Câu hỏi: Em hãy đọc trường hợp sau để trả lời câu hỏi:
Kinh tế suy thoái, doanh nghiệp X phải thu hẹp quy mô sản xuất khiến anh A và nhiều lao động khác bị mất việc làm, không có thu nhập. Đã gần hai tháng, anh A tìm việc ở nhiều nơi nhưng vẫn chưa được.
Ở trường hợp trên, anh A và người lao động của doanh nghiệp X đang gặp phải vấn đế gì ? Hãy chia sẻ suy nghĩ của em về vấn đề đó.
Hướng dẫn trả lời:
- Ở trường hợp trên, ông A và người lao động của doanh nghiệp X đang trong tình trạng thất nghiệp.
- Suy nghĩ:
Tình trạng thất nghiệp xảy ra do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Thất nghiệp để lại những hậu quả nặng nề đối với mỗi cá nhân, với nền kinh tế và mọi mặt của đời sống xã hội. Trường hợp anh A thất nghiệp gần 2 tháng và không có việc làm dẫn đến chất lượng đời sống giảm.
1. Khái niệm thất nghiệp và các loại hình thất nghiệp.
Câu hỏi: Em hãy đọc các thông tin sau kết hợp với thông tin ở phần Mở đầu để trả lời câu hỏi:
Anh M là kĩ sự nông nghiệp từng làm việc ở công ty xuất khẩu nông sản tại tỉnh Ð. Do hoàn cảnh gia đình, anh phải chuyển về thành phố để sinh sống và chưa tìm được việc làm. Vợ anh vốn là giáo viên mầm non nhưng khi về thành phố chỉ xin được làm tạp vụ tại một cơ sở sản xuất kinh doanh với mức lương rất thấp nên chưa muốn đi làm. Bố anh năm nay 55 tuổi đã làm cho một công ty sản xuất ô tô gần 30 năm. Khi doanh nghiệp này thay đổi cơ cấu sử dụng rô bốt thay thế thợ hàn để lắp ráp ô tô, ông đã bị mất việc. Em trai anh là kĩ sư công nghệ thông tin cho một công ty có vốn đầu tư nước ngoài.
Do tác động của khủng hoảng kinh tế, hàng hoá sản xuất ra không bán được, công ty X phải thu hẹp sản xuất khiến nhiều lao động bị mất việc làm. Khi Chính phủ đưa ra nhiều chính sách để phục hồi kinh tế, doanh nghiệp được hỗ trợ để khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, công ty mở rộng sản xuất, thu hút lại nhiều lao động làm cho lượng người thất nghiệp giảm dần.
(1) Trong gia đỉnh anh M, ai là người muốn kiếm việc làm nhưng chưa tìm được? Ai là người tự nguyện thất nghiệp?
(2) Tình hình thất nghiệp sẽ thay đổi như thế nào khi nền kinh tế phục hồi hay suy thoái?
Hướng dẫn trả lời:
(1) Trong gia đình anh M:
Anh M và bố của anh là người muốn kiếm việc làm nhưng chưa tìm được việc làm.
Vợ anh M là người tự nguyện thất nghiệp
(2) Khi kinh tế được phục hồi, các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, thu hút lại nhiều lao động => lượng người thất nghiệp giảm dần.
2. Nguyên nhân dẫn đến thất nghiệp
Câu hỏi: Em hãy đọc các trường hợp sau để trả lời câu hỏi:
Chị Y và nhóm bạn của mình đang thất nghiệp. Chị Y đã tốt nghiệp đại học chuyên ngành kế toán doanh nghiệp nhưng làm nhân viên hành chính cho một cơ sở giáo dục. Sau một thời gian làm việc, chị quyết định thôi việc để đi tìm công việc mới phù hợp với sở thích và khả năng của mình. Anh X bị doanh nghiệp cho thôi việc do vi phạm kỉ luật lao động nhiều lần, anh T bị mất việc làm do doanh nghiệp thu hẹp sản xuất kinh doanh.
