[toc:ul]
Bài làm
Không giống với những tác phẩm thần thoại mà chúng ta được học về các vị thần, truyện "Hê-ra-clét đi tìm táo vàng" lại kể về một người phàm nhưng có sức manh tựa thần linh. Tác phẩm "Hê-ra-clét đi tìm táo vàng" được trích trong thần thoại Hy Lạp, kể về chiến công lẫy lừng cuối cùng của người anh hùng Hê-ra-clét .
Truyện "Hê-ra-clét đi tìm táo vàng" ca ngợi người anh hùng cổ đại với những phẩm chất cao đẹp. Truyện kể về những biến cố mà Hê-ra-clét gặp phải khi đi tìm táo vàng cho nhà vua Ơ-ri-xtê và cách Hê-ra-clét chiến đấu, đối mặt với những biến cố, thử thách. Bên cạnh đó, truyện đã khắc họa thành công người anh hùng Hê-ra-clét với sự gan dạ, thông minh và có sức khỏe phi thường để chiến thắng mọi kẻ xấu.
Truyện đã xây dựng hình tượng nhân vật Hê-ra-clét với những phẩm chất tốt đẹp. Quá trình Hê-ra-clét đi tìm táo vàng cho nhà vua phải trải qua muôn vàn thử thách. Trước hết chẳng ai biết rõ cây táo có quả táo vàng mà nhà vua cần tìm ở đâu, "Ở biển Đông hay biển Mặt Trời lặn? Ở trong vùng sa mạc cát nóng hay dưới chân những ngọn núi tuyết phủ quanh năm? Người kể thì nhiều nhưng người đi thì xem ra chưa có một ai". Điều đó đã đặt ra một khó khăn vô cùng to lớn đối với Hê-ra-clét. Cây táo vàng là món quà của Đất mẹ Gai-a tặng cho nữ thần Hê-ra làm quà mừng ngày nữ thần kết hôn với đấng phụ vương Dớt. Chính vì vậy, nữ thần Hê-ra vô cùng sung sướng và coi đây là món quà quý. Nàng cho người trông coi rất nghiêm ngặt bởi con rồng La-đông và ba chị em tiên nữ E-xpê-rit. Chúng ta có thể thấy nhiệm vụ đi lấy táo vàng là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn đòi hỏi Hê-ra-clét phải có ý chí vững chắc thì mới có thể lấy được táo vàng đem về cho nhà vua.
Trải qua bao thử thách như "giao đấu với hai cha con thần "Chiến tranh A-rét, đi tìm thần biển Nê-rê để hỏi đường", đi lên cực Bắc, băng qua sa mạc,... chàng còn phải chiến đấu với gã khổng lồ Ăng-tê. Trong ba lần giao đấu, Hê-ra-clét cố gắng quật Ăng-tê xuống đất nhưng hắn không chết vì chiếc "bùa hộ mệnh" của mình. Biết được điều này, Hê-ra-clét đã lừa miếng sơ hở, nhấc bổng gã khổng lồ gian ác để nữ thần Đất Mẹ Gai-a không thể tiếp sức được cho đứa con của mình nữa. Bằng sức mạnh và trí tuệ của mình, Hê-ra-clét đã tạo nên chiến công vang dội khi hạ gục được cả thế lực thần thánh. Chúng ta có thể thấy, Hê-ra-clét chính là vị anh hùng vĩ đại với sức mạnh phi thường.
Không chỉ là một người tài giỏi, có sức mạnh tựa đấng thần linh, Hê-ra-clét còn là người có tấm lòng nhân hậu, luôn đứng ra để bảo vệ công lí, bảo vệ lẽ phải. Trong hành trình đi tìm quả táo vàng Hê-ra-clét đã bắt gặp thần Prô-mê-tê bị đóng đanh xiềng vào núi đá. Prô-mê-tê là vị thần đã trao cho con người một thứ vũ khí đặc biệt mà không có bất cứ loài vật nào dám xâm phạm. Thế nhưng vị thần này lại bị thần Dớt trừng phạt bằng cực hình trong nhiều thế kỉ mà không hề kêu than. Chứng kiến cảnh tượng xót xa và tàn nhẫn ấy, Hê-ra-clét đã ra tay giải cứu thần Prô-mê-tê. Cảm động trước tấm lòng của Hê-ra-clét Prô-mê-tê khuyên chàng hãy nhờ đến sự giúp sức của thần Át-lát nếu muốn lấy được quả táo vàng. Hành động cứu người của Hê-ra-clét là một hành động đáng kính vì không phải bất cứ ai cũng đủ can đảm để đứng ra bảo vệ lẽ phải.
Hành trình đi tìm táo vàng của Hê-ra-clét đã gần đến đích nhưng Hê-ra-clét vẫn phải trải qua cuộc đấu trí căng thẳng với thần Át-lát. Do thần Át-lát đứng về phía các Ti-tăng chống lại thần Dớt nên bị thần Dớt trừng phạt bằng cách "khom lưng giơ vai chống đội bầu trời". Để thần Át-lát đi lấy táo vàng cho mình, Hê-ra-clét đã nhận lời chống đỡ bầu trời giúp thần Át-lát nhưng khi trở về thần lại dở trò muốn Hê-ra-clét chịu cực hình thay. Tuy nhiên Hê-ra-clét đã khôn khéo ứng phó với mưu đồ của thần Át-lát bằng cách bày tỏ sự biết ơn với sự giúp đỡ của thần Át-lát và đã nhanh trí bảo thần Át-lát ghé vai một lát để Hê-ra-clét đi kiếm tấm áo, tấm da lót vào. Nói xong Hê-ra-clét "chuồn nhanh ra khỏi gánh nặng bầu trời" để đem táo vàng về cho nhà vua.
Những nét đặc sắc về nghệ thuật góp phần tạo nên thành công trong việc khắc họa hình tượng nhân vật Hê-ra-clét. "Hê-ra-clét đi tìm táo vàng" có cốt truyện hấp dẫn, thời gian và không gian cổ xưa. nhân vật mang sức mạnh phi thường. Truyện còn chứa đựng các yếu tố kì ảo, hoang đường như sự xuất hiện của các vị thần như thần Đất, thần Biển, thần Át-lát, thần Prô-mê-tê,... Ăng-tê mỗi lần ngã xuống đất đều được tiếp thêm sức mạnh từ thần Gai-a, gan của thần Prô-mê-tê bị đại bàng mỏ quắm mổ bụng ăn gan nhưng ban đêm nó lại mọc lại nguyên vẹn hay thần Át-lát và Hê-ra-clét đều có thể chống đỡ bầu trời giúp cho câu chuyện trở nên li kì và hấp dẫn hơn.
Trang sách khép lại nhưng những dư âm về chiến thắng hào hùng của Hê-ra-clét vẫn còn vang vọng quanh ta. Truyện "Hê-ra-clét đi tìm táo vàng" cho đến này vẫn còn nguyên giá trị và được độc giả khắp nơi trên thế giới đón nhận. Truyện đã đem đến cho người đọc bài học về sự dũng cảm, về ý chí nghị lực thông qua cách xây dựng hình tượng nhân vật Hê-ra-clét.
Bài làm
"Chỉ cần có ước mơ đủ lớn, ý chí sẽ đưa bạn đến thành công". Quả đúng là như vậy, khi bạn dám ước mơ, dám đặt ra mục tiêu lý tưởng cho mình thì chắc chắn ý chí sẽ là liều thuốc tiếp thêm sức mạnh để bạn chạm tay tới cánh cửa thành công. Sau khi học xong hai văn bản "Hê-ra-clét đi tìm táo vàng" và "Chiến thắng Mtao Mxây" đã cho ta thấy rằng sức mạnh ý chí đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với mỗi con người.
Ý chí không phải từ khi sinh ra chúng ta đã sở hữu nó mà ý chí được sinh ra trong quá trình chúng ta rèn luyện bản thân. Ý chí là nghị lực vươn lên trong cuộc sống, khi gặp khó khăn cũng không lùi bước, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành mục tiêu. Sức mạnh ý chí sẽ giúp cho con người vượt qua khó khăn một cách dễ dàng hơn và nhận được sự kính phục từ mọi người.
Người có sức mạnh ý chí là người luôn lạc quan trong cuộc sống, khi gặp khó khăn họ sẽ tìm cách để vượt qua chứ không chịu đầu hàng. Dẫu biết trên đời này không có ai là hoàn hảo nhưng chúng ta đều có thể cố gắng, trau dồi tri thức, làm đẹp cho bản thân để trở thành một phiên bản tốt nhất. Trong văn học, ta bắt gặp một Hê-ra-clét là người người phàm nhưng lại mang ý chí, sức mạnh phi thường. Sức mạnh ý chí chính là động lực giúp Hê-ra-clét chiến thắng các vị thần trong các cuộc giao đấu, vượt qua mọi khó khăn, thử thách để đem táo vàng về cho nhà vua. Bên cạnh đó, nhân vật Đăm Săn trong "Chiến thắng Mtao Mxây" cũng là người anh hùng mà chúng ta đáng ngưỡng mộ. Đăm Săn đã chiến đấu oanh liệt để cứu vợ khi bị Mtao Mxây bắt vợ và trở thành tù trưởng đáng kính của buôn làng. Không chỉ trong văn học, ở cuộc sống đời thường ta vẫn luôn bắt gặp những tấm gương có ý chí, nghị lực phi thường. Chắc hẳn mỗi chúng ta đều nhớ câu chuyện về người thầy Nguyễn Ngọc Ký. Thầy Nguyễn Ngọc Ký bị bại liệt cả hai tay nhưng bằng một sức mạnh phi thường thầy đã học viết bằng chân và trở thành một người thầy giáo đáng kính. Có lẽ, những khiếm khuyết trên cơ thể cũng không thể làm khó được thầy bởi thầy luôn nuôi trong mình một ngọn lửa tràn đầy nhiệt huyết, một ngọn lửa của ý chí vững vàng. Bởi vậy, sức mạnh ý chí có vai trò vô cùng to lớn và quan trọng trong việc khẳng định bản thân và sự thành công của mỗi người. Sức mạnh ý chí giúp con người sống có mục tiêu, hành động rõ ràng và luôn luôn biết cố gắng để đạt được mục tiêu. Sức mạnh ý chí còn giúp cho con người đứng vững trước những phong ba, bão táp của cuộc đời.
