Bài tập 1: Viết đoạn văn (khoảng 7 - 10 câu) bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ của em về một truyền thuyết đã để lại cho em những ấn tượng sâu sắc.
Trả lời:
- Chọn truyền thuyết: có thể là tác phẩm đã được học hoặc tác phẩm do em đọc và tìm hiểu thêm, miễn sao đó là tác phẩm khiến em thực sự thích thú (cần dựa vào phần Tri thức ngữ văn trong SGK để tự kiểm tra kiến thức về truyền thuyết, đảm bảo không chọn nhầm truyện thần thoại hay cổ tích, dù ranh giới giữa ba thể loại này nhiều khi không rõ ràng).
- Chọn vấn đề để viết: có thể viết về chủ đề tác phẩm hoặc về một nhân vật, một chi tiết, sự kiện trong tác phẩm. Cũng có thể viết riêng về nghệ thuật kể chuyện của tác giả dân gian thể hiện qua tác phẩm.
- Bộc lộ cảm xúc, suy nghĩ của bản thân: cảm xúc, suy nghĩ phải chân thật, không khoa trương.
- Cấu trúc của đoạn văn: nêu tên truyền thuyết; tóm tắt nội dung truyền thuyết; nêu và phân tích vấn đề đã chọn (cảm xúc, suy nghĩ được bộc lộ qua việc phân tích vấn đề).
Mẫu:
Truyền thuyết là một thể loại truyện dân gian nhằm ghi chép những sự kiện, nhân vật liên quan đến lịch sử. Chúng ta biết đến một số truyền thuyết như "Sơn Tinh,Thủy Tinh" , "Thánh Gióng", "Con Rồng cháu Tiên"... Đến với truyền thuyết "An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thủy", chúng ta sẽ thấy được một tinh thần chống giặc ngoại xâm của cha ông ta ngày xưa, bên cạnh đó là bài học đắt giá về tinh thần luôn luôn cảnh giác với kẻ thù bên ngoài. Chúng ta cũng thấy được cách xử lí, hành xử đúng đắn giữa các mối quan hệ trong xã hội từ gia đình đến tình yêu cá nhân. Truyền thuyết "An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thủy" đã để lại nhiều dấu ấn trong lòng người đọc. Nhân dân ta vừa ca ngợi công lao của An Dương Vương trong việc dựng thành bảo vệ đất nước nhưng cũng phê phán ông đã quá chủ quan để cuối cùng đất nước lại rơi vào tay giặc. Truyện cũng có một bi kịch của tình yêu giữa Mị Châu - Trọng Thủy để cho chúng ta một bài học về sự cảnh giác bởi kẻ thù có khi ngay ở bên cạnh ta.
Bài tập 2: Viết đoạn văn (khoảng 7 - 10 câu) thuật lại vắn tắt diễn biến của một lễ hội hoặc sự kiện văn hoá mà em từng tham gia hoặc được xem qua truyền hình.
Trả lời:
- Bài tập này đưa ra yêu cầu tương tự yêu cầu ở phần Viết của bài học, chỉ khác ở chỗ có giới hạn về độ dài (khoảng 7 - 10 câu).
- Cần học tập cách viết ngắn gọn ở đoạn trích thuộc bài tập 8 của phần Đọc và thực hành tiếng Việt và chú ý sử dụng dấu chấm phẩy.
- Nhấn mạnh vào diễn biến của sự kiện, không dùng những chi tiết miêu tả rườm rà, không viết câu văn thuần tuý biểu cảm.
Mẫu:
Vào mồng năm tháng giêng hàng năm, hội Gò Đống Đa bắt đầu diễn ra. Hội tổ chức tại Gò Đống Đa. Mọi người đi xem rất đông, ai cũng muốn xem tượng đài Quang Trung. Hội bắt đầu bằng hoạt động tưởng nhớ tới anh hùng áo vải Quang Trung Nguyễn Huệ. Hội có những trò chơi như: chơi cờ, đánh đu, chọi gà… Khi hội kết thúc, em vẫn thấy nuối tiếc và nhớ tới vị anh hùng áo vải Nguyễn Huệ. Em sẽ học thật giỏi để phục vụ đất nước. Hội Gò Đống Đa đã để lại ấn tượng thật sâu sắc cho em.