Giải chi tiết GDCD 8 cánh diều mới bài 2: Tôn trọng sự đa dạng của dân tộc

Giải bài 2 Tôn trọng sự đa dạng của dân tộc sách GDCD 8 cánh diều. Phần đáp án chuẩn, hướng dẫn giải chi tiết cho từng bài tập có trong chương trình học của sách giáo khoa. Hi vọng, các em học sinh hiểu và nắm vững kiến thức bài học.

MỞ ĐẦU

      Mỗi quốc gia dân tộc trên thế giới đều có những đặc điểm khác biệt, được thể hiện ở điều kiện tự nhiên, lịch sử hình thành, phương thức sinh hoạt, chủng tộc, sắc tộc, văn hóa,... Điều đó đã tạo nên sự đa dạng của các dân tộc và các nền văn hóa trên thế giới.

Em hãy đoán tên các quốc gia dựa trên những biểu tượng văn hóa - lịch sử của các quốc gia đó qua các hình dưới đây:

Giải công dân 8 Cánh diều mới

Hướng dẫn trả lời:

  • Hình ảnh 1: Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh - Việt Nam

  • Hình ảnh 2: Núi Phú Sĩ - Nhật Bản

  • Hình ảnh 3: Tháp Eiffel - Pháp

  • Hình ảnh 4: Tượng Nữ thần tự do - Mỹ

KHÁM PHÁ

1. Biểu hiện sự đa dạng của các dân tộc và các nền văn hoá trên thế giới.

Em hãy đọc thông tin và trả lời câu hỏi

      Thông tin 1. Ngày 16/11/1995, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên hợp quốc (UNESCO) đã thông qua Ngày Quốc tế Khoan dung và lấy ngày 16/11 hằng năm để kỉ niệm Ngày Quốc tế Khoan dung. Đại diện của 185 quốc gia đã kí vào bản Tuyên bố đưa ra tại Hội nghị toàn thể lần thứ 28 của UNESCO, theo đó cam kết: “Tôn trọng, chấp nhận và hiểu đúng sự đa dạng, phong phủ các nền văn hoá của thế giới, những hình thức tự biểu hiện và những khả năng thể hiện cá tính của con người". Các quốc gia cũng công nhận một thực tế là con người khác nhau về hình dáng bên ngoài, địa vị, lời nói, cách ứng xử và các giá trị, song đều có quyền được sống trong hoà bình và duy trì cá tính của riêng mình.

(Theo dangcongsan.vn, Ngày Quốc Tế Khoan Dung. 16/11/2014)

       Thông tin 2. Trang phục của mỗi quốc gia trong cộng đồng ASEAN chứa dựng những nét văn hoá khác nhau, thể hiện bản sắc của đất nước.

       Với người Cam-pu-chia, trang phục truyền thống có tên gọi là Sam-pot. Trang phục này có nhiều loại khác nhau thể hiện nét riêng của mỗi vùng miền, Sam-pot thường là một tấm lụa dài và rộng được dùng để quấn xung quanh thắt lưng, giúp tôn dáng người phụ nữ khi mặc và được sử dụng như trang phục gia truyền trong nhà, trong tiệc cưới, ma chay, trong dón năm mới. Sự dộc đáo về trang phục truyền thống của người Sin-ga-po chính là Ba-ju Ke-ba-ya. Trang phục này gồm váy và một chiếc áo dài được trang trí công phu với hoa văn tôn lên vẻ e lệ, nhu mì cho người con gái. Ngày nay, trang phục này được cách tân khi kết hợp áo với quần bò hoặc chân váy ngắn để sử dụng rộng rãi hơn trong cuộc sống hằng ngày. Trang phục truyền thống của người Lào rất đặc biệt, có tên gọi là Sinh (dành cho nữ giới) và Sa-long (dành cho nam giới). Trang phục được thiết kế với với nhiều màu sắc khác nhau để phù hợp với hoàn cảnh cũng như những ngày lễ truyền thống.

