KHỞI ĐỘNG
Câu hỏi: Hãy kể tên một số món ăn đặc trưng ở địa phương em đang sinh sống.
Trả lời:
Địa phương em: Hà Nội
Món ăn đặc trưng: Bún chả, phở, cốm, ô mai, bánh chả, bánh cuốn, bún riêu,...
KHÁM PHÁ
1. Một số nét văn hóa của địa phương em
Câu hỏi: Dựa vào tài liệu giáo dục địa phương để tìm hiểu một số nét văn hóa của địa phương:
- Mô tả khái quát một số đặc điểm văn hóa: ẩm thực, trang phục, nhà ở, phong tục tập quán, lễ hội.
- Tìm hiểu một món ăn (tên, nguyên liệu, quy trình chế biến, cảm nhận); lễ hội (tên, thời gian, địa điểm, các hoạt động chính, ý nghĩ và chia sẻ cảm nhận),...
Trả lời:
Mô tả khái quát một số đặc điểm văn hóa: ẩm thực, trang phục, nhà ở, phong tục tập quán, lễ hội.
Đặc điểm văn hóa | Mô tả |
ẩm thực | Ẩm thực Hà Nội là sự kết hợp của rất nhiều thành phần nguyên liệu trong một món ăn. Hương vị đặc trưng trong các món ăn truyền thống của Hà Nội là đậm đà nhưng thanh dịu. Chính những nguyên liệu tươi, lành và thanh mát đã khiến các món ăn Hà Nội có thể chinh phục được các thực khách khó tính. |
Trang phục | trang phục của người Thăng Long - Hà Nội đã có nhiều thay đổi qua từng thời đại. Tuy nhiên cái vẻ đẹp lịch sự, tranh nhã trong phong cách ăn mặc và trong kiểu cách quần áo thì vẫn được bảo tồn như là một đặc điểm riêng của trang phục Hà Nội. |
Nhà ở | nhà lớn cao tầng của các cơ quan xen kẽ với nhà của tư nhân mọc lên nhanh chóng nhưng thiếu quy hoạch kiến trúc tổng thể. Đa số ngôi nhà đều được trang trí tiện nghi và khang trang |
Phong tục tập quán | Những tục lệ như bày mâm mũ quả, xông đất, lì xì, cúng ông Táo về trời đều là những phong tục mang lại những điều may mắn cho năm mới |
Lễ hội | Nơi đây có nhiều lễ hội lớn lưu giữ những ký ức có giá trị lịch sử và đậm nét như lễ hội Gò Đống Đa, lễ hội chùa Hương, Lễ hội chùa Thầy, Lễ hội Làng Bát Tràng |
Tìm hiểu món ăn: bánh trôi
Cứ vào ngày 3 tháng 3 âm lịch hằng năm, mọi người lại làm bánh trôi, bánh chay. Đây là một phong tục cổ truyền rất quen thuộc với mọi người dân Việt Nam.
Cách làm bánh khá đơn giản. Đầu tiên là ngâm gạo khoảng 6 đến 8 tiếng sau đó vo gạo. Vo xong, đổ gạo ra xay nước. Chú ý là không được xay khô vì như thế sẽ làm vụn gạo và các hạt sau khi xay sẽ to nhỏ không đều nhau. Xay xong đổ tất cả bột vào túi vải, buộc chặt, lấy tay nén từ từ, nhẹ nhàng để vắt nước ra. Tránh ấn mạnh tay sẽ làm bung túi vải. Nén hết nước, ta sẽ có một thứ bột dẻo để làm vỏ bánh.
Tiếp theo sẽ là bước nặn bánh. Bánh trôi được nặn tròn, to vừa phải. Cho một viên đường vào trong, nặn bột bao kín để khi luộc, đường không chảy ra. Nhân bánh chay là đậu xanh được đãi sạch vỏ, đồ chín, xay nhuyễn. Bánh và nhân phải theo một tỉ lệ hợp lí. Không nên để bánh hay nhân quá to hoặc quá nhỏ sẽ làm mất ngon khi ăn.
Tinh tế nhất là luộc bánh. Đun sôi nước rồi mới thả bánh vào. Đợi đến lúc bánh nổi lên trên mặt nước, nhẹ nhàng vớt lấy rồi thả ngay vào nước sạch và lạnh. Nếu để nóng quá lâu bánh sẽ bị chảy, không dẻo và ngon.
Thưởng thức bánh trôi, bánh chay là cả một nghệ thuật. Bánh trôi được bày vào đĩa, rắc lên trên một lớp vừng mỏng và một chút sợi cùi dừa. Bánh chay được bày trong bát. Đun nước đường pha với bột sắn rồi chan ngập mặt bánh. Ở trên rắc một ít hạt đậu xanh chín xay vỡ đôi đã đãi sạch vỏ. Màu trong của bánh, của nước dùng hài hòa với màu vàng tươi của hạt đậu xanh trông thật đẹp mắt. Đây đều là hai loại bánh ăn nguội. Bánh trôi cho vào miệng, ngậm lại rồi cắn sẽ cảm nhận được vị ngậy của gạo, vị ngọt của đường. Còn bánh chay, dùng thìa xúc miếng bánh, cắn nhẹ sẽ thấy vị ngọt mát, thơm dẻo. Với cả hai loại bánh, nếu thích, có thể cho thêm chút tinh dầu hoa bưởi.
