Giải chi tiết kinh tế pháp luật 11 kết nối mới Bài 6 Ý tưởng, cơ hội kinh doanh và các năng lực cần thiết của người kinh doanh

Giải bài 6 Ý tưởng, cơ hội kinh doanh và các năng lực cần thiết của người kinh doanh sách Kinh tế và Pháp luật 11 kết nối mới. Phần đáp án chuẩn, hướng dẫn giải chi tiết cho từng bài tập có trong chương trình học của sách giáo khoa. Hi vọng, các em học sinh hiểu và nắm vững kiến thức bài học.

MỞ ĐẦU

Câu hỏi: Em hãy đọc trường hợp sau để trả lời câu hỏi:

Nhà chị P có 2 sào vườn chuyên trồng rau và cây ăn quả, chị có ý định kết hợp trồng trọt với chăn nuôi theo mô hình kinh tế tuần hoàn, tận dụng phế, phụ phẩm trồng trọt làm thức ăn chăn nuôi; chất thải chăn nuôi lại trở thành phân bón hữu cơ cho cây trồng góp phần giảm chi phí đầu vào, năng cao giá trị sản xuất. Chị được một người thân gợi ý cho một số phương án: 

- Kết hợp trồng rau, cây ăn quả với chăn nuôi lợn. 

- Kết hợp trồng rau, cây ăn quả với chăn nuôi lợn và ngan.

- Kết hợp trồng rau, cây ăn quả với chăn nuôi gà.

Với một số vốn rất ít ỏi, chị đang băn khoăn, chưa biết nên chọn phương án nào cho phù hợp.

Theo em, chị nên chọn phương án nào cho phù hợp? Vì sao? 

Hướng dẫn trả lời:

Theo em, chị P nên lựa chọn phương án: kết hợp trồng rau, cây ăn quả với chăn nuôi gà. Vì: nguồn vốn của chị P ít, do đó, chị cần cân nhắc, tính toán chi phí đầu vào sản xuất sao cho hợp lí. Cụ thể:

+ Nếu nuôi lợn:

  • Giá lợn giống tương đối cao, dao động trong khoảng từ 1,5 đến 2,5 triệu đồng/ con giống (tùy thời điểm và giống lợn).
  • Khi nuôi lợn, chị P cần đầu tư hệ thống chuồng trại với quy mô lớn.
  • Về thức ăn, bên cạnh các phế, phụ phẩm từ trồng trọt, chị P cũng cần đầu tư thêm các loại cám (có thể là cám công nghiệp hoặc các sản phẩm khác, như: ngô, khoai,…) với lượng lớn.
  • Thời gian xuất chuồng, bán ra thị trường cũng khá dài (trung bình khoảng 4 - 6 tháng).

+ Nếu nuôi gà:

  • Giá gà giống dao động trong khoảng từ 10 đến 25 ngàn đồng/ con giống (tùy thời điểm và giống gà);
  • Hệ thống chuồng trại không cần quá phức tạp;
  • Về thức ăn, có thể tận dụng tốt phế, phụ phẩm từ trồng trọt; cỏ trong vườn và bổ sung thêm một chút thức ăn khác (số lượng không cần nhiều như nuôi lợn);
  • Thời gian xuất chuồng của gà ngắn hơn nuôi lợn (khoảng từ 3 - 4 tháng), nên chị P có khả năng quay vòng vốn nhanh.

Ngoài ra, trước khi chọn phương án phù hợp, chị P nên tiến hành nghiên cứu thị trường, đánh giá khả năng quản lý và đầu tư vốn, cũng như tư vấn với các chuyên gia nông nghiệp và chăn nuôi để có quyết định tốt nhất cho tình hình cụ thể của mình.

KHÁM PHÁ 

1. Khái niệm và tầm quan trọng của việc xây dựng ý tưởng kinh doanh, các nguồn giúp tạo ý tưởng kinh doanh

a. Khái niệm và tầm quan trọng của việc xây dựng ý tưởng kinh doanh

Câu hỏi: Em hãy đọc câu chuyện sau để trả lời câu hỏi:

Chị D là sinh viên đang học ngành Công nghệ sinh học. Nhà chị có một cái sân nhỏ sau nhà. Năm học thứ ba, thấy nhiều bạn sinh viên trong trường thích chơi cây cảnh mi ni nhưng khu vực quanh trường chưa có ai kinh doanh mặt hàng này, chị liền nảy sinh ý tưởng kinh doanh. 

