Ôn tập kiến thức ngữ văn 8 KNTT bài 2: Thu điếu

Ôn tập kiến thức ngữ văn 8 kết nối tri thức bài 2: Thu điếu. Nội dung ôn tập bao gồm cả lí thuyết trọng tâm và bài tập ôn tập để các em nắm chắc kiến thức trong chương trình học. Hi vọng đây sẽ là tài liệu hữu ích giúp các em ôn luyện và kiểm tra. Kéo xuống để tham khảo

[toc:ul]

I. TÌM HIỂU CHUNG

1. Tác giả

  • Tên: Nguyễn Khuyến

  • Năm sinh – năm mất: 1835 -1909

  • Quê quán: Xã Yên Đổ, huyện Bình Lục tỉnh Hà Nam.

  • Xuất thân trong một gia đình nhà nho nghèo, từ năm 1864 đến 1871 ông đỗ đầu hết cả ba kì thi nên được gọi là Tam Nguyên Yên Đổ. 

  • Ông là người tài năng cốt cách thanh cao và tấm lòng yêu nước thương dân.

  • Hiện tại ông để lại 800 bài thơ cả chữ Hán và chữ Nôm, thơ văn, câu đối.

  • Nội dung sáng tác:
    • Thể hiện tình yêu quê hương đất nước, gia đình bạn bè.

    • Phản ánh cuộc sống của những con người cực khổ, thuần hậu, chất phác

    • Châm biếm đả kích thực dân xâm lược và tầng lớp thống trị.

    • Bộc lộ tấm lòng ưu ái đối với dân với nước.

2. Tác phẩm

  • Xuất xứ: Tác phẩm Thu điếu nằm trong chùm thơ mùa thu gồm có 3 bài của nhà thơ Nguyễn Khuyến.

  • Thể thơ: Thất ngôn bát cú đường luật

  • Chủ đề: Bài thơ bày tỏ tình yêu thiên nhiên, đất nước và tâm trạng của tác giả trước thời thế.

3. Ý nghĩa nhan đề và bố cục tác phẩm

  • Bố cục: 2 phần
    • Sáu câu đầu: Cảnh sắc thiên nhiên trời thu Bắc Bộ

    • Hai câu kết ( câu 7+8): Suy tư của chủ thể trữ tình trước cảnh vật trời thu và nỗi niềm thế sự.

  •  Ý nghĩa nhan đề: Nhan đề “Mùa thu câu cá” có mối liên hệ trực tiếp với nội dung của hai câu đề: không gian ao thu với mặt nước êm đềm và chiếc thuyền câu bé nhỏ.

II. TÌM HIỂU VĂN BẢN

1. Bức tranh thiên nhiên mùa thu Bắc Bộ

Bức tranh thiên nhiên mùa thu Bắc Bộ được tái hiện lần lượt thông qua các không gian, trình tự được thể hiện qua 6 câu thơ đầu như sau:

a, Hai câu đề

“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo

Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo”

  • Khung cảnh: ao thu, chiếc thuyền câu là những hình ảnh vô cùng bình dị, gần gũi và thân thuộc với quê hương. 

  • Không gian mùa thu  mở ra một cách bát ngát mà mùa thu lại hẹp lại trên một ao thu rồi đến “một” chiếc thuyền câu đã bé lại càng trở nên bé hơn như muốn thu mình vào cảnh “bé tẻo teo”. Số từ “một” kết hợp với tính từ “bé tẻo teo” càng tô đậm sự mênh mông của không gian và sự cô quạnh của trời đất vào thu.

=> Điểm nhìn đi từ cái bao quát đến cận cảnh: Từ ao thu đến chiếc thuyền câu.

Đường nét sắc thái tinh tế của cảnh thu được bộc lộ qua hệ thống các từ láy “ lạnh lẽo”, “tẻo teo”; cùng với “trong veo” => Cảnh thu vắng lạnh, lại có chút gì đó đìu hiu.

=> Cảnh thu hiện lên vô cùng quen thuộc đối với làng quê Bắc Bộ nhưng lại đìu hiu, vắng, lạnh và cái lạnh dường như thấm vào cả không gian. Phải chăng cái lạnh của không gian cũng chính là cái lạnh của lòng người?

b, Hai câu thực

“Sóng biếc theo làn hơi gợn tí

Lá vàng trong gió khẽ đưa vèo”

Sắc trời mùa thu Bắc Bộ được gợi tả qua các nét:

  • Sắc màu: màu xanh biếc của sóng nước và sắc vàng của lá hòa thành một màu sắc kì diệu của trời thu.

