Văn mẫu 10 cánh diều bài 3: Viết bài luận thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hay một quan niệm.

Đề bài: Viết bài luận thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hay một quan niệm. Theo đó, Baivan gửi đến các bạn những bài văn mẫu để các bạn có thể tham khảo. Từ đó, giúp các bạn có những bài văn hay nhất cho riêng mình.

[toc:ul]

Bài văn mẫu 1: Phân tích nhân vật Xuý Vân trong trích đoạn chèo Xuý Vân giả dại

Bài làm

Chèo là một loại hình sân khấu dân gian kết hợp nghệ thuật hát, múa, diễn rất hài hoà. Các làn điệu chèo rất phong phú, đa dạng; lời chèo thấm quyện ca dao, dân ca một cách tài tình. Chèo là một loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian lâu đời của dân tộc ta.

Những vở chèo như "Quan Âm Thị Kính”, “Trương Viên”, “Chu Mãi Thần”, "Kim Nham”... rất nổi tiếng, được các thế hệ ông bà, cha mẹ chúng ta yêu thích. Sau mùa gặt bội thu hay đầu xuân, nhiều làng quê mở hội chèo, tiếng trống chèo rung lên sau luỹ tre xanh, gợi lên bao xao xuyến trong lòng người:

"Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay
Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy
Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ
Mẹ bảo: “Thôn Đoài hát tối nay... ”
(Nguyễn Bính)

Chèo là một loại hình sân khấu dân gian kết hợp nghệ thuật hát, múa, diễn rất hài hoà. Các làn điệu chèo rất phong phú, đa dạng; lời chèo thấm quyện ca dao, dân ca một cách tài tình.

Những trích đoạn như "Thị Mầu lên chùa ”, "Xuý Vân giả dại ”, "Thị Phương dắt mẹ chồng chạy giặc”, “Tuần Ty gặp đào Huế”... được nhiều người yêu thích, xem mãi vẫn muốn xem, không chán.

Trích đoạn "Xuý Vân giả dại" nằm trong phần hai vở chèo “Kim Nhan”. Xa chồng lâu ngày, Xuý Vân dan díu với Trần Phương, bị dụ dỗ, nàng giả điên giả dại, lập mưu để Kim Nhan li dị. Với ánh mắt bốc lửa, tiếng hát đắm say, với bước đi, điệu lượn, cánh tay múa... như điên cuồng, nhân vật Xuý Vân từng để lại nhiều ấn tượng về lửa tình, về bi kịch tình yêu trong lòng khán giả. Nhiều nghệ sĩ chèo đã thành danh qua vai chèo “Xúy Vân giả dại”.

Mấy câu mở đầu, Xuý Vân xuất hiện (chưa xưng danh) từ nói lệch, đến hát xuôi, cô nàng quay cuồng với tâm trạng dở tỉnh dở điên, dở ngây dở dại. Cất tiếng than bà Nguyệt (trách duyên số) rồi réo cô đồng, rồi cất tiếng hát nói về con đò, con đò tình duyên của một cô gái chờ chồng, đợi chồng đi xa:

“Tôi là dò, đò nỏ có thưa
Tôi càng chờ, càng đợi, càng trưa chuyển dò”.

Buồn và lo vì tuổi xuân sẽ trôi qua, như kẻ đứng trên bến vắng chờ đò “càng trưa chuyến đò”

Những câu hát tiếp theo là những câu thơ lục bát phá thể, biến thể, thể hiện tâm trạng đầy bi kịch của người con gái đã có chồng (như gông đeo cổ) nên phải “lụy dò” lúc muốn “qua sông”, muốn dứt bỏ mối duyên tình cũ:

“Chẳng nên gia thất thì về
Ở làm chi nữa chúng chê bạn cười”

Chẳng cần chi úp mở, cô gái thổ lộ mối tình “gió giăng ” của mình, với niềm tin sẽ cùng với tình nhân “gió giăng" sống đến đầu bạc răng long, trọn vẹn “đạo hằng” thuỷ chung:

“Gió giăng thì mặc gió giăng
Đôi ta chỉ quyết đạo hằng với nhau”

Tâm trạng “nổi loạn” ấy của Xuý Vân cho đến nay vẫn còn làm cho nhiều khán giả ngỡ ngàng, ngạc nhiên. Phải chăng đó là sự "bứt phá” đạo tam tòng tứ đức lễ giáo phong kiến của một người con gái đang "nổi loạn ”?

Sau tiếng hỏi của vai diễn và tiếng đế hô ứng của khán giả, Xuy Vân mới xưng danh:

“Chẳng giấu gì: tôi tên gọi Xuý Vân
Lấy Kim Nhan nhà khó gian truân
Chồng học vắng chầy ngày mong mỏi
Tôi ngồi từ tối
Đợi khách tha nhang
Gái phải nằm hàng
Nghề dại dột... nhưng tài cao vô giá
Thiên hạ đồn tôi hát hay đã lạ
Ai cũng gọi là cô ả Xuý Vân
Phụ Kim Nhan say đắm Trần Phương
Nên đến nỗi điên cuồng rồ dại... ”

Rồi Xuý Vân cất điệu "hát con gà rừng” thể hiện một duyên phận trớ trêu, khác nào “Con gà rừng ăn lẫn với công”, vô duyên lấy phải anh chồng vai u thịt bắp, sống cuộc đời lam lũ: “Để anh đi gặt lúa, để cô nàng mang cơm”. Xuý Vân tự cho mình là con quan, cao môn lệnh tộc, còn Kim Nhan là con nhà nghèo hèn, cục mịch tầm thường.

Rồi nàng lại chuyển sang “hát xe chỉ” diễn tả tâm trạng mong nhớ “đợi chờ tình nhân”, ước ao khát khao muốn được cùng Trần Phương sống trong tình yêu hạnh phúc “Áo giải làm chiếu, chăn quây làm mùng”. Hát rồi nói, bộc lộ một tâm trạng cô đơn của cô gái đa tình:

“Tôi thương nhân ngãi
Tôi nhớ nhân tình
Đêm năm canh trằn trọc hoà năm
Than rằng nhân ngãi cựu tình đi đâu”?