Chị suy nghĩ và xây dựng ý tưởng kinh doanh cây cảnh mi ni: tận dụng mảnh sân của gia đình và phát huy những kiến thức, kĩ năng đã học về cấy, ghép cây cảnh mi ni như sen đá, xương rồng, lưỡi hổ, dương xỉ... Chị cũng có thể nhờ thầy cô hướng dẫn cách lai ghép thành những giống cây mới lạ, trồng vào những chiếc cốc, chậu nhỏ xinh xắn, kết hợp với các phụ kiện tiểu cảnh, làm thành những chậu cây độc đáo để các bạn sinh viên có thể mua về trang trí bàn học, tủ sách hay làm quả tặng cho bạn bè. Với những bạn muốn mua những chậu nhỏ, đắt, cây giống, hạt giống, viên đá cuội trang trí... để tự tay trồng, chăm bón, sắp xếp chậu cây theo ý thích, chị sẽ tiếp tục bổ sung các mặt hàng này để đáp ứng. Chị  thấy vui vì ý tưởng kinh doanh này tuy chỉ là mô hình nhỏ lẻ nhưng có thể mang lại những khoản thu nhập cho bản thân và mang niềm vui, tình yêu cây cỏ đến với các bạn sinh viên.

(1) Em có nhận xét gì về ý tưởng kinh doanh của chị D?

(2) Việc xây dựng ý tưởng kinh doanh giúp chị D xác định những vấn đề cơ bản của hoạt động sản xuất kinh doanh như thế nào?

Hướng dẫn trả lời:

1) Ý tưởng kinh doanh của chị D:

  • Độc đáo, sáng tạo;
  • Đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của khách hàng.
  • Phù hợp với các nguồn lực sẵn có của chị D. Các nguồn lực này bao gồm: kiến thức và kĩ năng chuyên môn của ngành công nghệ sinh học; nơi sản xuất là mảnh vườn của gia đình; nguồn khách hàng sẵn có và rất dồi dào là các bạn sinh viên trong trường (sau này có thể mở rộng thêm các đối tượng khách hàng khác); thị trường ít có đối thủ cạnh tranh vì khu vực quanh trường chưa có ai kinh doanh mặt hàng này.
  • Ý tưởng kinh doanh này đã mang lại cho chị D một khoản thu nhập để trang trải, cải thiện cuộc sống đồng thời, mang niềm vui và tình yêu cây cỏ đến với các bạn sinh viên.

(2) Việc xây dựng ý tưởng kinh doanh, giúp chị D xác định những vấn đề cơ bản trong hoạt động sản xuất kinh doanh là:

  • Kinh doanh mặt hàng gì? (xác định được đối tượng khách hàng là ai, họ có nhu cầu như thế nào?);
  • Kinh doanh thế nào? (xác định được cách thức kinh doanh có hiệu quả);
  • Kinh doanh cho ai? (xác định được mục tiêu kinh doanh).

b) Nguồn giúp tạo ý tưởng kinh doanh

Câu hỏi: Em hãy đọc trường hợp sau, kết hợp với câu chuyện kinh doanh của chị D ở phần trên để trả lời câu hỏi:

Anh C là chuyên viên phòng kinh doanh của một công ty văn phòng phẩm. Gần nhà anh mới khánh thành trường phổ thông liên cấp. Anh C liền có ý tưởng sẽ mở cừa hàng kinh doanh văn phòng phẩm tại nhà.

(1) Ý tưởng kinh doanh của chị D, anh C bắt nguồn từ những lợi thế nội tại và cơ hội bên ngoài nào ?

(2) Theo em, ý tưởng kinh doanh còn có thế nảy sinh từ những nguồn nào khác?

Hướng dẫn trả lời:

1)

*) Ý tưởng kinh doanh của chị D:

- Lợi thế nội tại:

  • Chị D có kiến thức và kĩ năng chuyên môn về ngành công nghệ sinh học;
  • Gia đình chị D có một mảnh vườn nhỏ, có thể tận dụng làm nơi để thực hiện ý tưởng sản xuất, kinh doanh.

- Cơ hội bên ngoài:

  • Nhiều bạn sinh viên trong trường thích chơi cây cảnh mini nên chị D có lượng khách hàng tương đối dồi dào.
  • Khu vực quanh trường chị D chưa có ai kinh doanh mặt hàng cây cảnh mini nên chị D hầu như không có đối thủ cạnh tranh.
  • Sự hỗ trợ, giúp đỡ về mặt kĩ thuật của các thầy cô giáo trong trường.

*) Ý tưởng kinh doanh của anh C:

- Lợi thế nội tại:

  • Anh C có sự hiểu biết về các sản phẩm văn phòng phẩm.
  • Do anh C là chuyên viên phòng kinh doanh, nên anh có các mối quan hệ và biết được những đầu mối cung cấp nguồn hàng hóa có chất lượng tốt, giá cả phù hợp.
  • Do mở cửa hàng tại nhà, nên anh C có sẵn mặt bằng kinh doanh.