Theo thống kê của Sở Y tế tỉnh N, số sinh viên theo học các ngành Dược, Điều dưỡng ở các hệ cao đẳng, trung cấp tót nghiệp hằng năm rất lớn. Tuy nhiên mỗi năm, tỉnh chỉ bố trí được chỗ làm với số lượng có hạn cho đối tượng này nên nhiều sinh viên ra trường bị thất nghiệp. Trong khi đó, tỉnh rất cần các bác sĩ có chuyên môn cao nhưng lại khó tuyển dụng.
(1) Chị Y và nhóm bạn thất nghiệp do những nguyên nhân nào?
(2) Em hãy phân tích nguyên nhân dẫn đến hiện tượng thất nghiệp của một số sinh viên ngành Dược, Điều dưỡng ở tỉnh N.
Hướng dẫn trả lời:
(1) Nguyên nhân thất nghiệp:
- Chị Y: vì công việc này không phù hợp với sở thích và chuyên môn.
- Anh T: anh đã vi phạm kỉ luật lao động nhiều lần nên bị công ty sa thải.
- Anh X: doanh nghiệp mà anh đang làm việc có sự điều chỉnh, thu hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh.
(2) Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng thất nghiệp của một số sinh viên ngành Dược, Điều dưỡng ở tỉnh N là do: sự mất cân đối giữa cung và cầu trên thị trường lao động. Cụ thể:
- Số sinh viên theo học các ngành Dược, Điều dưỡng ở các hệ cao đẳng, trung cấp tốt nghiệp hằng năm rất lớn, khiến cho nguồn cung lao động (ở 2 ngành này) lớn.
- Nhu cầu tuyển dụng việc làm ở 2 ngành dược và điều dưỡng tại tỉnh N nhỏ.
3. Hậu quả của thất nghiệp
Câu hỏi: Em hãy đọc các thông tin sau để trả lời câu hỏi:
Ông D - trợ lí văn phòng tại công ty xuất khẩu thuỷ sản A đã 25 năm không hề chuẩn bị cho tình huống một ngày nhận được tin công ty sẽ đóng cửa vĩnh viễn đo bị thua lỗ, phá sản. Con trai lớn của ông cũng vừa rơi vào tình trạng thất nghiệp sau 3 năm làm việc do bị sa thải vì thừa nhân công. Cuộc sống của ông gặp rất nhiều khó khăn khi không còn thu nhập. Còn con trai ông tâm lí chán nản.
Kinh tế suy thoái, hàng hoá sản xuất ra không bán được, công ty may xuất khẩu Q phải thu hẹp sản xuất số người mất việc làm tăng, lương của công nhân giảm, nợ bảo hiểm của công nhân... Bởi vậy, công nhân công ty đã đình công, bãi công tập thể.
Kinh tế Việt Nam năm 2018 khởi sắc, tăng trưởng kính tế đạt 7,08% so với năm 2017 — mức tăng cao nhất trong 11 năm qua. Chất lượng tăng trưởng và môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh. Nền tảng kinh tế vĩ mô từng bước được củng cố và tăng cường. Tỉ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm có xu hướng giảm dần. Tỉ lệ thất nghiệp còn 2,19%.
Từ năm 2020 đến 2021, do dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế, đặc biệt là trong quỹ 3 năm 2021 nhiều địa phương có vai trò trọng điểm về kinh tế phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài để phòng chống dịch bệnh, tỉ lệ thất nghiệp năm 2021 lên đến 3,2% khiến cho tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2021 giảm so với năm 2020.
(Tổng cục Thống kê, Niêm giám thống kê 2018, 2021, NXB Thống kê, 2019, 2022)
Qua các thông tin trên, em hãy cho biết thất nghiệp đã tác động đến người lao động, doanh nghiệp và nền kinh tế như thế nào. Vì sao?
Hướng dẫn trả lời:
- Đối với người lao động: ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động, khiến cho đời sống của họ gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến tâm lí, kiến thức chuyên môn, nghề nghiệp giảm sút
- Đối với doanh nghiệp: thất nghiệp tăng cao dẫn đến nhu cầu xã hội bị giảm sút, cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp giảm, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất hoặc đóng cửa.
