BÀI 3: MỘT SỐ NGÀNH NGHỀ LIÊN QUAN ĐẾN CHẾ BIẾN THỰC PHẨM
(13 CÂU)
Câu 1: Ngành chế biến thực phẩm là gì? Hãy cho biết tiềm năng, cơ hội việc làm của ngành chế biến thực phẩm hiện nay và trong tương lai.
Trả lời:
- Ngành chế biến thực phẩm: là ngành nghiên cứu về cách chế biến và bảo quản các loại thực phẩm, các loại nông sản; kiểm tra và đánh giá chất lượng nông phẩm trong quá trình chế biến; nghiên cứu cách chế biến sản phẩm từ thực phẩm; vận hành dây chuyền chế biến và bảo quản thực phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn.
- Tiềm năng, cơ hội việc làm của ngành chế biến thực phẩm hiện nay và trong tương lai:
+ Việc làm trong ngành chế biến thực phẩm rất đa dạng.
+ Tất cả những vấn đề liên quan đến thực phẩm, đồ uống và an toàn vệ sinh thực phẩm đều có thể ứng dụng kiến thức của ngành nay.
Câu 2: Thợ chế biến thực phẩm là gì? Công việc chính của thợ chế biến thực phẩm là gì? Nêu một số yêu cầu nghề nghiệp đối với thợ chế biến thực phẩm.
Trả lời:
- Thợ chế biến thực phẩm: là những người làm nhiệm vụ có liên quan đến việc xử lí nguyên liệu động vật, thực vật thành các mặt hàng thực phẩm để tiêu thụ cho con người và động vật; kiểm tra và đánh giá chất lượng thực phẩm trong quá trình chế biến một cách định kì; chuẩn bị, sơ chế nguyên liệu thực phẩm cho quá trình chế biến; chế biến thực phẩm thành các sản phẩm khác nhau theo nhu cầu; bảo quản thực phẩm chưa sử dụng; phân loại thực phẩm.
- Công việc chính của thợ chế biến thực phẩm:
+ Giết mổ động vật.
+ Chuẩn bị, chế biến thịt cá và các thực phẩm có liên quan.
+ Làm các loại bánh mì, bánh ngọt và các sản phẩm bột mì.
+ Chế biến, bảo quản trái cây, ru củ và thực phẩm liên quan.
+ Nêm và phân loại các sản phẩm đồ ăn, đồ uống khác nhau.
- Một số yêu cầu đối với thợ chế biến thực phẩm:
+ Có kiến thức cơ bản về các loại thực phẩm.
+ Kĩ năng chế biến các loại thực phẩm như thịt, cá, thủy sản, thực phẩm đông lạnh,…
+ Năm rõ các yêu cầu cụ thể trong an toàn vệ sinh thực phẩm.
+ Tỉ mỉ, cẩn thận trong quá trình làm việc.
Câu 3: Thợ vận hành máy sản xuất thực phẩm là gì? Công việc chính của thợ vận hành máy sản xuất thực phẩm là gì? Nêu một số yêu cầu nghề nghiệp đối với thợ vận hành máy sản xuất thực phẩm.
Trả lời:
- Thợ vận hành máy sản xuất thực phẩm: là những người làm nhiệm vụ liên quan thiết lập, vận hành, giám sát máy móc được dùng để giết mổ động vật, cắt thịt từ xác động vật hay nướng, đông lạnh, hun nhiệt, nghiền trộn, chế biến các loại thực phẩm, đồ uống,…
- Công việc chính của thợ vận hành máy sản xuất thực phẩm:
+ Vận hành, giám sát máy móc được sử dụng để kiềm chế, gây choáng, giết mổ động vật và để cắt thịt, cá theo tiêu chuẩn.
+ Thiết lập, vận hành và giám sát máy móc và lò nướng để trộn, nướng và chế biến hành mì, sản phẩm bánh kẹo khác.
+ Vận hành máy móc nghiền, trộn nấu và lên men ngũ cốc, trái cây để sản xuất bia và sản phẩm liên quan.
+ Vận hành thiết bị làm mứt, kẹo cứng.