- Cơ hội bên ngoài: mới có một trường phổ thông liên cấp được mở ra ở gần nhà anh C

(2) Các nguồn giúp tạo ý tưởng kinh doanh:

  • Lợi thế nội tại: xuất phát từ đam mê, hiểu biết, khả năng huy động các nguồn lực,... của chủ thể kinh doanh.
  • Cơ hội bên ngoài: bắt nguồn từ một nhu cầu mới chưa được đáp ứng, lợi thế cạnh tranh, thuận lợi về vị trí triển khai hay thuận lợi từ một chính sách vĩ mô,...

2. Khái niệm cơ hội kinh doanh và tằm quan trọng của việc xác định, đánh giá các cơ hội kinh doanh.

Câu hỏi: Em hãy đọc tiếp câu chuyện kinh doanh của chị D và trả lời câu hỏi:

Sau khi xây dựng ý tưởng kinh doanh, chị D xác định đây là cơ hội kinh doanh vì hoạt động kinh doanh này có tính bền vững; đáp ứng nhu cầu lành mạnh và ngày càng lớn của sinh viên; có thể duy trì lâu dài vì dựa trên nguồn lực sẵn có và năng lực chuyên môn của bản thân; có thể mạng lại lợi nhuận và đây cũng là thời điểm chị có đủ điều kiện về vốn, kinh nghiệm để thực hiện kinh doanh. Tuy nhiên, chị cũng cẩn trọng đánh giá cơ hội này trên cơ sở xem xét điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức trong việc thực hiện ý tưởng kinh doanh này để đưa ra quyết định kinh doanh.

(1) Theo em, có những điều kiện thuận lợi nào đối với công việc kinh doanh  cây cảnh mi ni của chị D?

(2) Dựa trên các tiêu chí: điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức đối với chị D trong việc thực hiện cơ hội kinh doanh cây cảnh mi ni, em hãy đánh giá đây có phải là cơ hội tốt không. Vì sao?

(3) Việc xác định, đánh giá đó có vai trò thế nào đối với việc ra quyết định kinh doanh của chị D?

Hướng dẫn trả lời:

(1) Những điều kiện thuận lợi đối với công việc kinh doanh cây cảnh mini của chị D là:

  • Nhu cầu chơi cây cạnh mini của các bạn sinh viên ngày càng lớn => do đó, hoạt động kinh doanh này có tính bền vững.
  • Chị D đã có kiến thức và kĩ năng chuyên môn, gia đình chị D lại có mảnh vườn để chị D thực hiện ý tưởng sản xuất => do đó, hoạt động kinh doanh này có thể duy trì lâu dài.
  • Chị D đã có một nguồn vốn nhất định, có kinh nghiệm => do đó, hoạt động kinh doanh này có thể mang lại lợi nhuận cho chị.
  • Khu vực xung quanh trường chưa có ai bán mặt hàng cây cảnh mini, chị D hầu như không có đối thủ cạnh tranh => do đó, đây là thời điểm kinh doanh phù hợp.

(2) Chị D có cơ hội kinh doanh tốt, vì: ý tưởng kinh doanh của chị D có nhiều điểm mạnh và cơ hội hơn so với điểm yếu và thách thức. Cụ thể:

- Điểm mạnh là chị D đã có lợi thế nội tại về: kĩ năng, chuyên môn; địa bàn sản xuất…

- Có nhiều cơ hội thuận lợi từ bên ngoài, như:

  • Lượng khách hàng dồi dào, có nhu cầu ngày càng lớn;
  • Thị trường ít có đối thủ cạnh tranh;
  • Có sự hỗ trợ kĩ thuật từ phía thầy cô.

- Một số điểm yếu và thách thức chị D cần lưu ý, như: ý tưởng thiết kế, trang trí các tiểu cảnh; sự xuất hiện của các đối thủ kinh doanh khác…. Tuy nhiên, những điểm yếu và thách thức này không quá lớn, có thể được khắc phục được.

(3) Việc xác định, đánh giá về điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức có vai trò quan trọng đối với việc ra quyết định kinh doanh của chị D:

  • Khi nhận thấy điểm mạnh và cơ hội lớn hơn điểm yếu và thách thức, chị D có thể quyết định thực hiện ý tưởng kinh doanh.
  • Ngược lại, khi nhận thấy điểm yếu và thách thức lớn hơn, chị D có thể lựa chọn việc: suy nghĩ, cân nhắc thêm để cải tiến ý tưởng hoặc cũng có thể dừng lại, từ bỏ ý tưởng.