Đoạn “hát ngược ” đã thể hiện tâm trạng trăm mối tơ vò của một cô gái giả dại mà ngọn lửa tình ngùn ngụt, mà nỗi khao khát dục tình cháy bỏng khôn nguôi. Giả dại, giả điên hay hóa cuồng? Ngược đời trong tự nhiên cũng là nghịch lí trong tâm trạng người con gái đa tình mà thất tình: “Muỗi ấp cánh dơi... Cái trứng gà mày tha con quạ lên ngồi trên cây...”

Rồi Xuý Vân như chợt bừng tỉnh, giải thích rõ cái dại, cái rồ, cái điên của mình:

“Rồ này ai bán thì mua
Dại này ai thấy không mơ mẩn tình
Lúc thì giả cách làm thinh
Lúc thì giả dại ra hình làm điên
Lúc thì tưởng đến nhân duyên
Cho nên đến nỗi phát điên, phát rồ”.

Trần Phương đã qua mụ quán xúi Xuý Vân giả dại để thoả tình giăng gió, gió giăng. Phải xem chèo và nghe chèo mới cảm thấy cái hay màn chèo “Xuý Vân giả dại”. Trích đoạn này đã làm nổi bật tâm trạng đau khổ của một cô gái đa tình mà thất tình, muốn dứt bỏ, đập phá mối quan hệ vợ chồng với Kim Nhan để chạy theo mối tình mới với Trần Phương - một Sở khanh mà nàng đâu biết.

Nỗi khát khao về tình yêu hạnh phúc lứa đôi, nỗi buồn cô đơn của ngư i vợ trẻ trong cảnh ngộ "thiếp trong cánh cửa, chàng ngoài chân mây” của Xuý Vân là điều có thể cảm thông và thương cảm.

Xuý Vân giả dại là khởi đầu của một sự trượt dốc để không bao lâu thân tàn ma dại trở thành hành khất, rồi bị điên, rồi tự tử. Cái kết cục bi thảm đó đã làm cho cảm hứng nhân đạo thấm sâu vai chèo, màn chèo.

Cái bánh vẽ tình yêu mà Trần Phương trao cho Xuý Vân, nàng tưởng là ngọt ngào nhưng vô cùng cay đắng.

Màn chèo Xuý Vân giả dại đã thể hiện sâu sắc quan niệm của nhân dân về tình yêu lứa đôi, về sự đau khô dại khờ trong tình yêu lứa đôi. Câu hỏi được đặt ra: “Thế nào là tình yêu hạnh phúc gia đình chân chính?” cứ xoáy sâu mãi vào những người yêu thích chèo Kim Nham.

Bài văn mẫu 2: Phân tích đoạn chèo Xuý Vân giả dại

Bài làm

"Xúy Vân giả dại" là một trong những trích đoạn tiêu biểu của vở chèo "Kim Nham". Đây được đánh giá là lớp chèo xuất sắc của nền chèo cổ. Văn bản "Xúy Vân giả dại" không chỉ ẩn chứa những hấp dẫn về mặt nội dung mà còn thể hiện sự độc đáo của các yếu tố nghệ thuật.

Chèo "Kim Nham" xoay quanh câu chuyện giữa ba nhân vật chính là Kim Nham, Xúy Vân và Trần Phương. Sau khi nên vợ nên chồng với Xúy Vân, Kim Nham tiếp tục lên kinh đô dùi mài kinh sử. Nàng Xúy Vân ở nhà sống trong cảnh "chăn đơn gối chiếc", chờ chồng trở về. Trong lúc ấy, tên Trần Phương xuất hiện và tán tỉnh Xúy Vân. Nàng xiêu lòng rồi giả điên với hi vọng Kim Nham trả lại tự do cho mình để đi theo nhân tình. Đoạn trích "Xúy Vân giả dại" diễn tả cảnh nàng tự dựng lên màn điên loạn của bản thân nhằm che mắt chồng.

Có thể thấy, ở toàn bộ trích đoạn, Xúy Vân đã trực tiếp bày tỏ nỗi lòng, tâm trạng của mình. Mọi lời nói, hành động của nàng đều tập trung thể hiện những mâu thuẫn giằng xé trong nội tâm. Ngôn ngữ mà nàng sử dụng là ngôn ngữ của kẻ nửa tỉnh nửa điên.

Thông qua lời tự giới thiệu, tác giả dân gian đã cung cấp cho người đọc một số thông tin về tên, tài năng, tình cảnh của nhân vật:

"Bước chân vào tôi thưa rằng vậy,

Chẳng giấu gì Xúy Vân là tôi.

Tuy dại dột, tài cao vô giá,

Thiên hạ đồn rằng tôi hát hay đã lạ,

Ai cũng gọi là cô ả Xúy Vân.

Phụ Kim Nham, say đắm Trần Phương,

Nên đến nỗi điên cuồng, rồ dại."

Nàng tuy dại dột nhưng "tài cao vô giá", được mọi người đồn có tài hát hay. Chứng tỏ, Xúy Vân cũng là người phụ nữ tài hoa. Ngoài ra, lời thừa nhận "Phụ Kim Nham, say đắm Trần Phương/ Nên đến nỗi điên cuồng rồ dại." của Xúy Vân càng khắc họa rõ những giằng xé trong nội tâm nhân vật.

Mở đầu đoạn trích, Xúy Vân trực tiếp bày tỏ nỗi đau đớn, tủi hờn:

"Đau thiết thiệt van.

Than cùng bà Nguyệt.

Đánh cho tê liệt,

Chết mệt con đồng.

Bắt đò sang sông,

Bớ đò, bớ đò."

Nàng đau khổ tới mức phải kêu lên, than thở cùng với ông Tơ, bà Nguyệt. Xúy Vân trách duyên phận mình dang dở, lỡ làng. Do hoàn cảnh xô đẩy nên nàng buộc lòng phải theo "Nên tôi phải lụy đò,/ Cách con sông nên tôi phải lụy đò," để rồi từ đó rơi vào bi kịch.

Đâu chỉ dừng lại ở đau khổ, xót xa, nàng còn bộc lộ nỗi xấu hổ, bẽ bàng qua câu "Không trăng gió lại gặp người gió trăng". Xúy Vân nhận thấy bản thân mình không "trăng gió", chỉ vì gặp người đàn ông phong lưu, đa tình nên mới xiêu lòng. Nhận thức được sai lầm, nàng khuyên mọi người phải giữ lấy chuẩn mực, cốt cách của người phụ nữ "Gió trăng mặc thời gió trăng,/ Ai ơi giữ lấy đạo hằng chớ quên". Xúy Vân khuyên người nhưng cũng chính là lời nhắc nhở bản thân.