(Theo Quang Vinh, Khám phá nét đẹp trang phục truyền thống các quốc gia ASEAN, Tạp chí con số sự kiện, Kì I+II, 01/2022)

Câu hỏi:

a) Theo em, sự đa dạng của các dân tộc và các nền văn hóa trên thế giới được biểu hiện như thế nào trong các thông tin trên?

b) Hãy kể thêm những biểu hiện khác về sự đa dạng của các dân tộc và các nền văn hóa trên thế giới mà em biết.

Hướng dẫn trả lời:

a)

  • Thông tin 1: sự đa dạng của các dân tộc và các nền văn hóa trên thế giới được biểu hiện ở hình dáng bên ngoài, địa vị, lời nói, cách ứng xử và các giá trị.

  • Thông tin 2: sự đa dạng của các dân tộc và các nền văn hóa trên thế giới được biểu hiện ở trang phục truyền thống.

b) Những biểu hiện khác về sự đa dạng của các dân tộc và các nền văn hóa trên thế giới: chủng tộc, lịch sử hình thành, phát triển, ngôn ngữ, chữ viết, màu da, ẩm thực,....

2. Ý nghĩa của việc tôn trọng sự đa dạng của các dân tộc và các nền văn hoá trên thế giới.

Em hãy đọc thông tin và trả lời câu hỏi

     Thông tin 1. Tuyên ngôn thế giới về đa dạng văn hoá năm 2001

Điều 3 (trích)

     Đa dạng văn hoá mang đến nhiều cơ hội lựa chọn hơn cho tất cả mọi người, nó là một trong những căn nguyên của phát triển, được hiểu không chỉ dưới góc độ tăng trưởng kinh tế đơn thuần mà còn được hiểu như một phương tiện đạt được sự tồn tại mãn nguyện hơn về trí tuệ, tình cảm, đạo đức cũng như tinh thần.

      Thông tin 2. Trong thời kì dịch bệnh COVID-19, dù bị tác động không nhỏ bởi dịch bệnh, nhưng cách Việt Nam ứng xử thân thiện, hết mình với công dân các quốc gia khác đã thể hiện giá trị văn hoá của con người Việt Nam như sự cởi mở, bao dung, không hợp hòi, kì thị. Người nước ngoài đến Việt Nam du lịch hay công tác, bị nhiễm COVID-19 đều được đội ngũ y, bác sĩ, chuyên gia y tế điều trị tận tình, chu đáo. Chính phủ cũng đã chỉ thị nghiêm cấm các hành vi phân biệt đối xử, từ chối phục vụ người nước ngoài trong thời gian xảy ra dịch bệnh. Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam đã gửi lời cảm ơn chân thành tới Chính phủ và các y, bác sĩ Việt Nam dã hỗ trợ, giúp công dân Anh trong thời gian dịch bệnh. Bằng chính sách tôn trọng đa dạng văn hoá, Việt Nam đã chủ động và có trách nhiệm hợp tác góp phần xây dựng nhận thức sâu dậm trong cộng đồng quốc tế về một dất nước Việt Nam đổi mới thành công.

(Theo Lê Thị Thảo Trang. Vai trò của ngoại giao văn hoá đối với Việt Nam trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Tạp chí khoa học Đại học Sài Gòn, số 78 (8/2021), 78-9)

Câu hỏi:

a) Từ thông tin 1, em hãy phân tích ý nghĩa của việc tôn trọng sự đa dạng của các dân tộc và các nền văn hoá trên thế giới.

 

b) Từ thông tin 2, theo em, việc tôn trọng sự đa dạng các dân tộc và các nền văn hoá trên thế giới mang lại những lợi ích gì cho Việt Nam.

Hướng dẫn trả lời:

a) Ý nghĩa của việc tôn trọng sự đa dạng của các dân tộc và các nền văn hoá trên thế giới: tôn trọng sự đa dạng của các dân tộc và các nền văn hóa trên thế giới sẽ làm cho văn hóa nhân loại thêm phong phú, đặc sắc; tạo nền tảng để các dân tộc trên thế giới giao lưu, học hỏi, hợp tác với nhau; giúp cho các nước có cơ hội vươn lên phát triển, góp phần thực hiện bình đẳng giữa các dân tộc và bảo vệ nền hòa bình trên thế giới.