3. Các năng lực cần thiết của người kinh doanh.

Câu hỏi: Em hãy đọc trường hợp sau để trả lời câu hỏi:

Khởi nghiệp từ một sinh viên tốt nghiệp đại học ngành chế tạo ô tô, ban đầu ông H làm việc cho một nhà máy sửa chữa ô tô. Sau 5 nằm làm quen với công việc, chịu khó học hỏi, ông quyết định thành lập cơ sở sửa chữa ô tô, xe máy, sau này phát triển thành công ty chuyên lắp ráp và kinh doanh ô tô. Để công ty hoạt động có hiệu quả, ông luôn chủ động, sáng tạo, nắm bắt cơ hội, vạch ra chiến lược kinh doanh; tự trang bị cho mình những kiến thức, kĩ năng quản trị doanh nghiệp, xây dựng hệ thẳng quản lí nội bộ công ty chuyên nghiệp, tạo dựng được mối quan hệ rộng rãi với các đối tác, khách hàng và xây dựng được văn hoá công ty.

(1) Ông H đã thể hiện những năng lực nào trong kinh doanh?

(2) Theo em, người kinh doanh cần có những năng lực nào khác? Vì sao?

(3) Dựa trên những năng lực cần thiết của người kinh doanh vừa phân tích, em hãy tự nhận xét năng lực kinh doanh của bản thân. 

Hướng dẫn trả lời:

(1) Những năng lực của ông H:

  • Năng lực chuyên môn, thể hiện ở việc, ông H đã có kiến thức, kĩ năng và nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sửa chữa ô tô, xe máy.
  • Năng lực lãnh đạo, thể hiện qua việc, ông H luôn chủ động, sáng tạo, nắm bắt cơ hội, vạch ra chiến lược kinh doanh.
  • Năng lực quản lí, thể hiện ở việc: ông H đã xây dựng hệ thống quản lí nội bộ công ty chuyên nghiệp, tạo dựng được mối quan hệ rộng rãi với các đối tác, khách hàng và xây dựng được văn hoá công ty.
  • Năng lực học tập, tích lũy kiến thức, rèn luyện kĩ năng, thể hiện qua việc: ông đã tự trang bị cho mình những kiến thức, kĩ năng quản trị doanh nghiệp.

(2) Những năng lực cần có của người kinh doanh là:

  • Năng lực lãnh đạo: định hướng chiến lược, năng động, sáng tạo, nắm bắt cơ hội kinh doanh.
  • Năng lực quản lí: tổ chức, thiết lập các mối quan hệ trong kinh doanh,..
  • Năng lực chuyên môn: có kiến thức về chuyên môn ngành đang kinh doanh.
  • Năng lực học tập, tích luỹ kiến thức, rèn luyện kĩ năng...

(3) Bản thân em có năng lực trong việc sản xuất và kinh doanh các loại bánh ngọt. Vì:

  • Em có đam mê, yêu thích công việc làm bánh. Bản thân em đã tham gia một số khóa học để bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, kĩ năng về làm bánh.
  • Trong 2 năm trở lại đây, em có thực hiện hoạt động kinh doanh bánh ngọt handmad vào các dịp lễ, tết như: tết trung thu, tết nguyên đán,… sản phẩm bánh của em đã nhận được sự khen ngợi, ủng hộ của nhiều bạn cùng trường, các thầy cô giáo và những người dân xung quanh khu phố.
  • Trong quá trình thực hành làm bánh cũng như kinh doanh, em đã sáng tạo ra một số công thức và loại bánh mới, nhằm đáp ứng nhu cầu và thị hiếu ngày càng đa dạng của các khách hàng.

LUYỆN TẬP

Câu 1: Em đồng tình hay không đồng tình với ý kiến nào sau đây? Vì sao?

a. Ý tưởng kinh doanh tốt là đáp ứng được nhu cầu thị trường

b. Ý tưởng kinh doanh tốt là phải mang lại giá trị cho doanh nghiệp.

c. Cơ hội kinh doanh là do những điều kiện, hoàn cảnh khách quan mang đến. 

d. Mọi cơ hội kinh doanh đều là những điều kiện thuận lợi nên cần nắm bắt và thực hiện ngay.

Hướng dẫn trả lời:

 Ý kiến a. Không đồng tình, vì: một ý tưởng kinh doanh tốt cần phải đảm bảo nhiều tiêu chí, như: (1) có tính mới mẻ, độc đáo, sáng tạo; (2) có tính hữu dụng, đáp ứng được nhu cầu của thị trường; (3) có tính khả thi, có thể thực hiện được; (4) có thể mang lại lợi nhuận trong hoạt động kinh doanh,… Nếu chỉ dựa trên tiêu chí đáp ứng được nhu cầu của thị trường, mà bỏ qua các tiêu chí khác, thì không thể đánh giá đó là ý tưởng kinh doanh tốt.