Trong điệu hát con gà, nỗi niềm đắng cay, bực tức được thể hiện rõ nét. Nàng dùng hình ảnh "con gà rừng", "con công" để khẳng định sự bơ vơ, lạc lõng. Đồng thời, thể hiện ý thức về địa vị, vai trò của bản thân. Nàng nhận thấy mình thấp kém, chênh lệch so với người chồng. Không những vậy, câu "Láng giềng ai hay, ức bởi xuân huyên" được lặp lại hai lần đã nhấn mạnh vào nỗi uất ức, cùng cực của Xúy Vân. Nàng phẫn uất trước sự sắp đặt của cha mẹ. Vì thế, nàng luôn khao khát có được cuộc sống gia đình hạnh phúc như bao người:

"Chờ cho bông lúa chín vàng,

Để anh đi gặt, để nàng mang cơm"

Đến đoạn nói điệu sử rầu, hát sắp, nhân vật bộc lộ sự tự ý thức về chính mình. Nàng mắc kẹt trong mối duyên tình với Trần Phương "Tôi thương nhân ngãi, tôi nhớ nhân tình,/ Đêm năm canh tôi thức cả vừa năm.". Biện pháp ẩn dụ trong đoạn hát sắp: "Con cá rô nằm vũng chân trâu,/ Để cho năm bảy cần câu châu vào!" thể hiện tình cảnh bế tắc, không lối thoát của Xúy Vân. Nàng như con cá ở trong vũng nước nhỏ, xung quanh chứa đầy rủi ro, bất trắc. Cho nên, lúc nào Xúy Vân cũng sống trong cảm giác bất an, sợ hãi.

Cuối cùng, Xúy Vân thực sự nhập tâm và hóa điên trong đoạn hát ngược. Các hình ảnh, từ ngữ được liên hệ đầy bất thường, phi logic:

"Một đàn các cô con gái lội sông té bèo.

Chuột đậu cành rào, muỗi ấp cánh dơi,

Ông Bụt kia bẻ cổ con nai,

Cái trứng gà mà tha con quạ lên ngồi trên cây.

Ở trong đình có cái khua, cái nhôi,

[...] Cưỡi con gà mà đi đánh giặc!"

Nó cho thấy nàng thực sự không còn giữ nổi sự tỉnh táo trong cả hành động lẫn lời nói. Chỉ có những người thần trí không bình thường mới khó có thể phân biệt được ngược, xuôi. Những câu hát tưởng chừng như vô nghĩa lại mở ra đời sống nội tâm phức tạp, phong phú với những rối bời. Xúy Vân lúc này đã thực sự đánh mất mình và hoàn toàn rơi vào trạng thái mất phương hướng.

Bên cạnh lời thoại, tâm trạng của Xúy Vân còn được mô tả thông qua hành động như hát, nói, múa. Nàng múa điệu bắt nhện, xe tơ, dệt cửi trên nền trống rồi vừa hát vừa cười. Những hành động này cho thấy khát khao cháy bỏng của Xúy Vân về cuộc sống hôn nhân hạnh phúc. Nàng cũng muốn được trở thành vợ hiền, dâu thảo. Thế nhưng, hiện thực khiến mong ước ấy trở nên xa vời. Kết thúc điệu hát ngược, nàng đi vào vừa đi vừa cười điên dại càng làm nổi bật tình trạng thiếu minh mẫn, đau khổ, tuyệt vọng.

Bên cạnh yếu tố nội dung thì nghệ thuật cũng là phương diện quan trọng góp phần tạo nên thành công cho đoạn trích. Lớp chèo "Xúy Vân giả dại" được tác giả dân gian sử dụng lối nói theo giọng điệu đặc trưng: nói lệch, vỉa, điệu sử rầu, nói kết hợp với các làn điệu hát chèo như: quá giang, con gà rừng, sắp, sa lệch, hát ngược. Ngôn ngữ chèo mang đậm màu sắc dân gian, sử dụng chất liệu ca dao, dân ca và thể thơ truyền thống. Ngoài ra, các chỉ dẫn sân khấu: âm thanh tiếng trống, hành động múa, hát, cử chỉ, điệu bộ giúp cho vở diễn được trơn tru, hấp dẫn hơn.

Như vậy, thông qua lớp chèo "Xúy Vân giả dại", ta thấy được khát vọng hạnh phúc, khát vọng sống thật của nhân vật Xúy Vân. Đồng thời, bày tỏ nỗi xót thương, cảm thông sâu sắc đối với tình cảnh của người phụ nữ trong xã hội xưa.

Tóm lại, giữa sự nở rộ của hàng ngàn loại hình giải trí, chèo cổ vẫn luôn có sức sống mãnh liệt, bền bỉ với thời gian. Đoạn trích "Xúy Vân giả dại" nói riêng và chèo "Kim Nham" nói chung vẫn giữ được vị trí đặc biệt trong lòng người dân Việt Nam.

Bài văn mẫu 3: Phân tích một số yếu tố tạo ra tiếng cười trong đoạn trích Mắc mưu Thị Hến

Bài làm

Yếu tố tạo ra tiếng cười trong đoạn trích trên xuất phát từ ngôn ngữ hành động của nhân vật Nghêu, Nghêu được biết đến là ông bói mù, với những câu nói hài hước, tếu táo. Nghêu đến nhà Thị Hến để tán tỉnh nàng nhưng chưa kịp làm gì thì thấy Đề Hầu gõ cửa đến. Khi ấy lão sốt vó lo lắng, hoang mang, sợ hãi đã nhanh chóng để tìm chỗ trốn “Trốn chỗ nào khác chỉ cho min/ (Chớ) Ra cửa có thầy Đề đứng đó! Sợ bị phát hiện Nghêu đã chui xuống gầm phản nhà Hến. Hành động của kẻ nhút nhát, sợ sệt. Nhưng rồi khi nghe Huyện Trìa nói về việc “Phàm tu hành mà đã xuất gia/ Có phá giới đánh đòn phát lạc” thì Nghêu đã chui từ gầm phản ra và thay đổi bộ mặt vui vẻ để lấy lòng, còn nịnh hót khen những lời của Huyện Trìa là đúng đắn khác hoàn toàn so với lúc đầu khi Đề Hầu đến, Nghêu đã lật mặt thay đổi cảm xúc tuy vẫn còn run sợ nhưng hắn lại ngon ngọt. Tác giả đã rất thành công trong việc dùng ngôn ngữ hành động để tạo tiếng cười.