 

b) Tôn trọng sự đa dạng các dân tộc và các nền văn hoá trên thế giới giúp Việt Nam tạo động lực phát triển kinh tế, nhằm hỗ trợ việc cải thiện trình độ sức khỏe và tiêu thụ của dân cư, cũng như tăng cường độ sôi nổi của các công việc nghiên cứu khoa học và công nghệ. Tôn trọng sự đa dạng các dân tộc và nền văn hoá cũng thúc đẩy sự phát triển của kinh doanh, cộng tác văn hoá và giao lưu quốc tế. Những lợi ích này cũng giúp gia tăng sự tôn trọng và quan tâm đến các địa phương, các dân tộc, các nền văn hoá khác nhau trên toàn thế giới.

3. Thực hiện tôn trọng sự đa dạng của các dân tộc và các nền văn hoá trên thế giới

Em hãy đọc các tình huống và trả lời câu hỏi

     Tình huống 1. Học sinh lớp 8A tranh luận về những việc làm thể hiện tôn trọng sự đa dạng các dân tộc và các nền văn hoá trên thế giới. L cho rằng: Cần chủ động tìm hiểu nền văn hoá của các nước khác để có cách giao tiếp, ứng xử phù hợp. H đồng tỉnh với L và bổ sung thêm: Nên tích cực giao lưu, học hỏi các nền văn hoá trên thế giới. Ngược lại, B cho rằng không nên học hỏi các nền văn hoá trên thế giới, bởi vì điều này sẽ làm cho mỗi quốc gia mất đi bản sắc riêng.

     Tình huống 2. Bạn T cho rằng chỉ nên học tập, tiếp thu văn hoá của các nước phát triển. Với những nước nghèo, lạc hậu, chậm phát triển thì không có gì đáng học tập, không cần tôn trọng. Bạn thân của T phản đối vì cho rằng mỗi quốc gia, dân tộc đều đáng được tôn trọng, cho dù khác nhau về trình độ phát triển.

Câu hỏi:

a) Em nhận xét như thế nào về ý kiến của các nhân vật trong mỗi tình huống trên?

b) Hãy kể về một việc em đã làm thể hiện tôn trọng sự đa dạng của các dân tộc và các nền văn hóa trên thế giới.

Hướng dẫn trả lời:

a)

  • Tình huống 1: Ý kiến của H và L đúng, của B không đúng vì học hỏi các nền văn hóa trên thế giới phải có sự chọn lọc và tiếp thu, cùng với đó phải giữ gìn được bản sắc dân tộc.
  • Tình huống 2: Ý kiến của T là không đúng. Vì mỗi quốc gia đều có bản sắc và giá trị văn hóa riêng, đều có ưu điểm và hạn chế. Do vậy, không nên chê bai, phân biệt bất kì nền văn hóa của một quốc gia nào.

 

b) Một việc em đã làm thể hiện tôn trọng sự đa dạng của các dân tộc và các nền văn hóa trên thế giới: học hỏi và tiếp thu sự du nhập văn hóa nước ngoài vào Việt Nam như ăn mặc, giao tiếp.

LUYỆN TẬP

Bài tập 1: Em đồng ý hay không đồng ý với nhận định nào dưới đây? Vì sao?

A. Tất cả các dân tộc tạo nên sự đa dạng và giàu có của những nền văn minh và văn hoá, tạo nên di sản chung của loài người.

B. Các dân tộc chỉ thể hiện bản sắc, giá trị văn hoá của mình thông qua lễ hội, phong tục, tập quán cổ truyền.

C. Sự đa dạng về ngôn ngữ và chữ viết sẽ làm cho việc giao lưu giữa các quốc gia khó khăn hơn, do đó, cần loại bỏ một số ngôn ngữ và thống nhất một loại chung cho tất cả các quốc gia.