- Ý kiến b. Không đồng tình, vì: một ý tưởng kinh doanh tốt cần phải đảm bảo nhiều tiêu chí, như: (1) có tính mới mẻ, độc đáo, sáng tạo; (2) có tính hữu dụng, đáp ứng được nhu cầu của thị trường; (3) có tính khả thi, có thể thực hiện được; (4) có thể mang lại lợi nhuận trong hoạt động kinh doanh,… Nếu chỉ dựa trên tiêu chí mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp, mà bỏ qua các tiêu chí khác, thì không thể đánh giá đó là ý tưởng kinh doanh tốt.

- Ý kiến c. Không đồng tình, vì: cơ hội kinh doanh có thể xuất hiện từ bên ngoài nhưng cũng có khi do chính chủ thể kinh doanh chủ động tạo ra.

- Ý kiến d. Không đồng tình, vì: người chủ kinh doanh cần đánh giá cơ hội kinh doanh dựa trên 4 yếu tố: điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức trước khi đưa ra quyết định về việc sản xuất, kinh doanh:

  • Khi nhận thấy điểm mạnh và cơ hội lớn hơn điểm yếu và thách thức => đây là cơ hội kinh doanh tốt, cần phải nắm bắt và thực hiện ngay.
  • Ngược lại, khi nhận thấy điểm yếu và thách thức lớn hơn => đây là cơ hội kinh doanh không tốt, cần phải suy nghĩ, cân nhắc thêm để cải tiến ý tưởng hoặc cũng có thể dừng lại, từ bỏ ý tưởng.

Câu 2: Em hãy thực hành xây dựng một ý tưởng kinh doanh trong một hội chợ giả định do chi đoàn lớp em tổ chức và phân tích với thầy cô và các bạn ý tưởng đó. 

Hướng dẫn trả lời:

*) Ý tưởng kinh doanh trà sữa, nước giải khát (nước ngọt, nước tinh khiết, nước tăng lực,…) trong hội chợ do chi đoàn lớp tổ chức

*) Phân tích nguồn lực giúp tạo ý tưởng kinh doanh:

- Lợi thế nội tại:

  • + Bản thân có đam mê và một số kiến thức cơ bản trong lĩnh vực pha chế đồ uống.
  • + Gia đình có cửa hiệu bán tạp hóa, nên có thể nhập nguồn nguyên liệu với chất lượng tốt, giá cả phù hợp.
  • + Có sự hiểu biết nhất định về tính cách, thói quen, sở thích của các bạn trong lớp nên có thể gợi ý, tư vấn cho khách hàng những sản phẩm đồ uống phù hợp với từng cá nhân (ví dụ: bạn A không thích đồ quá ngọt => khi pha chế, sẽ giảm lượng đường, tăng thêm các loại topping…)

- Cơ hội bên ngoài: Trà sữa, nước giải khát,… là những loại đồ uống được nhiều người yêu thích. Mặt khác, hội chợ thường diễn ra trong khoảng thời gian dài, nên khách hàng sẽ có nhu cầu sử dụng nước uống.

Câu 3: Em hãy cho biết những việc làm sau đây đó đóng góp hay ảnh hưởng thế nào đến kết quả kinh doanh.

a. Có ý tưởng kinh doanh cà phê, anh K xây dựng ý tưởng bằng cách xác định đối tượng khách hàng của mình là các bạn sinh viên: lựa chọn thuê địa điểm ở gần trường đại học; trang trí quán theo phong cách phù hợp với sở thích của các bạn trẻ; xác định phương thức kinh doanh mới mẻ hơn, mang lại sự tiện lợi cho khách hàng; kết hợp bán trực tiếp với bán qua mạng xã hội,...

b. Gia đình bác T mới chuyển lên thành phố sinh sống. Quan sát thấy hai quán cơm bình dân ở gần nhà có nhiều thực khách, bác quyết định mở quán cơm để kinh doanh mà không cần quan tâm đến đối thủ cạnh tranh vì cho rằng đây là cơ hội tốt giúp có thêm thu nhập và phù hợp với sở  trường nấu nướng của bản thân. 

Hướng dẫn trả lời:

- Trong trường hợp a, anh K đã xây dựng được ý tưởng kinh doanh tốt, đồng thời xác định được những vấn đề cơ bản của hoạt động sản xuất kinh doanh, cụ thể:

  • Xác định được mặt hàng kinh doanh là Cà phê, phục vụ cho đối tượng khách hàng là các bạn sinh viên.
  • Xác định được cách thức và hoạt động kinh doanh (thể hiện ở việc lựa chọn địa điểm, phong cách trang trí cửa hàng; phương thức kinh doanh vừa kết hợp bán trực tiếp vừa kết hợp bán online,…)

=> Những việc làm này sẽ giúp cho hoạt động kinh doanh của anh K đạt hiệu quả cao, mang lại nguồn doanh thu và lợi nhuận lớn.