+ Vận hành thiết bị đông lạnh, sấy khô, nướng, hun khói, tiệt trùng, cô đặc thực phẩm và chất lỏng để chế biến thức ăn.
+ Trộn, nghiền, tách thực phẩm và chất lỏng với các thiết bị khuấy, ép, sàng lọc.
- Một số yêu cầu đối với thợ vận hành máy sản xuất thực phẩm:
+ Có sự tập trung, cẩn thận và tỉ mỉ trong quá trình làm việc.
+ Cần sử dụng được nhiều thiết bị, máy móc và có khả năng lên kế hoạch để sử dụng các thiết bị, máy móc mình phụ trách đạt hiệu quả tối đa.
Câu 4: Đầu bếp trưởng là gì? Công việc chính của đầu bếp trưởng là gì? Nêu một số yêu cầu nghề nghiệp đối với đầu bếp trưởng.
Trả lời:
- Đầu bếp trưởng: là những người làm nhiệm vụ thiết kế thực đơn, tạo ra các món ăn và giám sát việc lập kế hoạch, tổ chức, chuẩn bị và nấu các bữa ăn trong khách sạn, nhà hàng, trên tàu thủy, tàu hỏa chở khách, gia đình riêng và các nơi ăn uống khác.
- Công việc chính của đầu bếp trưởng:
+ Lập kế hoạch, phát triển các công thức nấu ăn và thực đơn.
+ Ước lượng thực phẩm, chi phí lao động và đặt hàng cung cấp thực phẩm.
+ Giám sát chất lượng món ăn ở mọi giai đoạn, chuẩn bị và trình bày.
+ Hướng dẫn đầu bếp và nhân viên khác trong việc chuẩn bị, nấu ăn, trang trí và trình bày của thực phẩm.
+ Chuẩn bị gia vị, nấu các món ăn đặc sản và phức tạp.
- Một số yêu cầu đối với đầu bếp trưởng:
+ Cần khéo tay, sạch sẽ, nhanh nhẹn, có mắt thẩm mĩ tốt, nhạy cảm với mùi.
+ Có sự tỉ mỉ, kiên trì, khéo léo và sáng tạo trong công việc.
Câu 4: Người chuẩn bị đồ ăn nhanh là gì? Công việc chính của người chuẩn bị đồ ăn nhanh làm gì? Nêu một số yêu cầu nghề nghiệp đối với người chuẩn bị đồ ăn nhanh.
Trả lời:
- Người chuẩn bị đồ ăn nhanh: là những người làm nhiệm vụ chuẩn bị một số ít nguyên liệu, nấu và pha chế các thức ăn, đồ uống đơn giản. Họ có thể nhận đơn đặt hàng của khách hàng và phục vụ tại quầy hoặc bàn.
- Công việc chính của người chuẩn bị đồ ăn nhanh:
+ Chuẩn bị món ăn, đồ uống đơn giản hoặc chế biến sẵn như: bánh mì kẹp, khoai tây chiên,…
+ Rửa thái, đong và trộn thực phẩm để nấu.
+ Sử dụng thiết bị nấu ăn như lò nướng, nồi chiên.
+ Hâm nóng lại thức ăn đã chuẩn bị trước.
+ Làm sạch khu vực chuẩn bị thực phẩm, khu vực và dụng cụ nấu ăn.
+ Nhận thức và phục vụ món ăn, đồ uống tại các địa điểm ăn uống chuyên phục vụ nhanh và thức ăn mang theo.
- Một số yêu cầu đối với người chuẩn bị đồ ăn nhanh: thích nấu nướng, cẩn thận, kiên trì, tỉ mỉ trong công việc.
Câu 1: Theo em, thợ chế biến có phải người nấu ăn không?
Trả lời:
- Thợ chế biến không phải là người nấu ăn.
- Giải thích: Thợ chế biến là những người làm nhiệm vụ có liên quan đến việc xử lí nguyên liệu động vật, thực vật thành các mặt hàng thực phẩm để tiêu thụ cho con người và động vật; kiểm tra và đánh giá chất lượng thực phẩm trong quá trình chế biến một cách định kì; chuẩn bị, sơ chế nguyên liệu thực phẩm cho quá trình chế biến; chế biến thực phẩm thành các sản phẩm khác nhau theo nhu cầu; bảo quản thực phẩm chưa sử dụng; phân loại thực phẩm.