D. Không có nền văn hoá lớn và nền văn hoá nhỏ, chỉ có các nền văn hoá khác nhau.

E. Nhận xét, đánh giá người khác dựa trên cơ sở sắc tộc là không tôn trọng sự đa dạng giữa các dân tộc.

Hướng dẫn trả lời:

  • Em đồng ý với nhận định A, D, E bởi vì những nhận định đó được thể hiện ở ý nghĩa, biểu hiện của sự đa dạng của các dân tộc và các nền văn hóa trên thế giới.
  • Em không đồng ý với nhận định B, C. Bởi vì các dân tộc thể hiện bản sắc ở rất nhiều phương diện như phương thức sinh hoạt, ngôn ngữ, chữ viết, trang phục, ẩm thực.... không phải chỉ thông qua lễ hội, phong tục, tập quán cổ truyền.

Bài tập 2: Em hãy lấy ví dụ về bản sắc văn hóa của một dân tộc mà em biết và việc tôn trọng bản sắc văn hóa dân tộc đó.

Hướng dẫn trả lời:

Ví dụ về bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam: Con gái Việt Nam vẫn gìn giữ trang phục truyền thống “áo dài.

Ý nghĩa của việc tôn trọng bản sắc văn hóa dân tộc: 

      Áo dài Việt Nam đã trải qua nhiều thăng trầm trong lịch sử và ngày càng khẳng định là bộ trang phục đại diện cho sắc phục Việt Nam, do người Việt Nam sáng tạo mà thành. Áo dài giờ đây không chỉ là biểu tượng cho hình ảnh người phụ nữ Việt Nam, mà còn đại diện cho văn hóa Việt Nam, bản sắc dân tộc Việt Nam.

 

     Trải qua các giai đoạn phát triển với những cải biến, thay đổi, làm mới, chiếc áo dài Việt Nam đang vượt qua mọi thử thách để bảo lưu các giá trị truyền thống, hướng tới trở thành một thứ “quốc phục”, một biểu tượng của văn hóa Việt Nam, góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam rộng rãi khắp thế giới.

Bài tập 3: Em sẽ làm gì để thể hiện việc tôn trọng sự đa dạng của các dân tộc trong mỗi trường hợp dưới đây?

A. Chứng kiến một số bạn trong lớp có lời nói và hành động thể hiện sự kì thị văn hoá giữa các dân tộc.

B. Thấy bạn của mình nhận xét không đúng về trang phục của các dân tộc khác.

Hướng dẫn trả lời:

A. Nếu chứng kiến một số bạn trong lớp có lời nói và hành động thể hiện sự kì thị văn hoá giữa các dân tộc em sẽ:

  1. Thông báo cho giáo viên hoặc những người điều hành trong lớp.

  2. Đề xuất cho giáo viên hay những người điều hành giảng dạy một cuộc thảo luận về sự đa dân tộc trong lớp.

  3. Giải thích cho các bạn hiểu về hậu quả của sự kì thị văn hóa giữa các dân tộc.

B. Nếu thấy bạn của mình nhận xét không đúng về trang phục của các dân tộc khác em sẽ: Giải thích cho các bạn hiểu về hành vi của các bạn là sai, bởi trang phục truyền thống là một biểu trưng của văn hoá, góp phần phản ánh phong tục, tập quán, vẻ đẹp và bản sắc riêng của mỗi dân tộc.

Bài tập 4: Em hãy xử lí các tỉnh huống sau:

a. Công ty A kí kết hợp tác với một công ty nước ngoài. Khi các nhân viên của công ty nước ngoài tới làm việc tại Công ty A thì một số nhân viên có ý né tránh tiếp xúc.

Em hãy nhận xét hành vi của một số nhân viên Công ty A. Nếu là đồng nghiệp của các nhân viên này, em sẽ ứng xử như thế nào?

b. M rất thích tìm hiểu về các nền văn hoá khác nhau của các dân tộc trên thế giới. M mong muốn khi có điều kiện sẽ đến nhiều quốc gia để khám phá về văn hoá và giới thiệu những nét đặc sắc của văn hoá Việt Nam.

