Giải chi tiết kinh tế pháp luật 11 kết nối mới Bài 13 Quyền và nghĩa vụ của công dân trong tham gia quản lí nhà nước và xã hội

Giải bài 13 Quyền và nghĩa vụ của công dân trong tham gia quản lí nhà nước và xã hội, sách Kinh tế và Pháp luật 11 kết nối mới. Phần đáp án chuẩn, hướng dẫn giải chi tiết cho từng bài tập có trong chương trình học của sách giáo khoa. Hi vọng, các em học sinh hiểu và nắm vững kiến thức bài học.

MỞ ĐẦU 

Câu hỏi: Em hãy kể một số việc làm thể hiện quyền tham gia quản lí nhà nước và xã hội của công dân. Theo em, học sinh có quyền tham gia quản lí nhà nước và xã hội không? Vì sao?

Hướng dẫn trả lời: 

- Một số việc làm thể hiện quyền tham gia quản lí nhà nước và xã hội của công dân: 

  • Tham gia bầu cử, ứng cử.
  • khiếu nại , tố cáo.
  • Người dân tham gia đóng góp ý kiến về việc quy hoạch, xây dựng các công trình nông thôn mới. 
  • Người dân tham gia đóng góp ý kiến để hoàn thiện các quy định pháp luật. Ví dụ: đóng góp ý kiến dự thảo “Luật đất đai (sửa đổi); dự thảo sửa đổi Hiến pháp,… 

- Học sinh có quyền tham gia quản lí nhà nước và xã hội. Vì, theo quy định của pháp luật: mọi công dân có quyền tham gia quản lí nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước.

KHÁM PHÁ

1. Một số quy định cơ bản của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của công dân trong tham gia quản lí nhà nước và xã hội

a. Quyền của công dân trong tham gia quản lí nhà nước và xã hội

Câu hỏi: 

1/Các chủ thể trong trường hợp 3 và 4 đã thực hiện quyền của công dân trong tham gia quản lí nhà nước và xã hội như thế nào? Theo em, những việc làm đó có ý nghĩa gì đối với mỗi công dân và với xã hội?

2/ Theo em, công dân có các quyền gì trong tham gia quản lí nhà nước và xã hội? Em hãy nêu một số ví dụ về việc thực hiện tốt các quyền đó trong cuộc sống.

Hướng dẫn trả lời:

1/ Các chủ thể trong trường hợp 3 và 4 đã thực hiện quyền của công dân trong tham gia quản lí nhà nước và xã hội như sau:

  • Trong trường hợp 3, thôn X đã tạo điều kiện để công dân thực hiện quyền của mình trong tham gia quản lí nhà nước và xã hội bằng việc tổ chức cuộc họp lấy ý kiến về các biện pháp xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Trong đó, anh T đã thực hiện quyền của mình bằng việc đóng góp nhiều ý kiến có giá trị về việc quy hoạch, xây dựng đường giao thông trong thôn cũng như việc giữ gìn vệ sinh đường làng, ngõ xóm trong cuộc họp của thôn.
  • Trong trường hợp 4, A đã thực hiện quyền của công dân trong tham gia quản lí nhà nước và xã hội bằng việc chủ động tìm hiểu thông tin, phổ biến lại cho các bạn trong lớp, người thân trong gia đình và gửi thư đề xuất một số kiến nghị và mong muốn đối với “Bộ Quy tắc ứng xử về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng” khi cơ quan nhà nước tổ chức lấy ý kiến để góp phần bảo vệ an toàn cho bản thân cũng như các trẻ em khác khi sử dụng internet.

Những việc làm của các chủ thể trong những trường hợp trên đã thể hiện vai trò, trách nhiệm của mỗi công dân đối với Nhà nước và xã hội. Thông qua những việc làm đó, công dân được trực tiếp thể hiện, đóng góp suy nghĩ, quan điểm, công sức của bản thân vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ, phát triển Nhà nước và xã hội. Đồng thời, đó cũng là cơ sở để động viên sức mạnh của toàn dân, toàn xã hội vào tổ chức và xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu quả; xây dựng một xã hội có tổ chức, ổn định, góp phần phát triển đất nước.

