Bài 1: Nội dung nào dưới đây không nói về quyền tham gia quản lí nhà nước và xã hội của công dân?
A. Công dân tham gia thảo luận các vấn đề chung của đất nước.
B. Công dân tham gia bộ máy nhà nước và tổ chức xã hội.
C. Công dân có quyền kiến nghị với các cơ quan nhà nước về xây dựng bộ máy nhà nước.
D. Công dân được sống một cuộc sống an toàn, lành mạnh.
Hướng dẫn trả lời:
Đáp án đúng là: D
- Quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội là quyền của công dân trong tham gia bộ máy nhà nước và tổ chức xã hội, thảo luận các công việc chung của đất nước, của địa phương, của cơ quan, đơn vị, tổ chức; quyền kiến nghị với các cơ quan nhà nước về xây dựng bộ máy nhà nước, xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương và đất nước.
Bài 2: Khẳng định nào sau đây là đúng về quyền tham gia quản lí nhà nước và xã hội của công dân?
A. Quyền tham gia quản lí nhà nước và xã hội là quyền dân chủ của công dân.
B. Quyền tham gia quản lí nhà nước và xã hội là quyền bình đẳng của công dân.
C. Quyền tham gia quản lí nhà nước và xã hội là quyền tự do của công dân.
D. Quyền tham gia quản lí nhà nước và xã hội là quyền tự nhiên của công dân.
Hướng dẫn trả lời:
Đáp án đúng là: A
Quyền tham gia quản lí nhà nước và xã hội là một trong những quyền dân chủ cơ bản của công dân.
Bài 3: Hành vi nào sau đây không thể hiện nội dung quyền tham gia quản lí nhà nước và xã hội của công dân?
A. Công dân tham gia đảm bảo an ninh trật tự.
B. Công dân giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật.
C. Công dân thực hiện quyền bầu cử.
D. Công dân được bảo đảm các thông tin cá nhân.
Hướng dẫn trả lời:
Đáp án đúng là: D
- Nội dung quyền tham gia quản lí nhà nước và xã hội của công dân:
+ Công dân tham gia đảm bảo an ninh trật tự, góp phần phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội ở địa phương.
+ Công dân giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật.
+ Công dân thực hiện quyền bầu cử, tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội hoặc đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; tham gia thảo luận, cho ý kiến trực tiếp đối với các vấn đề ở tầm quốc gia khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân;….
Bài 4: Hành vi nào sau đây thể hiện việc thực hiện quyền tham gia quản lí nhà nước và xã hội của công dân?
A. Anh T tham gia góp ý Dự thảo Hiến pháp.
B. Ông D được bảo hộ về tính mạng, sức khoẻ.
C. Chị M được ông K xin lỗi vì hành vi nói xấu chị trên mạng xã hội.
D. Bạn V đã gửi trả nguyên vẹn bức thư của người khác.
Hướng dẫn trả lời:
Đáp án đúng là: A
Hành vi tham gia góp ý Dự thảo Hiến pháp của anh T đã thể hiện việc thực hiện quyền tham gia quản lí nhà nước và xã hội của công dân.
Bài 5: Quyền nào dưới đây là quyền tham gia quản lí nhà nước và xã hội của công dân?
A. Quyền có nơi ở hợp pháp.
B. Quyền Giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước.
C. Quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp.
D. Quyền được bảo đảm an sinh xã hội.
Hướng dẫn trả lời:
Đáp án đúng là: B
Giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước là một trong những hành động thể hiện quyền tham gia quản lí nhà nước và xã hội của công dân
Bài 6: Hành vi đấu tranh với thói quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng, lãng phí và những hiện tượng tiêu cực trong bộ máy nhà nước của công dân là thực hiện quyền nào dưới đây?
A. Quyền bình đẳng của công dân.
B. Quyền tham gia quản lí nhà nước và xã hội.
C. Quyền tự do của công dân.
D. Quyền được sống trong môi trường lành mạnh.
Hướng dẫn trả lời:
Đáp án đúng là: B
Hành vi đấu tranh với thói quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng, lãng phí và những hiện tượng tiêu cực trong bộ máy nhà nước của công dân là thực hiện quyền tham gia quản lí nhà nước và xã hội.