Bên cạnh những tấm gương về sức mạnh ý chí thì vẫn còn tồn tại một bộ phận nhỏ những người không nhận ra tầm quan trọng của sức mạnh ý chí. Thật đáng phê phán những người hèn nhát, dám nghĩ nhưng không dám làm, những người không có ý chí, nghị lực, thấy khó khăn đã vội nản chí, có lối sống ích kỉ và chỉ biết dựa dẫm vào người khác để đạt được mong muốn.
Để cho cuộc sống của chúng ta tươi đẹp hơn và để cho mỗi ngày trôi qua là một ngày ý nghĩa thì mỗi chúng ta cần trau dồi, rèn luyện bản thân để không bị gục ngã khi gặp khó khăn, thất bại. Bên cạnh đó, chúng ta cần chọn cho mình một thái độ sống tích cực, biết vươn lên để khẳng định chính mình.
Sức mạnh ý chí đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự thành công của mỗi người. Dù bất cứ trong hoàn cảnh nào, khi bạn vấp ngã hay gặp khó khăn thì sức mạnh ý chí sẽ là nút gỡ giúp bạn vượt qua mọi trở ngại. Do vậy, bạn hãy tự tin khẳng định chính mình và bước ra khỏi "vùng an toàn" của mình để đem lại những năng lượng tích cực cho chính mình và mọi người xung quanh.
Bài làm
Nhân vật chính là linh hồn của mỗi tác phẩm văn học. Qua nhân vật, tác giả gửi gắm những quan niệm, suy tư về con người và cuộc đời, mang đến những bài học thông điệp ý nghĩa, sâu sắc. Đọc truyện "Hê-ra-clét đi tìm táo vàng" trích trong thần thoại Hy Lạp, ta luôn bị ấn tượng và cuốn hút bởi nhân vật Hê-ra-clét. Hê-ra-clét tuy là người phàm nhưng có sức mạnh "sánh tựa thần linh".
Hê-ra-clét là con riêng của thần Dớt cho nên luôn bị vợ của thần Dớt tức nữ thần Hê-ra thù ghét và tìm cách tiêu diệt. Từ khi mới mười tháng tuổi, nữ thần Hê-ra đã cho hai con rắn trườn vào đề cắn chết cậu bé nhưng kì lạ thay Hê-ra-clét đã bóp chết chúng. Hê-ra-clét tuy là người phàm nhưng lại mang sức mạnh tựa thần thánh. Hê-ra-clét tài giỏi, lập được nhiều chiến công lớn được nhà vua gả công chúa cho nhưng lại bị nữ thần Hê-ra dùng phép thuật khiến cho Hê-ra-clét phát điên giết hết vợ con. Chính vì vậy, Hê-ra-clét lại phải chịu sự trừng phạt của thần Dớt do nữ thần Hê-ra yêu cầu. Thần Dớt không còn cách nào khác đành phải rời xa con trai yêu quý của mình, Hê-ra-clét bị bắt đi làm đầy tớ cho vua Ơ-ri-xtê - một vị vua "ốm yếu và hèn nhát". Hê-ra-clét liên tục bị Ơ-ri-xtê sai đi làm những việc khó khăn và nguy hiểm.
Nổi bật trong toàn bộ văn bản, nhân vật Hê-ra-clét hiện lên với bản lĩnh oai hùng, không khuất phục trước thử thách, khó khăn. Trong hành trình đi tìm táo vàng do vua Ơ-ri-xtê sai khiến, Hê-ra-clét đã gặp muôn vàn trắc trở. Không ai có thể biết chính xác địa điểm của cây táo vàng, chính vì vậy chàng phải lặn lội từ châu u sang Châu Á để hỏi đường. Thậm chí, trên đường đi, chàng phải giao đấu với hai cha con thần Chiến tranh A-rét, đi tìm thần Biển Nê-rê, phải đi ngược lên miền cực Bắc, băng qua sa mạc nóng như thiêu và phải chiến đấu với gã khổng lồ độc ác Ăng-tê. Dù gian khổ là vậy, nhưng chàng chưa một lần từ bỏ, luôn sẵn sàng đương đầu và quyết tâm vượt qua mọi chông gai. Nó cho thấy ý chí, nghị lực phi thường của người anh hùng Hê-ra-clét trong hành trình chinh phục mục tiêu.
Nếu như giai đoạn trước, nhân vật thần thoại chủ yếu gắn liền với thánh thần thì ở giai đoạn này, Hê-ra-clét mang dáng dấp của con người nhưng vẫn chứa đựng sức mạnh siêu phàm của đấng thần linh. Trận giao chiến giữa Hê-ra-clét với gã khổng lồ Ăng-tê - đứa con trai của nữ thần Gai-a diễn ra rất quyết liệt. Ba lần quật ngã tưởng Ăng-tê chết hẳn thì thoáng một cái hắn đã bật dậy nhờ sự giúp sức của Đất mẹ Gai-a. Nắm được điều này, Hê-ra-clét đã nhanh trí lợi dụng lúc sơ hở và nhấc bổng Ăng-tê cho chân lìa khỏi mặt đất khiến cho hắn chết hẳn không sao cứu được. Hê-ra-clét là người phàm nhưng sức mạnh của chàng đã sánh ngang với đấng thần linh. Đây chính là chiến thắng của người anh hùng phàm trần khiến cho thần thánh cũng phải chịu thua.
Sức mạnh và trí tuệ của Hê-ra-clét còn được thể hiện ở việc Hê-ra-clét nhận lời chống trời để thần Át-lát đi lấy táo vàng và cuộc đấu trí với thần Át-lát để tiếp tục cuộc hành trình trở về Mi-xen dâng những quả táo cho Ơ-ri-xtê. Phải chăng quyết tâm lấy được táo vàng của Hê-ra-clét đã khiến cho chàng trở nên khỏe mạnh phi thường? Khi Át-lát đem táo trở về, thần đã nảy ra một mưu đồ đen tối đó là để cho Hê-ra-clét chịu cực hình thay mình mình nhưng thần đâu thể ngờ Hê-ra-clét là một người có trí tuệ siêu phàm. Trước ý định không mấy tốt đẹp đó, Hê-ra-clét đã nhanh trí tìm ra cách giải thoát cho mình. Qua những cuộc chiến đấu của Hê-ra-clét, chúng ta có thể thấy quá trình đi lấy táo vàng về cho nhà vua quả là một quá trình trải đầy gian nan và vất vả. Để lấy được táo vàng, Hê-ra-clét không chỉ phải chiến đấu với nguyên Ăng-tê và thần Át-lát mà Hê-ra-clét còn phải chiến đấu với rất nhiều vị thần khác, trải qua rất nhiều khó khăn như lên cực Bắc, đi qua sa mạc nóng như thiêu,... để lấy được táo vàng. Nó cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của người anh hùng Hê-ra-clét trong nỗ lực đi đến vinh quang.
Không chỉ là người có sức mạnh phi thường, có trí tuệ siêu phàm, Hê-ra-clét còn là người có tấm lòng nhân hậu. Trên đường đi tìm táo vàng cho nhà vua, Hê-ra-clét thấy thần Prô-mê-tê đang phải chịu cực hình do thần Dớt trừng phạt. Trong thần thoại Hy Lạp, Prô-mê-tê là vị thần đã có công khai sáng, trao cho con người ngọn lửa thiêng để làm vũ khí tự vệ mà không có loài vật nào có được. Chứng kiến cảnh tượng tàn nhẫn đang diễn ra,, Hê-ra-clét không ngại ngần ra tay bắn chết con đại bàng để cứu vị thần đã có công với loài người và được thần Prô-mê-tê trả ơn bằng cách chỉ cho Hê-ra-clét đi gặp thần Át-lát để nhờ lấy táo vàng. Hành động của Hê-ra-clét chính là một minh chứng cho "cái tài" và "cái đức" song hành với nhau.
Những nét đặc sắc về nghệ thuật đã góp phần vào thành công trong việc khắc họa hình tượng của người anh hùng Hê-ra-clét. Nhân vật được khắc họa chủ yếu thông qua lời nói và hành động. Ngoài ra, các yếu tố hoang đường, kì ảo như Hê-ra-clét chống trời giúp cho thần Át-lát, buồng gan của Prô-mê-tê, hệ thống nhân vật các vị thần,... đã góp phần vào việc khắc họa vẻ đẹp hình tượng của người anh hùng Hê-ra-clét.
Truyện "Hê-ra-clét đi tìm táo vàng" đã khắc họa thành công nhật Hê-ra-clét tài giỏi, có trí tuệ và bản lĩnh, gặp khó khăn nhưng chưa bao giờ bỏ cuộc. Nhân vật Hê-ra-clét tuy chỉ là nhân vật được sáng tạo dựa trên trí tưởng tượng của người xưa nhưng đây là nhân vật đáng kính và đáng để chúng ta học hỏi nhiều điều. Qua nhân vật Hê-ra-clét, tác giả muốn nhắn nhủ cho bạn đọc bài học về sức mạnh của ý chí và tấm lòng nhân hậu.