2/ Theo em: 

- Công dân có các quyền trong tham gia quản lí nhà nước và xã hội như: quyền bình đẳng; quyền bầu cử đại biểu, ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân; quyền khiếu nại, tố cáo những việc làm vi phạm pháp luật; quyền tự do ngôn luận, báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp... Các quyền này được thực hiện theo quy định của pháp luật.

- Ví dụ: 

  • Người dân gửi đơn thư tố cáo tới cơ quan chức năng khi phát hiện hành vi tham ô, tham nhũng; tích cực tham gia bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; chủ động tìm hiểu thông tin về các chính sách, quy định mới của Nhà nước….
  • Tham gia góp ý sửa đổi bổ sung Luật, Nghị định hoặc Chính sách.
  • Công dân tham gia bàn bạc, quyết định một số chủ trương xây dựng các công trình công cộng

  • Tham gia giám sát các hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước trong các thủ tục hành chính công, ...
  • Công dân có quyền khiếu nại các quyết định hành chính của cơ quan nhà nước nếu nhận thấy có sự sai sót, có sự sai phạm trong các quyết định hành chính. Việc này chính là một trong những biểu hiện rõ nét nhất trong việc tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội của công dân.

b. Nghĩa vụ của công dân trong tham gia quản lí nhà nước và xã hội

Câu hỏi: 

1/ Em hãy cho biết, các chủ thể hợp 3 và 4 đã thực hiện nghĩa vụ của công dân trong tham gia quản lí nhà nước và xã hội như thế nào?

2/ Theo em, công dân có nghĩa vụ gì trong tham gia quản lí nhà nước và xã hội? Hãy nêu ví dụ về việc thực hiện tốt những nghĩa vụ đó trong cuộc sống.

Hướng dẫn trả lời: 

1/ Các chủ thể hợp 3 và 4 đã thực hiện nghĩa vụ của công dân trong tham gia quản lí nhà nước và xã hội như sau:

  •  Trong trường hợp 3, K đã thực hiện nghĩa vụ của công dân trong tham gia quản lí nhà nước và xã hội bằng việc gửi thư góp ý đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo đúng quy định của pháp luật khi đề xuất một số biện pháp khắc phục thực trạng diện tích khu vui chơi, sinh hoạt thể dục thể thao dành cho trẻ em ở địa phương ngày càng thu hẹp, một số trẻ em đã tìm đến những hình thức giải trí không lành mạnh, sa vào tệ nạn xã hội
  • Trong trường hợp 4, Đoàn Thanh niên Trường Trung học phổ thông B đã thực hiện nghĩa vụ của công dân trong tham gia quản lí nhà nước và xã hội qua việc đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật, nội quy của trường học, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của những cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan khi thảo luận, để xuất một số phương án giải quyết, khắc phục tình trạng ách tắc giao thông ở đoạn đường đi qua cổng trường gửi tới Ban Giám hiệu nhà trường và chính quyền địa phương.
  • Những việc làm của các chủ thể trong những trường hợp trên đã thể hiện vai trò, trách nhiệm của mỗi công dân đối với Nhà nước và xã hội. Thông qua những việc làm đó, công dân được trực tiếp thể hiện, đóng góp suy nghĩ, quan điểm, công sức của bản thân vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ, phát triển Nhà nước và xã hội. Đồng thời, đó cũng là cơ sở để động viên sức mạnh của toàn dân, toàn xã hội vào tổ chức và xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu quả; xây dựng một xã hội có tổ chức, ổn định, góp phần phát triển đất nước.

2/ Theo em:

  • Công dân có nghĩa vụ trong tham gia quản lí nhà nước và xã hội như: tuân theo Hiến pháp và pháp luật; tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, chấp hành những quy tắc sinh hoạt công cộng; tôn trọng quyền và lợi ích của người khác; tôn trọng lợi ích của dân tộc; trung thành với Tổ quốc, bảo vệ Tổ quốc,...
  • Ví dụ: Công dân gửi đơn khiếu nại về hoạt động của cán bộ, cơ quan nhà nước theo đúng quy định của pháp luật; công dân phản ánh, kiến nghị tới cơ quan nhà nước bằng những cách thức được pháp luật quy định (như gửi thư tới cá nhân, cơ quan có thẩm quyền), không được lợi dụng các hoạt động này để gây rối, làm ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội...