Câu 2: Tại sao có thể coi đầu bếp trưởng là người chỉ huy, chịu trách nhiệm toàn bộ khu bếp tại nơi làm việc của mình.
Trả lời:
- Đầu bếp trưởng là người chỉ huy, chịu trách nhiệm toàn bộ khu bếp tại nơi làm việc của mình.
- Giải thích: các công việc chính của đầu bếp là:
+ Lập kế hoạch, phát triển các công thức nấu ăn và thực đơn.
+ Ước lượng thực phẩm, chi phí lao động và đặt hàng cung cấp thực phẩm.
+ Giám sát chất lượng món ăn ở mọi giai đoạn, chuẩn bị và trình bày.
+ Hướng dẫn đầu bếp và nhân viên khác trong việc chuẩn bị, nấu ăn, trang trí và trình bày của thực phẩm.
+ Chuẩn bị gia vị, nấu các món ăn đặc sản và phức tạp.
Câu 1: Vì sao các ngành nghề liên quan đến chế biến thức phẩm ngày càng phát triển?
Trả lời:
Các ngành nghề liên quan đến chế biến thực phẩm ngày càng phát triển vì:
- Đón đầu xu thế hội nhập:
+ Nền kinh tế nước ta đang trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế với những bước tiến mạnh mẽ. Trong những năm qua, ngành nghề liên quan đến chế biến thức phẩm đang dần từng bước khẳng định vị thế của mình trong nền kinh tế Việt Nam cũng như nền kinh tế thế giới.
+ Ngành nghề liên quan đến chế biến thức phẩm đã mở rộng và đa dạng hóa mối quan hệ hợp tác với các nước để nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Thị trường lao động rộng mở với những vị trí tuyển dụng thích hợp.
- Thị trường rộng mở:
+ Nhu cầu về các sản phẩm sạch được chế biến an toàn và tinh tế đòi hỏi ngày càng nhiều.
+ Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia dẫn đầu về xuất khẩu sản phẩm nông sản, thủy - hải sản. Những sản phẩm chế biến sẵn vẫn chưa được khai thác hiệu quả và triệt để. Đây là cơ hội tốt cho người lao động các ngành nghề liên quan đến chế biến thức phẩm.
Câu 2: Em hãy nêu điểm khác biệt giữa đầu bếp trưởng và đầu bếp trưởng điều hành.
Trả lời:
Điểm khác biệt giữa đầu bếp trưởng và đầu bếp trưởng điều hành:
Điểm khác biệt | Bếp trưởng | Bếp trưởng điều hành |
Định nghĩa | Là người có toàn quyền kiểm soát các công việc của cơ sở nhà bếp. | Là người chịu trách nhiệm quản lý công việc chung của bộ phận bếp. |
Cấp bậc | Bếp trưởng đứng thứ hai trong hệ thống phân cấp trong nhà bếp. | Bếp trưởng điều hành đứng đầu trong cấu trúc quản lý nhà bếp. |
Vai trò | Trách nhiệm của bếp trưởng bao gồm giám sát nhân viên nhà bếp, lên thực đơn, sắp xếp đồ dùng cho nhà bếp và theo dõi ngân sách. | Đầu bếp điều hành chịu trách nhiệm định giá, lập kế hoạch và sửa đổi thực đơn, cũng như quản lý các hoạt động, các vấn đề liên quan đến món ăn khi phục vụ thực khách. |
Vai trò nấu ăn | Đảm nhận nhiệm vụ nấu ăn. | Không thực hiện công việc nấu ăn. |
Câu 3: Theo em, để trở thành một đầu bếp trưởng cần có những kĩ năng gì?
Trả lời:
Để trở thành một đầu bếp trưởng, cần có một số kĩ năng sau:
- Kĩ năng nấu ăn và chế biến thực phẩm: có kiến thức chuyên môn về các kĩ thuật chế biến món ăn để đảm bảo chất lượng của các món ăn.