Bài làm
Nhắc đến thể loại “thần thoại” đặc biệt là thần thoại Hy Lạp, người ta thường nhắc ngay đến những truyện mang tính chất hoang đường ảo tưởng nhưng trong đó cũng chứa đựng nhiều yếu tố có giá trị quan trọng về nhiều mặt, dù đã ra đời từ rất lâu nhưng nó vẫn là thể loại nổi tiếng và hết sức hấp dẫn, mang sức sống lâu bền cho đến ngày nay, trên khắp thế giới. Ta biết đến truyện thần thoại tác phẩm với sự xuất hiện biết bao những vị thần, anh hùng mang sức mạnh phi thường cùng sứ mệnh thiêng liêng đối với nhân loại. Một trong những anh hùng hội tụ đầy đủ những phẩm chất cao đẹp cùng sức mạnh đáng ngưỡng mộ ấy phải kể đến Hê-ra-clét. Trong “Hê-ra-clét đi tìm táo vàng” người đọc hoàn toàn được đón nhận cách lí giải mới, nhận thức mới về nguồn gốc của loài người, của vũ trụ, khắc họa thành công hình ảnh ấy, hình ảnh một anh hùng Hê-ra-clét với hình hài của một con người nhưng mang năng lực của một chiến thần với những chiến công vang dội.
Vũ Ngọc Khánh trong công trình chủ biên của mình là Kho tàng thần thoại Việt Nam đã đưa ra nhận định: “Thần thoại là hình thức sáng tác của con người thời đại xa xưa, nó thể hiện ý thức muốn tìm hiểu vũ trụ, lí giải vũ trụ và chinh phục vũ trụ của con người”. Thần thoại bao gồm những truyện kể dân gian về các vị thần, những nhân vật anh hùng, các nhân vật sáng tạo văn hóa, phản ánh nhận thức, cách lí giải của con người cổ đại về các hiện tượng trong thế giới tự nhiên và xã hội, phản ánh quan niệm của người thời cổ về nguồn gốc của thế giới và của đời sống con người. Thần thoại Hy Lạp đóng vai trò rất quan trọng trên thế giới, tầm ảnh hưởng sâu rộng đến văn minh nhân loại. Nội dung của thần thoại Hy Lạp kể về nguồn gốc thế giới, ý nghĩa tín ngưỡng hay các lễ nghi tôn giáo, những chiến công của các vị thần hay người anh hùng có hình dạng và hành động phi thường, có khả năng biến hóa khôn lường. Hê-ra-clét một kiểu nhân vật anh hùng mang một sức mạnh “sánh tựa thần linh”, con riêng của thần Dớt và bị nữ thần Hê-ra – vợ của cha mình thù ghét, là một con người mang hình thể khỏe mạnh dù gặp phải rất nhiều thử thách khó khăn ngay từ nhỏ đến lớn nhưng Hê-ra-clét đều không những không bị hãm hại hay bị diệt trừ mà còn giúp mình khám phá ra sức mạnh tiềm tàng. Một con người với đầy đủ phẩm chất của một bậc “trang anh” dễ dàng đạt được nhiều chiến công vang dội dù vượt qua mọi hành trình trắc trở, hành trình đi tìm những quả táo – chiến công thần kì cuối cùng của Hê-ra-clét trong “Hê-ra-clét đánh dấu một cột mốc quan trọng và cũng hoàn toàn bộc lộ được vẻ đẹp của chàng.
Hê-ra-clét với sự dũng cảm, gan dạ khó ai sánh bằng. Một chàng trai bị chính mẹ kế của mình hãm hại phải làm đầy tớ trong suốt 12 năm cho một ông vua ốm yếu, hèn nhát, phải cung phụng làm theo mọi điều ông ta sai khiến, biết hành trình đi tìm những quả táo vàng hết sức gian truân nhưng Hê-ra-clét chẳng ngại ngần hay nao núng, dứt khoát vượt qua ngàn chông gai để mong tới đích đến viên mãn. Một mình không cần sự giúp đỡ hỗ trợ của ai, bằng năng lực của bản thân để lên đường. “Vườn táo này ở đâu? Người kể thì nhiều nhưng người đi xem ra chưa thấy có một ai. Khi vườn nơi trồng cây táo vàng rất thâm nghiêm. Nữ thần Hera giao khu vườn cho một con rồng tên là La Đông canh giữa. Một con rồng có tới trăm cái đầu…có người kể không phải là La- Đông có một trăm cái đầu mà chỉ có một thôi, nhưng đặc biệt nó không lúc nào ngủ cả, mắt nó lúc nào cũng mở trừng trừng. Cẩn thận hơn Hê- ra còn giao cho ba chị em tiên nữ Nanh- phơ (Chiều Hôm) trông coi.” Một Khu vườn rất bí ẩn, ít ai biết đến và đặc biệt được trông coi rất cẩn thận lại càng tô đậm thử thách khó khăn cho Hê-ra-clét. Đích đến chông gai mà hành trình chẳng hề dễ dàng, chàng trai lần lượt qua mọi thử thách, Giết con sư tử ở nê-mê, giất mãng xà Hi-drơ ở Léc-nơ, bắt sống bò mọng ở đảo Crét, giao đấu với hai cha con thần chiến tranh A- rét, đi tìm thần biển nê- rê để hỏi đường, phải đi ngược lên miền cực bắc, phải băng qua vùng sa mạc nóng như thiêu như đốt, đến khi đặt chân đến đất nước Ai Cập ,suýt bị vua Ai Cập bắt làm vật hiến tế. Người anh hùng đã chiến đấu để giải thoát cho mình và tiếp tục lên đường. Thử thách cứ ùn ùn đập đến, thế nhưng chẳng có gì làm khó được người, không bỏ cuộc, không than vãn, không nản chí thay vào đó là một ý chí một tinh thần quyết tâm nghị lực vượt qua trùng trùng khó khăn thử thách. Dường như những gian truân gặp trên đường đời, dù có to lớn, có mạnh mẽ đồ sộ đến mức nào cũng đều dễ dàng bại trận trước những phẩm chất ý chí cao cả của con người. Những tính cách ấy, những vẻ đẹp ấy đã giúp Hê-ra-clét đến gần hơn tới đích. Nào đâu chỉ nhiêu đấy là đủ cho sự chiến thắng giương cao, sự kiên trì trong vị anh hùng cũng được phát huy cao độ và trở thành một vũ khí tối tân giúp anh ta chiến thắng trong những cuộc chiến đấu gay cấn khó nhằn, “Cuộc giao đấu giữa Hê-ra-clét với Ăng- tê diễn ra vô cùng quyết liệt. Ba lần Hê-ra-clét quật Ăng-tê ngã xuống đất, tưởng Ăng-tê chết hẳn vậy mà chỉ thoáng một cái, Ăng- tê lại bật dậy, tiếp tục giao đấu Hê-ra-clét”, sự nhẫn nại, quyết tâm chiến đấu in hằn trong tim khiến Hê-ra-clét chẳng thể gục ngã hay nao núng, không chỉ vậy người còn nhờ tài trí của mình, bình tĩnh tìm kiếm những sơ hở rồi chiến thắng, tại đây bằng việc phát huy sự thông minh, nhạy bén, mưu trí với tài năng suy luận của mình, “người thông minh là người biết tạo ra cơ hội” Hê-ra-clét đã dễ dàng tìm ra điểm mạnh của đối thủ, quyết loại từ “lá bùa hộ mệnh” của Ăng- tê, “Lừa một miếng sơ hở, Hê-ra-clét gồng mình nhấc bổng Ăng-tê lên cho chân lìa khỏi mặt đất rồi chàng xoay ngược đầu Ăng-tê xuống. Lần này thì Ăng -tê chết thật, chết không cách gì cứu vãn được. Đành chịu để nó thiệt phận trong đôi tay rắn như sắt của Hê-ra-clét”. Cuộc giao đấu vô cùng gay cấn, quyết liệt , một lần làm tỏa sáng Hê-ra-clét – một sức mạnh phi thường Hê-ra-clét ba lần quật Ăng-tê, gồng mình nhấc bổng Ăng-Tê chiến đấu quật cường, một sự thông minh sáng dạ, thông minh cho đến thử thách cuối cùng, tỉnh táo trong mọi tình huống. Trong việc Thần Át Lát sau khi lấy được ba quả táo vàng thì nảy sinh ý nghĩ đen tối, vẫn là một Hê- ra-clet hoàn toàn tỉnh táo và nhạy bén đoán được ngay không để lời lẽ khôn khéo mềm mỏng làm ảnh hưởng và chàng cũng dùng sự thông minh của mình để khiến Vị thần Át- lát phải thua cuộc , cuộc đấu trí giữa Hê- ra-clet và thần Át -lát chứng minh cho chúng ta thấy Hê- ra-clet không chỉ là vì thần có sức mạnh vĩ đại, dũng cảm kiên cường mà còn tô đậm sự thông minh, khôn khéo và tài trí. Trong cuộc giúp đỡ cho vị thần Át-lát ấy, chàng anh hùng một lần nữa chứng minh được sức mạnh phi thường bền bỉ của mình, Hê-ra-clét đỡ lấy bầu trời cho thần Át- lát, ghé vai vào giơ lưng ra chống đỡ bầu trời, “Một sức nặng ghê gớm, chưa từng thấy, đè lên vai và lưng người con trai của thần Dớt Vĩ Đại. Gân cốt trong người chàng như căng ra. Khỏe mạnh như chàng mà khi ghé vai vào chống đỡ còn loạng choạng, mồ hôi ra như tắm”. Nhờ nữ thần A-tê-na lúc nào cũng ở bên người con trai yêu quý của thần Dớt để truyền thêm sức lực cho chàng. Một con người bằng xương bằng thịt giờ đây có thể dang tay để đỡ lấy bầu trời nặng trĩu to lớn kia, không có sức mạnh phi thường, không có sự kiên trì thì xem ra khẳng định đó là việc quá sức, quá hoang đường. Hê-ra-clét trở thành một anh hùng mang sức mạnh vô thường vô biên thật đáng ngưỡng mộ. Một chàng trai với đủ nghị lực đủ thông minh đủ sức mạnh lại mang thêm một trái tim nhân hậu sẵn sàng xả thân cứu những người gặp nạn như Hê-ra-clét hoàn toàn toát lên một vẻ đẹp sáng chói tựa châu báu lung linh và đầy giá trị. Chàng cứu vị ân nhân của mình không cần đắn đo suy nghĩ, chặt tung xiềng xích giải phóng Prô-mê-tê, hành động bộc phát ra từ lòng yêu thương trân trọng con người, vì con người mà sẵn sàng lăn xả, sẵn sàng giúp đỡ dù biết mọi chuyện sẽ chẳng hề dễ dàng, chàng cứu Prô-mê-tê bị xiềng là đang cứu cho con người tự do chân chính, Prô-mê-tê là một biểu tượng khẳng định sức mạnh của con người trong cuộc đấu tranh cho văn minh, tự do, hạnh phúc. Prômêtê bị xiềng nhưng không xiềng xích nào trói buộc được, giam giữ được lý tưởng cao quý của Prômêtê, càng chịu đau khổ nhường nào thì càng bất tử mà mạnh mẽ nhường đấy, Sự đấu tranh không khoan nhượng, không khuất phục trước kẻ thù. Hê-ra-clét là hiện thân của một con người có đầy đủ phẩm chất và năng lực: gan dạ, dũng cảm, mạnh mẽ, đầy thông minh, mưu trí, bản lĩnh vượt qua những thử thách, những gian truân trong cuộc sống và luôn kiên trì trên con đường đi tìm và đấu tranh cho tự do. Cuộc giải thoát cho Prô- mê-tê, vị thần ân nhân của loài người là minh chứng cho thấy tinh thần xả thân sẵn sàng cứu giúp những khổ nạn, hiện thân cho tinh thần quả cảm, lòng nhân ái của con người, là hình tượng tiêu biểu cho sức mạnh thể chất và tinh thần của người anh hùng cổ đại với những chiến công phi thường.