2. Hậu quả của hành vi vi phạm quyền và nghĩa vụ của công dân trong tham gia quản lí nhà nước và xã hội

Câu hỏi: 

1/ Em hãy cho biết, các thông tin, trường hợp trên đề cập đến những hậu quả gì của hành vi vi phạm quyền và nghĩa vụ của công dân trong tham gia quản lí nhà nước và xã hội?

2/ Theo em, hành vi vi phạm quyền và nghĩa vụ của công dân trong tham gia quản lí nhà nước và xã hội sẽ gây nên những hậu quả nào cho người bị vi phạm, người vi phạm, Nhà nước và xã hội?

3/ Hãy chia sẻ về một trường hợp vi phạm quyền và nghĩa vụ của công dân trong tham gia quản lí nhà nước và xã hội mà em biết và rút ra bài học cho bản thân.

Hướng dẫn trả lời:

1/ Những hậu quả gì của hành vi vi phạm quyền và nghĩa vụ của công dân trong tham gia quản lí nhà nước và xã hội trong các TH trên là: 

  • Thông tin 1, 2 để cập đến các hậu quả pháp lí như: xử lí kỉ luật, xử phạt vi phạm hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự khi thực hiện các hành vi vi phạm quyền và nghĩa vụ của công dân trong tham gia quản lí nhà nước và xã hội.
  • Trong trường hợp 3, hành vi vi phạm của H đã khiến các đoàn viên khác trong lớp mất quyền bày tỏ ý kiến đối với dự thảo Văn kiện Đại hội Đoàn, đồng thời khiến H bị Bí thư Đoàn trường phê bình.
  • Trường hợp 4 để cập đến các hậu quả của hành vi vi phạm quyền và nghĩa vụ của công dân trong tham gia quản lí nhà nước và xã hội như: lãng phí ngân sách nhà nước; mất đoàn kết nội bộ; gây mất an ninh, trật tự an toàn xã hội; giảm uy tín của cán bộ, cơ quan nhà nước.. 

2/ Hậu quả của hành vi vi phạm quyền và nghĩa vụ của công dân trong tham gia quản lí nhà nước và xã hội

  • Đối với người bị vi phạm: bị cản trở thực hiện quyền và nghĩa vụ pháp lí, vi phạm quyền tự do dân chủ của công dân; gây tổn thất về sức khoẻ, tinh thần, danh dự, uy tín, tài chính, công việc;..
  • Đối với người vi phạm: phải chịu các hình thức xử phạt theo quy định của pháp luật như: cảnh cáo, kỉ luật, phạt hành chính, phạt tù, cấm đảm nhiệm chức vụ; mất công việc; thiệt hại về kinh tế; ảnh hưởng xấu đến danh dự, uy tín,...
  • Đối với Nhà nước và xã hội: ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước; xâm phạm trật tự quản lí hành chính; gây rối loạn trật tự, an ninh, xã hội; lãng phí ngân sách nhà nước; gây bất ổn về chính trị khiến đất nước trì trệ, chậm phát triển...

3/ Theo em:

  • Trường hợp vi phạm: theo quy định của pháp luật, UBND cấp xã phải công khai Báo cáo tình hình thực hiện ngân sách một cách công khai, minh bạch, rõ ràng cho nhân dân theo dõi và giám sát. Tuy nhiên, ông T là Chủ tịch UBND xã X lại không thực hiện việc công khai báo cáo ngân sách xã. Khi anh M (là người dân xã X) thắc mắc, yêu cầu ông T công khai về tình hình sử dụng ngân sách xã, ông T đã từ chối, đồng thời ông T lợi dụng chức vụ của mình để gây sức ép, khiến anh M gặp nhiều khó khăn trong công việc. 
  • Bài học: cần nghiêm túc chấp hành quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của công dân trong tham gia quản lí nhà nước và xã hội

LUYỆN TẬP 

Câu 1: Em hãy cho biết các ý kiến sau đây đúng hay sai? Vì sao?

a. Chỉ những công dân đủ 18 tuổi trở lên mới có quyền tham gia quản lí nhà nước và xã hội.

b. Người dân chỉ có thể thực hiện quyền tham gia quản lí nhà nước và xã hội bằng hình thức bầu cử.

c. Việc vi phạm quyền và nghĩa vụ của công dân trong tham gia quản lí nhà nước và xã hội có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước.

d. Thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân trong tham gia quản lí nhà nước và xã hội là góp phần xây dựng và phát triển đất nước.