2. Danh nhân ở địa phương em
Câu hỏi: Dựa vào tài liệu giáo dục địa phương để kể lại câu chuyện về một trong những danh nhân của địa phương:
- Nêu tên danh nhân, quá trình hoạt động của danh nhân gắn với những câu chuyện nào (nội dung, ý nghĩa của câu chuyện).
- Nêu cảm nhận về danh nhân.
Trả lời:
Nguyễn Trãi (1380-1442), hiệu là Ức Trai, con của Nguyễn Phi Khanh, quê gốc ở xã Chi Ngại, huyện Chí Linh, Hải Dương, sau dời đến làng Nhị Khê, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây cũ. Năm 1407, giặc Minh xâm lược nước ta, cha con Hồ Quý Ly bị bắt, Nguyễn Phi Khanh cũng bị bắt. Nguyễn Trãi định đi theo cha để tỏ lòng trung nước, hiếu phụ nhưng Nguyễn Phi Khanh khuyên con trở về tìm cách rửa nhục cho nước, trả thù cho cha. Sau đó, Nguyễn Trãi tìm đường giúp Lê Lợi khởi nghĩa. Trong quá trình kháng chiến chống quân Minh, Nguyễn Trãi trở thành người quân mưu cho Lê Lợi, thay mặt Lê Lợi giao dịch, trở thành vị quân sư xuất sắc. Năm 1427, cuộc chiến đấu chống quân Minh thắng lợi, Nguyễn Trãi thay mặt Lê Lợi viết “Bình ngô đại cáo”. Lê Lợi lên ngôi hoàng đế, Nguyễn Trãi giữ trọng trách quan trọng của đất nước. Những năm sau đó, ông giúp Lê Lợi trị vì đất nước. Nhưng dần dần, triều đình bắt đầu phân chia bè phái, dèm pha, nghi kỵ lẫn nhau, đặc biệt là một số công thần đã bị hãm hại. Năm 1442. Nguyễn Trãi mắc phải án oan Lệ Chi viên bị khép vào tội mưu sát vua. Cuộc đời Nguyễn Trãi gắn liền với những biến động của lịch sử dân tộc. Ông là bậc đại anh hùng dân tộc, là nhân vật toàn tài số một của lịch sử Việt Nam trong thời đại phong kiến. Nguyễn Trãi vừa là nhà chính trị, quân sự, vừa là nhà ngoại giao, vừa là một nghệ sĩ lớn, một nhà văn hóa kiệt xuất của dân tộc. Năm 1962, nước ta đã tổ chức 520 năm ngày mất của Nguyễn Trãi. Năm 1980, Việt Nam cùng hiệp hội UNESCO kỉ niệm 600 năm ngày sinh của ông. Nguyễn Trãi là người Việt Nam đầu tiên được ghi vào danh sách những danh nhân thế giới.
LUYỆN TẬP
Câu hỏi: Viết một đoạn văn mô tả về một phong tục, tập quán hoặc lễ hội ở địa phương em.
Trả lời:
Lễ hội gò Đống Đa được tổ chức nhằm mục đích tưởng nhớ vua Quang Trung. Đặc biệt lễ hội này còn được tổ chức ở gò Đống Đa, phường Quang Trung, quận Đống Đa, Hà Nội. Đây là lễ hội lớn trên khắp cả nước và thường được diễn ra vào ngày mùng năm tết âm lịch. Lễ hội mang những nghi lễ truyền thống, cờ hoa rực rỡ cùng tiếng trống chiêng thôi thúc chiến đấu, làm sống dậy những trang sử vẻ vang của dân tộc. Lễ hội gò Đống Đa kỷ niệm trận chiến Ngọc Hồi - Đống Đa đại thắng. Buổi lễ này ngoài để tưởng nhớ công lao của vua Quang Trung thì con tôn vinh lên tinh thần quật cường của dân tộc ta. Lễ hội được diễn ra hằng năm để giáo dục những thế hệ sau về những giá trị tinh thần của ông cha ta, về nghệ thuật chuyển quân thần tốc và chiến lược đánh nhanh thắng gọn của quân Tây Sơn.
Trận chiến ở gò Đống Đa là sự kết tinh của truyền thống yêu nước, tinh thần dũng cảm và là bản hùng ca bất tử của dân tộc vẫn đang được giữ gìn theo thời gian. Đây là một lễ lớn trong năm mà bạn nên trải nghiệm trong hành trình khám phá Hà Nội.
VẬN DỤNG
Câu hỏi: Hãy sưu tầm một số hình ảnh về một lễ hội ở địa phương em để giới thiệu cho thầy, cô giáo và các bạn cùng xem.
Trả lời:
Màn biểu diễn trống khai mạc Lễ hội gò Đống Đa