  • Đường nét: gió thu thoáng nhẹ, sóng gợn nhẹ nhàng, lá vàng trong gió bay khẽ khàng… Càng tô đậm thêm sự tĩnh lặng của mùa thu.

=> Nghệ thuật lấy động tả tĩnh lấy cái gợn của gió, cái bay của lá để nhấn mạnh sự tĩnh lặng của thiên nhiên mùa thu.

=> Phác họa mùa thu với những màu sắc hài hòa không gian tĩnh lặng với bao nhiêu những cử động nhưng vẫn im lìm, mỏng manh và nhỏ nhẹ. Để có thể cảm nhận những rung động mơ hồ, khe khẽ của vạn vật đất trời chắc chắn tác giả phải là người hòa điều với thiên nhiên, và say đắm với nó mới có thể diễn tả một cách chân thực như vậy.

c, Hai câu luận

“Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt

Ngõ trúc quanh co khách vắng teo”

Bước sang 2 câu luận dường như điểm nhìn của nhà thơ đã có sự mở rộng về chiều cao, chiều sâu và chiều rộng. Từ điểm nhìn là chiếc thuyền câu bé tí teo với một chiếc ao thu tác giả đưa tầm mắt lên “tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt”, “ngõ trúc quanh co”.

  • Việc miêu tả trời thu xanh ngắt càng khiến mùa thu trở nên lắng đọng và tĩnh lặng hơn. Sắc xanh của nước ao thu với sắc trời như hòa quyện với nhau lại càng tô điểm thêm sự lạnh lẽo của không gian.

  • Không gian mùa thu càng được tô điểm với  hình ảnh cảnh vật đìu hiu ngõ trúc “quanh co”, “khách vắng teo”=> Không gian tĩnh lặng, vắng bóng người, vắng tiếng, gần như là tuyệt đối.

=> Cảnh thu với sắc xanh của bầu trời thu, nhưng không khí thu dường như ngưng đọng lại trong khoảnh khắc không người, không tiếng động… Phải chăng cảnh thu đã được vẽ bởi bao vấn vương mang những cảm nhận tâm trạng của thi nhân

d, Nghệ thuật diễn tả

  • Sử dụng hệ thống từ ngữ vô cùng linh động, có tính gợi tả mạnh “lạnh lẽo”, “trong veo”, “bé tẻo teo”, “gợn tí”, “đưa vèo”, “xanh ngắt”, “vắng teo”…. Có thể thấy cách gieo vần chân vô cùng đắt “eo” ở cuối câu như tô đậm sự nhỏ bé, eo hẹp của không gian. Càng có cái gì đó như gợi buồn mang mác.

  • Không gian mùa thu Bắc Bộ hiện lên có chiều sâu, chiều cao, chiều rộng… đó là hình ảnh bầu trời mùa thu, của ao thu, của chiếc thuyền câu, của ngõ trúc vắng lặng…. Của âm thanh rất nhẹ, rất khẽ  sóng lăn tăn “hơi gợn tí”, lá “khẽ đưa vèo”, cá “đớp động dưới chân bèo”….

  • Trời thu Bắc Bộ hiện lên một cách vô cùng đặc trưng, thân thuộc và gần gũi. Thể hiện tâm hồn đồng điệu và rung cảm mãnh liệt trước thiên nhiên của nhà thơ.

2. Nỗi niềm của chủ thể trữ tình

Cái “tôi” trữ tình của nhà thơ được thể hiện thông qua hai câu cuối bài:

“ Tựa gối buông cần lâu chẳng được

Cá đâu đớp động dưới chân bèo”

  • Hình ảnh con người xuất hiện với trạng thái “tựa gối”, “buông cần”…. Giữa không gian bao la mênh mông của trời thu, giữa sự đìu hiu quạnh quẽ đó hình ảnh một con người nhỏ bé ngồi chờ đợi mỏi mòn chiếc thuyền câu bé tẻo teo càng trở nên buồn mang mác. Phải chăng tác giả đang thầm kín úp mở nói về một buồn của thế sự?

  • Nguyễn Du xưa từng viết “Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu/ Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Cảnh với người như hòa làm một, cảnh đìu hiu, quạnh quẽ con người thì nhỏ bé hữu hạn trong cái vô hạn của không gian.