Bài văn mẫu 4: Phân tích Thị Mầu lên chùa 

Bài làm

Có bao giờ chúng ta tự hỏi, điều gì đã làm nên một cuộc sống đầy màu sắc như ngày hôm nay? Có phải là những giai điệu du dương êm tai giúp ta thư giãn sau ngày dài mệt mỏi. Hay những con chữ nối dài trên cuốn sách mà ta hay đọc…. đã bồi dưỡng nên đời sống tinh thần phong phú của con người. Nghệ thuật nói chung và văn học nói riêng, được sinh ra là để con người giãi bày tâm tư, nhìn nhận về cuộc đời, từ đó rút ra những bài học chiêm nghiệm cho bản thân. Là một hình thức nghệ thuật độc đáo và lâu đời, Chèo không mấy xa lạ với chúng ta. Chèo bắt buồn từ kho tàng văn hóa nghệ thuật dân gian, lấy âm nhạc làm nền, ngôn từ ví von cùng cách diễn tả trực tiếp, đa dạng mà Chèo được coi là loại hình sân khấu của hội hè đặc sắc. Có một vở chèo kinh điển mà cho đến ngày nay chiều sâu tư tưởng và câu hỏi mà vở chèo đặt ra là vấn đề mà mọi thời đại đều hướng đến. Đó là vở chèo Quan âm thị kính. Đoạn trích Thị mầu lên chùa sẽ cho ta hiểu hơn về xã hội, về con người lúc bấy giờ. 

Lễ chùa cúng vái có lẽ là một nét đẹp trong phong tục của người Việt, là truyền thống mà mọi nhà đều gìn giữ. Và thị mầu cũng lễ chùa để khấn vái. Được biết đến là một cô gái lẳng lơ, hình ảnh Thị Mầu lên gợi cho ta ấn tượng về một cô gái xinh đẹp, lả lướt có phần lẳng lơ, thiếu sự thành tâm, nghiêm túc nơi cửa chùa. Thị Mầu lên chùa khác với lệ thường là: Người ta lên chùa vào mười tư, rằm; còn Thị Mầu lên chùa mười ba. 

Bởi vì ngay từ đầu Thị Mầu đã được xây dụng là người con gái lẳng lơ, không phải là người con gái theo quan niệm “tam tòng tứ đức” của thời xưa vậy nên, qua lời đề thì những cái dở, cái xấu của Mầu được bộc lộ rõ ràng hơn. Cái dở đó chỉ duy nhất là sự mù quáng, mà đã yêu đương say đắm và dữ dội đến như thế, thì có mù quáng cũng là dễ hiểu, do đó dễ thông cảm, và hơn nữa, dễ thương mà thôi. Cái mù quáng của Thị Mầu là ở chỗ cô không nhận biết – đối tượng của mình… Thầy Tiểu mà cô mê thực ra là Thị Kính giả trai. Sự mù quáng của Thị Mầu cùng với cơn yêu đương. Hành động của Thị Mầu như là xông ra nắm tay chú tiểu, với những lời nói của người lẳng lơ, thấy chú tiểu đẹp thì mê, mà mê thì ghẹo, mà ghẹo thì ghẹo tới nơi tới chốn. Những ngôn ngữ, hành động của Thị Mầu khi bày tỏ tình cảm với chú tiểu: khi gặp Mầu đã khen “đẹp như sao băng”, đôi mắt sắc như dao bổ cau liếc đi, liếc lại, đôi môi đỏ mọng lúc nào cũng cười nở như hoa và nhất là lời bóng gió, ẩn ý đầy chất dân gian để “đánh” đi những lượng tin cần thiết mà da diết về phía chú tiểu, táo bạo hơn nữa, lời nói chưa đủ làm Tiểu Kính rung động, Thị Mầu tiến tới hành động: đợi cơ hội Tiểu Kính ra và nắm tay Tiểu Kính, đòi quét chùa thay Tiểu Kính, lại còn mời mọc. Ta thấy sự táo bạo, mãnh liệt, quyết tâm; không e thẹn, do dự, ngại ngùng.

 Trong lời giới thiệu với chú tiểu, Thị Mầu đặc biệt nhấn mạnh thông tin “chưa chồng”

“Tuổi vừa đôi tám, chưa chồng đấy thầy tiểu ơi!

Chưa chồng đây nhá!”

Đi lễ chùa nhưng có lẽ Thị Mầu đã tìm thấy thứ thu hút mình ngay từ cái nhìn đầu tiên, không quan tâm đến việc vào lễ Phật.

Thị mầu ghẹo tiểu được diễn tả bằng chính hai điệu hát “Cấm giá” và “Bình thảo”. “Cấm giá” vì Thị Mầu mới ve vãn nên câu thơ còn e ấp tế nhị:

                 “Tôi lên chùa thấy tiểu mười ba

                  Thấy sư mười bốn vãi già mười lăm

                   Tôi muốn cho một tháng đôi rằm”

“Bình thảo” khi mà sự ve vãn bên ngoài không có kết quả, khi mà Thị Mầu đã bốc lửa, Thị Mầu muốn đốt cháy với chú tiểu thì lời ca trong điệu hát không còn ngọt ngào:

          “Người đâu ở chùa này

            Cổ cao ba ngấn, lông mày nét ngang

            Ấy mấy thầy tiểu ơi”

           “Thầy như táo rụng sân đình

          Em như gái rở, đi rình của chua

Phải nói rằng phép so sánh ở đoạn này thật độc đáo đến lạ, Lối nói ví von so sánh thể hiện khát khao yêu đương của Thị Mầu. “Thầy như táo rụng sân đình / Em như gái rở, đi rình của chua”. Cây táo mọc ở sân đình thường cao, sau mùa xuân chín rụng. Vì ít được chăm sóc lại già cỗi nên táo vừa chua, vừa chát. Còn người phụ nữ nghén, người đời gọi là gái rở, thường thèm của chua, thèm đến xót lòng. Người đàn bà ăn dở mà gặp quả táo, hơn nữa lại là rụng mà rụng ở sân đình thì nỗi khát khao thèm muốn càng tăng thêm gấp bội. Nhặt quả táo lên chắc người con gái ăn dở ấy phải nhai nuốt ngấu nghiến. Việc Thị Mầu ví mình như gái rở, ví tiểu Kính như táo rụng sân đình thì hình ảnh vừa thật vừa rõ nét mà vừa dễ hiểu cho người xem. Những câu hát trong phần này tập trung thể hiện nỗi lòng, khát khao hạnh phúc của Thị Mầu nhưng lại bị chú tiểu ngó lơ.