Bài 7: Ở phạm vi cơ sở, quyền tham gia quản lí nhà nước và xã hội của công dân được thể hiện ở nội dung nào?
A. Biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân.
B. Góp ý kiến xây dựng các văn bản pháp luật.
C. Thảo luận các vấn đề trọng đại của đất nước.
D. Tham gia quyết định trực tiếp những vấn đề liên quan đến đời sống.
Hướng dẫn trả lời:
Đáp án đúng là: D
Ở phạm vi cơ sở, quyền tham gia quản lí nhà nước và xã hội của công dân được thể hiện ở nội dung: tham gia quyết định trực tiếp những vấn đề liên quan đến đời sống.
Bài 8: Nội dung nào sau đây không phải là ý nghĩa của quyền tham gia quản lí nhà nước và xã hội của công dân?
A. Góp phần xây dựng bộ máy nhà nước.
B. Thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.
C. Phát huy sức mạnh của nhân dân.
D. Đảm bảo quyền sở hữu cho công dân.
Hướng dẫn trả lời:
Đáp án đúng là: D
- Ý nghĩa của quyền tham gia quản lí nhà nước và xã hội của công dân:
+ Góp phần xây dựng bộ máy nhà nước.
+ Thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.
+ Phát huy sức mạnh của nhân dân.
Bài 9: Nội dung nào sau đây không phải là hậu quả của hành vi vi phạm quyền tham gia quản lí nhà nước và xã hội của công dân?
A. Không phát huy được ý thức và vai trò làm chủ của bản thân.
B. Làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
C. Bôi xấu hoạt động của Nhà nước trên không gian mạng.
D. Phải chịu trách nhiệm pháp lí về những hành vi vi phạm.
Hướng dẫn trả lời:
Đáp án đúng là: C
- Hậu quả của hành vi vi phạm quyền tham gia quản lí nhà nước và xã hội của công dân:
+ Không phát huy được ý thức và vai trò làm chủ của bản thân.
+ Làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
+ Phải chịu trách nhiệm pháp lí về những hành vi vi phạm.
Bài 10: Đọc thông tin
CÔNG DÂN GƯƠNG MẪU
Hôm nay, thôn của ông Đức đã được xã tổ chức tiến hành họp dân về nội dung Nhà nước thu hồi đất để xây dựng trường tiểu học. Trong quá trình họp, xã đã thông báo điểm trường tiểu học mới sẽ được xây dựng trên mảnh đất nhà ông Đức. Đồng thời, xã cũng đã đưa ra phương án đền bù cho gia đình ông Đức theo quy định của pháp luật. Sau khi nghe xong, ông Đức đã có ý kiến:
- Tôi đồng ý với việc thu hồi đất của xã vì đây là chủ trương đúng đắn. Việc đền bù thu hồi đất tôi cũng đã tìm hiểu và nhận thấy xã đã thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Nhưng tôi cũng có những băn khoăn cần được giải đáp. Cụ thể:
+ Việc xây dựng trường sẽ được tiến hành khi nào?
+ Nhân dân trong xã có phải tham gia đóng góp trong việc xây dựng trường không? Nếu đóng góp thì mức dự kiến là bao nhiêu?
Trước những thắc mắc của ông Đức, chủ tịch xã đã có những giái đáp cụ thể: Việc xây dựng trường sẽ được tiến hành ngay sau khi bà con trong thôn đồng ý với phương án quy hoạch của xã.
- Về đóng góp xây dựng trường, bên cạnh ngân sách của Nhà nước, xã cũng đã lên kế hoạch xây dựng và xin ý kiến các cấp trên, dự kiến mỗi hộ gia đình sẽ đóng thêm 200 000 đồng. Tuy nhiên, khoản đóng góp này còn xin ý kiến của nhân dân và có một ban thanh tra sẽ theo dõi việc xây dựng trường.
Ông Đức và bà con hoàn toàn nhất trí với dự kiến kinh phí đóng góp thực hiện xây trường. Bên cạnh ý kiến của ông Đức cũng có nhiều ý kiến của bà con nhân dân trao đổi về việc đặt tên trường, tiến độ hoàn thành việc xây dựng,... đều được Uỷ ban nhân dân xã tiếp thu và giải đáp.
a) Em hãy nhận xét thái độ, hành vi của ông Đức trong câu chuyện trên.
b) Em rút ra được bài học gì cho bản thân về trách nhiệm của công dân trong thực hiện quyền và nghĩa vụ tham gia quản lí nhà nước và xã hội?
