em bắt gặp những “thách thức” đó là: Bài thơ ít chữ, gần như bản thân phải cố gắng tưởng tượng mới mới có thể hiểu được. Các hình ảnh trong thơ không hiện rõ đặc điểm mà chỉ được nhắc đến tên… Hay các dòng thơ nhìn qua như rời rạc, thiếu vắng phương tiện kết nối giữa các hình ảnh, đòi hỏi độc giả phải làm đầy các khoảng trống hay những điểm trắng để phát hiện ra mỗi liên hệ giữa chúng.
- Những điều em vừa nêu được gọi là “thách thức” vì thông thường, khi tiếp xúc với thơ ca Việt Nam cũng như một số dòng thơ khác ở nước ngoài, hình ảnh thơ luôn hiện lên có đặc điểm, âm thanh, mùi vị… và câu chữ trong thơ tuy cô đọng như có vần, người đọc dễ dàng liên tưởng.
2. Theo em, những bức tranh này thuộc loại tranh thủy mặc. Đó là một thể loại hội hoạ phổ biến trong nền văn hoá nghệ thuật truyền thống ở các nước Đông Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam và là loại tranh chú trọng “thần” hơn “hình”, người vẽ chỉ sử dụng vài nét chấm phá để gợi sự liên tưởng cho người xem bàn luận.
3.
- Đây là hiện tượng cho thấy những tầng ý nghĩa của các bài thơ hai-cư rất phong phú, không bị giới hạn bởi số câu chữ ít ỏi.
- Hiện tượng này ngầm cảnh báo khả năng suy diễn quá xa về ý nghĩa các bài thơ hai-cư với sự rườm rà của lời bình.
4. Mỗi dòng thơ là một hình ảnh riêng. Những tưởng là những hình ảnh riêng lẻ nhưng khi nhìn tổng quan, hình ảnh cành khô, hình ảnh cánh quạ và hình ảnh chiều thu lại có mối liên hệ với nhau. Một bức tranh chiều thu hiện lên trong buổi chiều tĩnh lặng. Trên cành cây khô, đôi chân nhỏ bé của con quạ đáp xuống rồi đứng im. Chiều thu vừa như một bối cảnh nền vừa như kết quả cuối cùng có được hay thần thái toát lên của bức tranh - thơ, khi trên cành khô, một cánh quạ từ đâu đáp xuống, im lìm. Theo góc nhìn khác, trong bài thơ chỉ có hai hình ảnh đúng nghĩa, được “vẽ” theo lối điểm xuyết, còn chiều thu chỉ là tên gọi của một trạng thái tâm hồn mà nhân vật trữ tình muốn hướng đến hay đã đạt đến, một khi đã chủ động gạt hết mối bận tâm về những dáng vẻ (hình tướng) luôn thay đổi của vạn vật.
5. Trong bài thơ của Chi-y-ô, dòng thứ hai không đơn thuần miêu tả một hiện tượng mà chủ yếu nêu lên một phát hiện. Từ dòng này, người đọc vừa nhận ra hình ảnh do thị giác nhà thơ “chụp” lại, vừa nắm bắt được những gì đang diễn ra trong tâm trạng, cảm xúc của nhà thơ. Đó có thể là một chút ngỡ ngàng, hân hoan hay là một thoáng phân vân, bối rối. Tất cả hợp nhất với nhau, làm cho hai dòng thơ trước và sau đó bị “nhiễm điện” để cùng truyền đạt một ý tưởng hay một cảm nhận xuyên suốt. Đối với tác giả, phát hiện về “Dây gàu vương hoa bên giếng” đã làm bật nảy ý thơ, tạo nên cấu trúc vận động của bài thơ. Chính nó khiến nhân vật trữ tình quyết định “giữ nguyên hiện trạng” dây hoa quấn quanh dây gàu để sang nhà bên xin nước. Tác giả đã gợi cho người đọc cảm nhận về một con người nhạy cảm và có tình yêu với thiên nhiên. Đồng thời giúp chúng ta nhận ra được mối liên kết giữa người với vật.
6. Mối tương quan:
- Sự sắp xếp trong mối tương quan giữa con ốc nhỏ tí với núi Phu-gi: một bên là sự nhỏ bé còn bên kia là sự to lớn, hùng vĩ.
=> Tương quan giữa cái cực tiểu và cái cực đại.
- Hình ảnh con ốc bò chậm chạp nhưng như thực hiện hoạt động trèo lên núi Phu-gi: hiện thực với mục tiêu to lớn được đặt ra.
=> Tương quan giữa khả năng hiện thực và mục tiêu to lớn đặt ra.
- Con ốc bò lên núi Phu-gi: thời gian và không gian.
=> Tương quan giữa thời gian và không gian.
- Hình ảnh con ốc, núi Phu-gi phản ánh đến con người trong thế giới rộng lớn: con người với vũ trụ.
=> Tương quan giữa con người với muôn vật trong vũ trụ.
Như vậy, với bài thơ của Ít-sa, tuỳ vào trải nghiệm và nhận thức của mình, từng người đọc cụ thể sẽ tìm được những điều tâm đắc riêng. Tuy nhiên, đặt bài thơ vào trong mạch suy tư, chiêm nghiệm của các bậc thầy thơ hai-cư, không nên cảm nhận bài thơ ở khía cạnh hài hước (do ngôn ngữ của bản dịch có thể gợi lên).