Những lời đế ấy không chỉ giúp Mầu thể hiện rõ bản thân của mình mà còn khiến giá trị của những yếu tố trong vở chèo dân gian là cách dùng gậy ông lại đập lưng ông mà văn học dân gian rất thiện nghệ để phê phán, hơn nữa, bóc trần cái đạo đức giả của đạo đức  phong kiến. Đối diện với những lời mời mọc đầy mật ngọt của Thị Mầu thì Thị kính giữ khoảng cách, tìm cách từ chối, lẩn tránh, lúc nào cũng tụng kinh “Niệm Nam mô A Di Đà Phật!”. Bên cạnh nét giai điệu phóng túng, du dương là nét nhạc trầm lắng cùng với tiếng gõ mõ tụng kinh đều đều. Hai thái cực âm nhạc đối nhau, hai tâm trạng khác nhau, hai nỗi niềm khác nhau tạo nên một màn trò độc đáo. 

Hai người con gái, hai hoàn cảnh, hai tính cách, hai số phận, hai cách lựa chọn… nhưng đều chịu sự trói buộc của lễ giáo phong kiến… Là một người phụ nữ với nhiều phẩm chất tốt đẹp, đáng ra Thị Kính phải có một cuộc sống êm ấm, hạnh phúc và vui vẻ, thế nhưng người phụ nữ ấy lại có một số phận đầy đau khổ và bất hạnh. Vì muốn cắt cái râu mọc người cho chồng, Thiện Sĩ tỉnh giấc khi chưa hiểu rõ ngọn ngành đã hét lớn, cho rằng Thị Kính muốn giết mình. Trước sự việc ấy, Sùng bà – mẹ của Thiện Sĩ đã dùng những lời lẽ cay độc, tàn nhẫn để mắng chửi, sỉ nhục và thậm chí còn đẩy ngã Thị Kính. Tuy nhiên, trước những lời nói và hành động của mẹ chồng, Thị Kính vẫn rất hòa nhã, nàng phân bua, hết lần này đến lần khác kêu oan nhưng tất cả đều trở nên vô nghĩa. Thị Kính bị đuổi ra khỏi nhà với nỗi oan khuất không thể lí giải còn cha của nàng thì bị đẩy ngã. Chắc hẳn sẽ chẳng có nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau của Thị Kính lúc này – hôn nhân, gia đình tan vỡ, mất lòng tin ở chính những người thân trong gia đình và hơn thế nữa đó chính là việc nàng đã phải chứng kiến cảnh cha mình bị làm nhục. Tận cùng của nỗi đau và sự bất lực và có lẽ cũng không còn sự lựa chọn nào khác, Thị Kính quyết định ra đi. Trước khi từ giã tổ ấm của mình, nàng vẫn không quên ngoái đầu nhìn lại thúng khâu, chiếc kỉ, thúng sách… – những kỉ vật của một thời hạnh phúc, ấm êm nhưng nó lại cũng chính là nhân chứng cho nỗi oan ức của nàng. Ngoái nhìn lại tất cả với một nỗi đau đớn, xót xa và cả sự luyến tiếc. Rời khỏi nhà, nàng quyết định nương nhờ nơi cửa chùa. Sự lựa chọn ấy của Thị Kính như một lẽ tất yếu, bởi lẽ nàng đã bị đuổi khỏi nhà chồng, càng không thể trở về nhà cha mẹ đẻ bởi đó là điều lễ giáo phong kiến không cho phép. Nàng giả trai đi tu, nương nhờ cửa Phật với mong mỏi sẽ có được cuộc sống yên bình và nơi thanh tịnh ấy sẽ chứng minh cho sự trong sạch của nàng. Nhưng đồng thời, sự lựa chọn ấy của nàng cũng cho thấy sự sự bế tắc của nàng nói riêng, của người phụ nữ trong xã hội cũ nói chung bởi đấy là sự lựa chọn thụ động trước sự nghiệt ngã, xô đẩy của hoàn cảnh.

Tiếng gọi “thầy tiểu ơi” lặp đi lặp lại nhiều lần đã bộc lộ nỗi lòng say mê, yêu thương tha thiết của Thị Mầu. Mầu khao khát được yêu, được đáp lại tình yêu chân thành, Mầu dám phơi bày ruột gan tình cảm của mình ra trước mặt mọi người, dám thổ lộ, dám tấn công. Em ấn tượng nhất vời tỏ tình của Thị Mầu là:

“Một cành tre, năm bảy cành tre

Phải duyên thời lấy, chớ nghe họ hàng

Ấy mấy thầy tiểu ơi!…

Mẫu đơn giồng cạnh nhà thờ

Đôi ta chỉ quyết đợi chờ lấy nhau”

Bởi lời tỏ tình ấy da diết làm sao, nó chứa chan mong ước về tự do yêu đương, tự do lựa chọn hôn nhân. Dám yêu, dám lên tiếng vì tình yêu – giữa xã hội phong kiến chỉ duy nhất một Thị Mầu.  Một thì Mầu khác biệt với Thị Kính . Thị kính nhẫn nhịn, thị Kính chịu đựng bao nhiêu thì thị Mầu lại bùng nổ bấy nhiều. Thị Mầu dám  cất lên tiếng nói nữ quyền để lật đổ thành trì lễ giáo cũ kĩ đã trở thành giáo điều, đạp đổ những lệ làng, những đạo đức giả, những quan niệm cổ hủ chà đạp lên thân phận và tước đoạt hạnh phúc con người. Trong dòng nghĩ suy qua lời hát ghẹo của Thị Mầu đã ẩn chứa khát khao chung tình – khao khát chính đáng trong tình yêu.  Nếu trong ca dao Việt Nam:

“Trúc xinh trúc mọc đầu đinh

           Em xinh em đứng một mình cũng xinh.”