“Hê-ra-clét đi tìm táo đỏ” đây là một văn bản thần thoại Hy Lạp nổi tiếng phản ánh nhận thức và cách lí giải của con người thời cổ đại về nguồn gốc của loài người, nguồn gốc của lửa. Tác phẩm khắc họa thành công hình ảnh người anh hùng Hê-ra-clet dũng cảm, tài giỏi, nhanh trí và đầy bản lĩnh, gặp khó khăn vẫn không bỏ cuộc, cho thấy quyết tâm chinh phục mục tiêu của những người anh hùng cổ đại, và có tính liên hệ tới xã hội hiện nay, khuyến khích con người nên nỗ lực, cố gắng để chạm tới mục tiêu. Truyện thể hiện được những đặc điểm của thần thoại việc xây dựng cốt truyện logic, các sự việc liên quan và móc nối với nhau, cách xây dựng nhân vật anh hùng điển hình cùng lời văn, ngôn từ phù hợp đan xen giữa lời của người kể chuyện và lời của nhân vật, tạo nên sức hấp dẫn và giá trị của câu chuyện tới tận ngày nay. Hình ảnh, nhân vật được nhắc tới mang tính tượng trưng, thể hiện quan niệm của con người cổ đại về thế giới. Hê-ra-clét thật sự xứng đáng với cái danh anh hùng với vẻ đẹp riêng biệt, một con người bình thường nhưng mang sức mạnh phi thường.
Thần thoại Hy Lạp cho chúng ta hiểu biết hơn về trí tuệ, trí tưởng tượng phong phú của người Hy Lạp thời cổ đại. Sức hấp dẫn đặc biệt của thần thoại Hy Lạp đã làm nên sự trường tồn của di sản văn hóa này cho đến tận ngày nay. “Hê-ra-clét đi tìm cá vàng” hay hình tượng nhân vật Hê-ra-clét đều là những sản phẩm đặc sắc đem lại cho người đọc những cái nhìn mới mẻ, nhân thức sâu rộng hơn về thế giới loài người, dù hoang đường dù thần thoại những đây vẫn là thể loại thể hiện những nét độc đáo cùng ấn tượng khó có thể phai nhòa.
Bài làm
Nhận định về sử thi “Đăm Săn”, nhà nghiên cứu Nhi-cu-lin nhận xét: “Sử thi Đăm Săn là câu chuyện thơ về cuộc đời của người dũng sĩ và những chiến công của chàng. Những người diễn xướng không chỉ ca ngợi thủ lĩnh của bộ lạc là Đăm Săn mà cất lời ca ngợi tất cả những người của cộng đồng - tất cả người làng”. Đây là nhận định hoàn toàn xác đáng, ngắn gọn để thấy được vẻ đẹp phẩm chất, ngoại hình của người anh hùng Đăm Săn.
Trước hết, Đăm Săn mang vẻ đẹp hình thể khỏe mạnh cường tráng. Vẻ đẹp hình thể của chàng không được miêu tả từ đầu đoạn trích, mà chủ yếu tập trung ở cuối đoạn trích, khi ăn mừng chiến thắng trở về. Hình thể cường tráng, vạm vỡ: “Bắp chân chàng to bằng cây xà nàng, bắp đùi chàng to bằng ống bễ, sức chàng ngang sức voi đực, hơi thở chàng ầm ầm tựa sấm dậy, chàng nằm sấp thì gãy dầm sàn, chàng nằm ngửa thì gãy xà dọc: Đăm Săn vốn đã ngang tàng từ trong bụng mẹ”. Đoạn văn ngắn nhưng tác giả sử dụng hàng loạt biện pháp nghệ thuật so sánh, phóng đại trùng điệp, liên tiếp nhau để làm nổi bật vẻ đẹp hình thể của Đăm Săn. Qua đó thể hiện tình cảm yêu quý, kính trọng và ngợi ca vẻ đẹp của chàng, đồng thời cũng là sự khẳng định vẻ đẹp sức mạnh của cộng đồng.
Không chỉ đẹp về ngoại hình, Đăm Săn còn hội tụ đầy đủ trong mình phẩm chất anh hùng, phẩm chất đó được thể hiện rõ trong trận chiến với Mtao Mxây. Mtao Mxây cướp vợ Đăm Săn trong khi chàng đang đi làm nương cùng bà con trên rẫy. Khi trở về buôn, Đăm Săn dẫn mọi người đến buôn làng của Mtao Mxây để khiêu chiến. Trước thái độ ngạo mạn, khiêu khích của Mtao Mxây: “Tay ta đang còn bận ôm vợ hai chúng ta ở trên nhà này cơ mà”, Đăm Săn càng tỏ ra kiên quyết, mạnh mẽ hơn: “Xuống ngay, diêng! Xuống, diêng”. Thái độ của chàng vô cùng dứt khoát, dồn kẻ thù vào cuộc giao đấu, chàng quyết sống chết với Mtao Mxây một trận để phân chia thắng bại. Đăm Săn và Mtao Mxây trải qua hai hiệp đấu. Mỗi hiệp chàng lại hiện lên với một vẻ đẹp khác nhau. Hiệp thứ nhất, chàng múa những đường khiên vô cùng đẹp mắt: “Đăm Săn rung khiên múa. Một lần xốc tới, chàng vượt một đồi tranh. Một lần xốc tới nữa, chàng vượt một đồi lồ ô. Chàng chạy vun vút qua phía Đông, vun vút qua phía Tây”. Thủ pháp phóng đại đã cho thấy sức mạnh, vẻ đẹp phi thường của Đăm Săn. Càng về sau sức mạnh của Mtao Mxây càng yếu, hắn yêu cầu Hơ Nhị ném cho mình thêm miếng trầu để gia tăng sức mạnh, nhưng Đăm Săn đã nhanh chóng đoạt được miếng trầu, khiến cho sức mạnh của chàng tăng lên gấp bội. Sự xuất hiện của miếng trầu và người vợ có ý nghĩa đặc biệt với Đăm Săn. Hơ Nhị là vợ chính thức của chàng, bởi vậy, miếng trầu ném ra Đăm Săn bắt được chính là tình yêu tiếp sức cho chàng, để Đăm Săn phóng giáo trúng đùi Mtao Mxây. Nhưng áo giáp của Mtao Mxây không thủng, khiến cho Đăm Săn thấm mệt, chàng vừa chạy vừa ngủ và nằm mơ thấy ông Trời. Trong giấc mơ ông Trời đã chỉ ra lý do vì sao chàng chưa chiến thắng được Mtao Mxây và đưa ra giải pháp cho chàng. Ông Trời là nhân vật trở thủ thứ hai giúp đỡ cho chàng, chi tiết này cho thấy cuộc chiến đấu của Đăm Săn là chính nghĩa bởi vậy nên không chỉ nhận được sự ủng hộ của con người mà còn nhận được sự trợ giúp của các thế lực siêu nhiên. Đăm Săn choàng tỉnh và tiếp tục chiến đấu với Mtao Mxây. Cuối cùng chàng đã giành được thắng lợi vẻ vảng, khiến cho Mtao Mxây phải sợ hãi rúc vào chuồng lợn xin hàng. Cuộc chiến với Mtao Mxây càng cho ta thấy rõ sự anh dũng, sức mạnh phi thường của chàng Đăm Săn.
Không chỉ là một anh hùng, Mtao Mxây còn là người có lòng nhân hậu và đức khoan dung. Trong đoạn trích cũng như toàn bộ tác phẩm ta thấy rằng không có chi tiết nào nói về việc Đăm Săn đi cướp bóc của buôn làng khác. Chàng đến buôn làng của Mtao Mxây mục đích là để đòi lại vợ. Sau khi giết chết Mtao Mxây, dân làng không còn ai đứng đầu, họ cần một tù trưởng để dẫn dắt, cần một cộng đồng để chung sống. Bởi vậy, Đăm Săn mới ra lời ướm hỏi và kêu gọi họ: “Ơ nghìn chim sẻ, ơ vạn chim ngói! Ơ tất cả tôi tớ bằng này! Các ngươi có đi với ta không?”. Chàng còn gõ vào mạch, vào phên từng nhà trong làng. Những cử chỉ hành động đó cũng đủ cho thấy sự chân thành của chàng. Đáp lại sự chân thành đó, dân làng: “Không đi sao được, làng chúng tôi phía bắc đã mọc cỏ gấu, phía nam đã mọc cỏ hoang, người giàu cầm đầu chúng tôi nay đã không còn nữa”. “Đoàn người đông như bầy cà tong, đặc như bầy thiêu thân, ùn ùn như kiến, như mối. Tôi tớ mang của cải về nhiều như ong đi chuyển nước, như vò vẽ đi chuyển hoa, như bầy trai gái đi giếng làng cõng nước”. Không khí trở về tấp nập, nhộn nhịp, buôn làng của Đăm Săn càng trở nên vững mạnh, giàu có và thịnh vượng hơn.