- Kĩ năng về thực phẩm và dinh dưỡng: hiểu rõ về các loại thực phẩm, cách chọn lựa, bảo quản, các nguyên tắc dinh dưỡng để cân đối được thực đơn.
- Kĩ năng quản lý:
+ Có khả năng quản lý, điều hành và lãnh đạo đội ngũ nhân viên trong bếp.
+ Có khả năng giải quyết các vấn đề và xử lý tình huống khẩn cấp trong bếp.
- Kĩ năng giao tiếp: có khả năng giao tiếp tốt để có thể giao tiếp với nhân viên, khách hàng và các đối tác.
- Kĩ năng quản lý thời gian:
+ Có khả năng quản lý thời gian hiệu quả để đảm bảo các món ăn được chuẩn bị và chế biến đúng lúc.
+ Có khả năng tổ chức công việc để đảm bảo bếp hoạt động hiệu quả và đạt được mục tiêu kinh doanh.
Câu 4: Có ý kiến cho rằng “Nghề làm bếp là nghề mang tính nghệ thuật cao”. Em có đồng ý với ý kiến đó không. Vì sao?
Trả lời:
- Đồng tình với ý kiến “Nghề làm bếp là nghề mang tính nghệ thuật cao”.
- Giải thích: Người đầu bếp cũng là như người nghệ sỹ phải luôn luôn tìm tòi không ngừng, sáng tạo không ngừng để đem đến sự thưởng thức cho thực khách.
Câu 5: Theo em, người làm ngành nghề liên quan đến chế biến thực phẩm cần có sở thích gì?
Trả lời:
Người làm ngành nghề liên quan đến chế biến thực phẩm cần có sở thích:
- Thích chế biến, sáng tạo món ăn.
- Thích chia sẻ, tư vấn cho người khác về thực phẩm, chế biến thực phẩm và dinh dưỡng.
- Quan tâm nhiều về mối quan hệ giữa thực phẩm và sức khỏe khi lựa chọn mua, bảo quản và chế biến thực phẩm.
- Thích lắp đặt, vận hành và sửa chữa dụng cụ, thiết bị chế biến thực phẩm.
- Thích theo dõi, kiểm tra, giám sát các bước của quá trình chế biến.
- Thích khám phá, tìm tòi các món ăn mới và ghi chép lại công thức, các điểm cần lưu ý.
- Thích gặp gỡ, trao đổi và phục vụ ăn uống cho người khác.
- Thích chụp ảnh, đọc và bình luận về các món ăn.
- Thích biểu diễn và thể hiện kĩ năng pha chế.
- Thích sạch sẽ, cẩn thận, nghiêm túc trong việc thực hiện công việc.
Câu 1: Theo em, nghề đầu bếp có nhất thiết phải học đại học không?
Trả lời:
- Nghề đầu bếp không nhất thiết phải học đại học.
- Giải thích:
+ Nghề đầu bếp được đào tạo ở rất nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên cả nước.
+ Bậc đại học chưa có trường nào có mã ngành “Nghề bếp” hay “Đầu bếp”. Tuy nhiên, có các ngành học tương tự như “Quản trị chế biến món ăn”, “Kĩ thuật chế biến món ăn”.
+ Người lao động chỉ cần có đam mê, có khả năng nấu ăn, chịu được áp lực và năng khiếu là có thể đủ điều kiện để theo đuổi nghề đầu bếp.
Câu 2: Em hãy phân biệt đầu bếp chuyên nghiệp và nhân viên nấu ăn trong nhà hàng.