So sánh hình dáng cây trúc với người phụ nữ Việt Nam trẻ trung, mong manh và xinh đẹp cho dù đứng ở đâu, dù ở góc độ nào vẫn xinh. Trong vở chèo Thị Mầu lên chùa

“Trúc xinh trúc mọc sân đình

              Em xinh em đứng một mình chẳng xinh.”

Ở trong câu ca dao người phụ nữ đứng một mình, dù đứng ở đâu, góc độ nào vẫn xinh; còn trong vở chèo Thị Mầu thì nó được biến tấu đi, nhằm ghẹo chú tiểu, ẩn ý người phụ nữ xinh đẹp cần phải có đôi có cặp mới xinh, còn đứng một mình sẽ không xinh.

Quen thói trăng hoa, Thị Mầu bèn tư thông với một người đầy tớ trong nhà, không ngờ thị mang thai và bị làng phạt vạ. Thị Mầu bèn vu vạ cho Kính Tâm ăn nằm với thị. Vì thế Kính Tâm bị làng đòi đến tra khảo, không biết biện bạch ra sao để gỡ mối oan này. 

Thị Mầu sanh con trai, đem đứa bé bỏ trước cổng chùa. Động lòng từ bi, Kính Tâm ra ẵm lấy đứa bé và chăm lo nuôi nấng hết lòng. Ngày ngày, Kính Tâm phải bế đứa bé đi xin sữa khắp đầu làng cuối xóm trong sự cười chê của thế gian. Ba năm sau, Kính Tâm yếu hẳn đi, trước khi mất, viết một lá thư dặn đứa bé giao lại cho cha mẹ mình. Đứa bé vội lên chùa trên báo cho sư cụ. Lúc đó, mới hay Kính Tâm là đàn bà. Khi lá thư của nàng về đến quê thì mọi người biết nàng không phải là gái giết chồng. Nỗi oan tình của Thị Kính từ đó được tỏ, nhưng vẫn còn đọng lại một điều gì đó quá nặng nề với người đời. Cần phải nhận thấy rằng, việc Kính Tâm nhận cái thai của Thị Mầu cũng có nhiều nguyên nhân ẩn sâu bên trong. Là một người phụ nữ, Kính Tâm nhận thấy được cuộc sống và tình cảm của Thị Mầu có những uẩn khúc riêng. Việc “không chồng mà chửa” của Thị Mầu (người phụ nữ) đối với đạo đức nghiệt ngã của xã hội thời bấy giờ là một tội trạng quá cỡ. Hình phạt có thể là gọt tóc bôi vôi rồi thả bè trôi sông. Vì vậy chúng ta có thể hiểu thêm, việc Thị Mầu đổ tội cho Kính Tâm không đơn thuần chỉ là hành động vu oan giá họa cho kẻ tu hành mà đó thực sự là kêu cứu lòng từ bi cứu khổ cứu nạn của phật. Và đây là điều cao cả chỉ có ở Kính Tâm – một người xuất gia, lại là nữ giới, sự kết tinh của từ bi, trí tuệ và tư chất hai ấy chính là lí do để Kính Tâm chịu oan để Thị Mầu bớt khổ. 

Như thể “nhẫn vô sanh nhẫn” ở đây hoàn toàn đâu phải là thái độ phản kháng tiêu cực và thụ động. Nhẫn ở đây là nhẫn nhục hiền hòa, là nhẫn điều khó nhẫn, là hy sinh chính mình, chịu oan chịu khổ thay người khi cuộc đời đang còn tràn đầy bất công nghiệt ngã.

Đối lập hoàn toàn với Thị Kính là Thị Mầu, Thị Mầu lẳng lơ, sàm sỡ, táo bạo. Thị Mầu đáng giận, đáng trách. Vì Thị Mầu mà Thị Kính bị oan, phải nuôi con trong chốn thiền môn. Từ chuyện tích này, dân gian có thành ngữ “oan Thị Kính” để so sánh với những nỗi oan khuất cùng cực mà không sao giãi bày được. Từ thành ngữ nói trên, đã hình thành một thành ngữ phái sinh là “oan Thị Mầu” để nói đến việc đã rõ ràng mười mươi là do mình gây ra nhưng vẫn cứ kêu oan, như Thị Màu bị dân làng bắt vạ vì không chồng mà chửa mà vẫn cho rằng mình… oan!  Thực ra, Thị Mầu đáng thương hơn đáng trách, đáng giận, có khi còn quá xót xa, thông cảm cho nhân vật này. Bởi vì người phụ nữ có quyền yêu nhưng không được yêu, có quyền được làm mẹ nhưng lạ không thể kàm mẹ. Thị Mầu yêu say đắm Kính Tâm nhưng không được đáp trả, nàng vốn có tính lẵng lơ nên đã tư thông với tên người hầu để phải chửa. Nàng chửa, rồi đổ vạ cho Kính Tâm khiến cho Kính Tâm phải chịu oan. Nhưng rồi tới khi sinh con cũng không được cha cho nuôi, bắt đem đứa con ấy đến chùa. Xót xa thay! Tình máu mủ đâu có thể nói bỏ là bỏ được. Chín tháng mười ngày mang nặng đẻ đau rồi phải mang đứa con mình ra trước cổng chùa, để phó mặc nó sống sao thì sống, ai mà không xót xa, thương cảm cho được. Như vậy, chẳng phải Thị Màu đã trở thành một kẻ đáng thương rồi sao?

Chiếu chèo sân đình tái hiện lại một Thị Mầu thực dám sống, dám yêu và dám làm những điều chống lại xiềng xích của chế độ cũ – chế độ không cho người phụ nữ được thể hiện mình, chôn vùi cuộc đời họ bằng nhiều hình thức. Xét cho cũng, dù Thị Mầu là con nhà Phú ông, là người có nhiều tính xấu nhưng số phận cũng gống như Thị Kính và những người phụ nữ khác, số phận đều bế tắc, không có lối thoát!