Ngoài ra, cũng cần thấy rằng Đăm Săn còn là người trọng tình nghĩa, ghi nhớ công ơn tổ tiên và những người đã ngã xuống. Mặc dù đoạn trích không miêu tả cảnh đổ máu, nhưng chắc chắn rằng trong trận đấu đó đã có rất nhiều người ngã xuống. Bởi vậy lễ cúng người mất và thần linh để tưởng nhớ và biết ơn những người đã hi sinh vì nghĩa lớn đã được tổ chức. Lễ vật dâng cúng thần, tổ tiên vô cùng long trọng và hậu hĩnh để cầu sức khỏe, bình yên và sự thịnh vượng. Sau đó lễ ăn mừng chiến thắng cũng diễn ra hết sức long trọng, tưng bừng: tiếng cồng chiêng vang lên khắp nơi, người đến từ bốn phương, chật ních. Ai cũng được đón tiếp long trọng, ăn uống no say thỏa thích.
Xây dựng nhân vật Đăm Săn tác giả dân gian đã sử dụng linh hoạt các biện pháp so sánh, phóng đại để làm nổi bật vẻ đẹp và sức mạnh phi thường của chàng. Ngôn ngữ đối thoại của nhân vật hết sức linh hoạt, giàu kịch tính, những câu yêu cầu, mệnh lệnh, lời kêu gọi tạo nên không khí hùng tráng cho toàn bộ thiên truyện.
Qua đoạn trích ta có thể thấy Đăm Săn là một người anh hùng, hội tụ những phẩm chất đẹp đẽ nhất: trọng danh dự, gắn bó với hạnh phúc gia đình, chiến đấu không chỉ để cứu vợ mà còn nhằm mục đích cao cả hơn đó là làm cho cuộc sống của mọi người được ấm no, hạnh phúc. Ta có thể thấy Đăm Săn là hội tụ vẻ đẹp, tài năng, sức mạnh và ý chí của cộng đồng, dân tộc.
Bài làm
Nhân vật Đăm Săn nổi bật lên trong toàn bộ cuốn sử thi nói chung và đoạn trích “Chiến thắng Mtao Mxây” nói riêng hai khía cạnh. Một mặt, đó là con người hội đủ những phẩm chất cá nhân như trí tuệ, tài năng, nhân cách, khát vọng. Mặt khác, đó còn là sự gắn bó, liên kết với cộng đồng mà chính chàng là tù trưởng. Với cái nhìn ấy, ta thấy nhân vật Đăm Săn đã tự khẳng định mình trong những biến cố, sự kiện ở đoạn trích “Chiến thắng Mtao Mxây”.
Xét về tình tiết trong mô hình cốt truyện thì cuộc giao tranh giữa Đăm Săn với các tù trưởng khác không chỉ xảy ra có một lần. Dường như nhu cầu mở rộng lãnh địa, tăng cường lực lượng, khẳng định quyền uy... là nguyên nhân sâu xa dẫn đến những cuộc giao tranh ấy. Nhưng trong các cuộc chiến xảy ra thì cuộc đối mặt giữa Đăm Săn với Mtao Mxây có tính chất điển hình hơn cả.
Đối thủ của Đăm Săn là Mtao Mxây, một đối thủ ngang tầm. Tuy võ nghệ không thuộc hàng cao thủ nhưng Mtao Mxây là một kẻ “túc trí đa mưu”, lấy sự sắc sảo, khôn ngoan làm sức mạnh cho mình. Không tin vào bản thân thì làm sao dám táo tợn cướp vợ của Đăm Săn! Và khi biết Đăm Săn tới để làm gì rồi mà còn khiêu khích “Ta không xuống đâu, diêng ơi. Tay ta đang còn bận ôm vợ hai chúng ta…”.
Thái độ nghênh chiến của Mtao Mxây khá đàng hoàng: “Bà con xem, khiên hắn tròn như đầu cú, gươm hắn óng ánh như cái cầu vồng. Trông hắn dữ tợn như một vị thần”. Có thể nói, đó là tư thế tự tin. Tự tin nhưng thận trọng. Hai lần Mtao Mxây nhắc Đăm Săn không được đâm mình khi Mtao Mxây đi xuống và lúc đi xuống rồi vẫn còn do dự, đắn đo. Cách ứng xử của Mtao Mxây theo lối “quân tử phòng thân” luôn đề phòng bất trắc.
Bước vào cuộc chiến, Mtao Mxây nhường cho Đăm Săn múa khiên trước với một thái độ khiêm tốn giả vờ. Giả vờ nói rằng võ nghệ của mình kém cỏi: “Ta như gà làng mới mọc cựa, như gà rừng mới mọc cựa êchăm, chưa ai giẫm phải mà đã gãy mất cánh”. Võ nghệ ấy là chắp vá: “Có cậu, ta học cậu. Có bác, ta học bác. Có thần Rồng, ta học thần Rồng”. Nhưng từ sự giả vờ ấy đã lộ ra một câu nói thật: “Thế ngươi không biết ta đây là một tướng đã quen đi đánh thiên hạ, bắt tù binh, đã quên đi xéo nát đất đai thiên hạ hay sao?”. Không phải vô tình mà câu kể khan của người dẫn truyện ngay từ đầu đã phác ra cái vẻ sang trọng, tôn nghiêm, bề thế của Mtao Mxây, một tù trưởng giàu mạnh trong vùng. Cái cách giả vờ ấy phải chăng làm cho đối thủ chủ quan, khinh suất?
Mặc cho Đăm Săn khinh bỉ, mặc cho mình múa khiên không đẹp (múa “kêu lạch xạch như quả mướp khô”), tốc độ lại chậm chạp, nặng nề (“bước cao bước thấp”) nhưng Mtao Mxây không nản lòng. Y rắp tâm chờ cơ hội. Và khi cơ hội đến, hành động của Mtao Mxây nhanh hơn một chớp mắt: đâm lén Đăm Săn. Khi Mtao Mxây “chém phập một cái”, chắc chắn Đăm Săn không khỏi giật mình. May cho Đăm Săn là nhát chém quá nhanh và không ngờ ấy của địch lợi hại “chỉ vừa trúng một cái chão cột trâu”.
Hai trợ thủ cuối cùng của Mtao Mxây là miếng trầu của Hơ Nhị và cái áo giáp che thân. Đăm Săn chỉ vô hiệu hóa được con bài thứ nhất, đến con bài thứ hai thì Đăm Săn đã bất lực hoàn toàn. Đùi Mtao Mxây bị đâm trúng nhưng không thủng, người Mtao Mxây cũng thế. Nếu không có sự giúp sức của Ông Trời thì Đăm Săn chắc chắn sẽ trắng tay, cả danh dự và quyền uy vì chàng sẽ là người bại trận.
Nhìn chung cách khắc họa nhân vật (cả Mtao Mxây và Đăm Săn) của đoạn trích là kết hợp hai yếu tố: đối thoại giữa các nhân vật và lời người dẫn chuyện. Riêng với nhân vật Đăm Săn, tác giả cuốn truyện còn thực hiện phép đối xứng nghệ thuật nữa. Bằng cách ấy, nhân vật Đăm Săn xuất hiện như một điểm nhấn rực rỡ, sáng ngời.
Trước hết, chàng là người cương trực, thẳng thắn, không đê tiện, nhỏ nhen. Bởi vậy khi chạm vào những ý nghĩa hèn hạ, mờ ám của Mtao Mxây, Đăm Săn như người đụng phải lửa. Hai lần Mtao Mxây cất tiếng (“không được đàm ta khi ta đang đi xuống”) là hai lần Đăm Săn như thấy lòng tự trọng bị tổn thương. Qua đối thoại của chàng, ta cảm nhận được sự khinh khi, tức giận: “Ngươi xem, đến con lợn nái của nhà ngươi dưới đất, ta cũng không thèm đâm nữa là!”. Và đối lập với những ý nghĩ vẩn đục của Mtao Mxây, tâm hồn của Đăm Săn thật là trong sáng.
Mặc dù đến nhà Mtao Mxây để gây chiến vì Đăm Săn có lý do khiêu chiến, nhưng chàng không vội ra tay. Phải bình tĩnh đến mức nào đó để không làm cho cơn giận bùng lên, Đăm Săn mới nhường cho Mtao Mxây múa khiên trước. Chỉ thực sự gai mắt khi chứng kiến lời nói của đối thủ, khoác lác huênh hoang mà thực tài kém cỏi, Đăm Săn mới thực sự rung khiên.