Hướng dẫn trả lời:
a) Thái độ, hành vi của ông Đức trong câu chuyện trên cho thấy ông Đức đã thực hiện đúng quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ tham gia quản lí nhà nước và xã hội của công dân.
b) Bài học: cần nghiêm túc tuân thủ các quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ tham gia quản lí nhà nước và xã hội của công dân.
Bài 11: Đến ngày bầu cử Hội đồng nhân dân cấp xã, mặc dù gia đình đã giải thích rất rõ nhưng chị K (18 tuổi) vẫn nhất định không đi bỏ phiếu với lí do là đang đi học không cần phải tham gia bầu cử.
a) Em hãy nhận xét hành vi của chị K.
b) Nếu là bạn của chị K, em sẽ giải thích như thế nào để chị K thực hiện quyền và nghĩa vụ tham gia quản lí nhà nước và xã hội theo quy định của pháp luật?
Hướng dẫn trả lời:
a) Hành vi của chị K là không đúng, chị K chưa thực hiện tốt quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ tham gia quản lí nhà nước và xã hội của công dân.
b) Nếu là bạn của chị K, em sẽ giải thích với chị K rằng: pháp luật Việt Nam quy định: công dân từ đủ 18 tuổi trở lên có quyền tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; việc tham gia bầu cử là quyền và nghĩa vụ của mỗi công dân.
Bài 12: Căn cứ vào nội dung của bản Dự thảo hương ước của thôn, anh Q đã nghiên cứu, trực tiếp đóng góp ý kiến trong các buổi họp dân. Đồng thời, anh Q còn tham gia biểu quyết nội dung của bản Dự thảo hương ước sau khi đã được chỉnh sửa dựa trên góp ý của nhân dân trong thôn.
Em hãy nhận xét hành vi của anh Q trong việc thực hiện quyền tham gia quản li nhà nước và xã hội ở trường hợp trên.
Hướng dẫn trả lời:
- Hành vi của ông Q trong trường hợp trên cho thấy anh Q đã thực hiện đúng quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ tham gia quản lí nhà nước và xã hội của công dân.
Bài 13: Trong quá trình Hội đồng nhân dân xã X tổ chức lấy ý kiến về Dự thảo chính sách phát triển kinh tế của tỉnh, nhiều người dân đã tích cực tham gia đóng góp ý kiến và bổ sung vào bản Dự thảo. Tuy nhiên, khi viết báo cáo tổng hợp ý kiến, ông V là cán bộ xã lại bỏ qua các nội dung góp ý và bổ sung của nhân dân. Do đó, các ý kiến góp ý và bổ sung của nhân dân đã không được lãnh đạo cấp trên ghi nhận để điều chỉnh Dự thảo cho phù hợp với tình hình thực tế.
Em hãy nhận xét hành vi của ông V và người dân trong tham gia quản lí nhà nước và xã hội.
Hướng dẫn trả lời:
- Người dân xã X đã thực hiện đúng quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ tham gia quản lí nhà nước và xã hội của công dân.
- Ông V đã vi phạm quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ tham gia quản lí nhà nước và xã hội của công dân.
Bài 14: Trường của Minh tổ chức lấy ý kiến học sinh về Dự thảo Luật Trẻ em theo hướng dẫn của cơ quan cấp trên. Minh rất tích cực tham gia vì cho rằng đó là trách nhiệm của công dân. Tuy nhiên, Hoa là bạn cùng lớp với Minh lại không muốn tham gia với lí do việc ban hành luật đã có các cơ quan chức năng trong bộ máy nhà nước nghiên cứu và thực hiện.
a) Em hãy nhận xét thái độ, hành vi của Minh.
b) Nếu là Minh, em sẽ giải thích như thế nào để Hoa nhận thức được quyền và trách nhiệm của bản thân trong tham gia xây dựng các văn bản pháp luật?
Hướng dẫn trả lời:
a) Bạn Minh đã thực hiện đúng quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ tham gia quản lí nhà nước và xã hội của công dân.
b) Nếu là Minh, em sẽ giải thích cho Hoa hiểu về quyền và nghĩa vụ tham gia quản lí nhà nước và xã hội của công dân được quy định trong Hiến pháp và các văn bản pháp luật. Em cũng có thể sẽ thuyết phục Hoa tham gia đóng góp ý kiến về Dự thảo Luật Trẻ em để Hoa thấy được trách nhiệm công dân của mình.