- Trong trường hợp b, Bác T đã quá vội vàng khi đưa ra quyết định kinh doanh, vì trên thực tế, cơ hội kinh doanh của bác T không tốt, không có nhiều triển vọng. Cụ thể:

  • Bác T có sở trường nấu nướng, đây là điểm mạnh của bác. Tuy nhiên, đối tượng được trải nghiệm những món ăn do bác nấu chủ yếu là người thân trong gia đình; trong khi đó, khi mở quán ăn, đối tượng khách hàng sẽ mở rộng ở nhiều độ tuổi, giới tính, địa phương,… do đó, chưa chắc những món ăn bác nấu sẽ phù hợp với khẩu vị của họ.
  • Hiện tại, trên địa bàn khu phố gần nhà bác T đã có 2 quán ăn bình dân, do đó, đối thủ cạnh tranh của bác T tương đối nhiều, trong khi thị trường hẹp; mặt khác, bác T mới chuyển lên thành phố sinh sống, nên nếu mở quán ăn, thì quán của bác chưa tạo dựng được uy tín, lòng tin đối với khách hàng… => đây cũng là những điểm yếu và thách thức đối với ý tưởng kinh doanh của bác T.

=> Qua việc phân tích, có thể thấy, việc bác T quyết định mở quán cơm mà không quan tâm đến đối thủ cạnh tranh có thể sẽ dẫn tới tình trạng kinh doanh thua lỗ.

Câu 4: Em có nhận xét gì về năng lực kinh doanh của các chủ thể kinh doanh dưới đây?

a. Có ý định tổ chức kinh doanh ở gần cổng trường trung học phổ thông, chị V đi tham quan, tìm hiểu một vài cửa hàng kinh doanh gần đó và quyết định sẽ áp dụng đúng mô hình kinh doanh bánh ngọt của nhà bác T mà không cần phải xây dựng ý tưởng kinh doanh riêng cho mình. 

b. Bà C có ý định mở cửa hàng kinh doanh tại nhà từ lâu những vẫn chần chừ chưa tiến hành vì lo ngại việc kinh doanh không hiệu quả sẽ bị thua lỗ. 

Hướng dẫn trả lời:

-  Trường hợp a. Năng lực kinh doanh của chị T chưa tốt, vì:

+ Chị T chưa xác định được những vấn đề cơ bản trong việc kinh doanh (kinh doanh mặt hàng gì? Phục vụ đối tượng nào? Phương thức kinh doanh như thế nào?...); chưa đề ra được những định hướng chiến lược, ý tưởng riêng cho hoạt động kinh doanh của bản thân… mà chị lại áp dụng một cách máy móc mô hình kinh doanh bánh ngọt của bác T. => Điều này cho thấy chị V thiếu năng lực lãnh đạo.

+ Chị T lựa chọn kinh doanh bánh ngọt là kết quả từ việc chị T đi khảo sát thị trường, không xuất phát từ kiến thức và năng lực chuyên môn của bản thân chị V.

- Trường hợp b. Năng lực kinh doanh của bà C chưa tốt, vì: tâm lí e ngại, sợ thua lỗ, thái độ chần chừ, thiếu quyết đoán có thể khiến cho bà C bỏ lỡ nhiều cơ hội thuận lợi cho quá trình kinh doanh.

VẬN DỤNG

Câu hỏi: Em hãy sưu tầm và viết bài giới thiệu về một tấm gương doanh nhân thành đạt nhờ có năng lực kinh doanh.

Hướng dẫn trả lời:

Tham khảo: "Chàng trai khởi nghiệp từ chiếc lá rụng"

Dưới tán bồ đề, Kiều Cao Dũng nhấc chiếc lá rụng khỏi đầu, soi dưới ánh mặt trời và phát hiện lá vàng như quả bưởi chưng Tết mà không hề héo úa, cong vênh.

Chàng trai quê Đại Đồng, huyện Thạch Thất nhận ra lá bồ đề có hệ thống xương chằng chịt như mạng nhện nên cứng chắc và có thể sáng tạo ra nhiều sản phẩm khác nhau.

"Tôi nghĩ mình sẽ làm nón lá bồ đề - một sản phẩm chưa có ai làm cả", Dũng, 39 tuổi, kể về nguyên nhân của quyết định khởi nghiệp, giữa năm 2021.