Nhắc đến hình tượng nhân vật Thị Mầu, chúng ta cảm thấy động lòng khi đọc lại bài thơ “Thị Mầu” của nhà thơ Anh Ngọc:

“…Những xiềng xích phết màu sơn đạo đức

Mấy trăm năm không khóa nổi Thị Mầu,

Những cánh màn đã khép lại đàng sau

Táo vẫn rụng sân đình không ai nhặt,

Bao Thị Mầu trở về với đời thực

Vị táo còn chua mãi ở đầu môi.”

Thị Mầu là người con gái có cá tính riêng, dám vượt qua khuôn khổ vốn có của Nho Giáo để bày tỏ và thể hiện mình, Thị Mầu như đại diện cho bao nỗi khát vọng của người phụ nữ xưa. Tuy những hành động của Mầu trong chùa là điều không nên làm nhưng bởi sự hối thúc, khao khát của tình yêu mà lí trí bị lu mờ.

Nhân vật Thị Mầu trong chèo cổ biểu hiện cho một phẩm chất khác của người phụ nữ Việt Nam đó là khát khao yêu đương. Đây là quyền cơ bản của người phụ nữ nói riêng và con người nói chung. Khi lớn lên phải được tự do tìm hiểu, yêu đương và phải lấy người mình yêu. Nhưng đối lập với quyền ấy trong xã hội phong kiến là một lớp sơn đạo đức giả tạo của chế độ hà khắc để trói buộc bao người phụ nữ phải tuân theo “tam tòng”, “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” chứ không được lựa chọn tình yêu và hạnh phúc của riêng mình. Cô ý thức tự do trong tình yêu bộc lộ ở lời nhủ mình và khuyên chị em chớ nghe họ hàng. Thị Mầu là con người của nghệ thuật.

Bài văn mẫu 5: Phân tích Nhân Vật Thị Mầu Trong Thị Mầu lên chùa 

Bài làm

Chèo "Quan Âm Thị Kính" là một trong những tác phẩm tiêu biểu của chèo cổ Việt Nam. Bên cạnh nhân vật Thị Kính - đào thương, Thị Mầu trong vở chèo được xếp vào vai đào lệch bởi bản chất lẳng lơ, phóng khoáng. Tính cách ấy được bộc lộ rõ nét qua đoạn trích "Thị Mầu lên chùa". Lớp chèo đã thể hiện cảnh Thị Mầu đem lòng say mê và tìm cách ve vãn Kính Tâm khi đi lên chùa.

Về xuất thân, Thị Mầu là con gái của phú ông. Nàng tự nhận mình là người con hiếu thảo vì luôn kính trọng đấng sinh thành "thầy mẹ tôi tôn kính một lòng". Sắp sửa đến ngày rằm, Mầu chuẩn bị "tiền cùng gạo lên chùa tiến cúng". Thay vì lên chùa vào ngày mười lăm như bao người, nàng lại lên chùa sớm hẳn hai ngày:

"Thế mà Thị Mầu tôi mang tiếng lẳng lơ

Đò đưa cấm giá tôi lên chùa từ mười ba.

Mười ba,

Tôi lên chùa thấy tiểu mười ba

Thấy sư mười bốn, vãi già mười lăm

Tôi muốn cho một tháng đôi rằm

Trước vào lễ Phật, sau thăm vãi già

Tôi bước vào lễ Phật Thích Ca

Lễ đức Tam Thế, vua cha Ngọc Hoàng.

Trong lời nói của Thị Mầu, người đọc có thể thấy được những nghịch lí, mâu thuẫn. Nàng "muốn cho một tháng đôi rằm/ Trước vào lễ Phật, sau thăm vãi già". Rõ ràng, mục đích của Mầu vào chùa trước là bài lễ sau mới là thăm vãi già. Thế nhưng, nàng lại chỉ tập trung vào việc gặp sư thầy. Con số "mười ba" được lặp đi lặp lại nhiều lần đã nhấn mạnh vào ngày Mầu lên chùa cúng tiến. Những con số "mười ba", "mười bốn", "mười lăm" tương ứng với hành động mỗi ngày lên chùa để nhìn ngắm, gặp gỡ một người của Thị Mầu. Cho nên, nàng mới mong "một tháng đôi rằm" để có nhiều dịp "thăm" sư. Như vậy, qua lời mời gọi, thừa nhận của Thị Mầu, ta phần nào thấy được sự lẳng lơ của nhân vật.

Được tác giả dân gian xây dựng với tính cách nổi loạn, phóng khoáng, Thị Mầu đã cho người đọc thấy sự táo bạo của mình qua việc ghẹo chú tiểu trong chùa. Mọi lời nói, hành động của Thị Mầu đều tập trung để ve vãn Kính Tâm. Ngay khi nhìn thấy chú tiểu, Thị Mầu liền đem lòng si mê. Khi được Kính Tâm hỏi tên tuổi, Mầu liền trả lời:

"Tên em ấy à?

Là Thị Mầu con gái phú ông

Tuổi vừa đôi tám, chưa chồng đấy thầy tiểu ơi!

Chưa chồng đấy nhá!"

Mầu liên tục nhấn mạnh mình là người con gái đôi mươi chưa chồng. Mục đích là để thể hiện mong muốn giao duyên, kết đôi. Không những thế, nàng ta còn dành nhiều lời khen cho chú tiểu: "Người đâu mà đẹp như sao băng thế nhỉ?", "Người đâu đến ở chùa này/ Cổ cao ba ngấn, lông mày nét ngang". Trước lời cảm thán "Ai lại đi khen chú tiểu thế cô Mầu ơi!", Mầu không ngần ngại đáp lại "Đẹp thì người ta khen chứ sao!".

Biết nhà mất bò, nàng cũng mặc kệ "nhà tao còn ối trâu". Dường như, Mầu không quan tâm đến việc gì khác mà chỉ chú ý ve vãn sư thầy. Càng ngày, mức độ tán tỉnh của Mầu càng tăng lên:

"Thầy như táo rụng sân đình

Em như gái rở, đi rình của chua"

Đây là một phép so sánh độc đáo khi đã bộc lộ được niềm khát khao yêu đương cháy bỏng của Mầu. Sau mùa xuân, táo ở sân đình chín rụng. Vì không được chăm sóc, lại già cỗi nên táo thường có vị chua và chát. Còn gái rở chính là người đàn bà có mang, thích ăn của chua và những thứ lạ. Bởi vậy, người ta mới có câu "gái rở thèm của chua". Mầu ví mình như gái rở còn thầy tiểu như táo rụng ngoài đình nhấn mạnh khao khát trái với luân thường đạo lí.