- Đối với nền kinh tế: thất nghiệp tăng gây lãng phí nguồn lực, làm cho nền kinh tế rơi vào tình trạng suy thoái, tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm, ngân sách nhà nước suy giảm,...
4. Vai trò của Nhà nước trong việc kiểm soát và kiềm chế thất nghiệp.
Câu hỏi: Em hãy đọc các thông tin và quan sát hình ảnh sau để trả lời câu hỏi:
Khoản 2 Điều 59 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: Nhà nước có chính sách khuyến khích người sử dụng lao động có đủ điều kiện đảo tạo nghề nghiệp và phát triển kĩ năng nghề cho người lao động đang làm việc cho mình và người lao động khác trong xã hội thông qua hoạt động như: Thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoặc mở lớp đào tạo nghề tại nơi làm việc để đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kĩ năng nghề cho người lao động; Tổ chức thi kĩ năng nghề cho người lao động tham gia hội đồng kĩ năng nghề; dự báo nhu câu và xây dựng tiêu chuẩn kĩ năng nghề, tổ chức đánh giá và công nhận kĩ năng nghề; phát triển năng lực nghề nghiệp cho người lao động.
Xác định 2019 là năm "bứt phá” phấn đấu thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế — xã hội 5 năm 2016 - 2020, ngày 1 - 1 — 2019 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết só 01/NQ-CP và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, Nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021. Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội cả năm 2019 tiếp tục chuyển biển tích cực, đạt nhiều kết quả nổi bật như: Tăng trưởng kinh tế năm 2019 đạt 7,02%. Tỉ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm giảm dần, thu nhập của người lao động tăng lên.
(Tổng cục Thống kê, Niêm giám thống kê 2019, NXB Thông kê, 2020)
Qua các thông tin và hình ảnh trên, em hãy cho biết Nhà nước đã thực hiện các giải pháp nào đề kiểm soát và kiềm chế thất nghiệp.
Hướng dẫn trả lời:
Để kiểm soát và kiềm chế thất nghiệp, nhà nước đã thực hiện một số giải pháp, như:
Đào tạo và hỗ trợ lao động: Quan tâm đào tạo lao động trình độ cao, đa dạng hoá các loại hình trường lớp, hỗ trợ người lao động tự tạo việc làm.
Hoàn thiện thể chế về thị trường lao động, thực hiện đúng pháp luật về lao động;
Khuyến khích doanh nghiệp mở rộng hoạt động sản xuất, chuyển đổi sản xuất để tạo thêm việc làm cho người lao động;
Thực hiện chính sách an sinh xã hội, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp.
Câu 1: Em đồng tình hay không đồng tình với các quan điểm sau đây ? Vì sao?
a. Để giải quyết việc làm, Nhà nước phải tạo ra các điều kiện thuận lợi cho người lao động tự tạo việc làm.
b. Chính quyền địa phương phải có trách nhiệm giải quyết việc làm cho người thất nghiệp ở địa phương.
c. Trung tâm dịch vụ việc làm có trách nhiệm môi giới, giới thiệu việc làm cho người lao động
d. Người lao động giữ vai trò quan trọng nhất trong việc giải quyết thất nghiệp.
Hướng dẫn trả lời:
- Ý kiến a. Không đồng tình, vì: người lao động phải có trách nhiệm chính, quan trọng nhất trong việc giải quyết vấn đề việc làm của bản thân.
- Ý kiến b. Không đồng tình, vì: Chính quyền địa phương có vai trò hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để giải quyết việc làm cho người lao động.
- Ý kiến c. Không đồng tình, vì: các trung tâm dịch vụ việc làm chỉ có chức năng hỗ trợ và giới thiệu tới người lao động những công việc phù hợp hoặc những cơ sở sản xuất, kinh doanh đang có nhu cầu tuyển dụng.