"Chàng trai khởi nghiệp từ chiếc lá rụng"

Nón lá bồ đề được xếp chín tầng lá với kỹ thuật chằm không lộ đường chỉ, được anh Kiều Cao Dũng và bà Doãn Thị Thái sáng tạo thành công vào tháng 8/2021. Ảnh: Phan Dương

Chiếc nón lá là biểu tượng của Việt Nam tự bao đời nay với các nguyên liệu quen thuộc từ cọ, tre, dừa, lá nón và cũng đã có rất nhiều người đã sáng tạo thêm như nón lá sen, lá bàng ở Huế, nón lụa ở làng Chuông (huyện Thanh Oai). Cao Dũng muốn góp thêm một cách làm nón mới, để khi nhắc đến nón lá bồ đề là gắn với Hà Nội.

Bằng kinh nghiệm của người đầu tiên ở Việt Nam làm thành công hoa sen bất tử, Dũng áp dụng vào lá bồ đề nhưng khi khâu nón, sản phẩm cục mịch, nặng nề, nếu bán chẳng ai mua. Dũng biết cần phải tách thịt lá khỏi xương.

Những ngày đầu tháng 5/2021, cả nước gần như đóng băng trước làn sóng dịch Covid-19, Dũng một mình lặn lội về làng nghề làm tranh lá bồ đề ở Ninh Bình, học cách tách lá bằng nước vôi. Song phương pháp này cũng không khiến anh hài lòng vì cần tới 60 ngày.

Anh vào Huế, gặp người làm nón lá bàng rừng để học được cách ủ bằng clo, thời gian vẫn mất 60 ngày. Dũng tiếp tục vào TP HCM gặp người làm sen bất tử dựa trên kỹ thuật ủ muối của người Nhật.

Kết hợp kỹ thuật của những người đi trước với kiến thức học hỏi từ các chuyên gia hóa sinh, Dũng rút ngắn được thời gian từ 60 xuống 30 ngày, cuối cùng chỉ còn một ngày. Tuy nhiên, với phương pháp này anh gặp tình trạng xương lá bị mềm dẻo, không thể làm nón. Trong xương lá có hai thành phần cơ bản là photpho và canxi, Dũng đã bổ sung canxi mà vẫn không ra được chiếc lá ưng ý.

Một đêm tháng 6 quá mệt mỏi, Dũng quyết định nghỉ sớm. Đang miên man nghe nhạc, bỗng một ý tưởng lóe lên trong đầu anh: Tại sao chiếc lá có xương sống to, xương cánh, xương màng nhỏ dần đều? Nếu vậy cùng một lực tác động thì những xương bé hơn sao chịu nổi. "Tôi nhận ra sai lầm bấy lâu là nghiên cứu trên tổng thể chiếc lá. Thực tế một chiếc lá đang có ít nhất ba bộ phận khác nhau", Dũng chia sẻ.

Bật dậy, anh bắt tay vào thử nghiệm. 5h sáng hôm sau, Dũng có bộ xương lá như mong muốn.

Thành công bước đầu, Kiều Cao Dũng về làng Chuông tìm người chằm nón lá bồ đề cho mình. Ở đây cả tuần, anh tìm gặp những người làm nón có tay nghề nhất nhưng tất cả đều từ chối vì không ai nghĩ thứ lá đó có thể khâu thành nón.

Cao Dũng tiếp tục tìm đến làng nón Phú Mỹ, huyện Quốc Oai. Một lần nữa, những người làm nghề lâu năm nhất ở đây đều từ chối. Chàng trai buồn song không nản. Qua người quen, anh được giới thiệu tới bà Doãn Thị Thái, 61 tuổi, đã có 56 năm tuổi nghề.

Nhớ lại ngày Dũng mang tệp lá bồ đề đến nhà, bà Thái chỉ biết đang có một loại nguyên liệu làm nón mới, nhưng không tin tưởng sẽ thành công. Bà thử những cách chằm khác nhau, vẫn không tài nào thành được chiếc nón ưng mắt. "Thôi trả cháu, bác không làm được", bà nói sau ba lần thất bại.

 "Chàng trai khởi nghiệp từ chiếc lá rụng"

Anh Kiều Cao Dũng đang dùng một vật để là cho nón lá bồ đề phẳng, đẹp, tại cơ sở chằm nón ở xã Phú Mỹ, huyện Quốc Oai một ngày cuối năm 2021. Ảnh: Phan Dương

Mỗi lần cầm chiếc nón hỏng, lòng đau xót, tay Dũng run run nhưng miệng vẫn cười nài nỉ: "Chúng ta đã đi được nửa chặng đường rồi. Bác cố giúp con lần nữa thôi".