Tài nghệ phi thường của Đăm Săn được chứng thực trong cuộc múa khiên hùng tráng. Có đến hai dụng ý nghệ thuật của tác phẩm sử thi mà người kể khan đã dùng đắc địa. Thứ nhất là biện pháp đối lập hai chiều (giữa cảnh Mtao Mxây múa gươm trước với cái cách múa khiên đầy tốc độ của Đăm Săn “Một lần xốc tới, chàng vượt một đồi tranh. Một lần xốc tới nữa, chàng vượt một đồi lồ ô” là những đường gươm chậm chạp, nặng nề của Mtao Mxây: “bước cao bước thấp chạy hết bãi tây sang bãi đông”. Thứ hai là vai trò của người dẫn truyện. Trong đợt múa khiên tiếp theo, đối xứng nghệ thuật đã không còn. Thay vào đó là lời thuyết minh của người chứng kiến. Trong lần múa khiên này, võ nghệ của Đăm Săn không còn là tốc độ mà chuyển sang cường độ. Nếu tốc độ múa khiên của chàng cứ thấy “vun vút” (“vun vút qua phía đông, vun vút qua phía tây”) thì cường độ múa khiên của chàng lại là một trận bão lớn. Chỉ còn lại một hào hứng, một tung hô đầy kinh ngạc: “Chàng múa trên cao, gió như bão. Chàng múa dưới thấp, gió như lốc. Chòi lẫm đổ lãn lóc. Cầy cối chết rụi. Khi chàng múa dưới thấp, vang lên tiếng đĩa khiên đồng. Khi chàng múa trên cao, vang lên tiếng đĩa khiên kênh. Khi chàng múa chạy nước kiệu, quả núi ba lần rạn nứt, ba đồi tranh bật rễ bay tung…”. Thủ pháp cường điệu khoa trương thật thích hợp trong văn cảnh này. Nó làm đậm lên một sức mạnh, một năng lực phi phàm chỉ những người xuất chúng như Đăm Săn mới có. Như thế là kịch tính đã phát triển tới tốc độ, tính hàm súc, lắng đọng cũng đạt đến độ cao.
Nhưng sự cường điệu khoa trương không bao giờ là vô hạn. Sức mạnh của Đăm Săn quả là có giới hạn. Nó biết dừng lại ở sự có lý ngay cả trong tư duy có yếu tố thần thoại của tác phẩm sử thi. Trong trường hợp ấy cần có thần linh trợ giúp. Ông trời, ông bụt hiện lên đúng lúc từ những giấc mơ. Trời, bụt giúp người hoạn nạn. Trời, bụt cũng giúp cho những khát vọng lớn của con người. Nhân vật ông trời ở đây đứng về phía Đăm Săn, phát hiện cho chàng cái “gót chân A-sin” của địch thủ. Chỉ tới lúc đó, Mtao Mxây mới không còn một thành lũy nào ẩn nấp. Khi cái áo giáp của Mtao Mxây rơi xuống, hắn mới hiện nguyên hình là một kẻ yếu đuối biết bao! Hình ảnh cái chuồng lợn, chuồng trâu bẩn thỉu đã xuất hiện ở đầu đoạn văn, nay được lặp lại với một ý vị mỉa mai trên một tinh thần khác. Ở lần thứ nhất nó liên quan đến nhân cách của Mtao Mxây thì lần thứ hai nó lại liên quan đến sức mạnh của một kẻ không còn gì đáng sợ nữa.
Nếu cuộc chiến giữa Đăm Săn với Mtao Mxây khắc họa một phương diện của Đăm Săn, phương diện con người cá nhân thì cảnh trở về và lễ ăn mừng chiến thắng lại mở ra một góc khác của con người anh hùng đó: con người cộng đồng, con người xã hội.
Vốn là một tù trưởng giàu mạnh, Đám Săn có trách nhiệm với bộ tộc đã đành. Chính vì danh dự của Đăm Săn bị xúc phạm (Mtao Mxây cướp vợ của Đăm Săn) cũng là danh dự của bộ tộc bị xúc phạm mà chàng đã dấy binh. Chiến thắng kẻ thù rồi, danh dự được bảo vệ rồi, trách nhiệm của Đăm Săn tăng lên gấp đôi. Có trách nhiệm với tôi tớ, dân làng của mình, chàng có nghĩa vụ che chở cho tôi tớ, dân làng của Mtao Mxây nữa. Sự mở rộng địa bàn ở đây không có nghĩa thôn tính một cách áp đặt, giản đơn. Nó dựa trên nguyên tắc tự nguyện và người thủ lĩnh mới không hề có định kiến mà ngược lại hết sức bình đẳng, chân tình. Không một hiệu lệnh nào thúc ép, không một lời nói nào cao giọng răn đe. Đăm Săn đã gõ cửa từng nhà. Biện pháp nghệ thuật ở đây là hình thức tiếng vang. Một câu nói của Đăm Săn truyền đi, một câu trả lời vọng lại để rồi một câu hỏi từ đó lại lan xa từ nhà này qua nhà khác. Câu hỏi thứ nhất (của Đăm Săn): “Ơ nghìn chim sẻ, ơ vạn chim ngói! ơ tất cả tôi tớ bằng này! Các ngươi có đi với ta không?”. Câu trả lời thứ nhất (của dân làng): “Không đi sao được! Tù trưởng chúng tôi đã chết, lúa chúng tôi đã mục, chúng tôi còn ở với ai?”... Câu hỏi thứ hai (của Đăm Săn): “Ơ tất cả dân làng này, các ngươi có đi với ta không? Tù trưởng các ngươi đã chết, lúa các ngươi đã mục. Ai đi chăn ngựa hãy đi bắt ngựa! Ai giữ voi hãy đi bắt voi! Ai giữ trâu hãy đi lùa trâu về!”. Cứ như thế một cuộc chạy tiếp diễn ra tạo nên sự kết tinh, hòa đồng gắn bó hai bộ tộc của Đăm Săn và Mtao Mxây làm một.
Lễ mừng chiến thắng do đó không chỉ đóng khung trong nghĩa hẹp là trừng trị một kẻ ác (Mtao Mxây) đã thành công. Nó mang một ý nghĩa kép: vừa chiến thắng kẻ thù vừa nhân lên gấp đôi sức mạnh của bộ tộc. Bởi vậy, âm hưởng của bản anh hùng ca mới ngát trời hào hứng: rộn rã âm thanh của các loại chiêng có tiếng đồng tiếng bạc cùng với vòng nhạc rung lên làm cho tất cả mọi giống loài phải im tiếng để nhường chỗ cho một sự kiện trang nghiêm chưa từng có bao giờ. Và rồi sau cái phút nín lặng âm thanh ấy, một bản hòa ca còn hùng tráng hơn bởi có sự tham gia của “Lươn trong hang, giun trong bùn, rắn hổ, rắn mang đều chui lên nằm trên cao sưởi nắng”. Ếch nhái cũng hoan hỷ, vui mừng, cùng kỳ nhông ngoài bãi “kêu rên inh ỏi suốt ngày đêm”. Không gian cứ mở rộng ra đến cùng trời cuối đất. Không gian của niềm vui và không gian của danh tiếng Đăm Săn: “Nhà Đăm Săn đông nghịt khách... Các khách tù trưởng đều từ phương xa đến”. Lại nữa: “Danh vang đến thần, tiếng lừng khắp núi, đông tây đâu đâu cũng nghe danh tiếng Đăm Săn”.
Trong bối cảnh nhộn nhịp tưng bừng ấy, hình tượng Đăm Săn hiện lên như một vị thần: oai phong về ngoại hình và đầy sức sống tiền tàng nội lực. Lúc Đăm Săn nằm trên võng nghỉ ngơi “Tóc thả trên sàn, hứng tóc chàng ở dưới đất là một cái nong hoa”. Còn khi xuất hiện trước đám đông thì rực rỡ với “Ngực quấn chéo một tấm mên chiến, mình khoác một tấm áo chiến, tai đeo nụ, sát bên mình nghênh ngang đủ giáo gươm, đôi mắt long lanh như mắt chim ghếch ăn hoa tre”. Đăm Săn, trong con mắt của tôi tớ, dân làng, khách khứa là một sức mạnh vô địch, “một trang tù trưởng mới giàu lên, đang tràn đầy sức trai, tiếng tăm lừng lẫy”.
Về nghệ thuật kể chuyện trong đoạn văn có những đặc điểm nổi bật như kể chuyện kết hợp với miêu tả tạo nên hứng thú của cảm giác liền mạch nhưng lại có điểm dừng, vừa bao quát vừa đi sâu vào từng chi tiết. Ở đây còn một sự kết hợp thứ hai giữa câu chuyện được kể và người kể nhằm cá thể hóa vai trò chủ quan vừa tạo không khí đang diễn ra vừa gây được sự đồng cảm của những người nghe trong hình thức diễn xướng. Riêng ngôn ngữ sử thi thì đoạn văn là một ví dụ điển hình. Ngôn ngữ ấy vừa giàu chất hội họa (thông qua hình ảnh) vừa giàu chất âm nhạc (thông qua nhịp điệu). Hình ảnh thì có khi là tả thực, có khi là phóng đại, cường điệu, khoa trương. Riêng về âm nhạc thì tuy đoạn văn được kể dưới hình thức văn xuôi nhưng rất gần với thơ ở nhịp điệu, tiết tấu cân xứng, hài hòa, du dương trầm bổng. Để chứng minh những điều nhận định trên đây không khó. Có điều chắc chắn là với cách kể ấy, với ngôn ngữ ấy, ta được lắng nghe một thứ phối hợp của nhiều thể loại, một thứ hòa thanh của nhiều nhạc cụ, làm thức dậy nhiều giác quan. Sức hấp dẫn của nó là không thể nào cưỡng nổi. Đó là dấu hiệu của một tác phẩm sử thi đạt tới đỉnh cao trong sự sáng tạo tuyệt vời.
Bài làm
Đăm Săn cầm khiên đến nhà Mtao Mxây để khiêu chiến. Mtao Mxây ban đầu ngạo nghễ, sau đó lại tỏ ra hèn nhát, sợ bị Đăm Săn đâm khi đang đi xuống. Đăm Săn khẳng định không bao giờ làm việc xấu xa đó, Mtao Mxây mới dám đi xuống. Trong hiệp đấu thứ nhất, cả hai bên lần lượt múa khiên. Trong khi Mtao Mxây múa tỏ ra yếu ớt và kém cỏi thì Đăm Săn múa khiên lại vô cùng mạnh mẽ, tài giỏi hơn,vẫn giữ thái độ bình tĩnh, thản nhiên. Kết quả hiệp đấu đầu tiên là Mtao Mxây chạy khắp nơi để tránh đường khiên Đăm Săn múa. Chàng đâm trúng Mtao Mxây nhưng không thủng. Đến hiệp đấu thứ hai, Đăm Săn được trời mách bảo, chàng cái chày mòn trúng tai Mtao Mxây. Đăm Săn múa khiên sức mạnh như gió bão. Cây giáo đâm liên tiếp Mtao Mxây nhưng không thủng. Cuối cùng sau hai hiệp đấu Mtao Mxây van nài Đăm Săn để được sống. Đăm Săn không tha thứ cho những tội ác hắn đã gây ra, đã cắt đầu hắn đem bêu ngoài đường. Dân làng Mtao Mxây nhất loạt theo Đam Săn về ngôi làng mới.