Hướng dẫn trả lời:

  • Ý kiến a. Sai, vì công dân dưới 18 tuổi cũng có thể thực hiện quyền tham gia quản lí nhà nước vã xã hội bằng những việc làm phù hợp độ tuổi của mình (ví dụ: học sinh có thể tham gia vào các tổ chức đoàn thể như Đoàn, Đội..; học sinh tham gia đóng góp ý kiến về những vấn đề liên quan đến quyền lợi của bản thân tại địa phương như vấn đề bảo vệ môi trường, hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao,...).
  • Ý kiến b. Sai, vì ngoài bầu cử, người dân có thể thực hiện quyền tham gia quản lí nhà nước và xã hội bằng nhiều hình thức khác như: bàn bạc, đóng góp ý kiến vào chủ trương, chính sách của Nhà nước, vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; góp ý kiến vào dự thảo Hiến pháp, dự thảo luật; giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước...
  • Ý kiến c. Đúng, vì các hành vi vi phạm quyền tham gia quản lí nhà nước và xã hội của công dân sẽ gây nên hậu quả tiêu cực trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước như: sai lệch kết quả bầu cử; gia tăng tình trạng tham ô, tham nhũng; hạ thấp uy tín của các cơ quan nhà nước; chất lượng hoạt động của các cơ quan suy giảm; nhân dân mất lòng tin vào bộ máy nhà nước;...
  • Ý kiến d. Đúng, vì khi thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân trong tham gia quản lí nhà nước và xã hội, chúng ta sẽ góp phần phát hiện, khắc phục, xử lí những hành vi tiêu cực; đóng góp, xây dựng, phát triển xã hội và đất nước theo hướng tích cực (ví dụ: khiếu nại, tố cáo những hành vi sai trái; đóng góp ý kiến, giải pháp tích cực phát triển kinh tế - xã hội,...).

Câu 2: Hành vi, việc làm của chủ thể dưới đây đã thực hiện đúng hay chưa đúng quyền và nghĩa vụ của công dân trong tham gia quản lí nhà nước và xã hội? Vì sao?

Trường hợp a. Bà Y bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp thay các thành viên trong gia đình.

Trường hợp b. Lãnh đạo cơ quan nhà nước A thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân tại cơ quan mình.

Trường hợp c. Chị V luôn phát biểu ý kiến và tham gia tranh luận mang tính chất xây dựng tại các cuộc họp do chính quyền địa phương tổ chức.

Trường hợp d. Là người chủ trì cuộc họp nhưng ông M lại tỏ thái độ khó chịu khi người cao tuổi phát biểu ý kiến trong cuộc họp của thôn.

Hướng dẫn trả lời:

  • Trường hợp a. Hành vi của bà Y chưa thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của công dân trong tham gia quản lí nhà nước và xã hội. Việc bà Y bỏ phiếu bầu cử thay các thành viên khác trong gia đình là không đúng quy định của pháp luật, khiến họ mất cơ hội thực hiện quyền dân chủ của mình.
  • Trường hợp b. Hành vi của lãnh đạo cơ quan nhà nước ở địa phương A đã thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của công dân trong tham gia quản lí nhà nước và xã hội Hành vi này đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân ở địa phương thực hiện tốt quyền tham gia quản lí nhà nước và xã hội của mình.
  • Trường hợp c. Hành vi của chị V đã thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của công dân trong tham gia quản lí nhà nước và xã hội. Hành vi này được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và mang lại ý nghĩa tích cực, góp phần xây dựng, phát triển địa phương ngày càng giàu đẹp
  • Trường hợp d. Hành vi của ông M chưa thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của công dân trong tham gia quản lí nhà nước và xã hội. Hành vi của ông M thể hiện thái độ không tôn trọng quyền tham gia quản lí nhà nước và xã hội của những người cao tuổi trong thôn.