Trả lời:
Phân biệt đầu bếp chuyên nghiệp và nhân viên nấu ăn trong nhà hàng:
Điểm khác biệt | Đầu bếp chuyên nghiệp | Nhân viên nấu ăn trong nhà hàng |
Trình độ, tay nghề | - Được đào tạo bài bản từ cơ bản đến chuyên sâu trong lĩnh vực nấu nướng, ăn uống. - Trải qua quá trình học tập từ lí thuyết tới thực hành, được đánh giá và công nhận dựa trên các tiêu chí về cấp bậc nghiêm ngặt trước khi trở thành đầu bếp. - Quá trình học tập tương đối dài. | - Là người làm công việc trong không gian bếp, biết nấu nướng cơ bản để phục vụ cho công việc của nhà hàng. - Có thể là vừa học vừa làm hoặc đang bắt đầu từ những công việc cơ bản trong khu bếp của nhà hàng. - Không có chứng chỉ hay bằng cấp chuyên môn về nghiệp vụ nấu ăn. |
Kinh nghiệm đứng bếp | Có nhiều cơ hội ứng tuyển vào các nhà hàng, khách sạn, trung tâm hội nghị lớn. | - Làm việc cho những quán ăn, nhà hàng nhỏ. - Các kiến thức nấu ăn của họ hầu hết là học hỏi công thức trên mạng, qua người khác. - Món ăn của nhân viên nấu ăn không có sự đột phá, sáng tạo trong khâu trình bày. |
Cấp bậc, phân chia quyền hạn | - Đầu bếp trưởng: quản lý và chỉ huy toàn bộ bộ phận bếp. - Đầu bếp phó: quản lý và điều hành công việc ở một khu vực nhất định trong bếp, có quyền quyết định trong trường hợp bếp trưởng vắng mặt. | - Làm việc dưới quyền của đầu bếp. - Học hỏi kiến thức, kinh nghiệm và nghiệp vụ của đầu bếp. |
Nhiệm vụ và yêu cầu công việc | - Lên thực đơn, sáng tạo ra các món ăn. - Thiết lập nội quy cho nhà bếp. - Kiểm soát chi phí nguyên vật liệu, hướng dẫn và giám sát công việc của cấp dưới. - Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. | - Đảm nhận các công việc: dọn dẹp bếp, chuẩn bị nguyên liệu, sơ chế nguyên liệu và thực hiện các món ăn theo công thức sẵn có cho thực đơn đơn giản. - Làm việc theo sự sắp xếp và chỉ đạo của đầu bếp, quản lý trong nhà hàng. |
Câu 3: Sưu tầm trên sách, báo, internet và giới thiệu thêm một số ngành nghề liên liên quan đến chế biến thực phẩm.
Trả lời:
Một số ngành nghề khác liên liên quan đến chế biến thực phẩm:
- Nhà chuyên môn về dinh dưỡng:
+ Đánh giá, lập kế hoạch, thực hiện chương trình dinh dưỡng để tăng cường tác động của thực phẩm và dinh dưỡng đối với sức khỏe con người.
+ Làm việc tại bệnh viện, phòng khám y tế công cộng, trung tâm chăm sóc sức khỏe, viện nghiên cứu dinh dưỡng, trung tâm ý tế dự phòng, chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm, trung tâm thể hình, thể dục thể thao.
- Nhà chuyên môn về giảng dạy:
+ Chuẩn bị và cung cấp bài giảng, giảng dạy, nghiên cứu và công bố các kết quả nghiên cứu khoa học (bài báo, sản phẩm).
+ Làm việc ở các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, trung học phổ thông.
- Bồi bàn và nhân viên pha chế: phục vụ thức ăn, đồ uống ở những địa điểm kinh doanh ăn uống, câu lạc bộ, căng tin trên tàu thủy, tàu hỏa chở khách hoặc những nơi ăn uống khác.
- Hướng dẫn viên ẩm thực: hướng dẫn cho du khách có thể thao tác từ sơ chế đến hoàn thành món ăn hoặc giới thiệu cách thức để hoàn thiện món ăn của địa phương.
- Nhà đánh giá ẩm thực: chia sẻ những hình ảnh, clip cảm nhận của bản thân về chất lượng món ăn đã dùng thử, địa điểm, không gian, thái độ của nhân viên phục vụ tại cơ sở đó.
- Nhà phê bình ẩm thực: đánh giá chi tiết chất lượng nguyên liệu, đồ ăn, thức uống, cách trình bày món ăn, đầu bếp, dịch vụ, thái độ phục vụ của cơ sở kinh doanh ẩm thực,…từ đó đưa ra đề xuất cho độc giả. Cập nhật xu hướng ẩm thực mới trong nước và quốc tế.