Bài làm
Truyện "Thần Trụ trời" thuộc nhóm thần thoại kể về nguồn gốc vũ trụ, muôn loài hay còn gọi là thần thoại suy nguyên được tác giả Nguyễn Đổng Chi sưu tầm. Truyện được coi là tác phẩm có nét đặc sắc trong chủ đề và hình thức nghệ thuật.
"Thần Trụ trời" kể về thần Thần Trụ trời với sức mạnh phi thường đã phân chia bầu trời và mặt đất, dùng đất đá tạo nên núi, đảo,.. Qua đó, câu chuyện đã giải thích nguồn gốc của sự hình thành các sự vật trong tự nhiên một cách sáng tạo.
Mở đầu câu chuyện, tác giả dân gian mở ra không gian vũ trụ hoang sơ "một vùng hỗn độn, tối tăm, lạnh lẽo" và thời gian chưa được xác định rõ ràng "Chưa có vũ trụ, chưa có muôn vật và loài người". Trong khoảnh khắc tối tăm mù mịt ấy, Thần Trụ trời đã xuất hiện với thân hình khổng lồ "Chân thần dài không thể tả xiết". Mỗi bước chân của thần "có thể qua từ vùng này đến vùng nọ, hay từ đỉnh núi này sang đỉnh núi khác". Nhờ sức mạnh phi thường ấy, thần đã tự mình đào đất, đập đá, tạo nên cái cột đá cao và to để chống trời. Cột càng đắp cao, tấm trời lại càng thêm rộng mở. Chẳng bao lâu sau, thần Trụ trời đã đẩy vòm trời lên phía mây xanh, khoảng cách giữa đất trời được phân chia rõ ràng. Sau khi trụ trời xong, thần lại phá cột đá và dùng đất đá ném ra mọi nơi, tạo thành hòn núi, dải đồi cao,... Mượn các hình ảnh thiên nhiên, tác giả dân gian đã giải thích quá trình tạo lập thế giới một cách sáng tạo. Từ đây, chủ đề của truyện trở nên gần gũi và hấp dẫn với bạn đọc.
Chủ đề và nghệ thuật của tác phẩm văn học luôn song hành và bổ sung cho nhau. Truyện "Thần Trụ trời" cũng vậy, những sáng tạo hình thức nghệ thuật về cốt truyện, nhân vật đã đóng góp vào thành công trong việc làm nổi bật chủ đề truyện. Là truyện thần thoại, cốt truyện "Thần Trụ trời" được xây dựng hết sức đơn giản và gần gũi, xoay quanh việc thần Trụ trời làm công việc phân chia đất, trời và tạo nên những dạng địa hình tự nhiên khác nhau. Dựa vào trí tưởng tượng của con người cùng những yếu tố kì ảo, truyện đã giải thích quá trình tạo lập vũ trụ và thế giới tự nhiên. Qua đó, ta cũng thấy được khát khao tìm hiểu và khám phá của con người trong buổi đầu sơ khai. Đặc sắc nghệ thuật còn được thể hiện trong việc xây dựng nhân vật kết hợp sử dụng thủ pháp cường điệu, phóng đại kết hợp với các chi tiết hư cấu. Hình ảnh Thần Trụ trời có kích thước "khổng lồ" với những bước chân rộng lớn, sở hữu sức mạnh phi thường, đã giúp cho người đọc hình dung rõ ràng, sắc nét về một vị thần trong thần thoại.
"Thần Trụ trời" với những đặc sắc trong chủ đề và hình thức nghệ thuật đã mang đến cho bạn đọc câu chuyện thú vị lí giải về nguồn gốc các sự vật trong tự nhiên. Đồng thời truyện cũng phản ánh mong muốn, khát khao được tìm tòi, khám phá của con người trong buổi đầu sơ khai. Mong rằng tác phẩm sẽ mãi để lại dấu ấn trong lòng bạn đọc yêu thích văn học dân gian của dân tộc.
Bài làm
Ra-ma-ya-na là thiên sử thi Ấn Độ nổi tiếng thế giới, ra đời vào khoảng thế kỉ thứ 3 trước Công Nguyên. Tác phẩm liên tục được nhiều thế hệ tu sĩ – thi nhân bổ sung về nội dung, trau chuốt về nghệ thuật và đạo sĩ Van-mi-ki là người hoàn thiện cuối cùng.
Đoạn trích Ra-ma buộc tội kể về sự kiện hoàng tử Ra-ma sau khi hạ gục quỷ vương Ra-va-na đã giành lại được người vợ yêu quý là nàng Xi-ta kiều diễm. Vợ chồng gặp lại nhau, Xi-ta vui mừng khôn xiết. Nhưng hoàng tử Ra-ma nghi ngờ vợ mình không giữ được trọn vẹn danh tiết trong thời gian bị quỷ Ra-va-na bắt cóc nên đã tuyên bố từ bỏ nàng. Xi-ta không thể thanh minh nên đành bước lên giàn hoả thiêu, nhờ thần Lửa A-nhi chứng giám cho đức hạnh trung trinh của mình. Qua nội dung đoạn trích, các tác giả đã thể hiện quan điểm về Vị vua mẫu mực (Ra-ma) và về người phụ nữ lí tưởng (Xi-ta) của dân tộc Ấn Độ cổ xưa.
Có thể nổi Ra-ma là nhân vật hội tụ đầy đủ những nét tính cách của một vị vua anh hùng như ao ước của dân chúng thời đại đó. Tính cách cao quý của chàng được thể hiện rõ trong mọi tình huống và tình huống ở đoạn trích này là khá đặc biệt. Theo quy luật tâm lí thông thường thì lẽ ra gặp lại vợ sau một thời gian dài xa cách Ra-ma phải hết sức vui mừng và niệm vui to lớn ấy sẽ chi phối mọi suy nghĩ cùng hành động của chàng. Thế nhưng Ra-ma lại không như vậy. Chàng nói với Xi ta: Hỡi phu nhân cao quý, Ta đã đưa nàng tới đây sau khi đã đánh bại kẻ thù. Ta đã làm tất cả bằng khả năng của mình. Ta đã trả thù kẻ lăng nhục ta và cơn giận của ta đã hả. Ngày hôm nay, ai nấy đều đã được chứng kiến tài nghệ của ta. Ta đã làm tròn lời hứa và giờ đây không còn gì vướng mắc với chính mình. Nàng đã bị gã Rắc-sa-xa tâm địa xảo trá bắt cóc khi vắng mặt ta, đó là do số phận của nàng xui nên, nhưng ta đã gỡ cho nàng khỏi điều vu khống. Kẻ nào bị quân thù lăng nhục mà không đem tài nghệ của mình ra trả thù là kẻ tầm thường…
Rõ ràng là khẩu khí của người anh hùng tài ba và coi trọng danh dự hơn cả mạng sống của bản thân. Ra-ma đã chiến đấu và chiến thắng quỷ vương Ra-va-na trước hết là vì danh dự dòng dõi cao quý của mình, vốn là người thẳng thắn, trung thực, chàng không giấu diếm suy nghĩ về người vợ mà chàng vừa giành lại được từ tay quỷ vương:… Phải biết chắc điều này: chẳng phải vì nàng mà ta đã đánh thắng kẻ thù với sự giúp đỡ của bạn bè. Ta làm điều đó vì nhân phẩm của ta, để xóa bỏ vết ô nhục, để bảo vệ uy tín và danh dự của dòng họ lẫy lừng tiếng tăm của ta. Ta làm điều đó chính là để chứng tỏ ta không thuộc về một gia đình bình thường.
Nay ta phải nghi ngờ tư cách của nàng, vì nàng đã lưu lại lâu trong nhà một kẻ xa lạ. Giờ đây, nàng đang đứng trước mặt ta, nhưng trông thấy nàng, ta không chịu nổi, chẳng khác nào ánh sáng với người bị đau mắt. Vậy ta nói cho nàng hay, nàng muốn đi đâu thì tuỳ nàng, ta không ưng có nàng nữa. Người đã sinh trưởng trong một gia đình cao quý có thế nào lại lấy về một người vợ từng sống trong nhà kẻ khác, đơn giản chỉ vì mụ ta là một vật để yêu đương ? Nàng đã bị quấy nhiễu khi ở trong vạt áo của Ra-va-na, đôi mắt tội lỗi của hắn đã hau háu nhìn khắp người nàng, vậy làm sao ta có thể nhận nàng về khi nghĩ tới gia đình cao quý đã sinh ra ta?
Cuộc gặp gỡ giữa Ra-ma và Xi-ta không chỉ có hai người mà diễn ra trước đông đảo anh em, bạn hữu và dân chúng. Vì thế Ra-ma không thể chỉ cư xử với tự cách của một người chồng mà còn với tư cách của một vị anh hùng vừa chiến thắng kẻ thù một cách vinh quang và cao hơn nữa là tư cách của một đấng quân vương. Do vậy ta không thể trách Ra-ma quá lạnh lùng, tàn nhẫn, vì con người của giai cấp, con người của xã hội trong chàng buộc chàng phải cư xử như vậy với người vợ mà chàng trân trọng gọi là phu nhân cao quý.