Câu 3: Em hãy xử lí các tình huống sau:

Tình huống a. Khi thực hiện hoạt động giám sát kết quả công tác tuyển sinh và thực hiện chế độ, chính sách cho học sinh tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh A, đoàn giám sát của Ban Dân tộc Hội đồng nhân dân tỉnh A đã dành thời gian để trò chuyện và lắng nghe ý kiến của các thầy cô và học sinh trong trường. M cũng có một số kiến nghị nhưng lại ngại không dám phát biểu.

Nếu là bạn của M, em sẽ làm gì để giúp đỡ bạn thực hiện tốt quyền tham gia quản lí nhà nước và xã hội ?

Tình huống b. Sau khi được cô giáo chủ nhiệm phổ biến thông tin về việc Nhà nước đang triển khai lấy ý kiến đóng góp của nhân dân cho dự thảo Luật Bảo vệ môi trường, X đã chủ động tìm hiểu và đọc kĩ các nội dung trong dự thảo luật. Thấy vậy, một số bạn liền buông lời trêu chọc và cho rằng X đang lãng phí thời gian vào việc vô ích.

Nếu là X, em sẽ giải thích như thế nào để các bạn trong lớp hiểu việc làm đó là góp phần thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ tham gia quản lí nhà nước và xã hội?

Hướng dẫn trả lời: 

  • Tình huống a. Nếu là bạn của M, em sẽ: giải thích để M hiểu trẻ em cũng có quyền được tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến vào những vấn đề liên quan đến bản thân mình và khuyến khích M nên mạnh dạn phát biểu ý kiến vì những ý kiến đó có thể rất có ích cho hoạt động dạy và học của trường trong tương lai
  • Tình huống b. Nếu là X, em sẽ: giải thích cho các bạn trong lớp hiểu về quyền tham gia quản lí nhà nước và xã hội của công dân, hiểu việc đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Bảo vệ môi trường là trách nhiệm chung của mọi công dân, góp phần hoàn thiện căn cứ pháp lí để bảo vệ môi trường sống an toàn, bền vững và khuyến khích các bạn cùng tìm hiểu để tham gia góp ý, thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của mình.

VẬN DỤNG

Câu hỏi: Em hãy liệt kê các việc làm của bản thân hoặc của gia đình mình nhằm góp phần thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ tham gia quản lí nhà nước và xã hội.

Hướng dẫn trả lời: 

Các việc làm của bản thân em nhằm góp phần thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ tham gia quản lí nhà nước và xã hội là: 

  • Học tập tốt, lao động tốt và rèn luyện ý thức kỉ luật tốt.
  • Tham gia, góp ý xây dựng lớp, chi đoàn,..
  • Tham gia các hoạt động ở địa phương ( xây dựng nhà tình nghĩa, tuyên truyền kế hoạch hóa gia đình, bài trừ tệ nạn xã hội )
  • Tích cực tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo Hiến pháp, dự thảo luật; giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước... 
  • Tham gia vào Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và tham gia đóng góp ý kiến về những vấn đề liên quan đến quyền lợi của bản thân tại địa phương như: vấn đề bảo vệ môi trường, hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao,...
Tìm kiếm google: Giải kinh tế pháp luật 11 kết nối tri thức bài 13 Quyền và nghĩa vụ của công dân trong tham gia quản lí nhà nước và xã hội, Giải kinh tế pháp luật 11 KNTT bài 13 Quyền và nghĩa vụ của công dân trong tham gia quản lí nhà nước và xã hội, Giải KTPL 11 Kết nối tri thức bài 13

Xem thêm các môn học

Giải kinh tế pháp luật 11 KNTT mới

PHẦN MỘT: GIÁO DỤC KINH TẾ

CHỦ ĐỀ 1: CẠNH TRANH, CUNG - CẦU TRONG NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG

CHỦ ĐỀ 3: THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG VÀ VIỆC LÀM

CHỦ ĐỀ 4: Ý TƯỞNG, CƠ HỘI KINH DOANH VÀ CÁC NĂNG LỰC CẦN THIẾT CỦA NGƯỜI KINH DOANH

PHẦN HAI: GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

CHỦ ĐỀ 7: QUYỀN BÌNH ĐẲNG CỦA CÔNG DÂN TRƯỚC PHÁP LUẬT


Copyright @2024 - Designed by baivan.net