  • Tiếng cá “đớp động” dưới chân bèo có lẽ là tiếng động duy nhất xuất hiện ở đây, thi pháp lấy động tả tĩnh, dường như sự tĩnh lặng trong tâm hồn của thi nhân càng được gợi lên một cách sâu sắc và tuyệt đối bởi không có gì tĩnh lặng đến mức nhà thơ có thể nghe được cả tiếng cá đớp mồi dưới chân bèo.

  • Từ “đâu” ở đây có hai cách hiểu: Có thể là phủ định, phiếm định hoặc nghi vấn…. Gợi lên sự mơ hồ của cảnh, tạo nên không khí vô cùng ảo diệu của mùa thu và cho người đọc thấy được thái độ tĩnh tại trong tâm hồn của thi sĩ.

=> Bức tranh thu yên ả, vắng lặng và tĩnh lặng đến mức tuyệt đối. Phải chăng thi nhân có một tâm hồn quá nhạy cảm mới có thể cảm nhận một cách tinh tế trong mối giao hòa với thiên nhiên?

=> Qua đó cũng thể hiện tình yêu sự gắn bó hòa quyện với thiên nhiên với quê hương và thái độ không màng đến danh lợi nhưng vẫn ưu tư với thời cuộc của tác giả.

=> Chủ đề của bài thơ thể hiện sự cảm nhận tinh tế vẻ đẹp của mùa thu đất Bắc đồng thời là tình yêu mến và trân trọng cuộc sống bình yên nơi làng quê, tâm sự thầm kín của một con người dẫu tìm về cuộc sống ẩn dật vẫn không nguôi nỗi buồn thời thế. Chùm 3 bài Thu điếu, Thu vịnh và Thu ẩm của Nguyễn Khuyến thể hiện trạng thái tù túng ngột ngạt vây hãm, là sự nổi trôi, hư ảo, vô định của thế giới hiện tượng và sự nhỏ nhoi đơn độc, bất lực của con người trước cảnh tàn, đời tàn, thời tàn. Chỉ riêng với ba bài thơ thu này, Nguyễn Khuyến đã vừa chứng tỏ một tài năng thi ca bậc thầy vừa thể hiện thấm thía nỗi lòng nhức nhối của một trí thức tự thấy mình bất lực, vô nghĩa trước thời cuộc!

III. TỔNG KẾT

1. Nội dung

  • Vẻ đẹp bình dị, quen thuộc của cảnh thu điển hình cho cảnh sắc mùa thu của thiên nhiên vùng đồng bằng Bắc Bộ. 

  • Đồng thời, bài thơ cũng có thấy tình yêu thiên nhiên, đất nước và tâm trạng thời thế của Nguyễn Khuyến

2. Nghệ thuật

  • Bài thơ thất ngôn bát cú với cách gieo vần độc đáo vần "eo" đi vào thơ của Nguyễn Khuyến rất tự nhiên, thoải mái chứ không hề bị gò bó, ép buộc hay khiên cưỡng để lại ấn tượng khó quên cho người đọc

  • Nghệ thuật tả cảnh ngụ tình đặc trưng của văn học trung đại: chỉ bằng vài nét vẽ tinh tế, mùa thu của thiên nhiên đất trời vùng Bắc Bộ đã hiện lên thật đẹp. Đó cũng là cách để Nguyễn Khuyến thể hiện tình yêu của mình với quê hương, đất nước.

Tìm kiếm google:

Xem thêm các môn học

Giải ngữ văn 8 KNTT mới

NGỮ VĂN 8 KẾT NÔI TRI THỨC TẬP 1

BÀI 1: CÂU CHUYỆN CỦA LỊCH SỬ

BÀI 4: TIẾNG CƯỜI TRÀO PHÚNG TRONG THƠ

BÀI 5: NHỮNG CÂU CHUYỆN HÀI

NGỮ VĂN 8 KẾT NÔI TRI THỨC TẬP 2

BÀI 6. CHÂN DUNG CUỘC SỐNG

BÀI 8. NHÀ VĂN VÀ TRANG VIẾT

BÀI 9. HÔM NAY VÀ NGÀY MAI

BÀI 10. SÁCH - NGƯỜI BẠN ĐỒNG HÀNH


Đia chỉ: Tòa nhà TH Office, 90 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại hỗ trợ: Fidutech - click vào đây
Chúng tôi trên Yotube
Cùng hệ thống: baivan.net - Kenhgiaovien.com - tech12h.com