Suy nghĩ của hoàng tử Ra-ma tiêu biểu cho quan điểm đạo đức của giai cấp quý tộc Ấn Độ thời đó. Tuy nhiên, nó cũng có những điều gần gũi với suy nghĩ của phần lớn đàn ông trong xã hội phong kiến với rất nhiều ràng buộc khắt khe. Đối với Ra-ma thì danh dự của bản thân, gia đình và dòng tộc là quan trọng nhất, cho nên dẫu yêu thương người vợ hiền thục, xinh đẹp đến mấy đi chăng nữa thì chàng vẫn phải chối từ vì không thể vượt lên trên dư luận. Những lời nói của hoàng tử Ra-ma khiến Xi-ta tan nát cả cõi lòng; Nàng đau đớn đến nghẹt thở, như một dây leo bị vòi voi quật nát. Nghe những lời tố cáo chưa từng có, trước mặt đông đủ mọi người, Gia-na-ki xấu hổ cho số kiếp của nàng.
Nàng muốn tự chôn vùi cả hình hài thân xác của mình. Mỗi lời nói của Ra-ma xuyên vào trái tim nàng như một mũi tên. Nước mắt nàng đổ ra như suối. Lấy tà áo lau nước mắt, rồi bằng giọng nghẹn ngào, nức nở, nàng nói: Cớ sao chàng lại dùng những lời lẽ gay gắt khó tả như vậy đối với thiếp, giống như một kẻ thấp hèn chửi mắng một con mụ thấp bèn? Thiếp đâu phải là người như chàng tưởng ! Thiếp có thể lấy tư cách của thiếp ra mà thề, hãy tin vào danh dự của thiếp. Suy từ hành vi của loại phụ nữ thấp hèn, chàng đã ngờ vực tất cả giới phụ nữ, nhưng như thế đâu có phải. Nếu chàng có hiểu biết thiếp chút đỉnh thì xin hãy từ bỏ mối ngờ vực không căn cứ đó đi…
Trong đau đớn và tủi nhục vì bị chồng nghi ngờ và từ bỏ, nàng Xi-ta xinh đẹp vẫn khẳng khái lạ lùng. Giống như hoàng tử Ra-ma, nàng cũng coi danh dự là điều cao quý nhất. Nàng không ngại ngần so sánh chàng với những kẻ thấp hèn vì nặng cho rằng chàng không nên nói những lời ngờ vực không căn cứ như vậy với nàng – một con người có dòng dõi cao quý không kém gì chàng, bởi nàng chính là con gái của thần Đất Mẹ Pri-thi-vi được tôn thờ. Nàng (rách móc Ra-ma: Vì không thể suy xét cho đúng đắn, chàng đã không hiểu được bản chất của thiếp. Chàng không nghĩ đến vì sao hồi còn thanh niên chàng đã cưới thiếp. Tình yêu của thiếp, lòng trung thành của thiếp nay xem ra hoàn toàn vô ích.
Trong cơn tuyệt vọng trước thái độ khó lay chuyển của hoàng tử Ra-ma Xi-ta chỉ còn cách duy nhất là nhờ thần Lửa A-nhi minh oan cho mình: Nếu con trước sau một lòng một dạ với Ra-ma thì cúi xin thần hãy tìm cách bảo vệ con. Ra-ma đã coi một phụ nữ trinh tiết như một kẻ gian dối, nhưng nếu con trong trắng, xin thần A-nhi phù hộ cho con. Dứt lời, nàng dũng cảm bước vào ngọn lửa đang rừng rực cháy của giàn hỏa thiêu.
Sự kính phục, ngưỡng mộ và tiếc thương của mọi người chứng kiến cảnh đó được miêu tả rất xúc động: Ai nấy, già cũng như trẻ, đau lòng đứt ruột xem nàng Gia-na-ki đứng trong giàn hỏa. Trước mặt mọi người, trang tuyệt thế giai nhân đó nạp mình cho lửa. Các bậc thánh, các chư thần nhìn Gia-na-ki bước vào lửa, chẳng khác một lễ vật trong lễ tế sinh. Thấy nàng như vậy, như một thiên thần bị đuổi khỏi trời do một thần chú nguyền rủa, các phụ nữ bật ra tiếng kêu khóc thảm thương. Cả loài Rắc-sa-xa lẫn loài Va-na-ra cùng kêu khóc vang trời trước cảnh tượng đó.
Như vậy là đức hạnh trung trinh cùng lòng dũng cảm tuyệt vời của nàng Xi-ta đã làm chấn động cả thần thánh, con người và ma quỷ. Tất thảy đều rơi lệ trước nỗi oan của nàng. Cuối cùng, đúng như lời cầu xin của Xi-ta, thần Lửa A-nhi đã giải oan và bảo vệ nàng nguyên vẹn.
Đoạn trích Ra-ma buộc tội giống như một màn kịch ngắn mà kịch tính được đẩy lên cao độ. Hai nhân vật chính là Ra-ma và Xi-ta đều bị đặt trước những thử thách ngặt nghèo, đòi hỏi sự lựa chọn quyết liệt, bộc lộ sâu sắc cá tính và bản chất của mình. Hoàng tử Ra-ma đem hết sức mạnh và tài năng để chiến đấu với quỷ vương Ra-va-na để giành lại người vợ yêu quý, nhưng chàng cũng dám hi sinh tình yêu vì danh dự, bổn phận của một người anh hùng, một đức vua mẫu mực. Nàng Xi-ta xinh đẹp, trong trắng cũng là hình ảnh của một người phụ nữ lí tưởng. Nàng đã can đảm bước vào lửa để chứng minh tình yêu tha thiết cùng đức hạnh thủy chung của mình đối với hoàng tử Ra-ma cao quý.
Bài làm
Đối với người Ấn Độ, sử thi Ramayana là một niềm tự hào bởi nó giúp họ thoát khỏi tội lỗi. Bộ sách quý này được cả xã hội Ấn Độ tôn vinh và ngưỡng mộ. Nếu ai đã từng đọc Ramayana chắc cũng sẽ ấn tượng với sử thi này và đặc biệt là ấn tượng với nhân vật Ra-ma.
Với tính chất sử thi, nhân vật Ra-ma được xây dựng như một người anh hùng, là nguồn sáng cho cả một dân tộc, là biểu tượng của sức mạnh, trí tuệ và vẻ đẹp của con người. Nếu theo truyền thuyết thì Ra-ma là hóa thân thứ 7 của thần Visnu – đấng tối cao của đẳng cấp quý tộc Bà la môn. Mục đích của Visnu khi giáng thế chính là cứu nhân loại ra khỏi chiến tranh loạn lạc. Đó là một mục đích vô cùng đáng quý. Như vậy Ra-ma là một nhân vật xuất chúng. Nhiệm vụ của chàng là tiêu diệt cái xấu, cái ác trong xã hội mà ở đây hiện thân chính là con quỷ Ravana. Chỉ có tiêu diệt cái xấu, cái ác thì người dân mới có được cuộc sống ấm no.
Thông qua nhân vật Ra-ma, nhân dân Ấn Độ muốn thể hiện niềm khát khao có được một vị anh hùng có sức mạnh lớn đủ để bảo vệ người dân khỏi những điều bất công trong cuộc sống. Đây là hình tượng đặc trưng cho nhân vật lí tưởng kiểu mẫu của đạo Hindu. Chính vì vậy mà trong toàn bộ sử thi này, Ra-ma được đề cao và kính trọng. Trong số 4 vị hoàng tử thì chàng là một người thông minh và tài giỏi nhất nên cũng được đức vua tin yêu nhất. Không chỉ vậy, người dân cũng yêu quý chàng, một lòng ủng hộ chàng trở thành người kế nghiệp ngai vàng. Một lý do nữa khiến chàng được yêu quý là chàng luôn hiếu thảo với vua cha. Trước hôm Ra-ma lên ngôi, Kakeyi đã nhắc vua về lời hứa năm xưa và muốn nhà vua nhường ngôi cho Bharata, con trai của bà. Chỉ vì không muốn cha mình trở thành kẻ thất hứa, Ra-ma đã chấp nhận đi lưu đày 14 năm trong rừng.
Ra-ma được miêu tả có đôi mắt sáng như vầng trăng, đôi tai thấu âm nhạc trời đất. Chàng ghét sự giả dối, ghen tuông, điều xấu, điều ác. Chàng là hiện thân của sức mạnh, thông minh. Xét về điều này thì không ai có thể bằng được chàng. Nhờ sức mạnh và trí thông minh của mình chàng đã nâng được cây cung thần và chiếm được trái tim của nàng Sita. Cùng với vợ của mình, Ra-ma đã giúp đỡ dân làng chống lại quỷ dữ từ con quỷ Vali, con quỷ khổng lồ vô địch, đánh quỵ trâu thần Dundubbi. Không chỉ vậy, Ra-ma còn diệt trừ quỷ Thataka và đặc biệt là quỷ vương Ravana. Sau khi đánh đuổi được quỷ Vali, Ra-ma đã giúp Sugriva lấy lại được vợ và ngôi báu. Trong mọi trận chiến, Ra-ma luôn là người chiến thắng. Đây chính là ước mong của người Ấn Độ về công bằng, lẽ phải. Chính nghĩa thì luôn chiến thắng gian tà.
Mặc dù là hóa thân của thánh thần nhưng Ra-ma cũng đậm tính người thông qua tình yêu đối với nàng Sita. Ra-ma luôn tin tưởng vào sự thủy chung của Sita nhưng chàng cũng không tránh được những lúc hờn ghen, ngờ vực. Cũng như nhiều người khác, sự ghen tuống khiến Ra-ma bị che mờ mắt, mất đi sự sáng suốt. Chính tính cách này khiến chàng trở nên gần gũi hơn với người dân.
Mặc dù là sử thi và được viết từ rất lâu nhưng nghệ thuật miêu tả nhân vật hết sức sắc sảo, chẳng hề thua kém các tác giả nổi tiếng hiện đại. Với tài năng của mình, Valmiki đã biến sử thi Ramayana trở nên có sức hút không chỉ ở thời xưa mà còn đối với thế hệ trẻ ngày nay.