Trả lời:
Vua Hùng thứ 17 có một người con nuôi tên là An Tiêm, một con người tài ba, thẳng thắn, rất được vua yêu quý. Mỗi lần được vua ban, các Lạc hầu, Lạc tướng hết sức nâng niu, ca tụng. Còn An Tiêm lại bảo: “Của biếu là của lo, của cho là của nợ”.
Chuyện đến tai vua, bọn nịnh thần thêu dệt thêm. Nhà vua tức giận ra lệnh đày An Tiêm và vợ con ra hoang đảo. Chỉ được mang theo một chiếc gươm cùn, một chiếc nồi và mấy ngày gạo.
Hoang đảo chỉ có rau dại, bốn mùa sóng vỗ. An Tiêm tìm được một cái hang để cả nhà trú ẩn. Chàng tìm rau dại, con trai, con ốc, bẫy chim để lấy cái ăn qua ngày. Cá nhiều nhưng chẳng có lưới câu. Nguồn thức ăn tự nhiên trên đảo hoang cạn dần. Nàng ba nhìn chồng, nhìn hai con thơ mà thở dài lo lắng. Còn An Tiêm vẫn đi khắp đảo bền bỉ kiếm sống.
Một hôm chàng nhặt được một miếng dưa lạ chim đang ăn thấy người vội bay đi bỏ lại, vỏ dưa xanh, cùi dưa đỏ thắm, hạt dưa đen huyền. An Tiêm chợt nghĩ: “Chim ăn được, chắc người cũng ăn được ?” Chàng nếm thử thấy ngon ngọt. Ăn hết miếng dưa lạ, thấy mát ruột và đỡ đói, chàng nhặt hết hột dưa lạ đem gói lại. An Tiêm tìm được một bãi đất vừa ý, lấy gươm cùn đào lỗ trồng dưa. Ngày tháng trôi qua, dưa được chăm bón xanh tốt lắm. Dưa ra hoa và kết trái. Nhìn vườn dưa mà vợ chồng khấp khởi mừng thầm.
Bỗng một sáng ra thăm vườn dưa, An Tiêm thấy chim quạ đang bay và kêu trên những luống dưa. Hai vợ chồng ngạc nhiên khi thấy mấy quả dưa bị quạ rỉa. Cắt dưa đem về, bổ ra. Cả nhà lóa mắt trước màu đỏ tươi của ruột dưa, lấp lánh điểm hạt đen huyền. Một mùi thơm nhẹ nhàng tỏa ra. Cả nhà vô cùng thú vị trước hương vị ngọt ngào của giống dưa lạ. Đây là niềm vui hạnh phúc đầu tiên của An Tiêm sau gần một năm trời sống trên hoang đảo. Từ đó, những mùa dưa nối tiếp phủ một màu xanh bạt ngàn khắp đảo. An Tiêm suy nghĩ rồi đem một số quả dưa đã đánh dấu thả xuống biển, hy vọng liên lạc được với đất liền, với bến bờ xa. Trời không phụ lòng người. Lẻ tẻ có một số thuyền buôn cập đảo. An Tiêm đem dưa đổi lấy gạo, vải và nhiều thứ vật dụng khác. Hai vợ chồng đã dựng được chiếc nhà lá nhỏ bé để trú mưa nắng. Bữa ăn đã có bát cơm đầy. Đảo hoang giờ đây đã gắn bó với đất liền qua những mùa dưa ngọt ngào trĩu quả.
Một hôm vua Hùng được bề tôi dâng hoa trái lạ. Vua ăn rồi hết lời ca ngợi hương vị dưa quý. Quần thần cho biết đó là giống dưa mà vợ chồng An Tiêm đã trồng được trên hoang đảo. Nhà vua cảm động lắm, cho thuyền ra đón An Tiêm cùng gia đình về Phong Châu và phục hồi tước vị.
Nàng ba đem về nhiều dưa. Nàng phân phát hạt giống dưa đi khắp nhiều nơi. Nước ta có giống dưa hấu từ đó. Hòn đảo An Tiêm ngày nay đã nằm trong đất liền thuộc huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Kì lạ thay, chỉ có dưa hấu Nga Sơn là ngon nhất, quý nhất.