Người ngoài không biết rằng, để chằm một chiếc nón mất trên 500 xương lá, tương đương hai ngày làm việc của Dũng. Để có tiền trả công thợ, anh thạc sĩ từng du học phải nghỉ việc đi buôn bưởi. Anh tự leo cây hái quả, ngày đêm chở bưởi từ quê sang nhà ở Long Biên bán, mong có thêm đồng lãi.

"Nhưng trên tất cả sự vất vả ấy là cảm giác bất lực và hoang mang vào con đường đang đi, bởi tôi không phải là thợ chằm nón. Thành bại phụ thuộc vào người khác", Dũng chia sẻ.

Lần thử thứ tư, một chiếc nón thành hình. Dũng tiếp tục góp ý nên sắp xếp cho xương sống lá thành một hàng và giấu đường chỉ để thẩm mỹ hơn. Cuối cùng, nhiệt huyết của chàng trai cùng sự khéo léo của người nghệ nhân đã tạo ra một kỹ thuật làm nón mới không lộ đường chỉ.

Nón có chín tầng lá được xếp từ nhỏ đến lớn, trong đó hai tầng trên cùng xếp hình xoáy trôn ốc, giúp chóp nón cứng, bền, che mưa nắng tốt hơn các nón thông thường. Chưa hài lòng, Dũng tiếp tục học cách nhuộm xương lá, từ đó tạo ra những chiếc nón như bông hoa sen ở nhiều giai đoạn khác nhau. Khi là nụ xanh mướt hay phớt hồng chúm chím, lúc là bông sen nở bung rực rỡ. Ngoài nón sen hồng, sen trắng, còn có cả sen vàng.

Thành công với nón lá, chàng trai tiếp tục dùng xương lá bồ đề kết đèn hoa đăng, đan thành quạt và những chiếc lá lưu niệm từ xương lá bồ đề.

Trước khi theo đuổi làm các đồ thủ công, Kiều Cao Dũng là quản lý một khách sạn ở Hà Nội. Hơn 15 năm làm trong ngành du lịch, anh biết khách luôn có nhu cầu mua đồ lưu niệm ở những nơi đặt chân tới, song thực tế hầu hết đồ lưu niệm bị lai tạp xuất xứ.

Cơ duyên đưa anh trở thành học trò của Nghệ nhân nhân Nguyễn Bá Mưu - người được mệnh danh ông tổ của ngành hoa khô Việt Nam. Đam mê bí quyết làm hoa lá bất tử, Dũng bỏ nghề du lịch. Từ những bài học của thầy, Dũng đã dành ba năm nghiên cứu để sáng tạo ra những sản phẩm gắn liền với tên tuổi mình, như hoa sen bất tử, tranh Đông Hồ, tranh Hàng trống trên lá sen... Nay, một lần nữa nón lá bồ đề gắn với tên Kiều Cao Dũng.

"Có lẽ là một người học văn chương nên trong tôi luôn có thôi thúc được khẳng định cái tôi trong xã hội, để một khi hóa thành cát bụi không bị vô danh", Dũng bộc bạch về động lực đằng sau mọi sáng tạo của mình.

Giờ đây, chàng trai Hà Nội mong chiếc nón được làm từ lá của loại cây mang biểu tượng Phật giáo sẽ che mát cho các phật tử khắp nơi trên thế giới trong hành trình tu hành, giống như hơn 2.600 năm trước, Phật Thích ca mâu ni ngồi thiền dưới gốc cây bồ đề, được cây toả mát chở che và đắc đạo.

Tìm kiếm google: Giải kinh tế pháp luật 11 kết nối tri thức bài 6 Ý tưởng, cơ hội kinh doanh và các năng lực cần thiết của người kinh doanh, Giải kinh tế pháp luật 11 KNTT bài 6 Ý tưởng, cơ hội kinh doanh và các năng lực cần thiết của người kinh doanh , Giải KTPL 11 Kết nối tri thức bài 6

Xem thêm các môn học

Giải kinh tế pháp luật 11 KNTT mới

PHẦN MỘT: GIÁO DỤC KINH TẾ

CHỦ ĐỀ 1: CẠNH TRANH, CUNG - CẦU TRONG NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG

CHỦ ĐỀ 3: THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG VÀ VIỆC LÀM

CHỦ ĐỀ 4: Ý TƯỞNG, CƠ HỘI KINH DOANH VÀ CÁC NĂNG LỰC CẦN THIẾT CỦA NGƯỜI KINH DOANH

PHẦN HAI: GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

CHỦ ĐỀ 7: QUYỀN BÌNH ĐẲNG CỦA CÔNG DÂN TRƯỚC PHÁP LUẬT


Đia chỉ: Tòa nhà TH Office, 90 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại hỗ trợ: Fidutech - click vào đây
Chúng tôi trên Yotube
Cùng hệ thống: baivan.net - Kenhgiaovien.com - tech12h.com