Tác giả dân gian đã thêm vào những tiếng đến như là lời phê phán Thị Mầu: "Mầu ơi nhà mày có mấy chị em? Có ai như mày không?". Tuy nhiên trước những lời nói ấy, Thị Mầu vẫn một mực khăng khăng khẳng định "Nhà tao có chín chị em, chỉ có mình tao là chín chắn nhất đấy!".

Dù đã dùng bao lời ngon ngọt nhưng Thị Mầu vẫn không khiến cho chú tiểu đáp lại. Nàng quyết định dùng đến những lời hát ghẹo:

"Ấy mấy thầy tiểu ơi!

Song đứng trước cửa chùa

Tôi vào tôi gọi, thầy tiểu chẳng thưa, tôi buồn

[...] Em xinh em đứng một mình chẳng xinh!"

Đoạn hát ghẹo tiểu của Thị Mầu đã cho thấy quan niệm về tình yêu tự do, thoải mái, vượt lên trên những rào cản, định kiến của xã hội. Câu "Ấy mấy thầy tiểu ơi!" được lặp đi lặp lại nhiều lần vừa nhấn mạnh vào đối tượng tiếp nhận mà Thị Mầu hướng đến vừa là câu mở đầu cho những lời giãi bày, mong muốn của nàng. Thị Mầu quan niệm về hạnh phúc khá đơn giản. Với nàng, ý kiến của họ hàng không quan trọng bằng cảm nhận bản thân. Nàng không hề bận tâm điều gì, có duyên là đến. Trong đoạn hát ghẹo, Thị Mầu bày tỏ mong muốn được kết duyên với Kính Tâm bằng cách sử dụng một số từ ngữ "đôi ta", "quyết đợi chờ lấy nhau", "có thiếp có chàng". Thị Mầu sẽ không thể xinh đẹp nếu như không có người sánh đôi "Em xinh em đứng một mình chẳng xinh!". Đó là ước vọng cháy bỏng, mãnh liệt của người phụ nữ phóng khoáng, tự do.

Càng về sau, Mầu càng đi quá giới hạn, trở nên sỗ sàng, bỗ bã: "Bỏ mô Phật đi!". Ở chốn chùa trang nghiêm, nàng không giữ gìn khuôn phép, có những lời nói "báng bổ" đến nhà Phật. Lúc này, Mầu hoàn toàn không để ý đến việc cúng tiến mà chỉ chăm chăm tán tỉnh sư thầy:

"Mong cho chú tiểu quét sân

Xích lại cho gần, cầm chổi quét thay

Lá tình không gió mà bay!"

Hay:

"Muốn rằng cây cải cho xanh

Thài lài rau dệu tám thành bờ tre"

Vì chú tiểu không thấu hiểu được nỗi lòng nên Thị Mầu mới đem lòng nhớ thương "Để tôi thương vụng nhớ thầm sầu riêng!".

Không chỉ có lời nói mà hành động cũng góp phần thể hiện tính cách, đặc điểm của nhân vật. Thị Mầu vừa hát vừa nói để bày tỏ tình cảm với Kinh Tâm. Đặc biệt, Thị Mầu còn có cử chỉ vô cùng táo bạo đó là xông ra nắm tay, nhận quét chùa thay Tiểu Kính. Hành động của Thị Mầu trong thời đại phong kiến là không thể chấp nhận bởi "nam nữ thụ thụ bất thân". Vả lại, Kính Tâm còn là người theo đạo nên điều này càng vượt ra khỏi chuẩn mực, khuôn phép.

Như vậy, tính cách, đặc điểm của nhân vật được khắc họa thông qua lời nói và hành động. Có thể nói, nhân vật Thị Mầu là người phụ nữ nổi loạn, đi ngược lại quan điểm đạo đức phong kiến. Thông qua nhân vật, tác giả dân gian muốn lên án, phê phán những người phụ nữ không biết giữ gìn tiết hạnh, chuẩn mực.

Trong đoạn trích "Thị Mầu lên chùa", Thị Mầu là hiện thân của những người phụ nữ phóng túng, đi ngược lại quan niệm và các chuẩn mực chung ở xã hội phong kiến. Bên cạnh nhân vật Thị Kính, Thị Mầu cũng là yếu tố góp phần làm nên thành công của đoạn trích cũng như vở chèo.

Bài văn mẫu 6: Theo em, nhân vật Thị Mầu là người như thế nào? Hãy viết một đoạn văn (khoảng 6 – 8 dòng) nêu lên nhận xét của mình về nhân vật này. 

Bài làm

Thị Mầu là người con gái có cá tính riêng, dám vượt qua khuôn khổ vốn có của Nho Giáo để bày tỏ và thể hiện mình, Thị Mầu như đại diện cho bao nỗi khát vọng của người phụ nữ xưa. Tuy những hành động của Mầu trong chùa là điều không nên làm nhưng bởi sự hối thúc, khao khát của tình yêu mà lí trí bị lu mờ.

Nhân vật Thị Mầu trong chèo cổ biểu hiện cho một phẩm chất khác của người phụ nữ Việt Nam đó là khát khao yêu đương. Đây là quyền cơ bản của người phụ nữ nói riêng và con người nói chung. Khi lớn lên phải được tự do tìm hiểu, yêu đương và phải lấy người mình yêu. Nhưng đối lập với quyền ấy trong xã hội phong kiến là một lớp sơn đạo đức giả tạo của chế độ hà khắc để trói buộc bao người phụ nữ phải tuân theo “tam tòng” , “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” chứ không được lựa chọn tình yêu và hạnh phúc của riêng mình. Cô ý thức tự do trong tình yêu bộc lộ ở lời nhủ mình và khuyên chị em chớ nghe họ hàng. Thị Mầu là con người của nghệ thuật.

Tìm kiếm google:

Xem thêm các môn học


Đia chỉ: Tòa nhà TH Office, 90 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại hỗ trợ: Fidutech - click vào đây
Chúng tôi trên Yotube
Cùng hệ thống: baivan.net - Kenhgiaovien.com - tech12h.com