Bài 15: Anh H (20 tuổi) băn khoăn không biết mình có quyền được tham gia bỏ phiếu để biểu quyết khi Quốc hội trưng cầu ý dân về Dự thảo Bộ luật Dân sự hay không? Theo em, anh H có quyền này không? Vì sao?
Hướng dẫn trả lời:
- Anh H (20 tuổi) có quyền được tham gia bỏ phiếu để biểu quyết khi Quốc hội trưng cầu ý dân về Dự thảo Bộ luật Dân sự, vì theo quy định tại Điều 5 Luật Trưng cầu ý dân năm 2015 “Công dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên tính đến ngày trưng cầu ý dân có quyền bỏ phiếu để biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 25 của Luật này”.
Bài 16: Trong quá trình Quốc hội tổ chức trưng cầu ý dân về nội dung bản Dự thảo Hiến pháp, anh D đã bắt vợ mình là chị K (20 tuổi) phải đồng ý biểu quyết nội dung bản Dự thảo Hiến pháp.
Chị K băn khoăn không biết hành vi của anh D có vi phạm pháp luật về quyền tham gia quản lí nhà nước và xã hội không.
Em hãy cho biết hành vi của anh D có vi phạm pháp luật về quyền tham gia quản lí nhà nước và xã hội không. Hậu quả của hành vi đó là gì?
Hướng dẫn trả lời:
- Hành vi của anh D vi phạm pháp luật về quyền tham gia quản lí nhà nước và xã hội, vì đã xâm phạm đến quyền biểu quyết của chị K. Hành vi của anh D có thể phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều 160 Bộ luật Hình sự năm 2015 (Sửa đổi, bổ sung năm 2017) “Người nào lừa gạt, mua chuộc, cưỡng ép hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở công dân thực hiện quyền bầu cử, quyền ứng cử hoặc quyền biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 im hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm”.
Bài 17: Ông H là đại biểu Quốc hội được phân công nhiệm vụ là Giám sát quá trình hoạt động trưng cầu ý dân của Quốc hội về chính sách phát triển kinh tế của đất nước. Trong quá trình Giám sát, ông H phát hiện bà M đã lợi dụng lúc mọi người không chú ý thay đổi phiếu trưng cầu ý dân, nhằm làm thay đổi kết quả trưng cầu ý dân.
a) Theo em, hành vi của bà M có vi phạm quy định của pháp luật về quyền tham gia quản lí nhà nước và xã hội của công dân không? Nếu có, hậu quả của hành vi đó là gì?
b) Nếu là ông H trong tình huống này, em sẽ làm gì để bảo vệ quyền tham gia quản lí nhà nước và xã hội của công dân?
Hướng dẫn trả lời:
a) Hành vi thay đổi phiếu trưng cầu ý dân nhằm làm thay đổi kết quả trưng cầu của bà M là vi phạm quy định của pháp luật về quyền tham gia quản lí nhà nước và xã hội của công dân. Hành vi của bà M có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều 161 Bộ luật Hình sự năm 2015 (Sửa đổi, bổ sung năm 2017) “Người nào có trách nhiệm trong việc tổ chức, giám sát việc bầu cử, tổ chức trưng cầu ý dân mà giá mạo giấy tờ, gian lận phiếu hoặc dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả bầu cử, kết quả trưng cầu ý dân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm”.
b) Nếu là ông H trong tình huống này, em sẽ tố cáo hành vi của bà M lên cơ quan có thẩm quyền để bảo vệ quyền tham gia quản lí nhà nước và xã hội của công dân.
Bài 18: Theo em, học sinh cần làm gì để thực hiện được quyền và nghĩa vụ tham gia quản lí nhà nước và xã hội?
Hướng dẫn trả lời:
- Trách nhiệm của học sinh:
+ Tìm hiểu những quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ trong tham gia quản lí nhà nước và xã hội; Xây dựng ý thức tự giác thực hiện quy định về quyền này.
+ Vận động những người xung quanh chấp hành nghiêm chỉnh quy định pháp luật về quyền và nghĩa vụ của công dân trong tham gia quản lí nhà nước và xã hội.