- Ý kiến d. Đồng tình, vì: lao động là nghĩa vụ của mỗi công dân. Người lao động phải có trách nhiệm chính, quan trọng nhất trong việc giải quyết vấn đề việc làm của bản thân
Câu 2: Em hãy cho biết những trường hợp sau đây thuộc loại hình thất nghiệp nào:
a. Người không đi làm để tập trung giải quyết việc gia đình.
b. Khi nhà máy chuyển đổi sản xuất từ cơ khí lên tự động hoá, hàng loạt lao động trong nhà máy bị mất việc làm.
c. Người đi du học mới về nước chưa kiếm được việc làm.
Hướng dẫn trả lời:
- Trường hợp a. Thất nghiệp tự nguyện.
- Trường hợp b. Thất nghiệp cơ cấu.
- Trường hợp c. Thất nghiệp tạm thời hoặc thất nghiệp tự nguyện.
Thất nghiệp tạm thời: người này có sự chuyển dịch từ thị trường lao động nước ngoài về trong nước.
Thất nghiệp tự nguyện: người này chưa tìm được công việc phù hợp với mong muốn của họ về mức lương, chế độ đãi ngộ,….
Câu 3: Em hãy nhận xét việc làm của các tổ chức, cá nhân dưới đây:
a. Xã A sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước tổ chức hai khoá dạy nghề mây tre đan xuất khẩu nhằm giải quyết việc làm cho người lao đông tại địa phương. Sau đó, các học viên này vẫn không có việc làm vì không có bất cứ một dự án sản xuất mây tre đan nào được tổ chức tại địa phương.
b. Khi tỉ lệ thất nghiệp tăng cao, chính quyền xã X đã đến từng hộ gia đình thống kê số người thất nghiệp để tìm giải pháp kiểm soát và kiềm chế thất nghiệp, nhưng một số gia đình không hợp tác vì cho rằng Nhà nước không thể giải quyết được vấn đề này.
Hướng dẫn trả lời:
- Trường hợp a. Việc làm của chính quyền xã X chưa phù hợp, không bám sát với tình hình thực tế tại địa phương, gây lãng phí ngân sách nhà nước; đồng thời tiêu tốn thời gian, công sức học tập của người lao động tại địa phương.
- Trường hợp b.
Hành động của chính quyền xã X là đúng, thể hiện tốt vai trò của chính quyền địa phương trong việc trong việc kiểm soát và kiềm chế thất nghiệp.
Hành động không hợp tác của một số hộ dân là sai, những hộ dân này chưa hiểu rõ về vai trò của nhà nước trong việc giải quyết tình trạng thất nghiệp
Câu hỏi: Em hãy viết bài giới thiệu một tấm gương tạo việc làm, giải quyết thất nghiệp cho người lao động tại địa phương.
Hướng dẫn trả lời:
Anh Lương Văn Trường, Chủ tịch HĐQT - Giám đốc HTX Thanh niên Nam Đại Dương, sau khi tốt nghiệp công nghệ nông nghiệp tại Đại học Đà Lạt năm 2011, đã tham gia Dự án quốc gia 600 Phó Chủ tịch xã từ 2012 - 2016, sau đó làm việc trong nông lâm nghiệp tại Lào Cai. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, anh Trường quyết định trở về quê hương ở Nam Định để tập trung sản xuất gạo và hạt giống. Anh đã sáng tạo quy trình sản xuất hạt giống lúa đã nảy mầm sẵn và sản phẩm này được các tập đoàn hàng đầu ở Việt Nam liên hệ hợp tác.
Anh cũng đã mở rộng sản xuất và thành lập HTX Thanh niên Nam Đại Dương, có doanh thu lên đến 3 tỷ đồng vào năm 2021, tạo việc làm cho nhiều người. Anh đã nhận được nhiều giải thưởng và thành công trong các cuộc thi và dự án sáng tạo. Anh và HTX của mình đang nghiên cứu cải tiến công nghệ nông nghiệp để đối phó với biến đổi khí hậu và mục tiêu là xuất khẩu sản phẩm ra thị trường quốc tế.