Em nhận xét gì về sở thích, mong muốn của M?

Theo em, M nên làm gì để thực hiện mong muốn của mình?

Hướng dẫn trả lời:

a. Hành vi của một số nhân viên Công ty A tránh tiếp xúc với nhân viên của công ty nước ngoài không phải hành vi tốt. Nếu là đồng nghiệp của các nhân viên này, em sẽ ứng xử bằng cách thống nhất và đề nghị họ lập tức thay đổi hành vi của họ để có một môi trường làm việc thân thiện và bền vững.

 

b. Sở thích và mong muốn của M để khám phá và giới thiệu về văn hoá Việt Nam là rất tích cực và thú vị. Theo em, M nên tự học về văn hóa các nền khác nhau trước khi đi du lịch, tìm hiểu về các biểu tượng văn hoá của quốc gia bạn sẽ đến, và nếu có thể học hỏi một ngôn ngữ của quốc gia đó để tạo kết nối.

VẬN DỤNG

Bài tập 1: Em cùng các bạn hãy thiết kế báo tường hoặc tập san về chủ đề: Tôn trọng sự đa dạng ẩm thực của các dân tộc trên thế giới.

Hướng dẫn trả lời:

  • Cùng các bạn hãy thiết kế báo tường hoặc tập san về chủ đề: Tôn trọng sự đa dạng ẩm thực của các dân tộc trên thế giới.

Bài tập 2: Em hãy viết một bài thể hiện ý kiến của mình đối với việc kì thị, phân biệt chủng tộc, văn hóa.

Hướng dẫn trả lời:

  • Phân biệt chủng tộc đã và đang trở thành một thách thức lớn của nhân loại. Vậy, nguyên nhân của hiện tượng này là gì? Nó tác động như thế nào tới cuộc sống của chúng ta? Trước hết , nạn phân biệt chủng tộc xuất phát từ sự thiếu tôn trọng, đồng cảm, sẻ chia giữa con người với con người. Từ sự coi thường, khinh bỉ mà một bộ phận người da trắng dành cho cộng đồng gốc Phi đến nỗi dè chừng mà phương Tây dành cho những người Hồi giáo, ở đâu ta cũng có thể bắt gặp lí do này. Chúng ta đều không thể phủ nhận những hậu quả khủng khiếp mà hiện tượng này đem tới. Ngay trong lòng nước Mĩ – quốc gia nổi tiếng với nền dân chủ hàng đầu thế giới – mầm bệnh phân biệt chủng tộc vẫn chưa được đẩy lùi, đe dọa an ninh, hòa bình của họ. Cách đây không lâu, vào nửa cuối tháng 8/2017, sau sự kiện ở Virginia, hàng loạt cuộc biểu tình quy mô lớn đã diễn ra trên khắp nước Mĩ trong nhiều ngày để chống lại vấn nạn này. Thậm chí, nó còn gây tác động tới cả hệ thống hành pháp, buộc Tổng thống Donald Trump phải giải thể Hội đồng Kinh tế do chính mình lập nên… Chỉ qua một ví dụ, ta có thể thấy, phân biệt chủng tộc có thể chia rẽ sự đoàn kết của cả một dân tộc, thậm chí trở thành lí do bùng phát bạo loạn, nội chiến. Đứng trước hiện tượng này, tất cả chúng ta cần sống yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, dùng lòng vị tha và sự tôn trọng giải quyết mọi bất đồng. Bất giác, tôi chợt nhớ đến câu nói trích từ Bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Mĩ: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền tự do và bình đẳng”. Thật vậy, dù mang trong mình màu da nào, không ai trong chúng ta đáng bị coi thường và phân biệt đối xử.
Tìm kiếm google: Giải GDCD 8 cánh diều bài 2, giải GDCD 8 sách cánh diều bài 2, Giải bài 2 Tôn trọng sự đa dạng của dân tộc, Tôn trọng sự đa dạng của dân tộc

Xem thêm các môn học


Copyright @2024 - Designed by baivan.net