Giải SBT Sinh học 11 Chân trời Bài 19: Khái quát về sinh trưởng và phát triển ở sinh vật

Hướng dẫn giải Bài 19: Khái quát về sinh trưởng và phát triển ở sinh vật SBT Sinh học 11 Chân trời sáng tạo. Đây là sách bài tập nằm trong bộ sách "Chân trời sáng tạo" được biên soạn theo chương trình đổi mới của Bộ giáo dục. Hi vọng, với cách hướng dẫn cụ thể và giải chi tiết học sinh sẽ nắm bài học tốt hơn.

Câu 19.1: Ví dụ nào sau đây là nói về quá trình sinh trưởng ở sinh vật?

A. Hạt đậu nảy mầm thành cây con.

B. Voi mẹ sinh ra voi con.

C. Quả trứng gà nở ra gà con.

D. Cây đậu cao thêm 3cm sau hai ngày.

Lời giải:

Đáp án đúng là: D

Sinh trưởng là quá trình gia tăng về kích thước và khối lượng của cơ thể sinh vật → D là ví dụ nói về quá trình sinh trưởng ở sinh vật.

A, B, C. Sai. Đây là các ví dụ nói về quá trình sinh sản.

Câu 19.2: Ví dụ nào sau đây là nói về quá trình phát triển ở sinh vật?

A. Cây cam ra hoa.

B. Lợn tăng thêm 3kg sau một tuần.

C. Sự tăng kích thước của lá cây.

D. Quả chuối đang chín.

Lời giải:

Đáp án đúng là: A

Dấu hiệu đặc trưng của phát triển ở sinh vật là sự phân hoá tế bào, phát sinh hình thái cơ quan, cơ thể theo đặc điểm di truyền của loài do sự hình thành các mô, cơ quan mới của cơ thể; kèm theo sự xuất hiện các chức năng sinh lí tương ứng → A là ví dụ nói về quá trình phát triển.

B. Sai. Lợn tăng thêm 3 kg sau một tuần → là ví dụ về quá trình sinh trưởng.

C. Sự tăng kích thước của lá cây → là ví dụ về quá trình sinh trưởng.

D. Quả chuối đang chín → là ví dụ về quá trình chín của quả.

Câu 19.3: Giới hạn tuổi thọ của một loài được quy định bởi

A. điều kiện môi trường.

B. yếu tố di truyền.

C. nguồn thức ăn.

D. nhân tố sinh thái.

Lời giải:

Đáp án đúng là: B

Tuổi thọ dùng để chỉ thời gian sinh tồn của sinh vật, được tính từ lúc sinh ra cho đến lúc chết đi. Giới hạn tuổi thọ của loài được xác định bởi đặc điểm di truyền.

Câu 19.4: Trong các yếu tố sau đây, có bao nhiêu yếu tố không ảnh hưởng đến tuổi thọ của sinh vật?

(1) Di truyền.

(2) Chế độ ăn uống.

(3) Lối sống.

(4) Chất phóng xạ.

(5) Khói độc, bụi.

(6) Chế độ làm việc.

A. 0.

B. 3.

C. 4.

D. 5.

Lời giải:

Đáp án đúng là: A

Tất cả các yếu tố trên gồm di truyền; chế độ ăn uống; lối sống; chất phóng xạ; khói độc, bụi; chế độ làm việc đều ảnh hưởng đến tuổi thọ của sinh vật.

Câu 19.5: Có bao nhiêu phát biểu sau đây là đúng khi nói về vòng đời và tuổi thọ của sinh vật?

(1) Vòng đời của sinh vật gồm các giai đoạn: được sinh ra → cơ thể con → cơ thể trưởng thành → sinh sản → già → chết.

(2) Ở sinh vật, thế hệ tiếp theo được sinh ra ở giai đoạn trưởng thành của thế hệ trước.

(3) Tuổi thọ của sinh vật được tính từ lúc cá thể đó sinh sản cho đến lúc chết.

(4) Tuổi sinh lí của sinh vật được tính từ khi sinh ra cho đến khi chết vì già.

(5) Tuổi sinh thái của sinh vật được tính từ khi sinh ra cho đến khi chết vì sự tác động của nhân tố sinh thái.

(6) Tuổi thọ của một loài sinh vật là tổng thời gian sống của tất cả các cá thể trong loài.

A. 1.

B. 3.

C. 4.

D. 5.

Lời giải:

Đáp án đúng là: C

Các phát biểu đúng là: (1), (2), (4), (5).

(3) Sai. Tuổi thọ dùng để chỉ thời gian sinh tồn của sinh vật, được tính từ lúc sinh ra cho đến lúc chết đi.

(6) Sai. Tuổi thọ của một loài sinh vật là thời gian sống trung bình của các cá thể trong loài.

Câu 19.6: Hãy tìm hiểu và cho biết tuổi thọ ở một số loài sinh vật.

Lời giải:

Loài sinh vật

Tuổi thọ

Cây chò (ở vườn quốc gia Cúc Phương)

Hơn 1 000 năm

Cây thông

100 – 300 năm

Cây chanh leo vàng

15 năm

Rùa biển

50 – 100 năm

Chó

10 – 12 năm

Ruồi nhà

28 ngày

Câu 19.7: Đọc đoạn thông tin sau và trả lời câu hỏi.

Một trong những giả thuyết về sự già hoá ở người là do hoạt động của đồng hồ sinh học (biological clock). Các nhà sinh học đưa ra giả thiết rằng tuổi thọ của con người được kiểm soát bởi đồng hồ sinh học khi nuôi cấy in vitro các nguyên bào sợi (fibroblast, một loại tế bào nằm ở lớp trung bì của da có chức năng tổng hợp thành các sợi collagen) trong môi trường có đầy đủ chất dinh dưỡng thì chúng chỉ phân bào tối đa 50 lần rồi ngừng lại. Nếu đem những tế bào đã phân bào được 30 lần trong môi trường nuôi cấy đi ướp lạnh để chúng ngừng phân bào, sau một thời gian đem nuôi cấy lại thì chúng chỉ phân bào thêm 20 lần nữa và ngừng lại. Như vậy, chứng tỏ rằng số lần phân bào của một mô bất kì, cũng như sự sinh trưởng và già hoá của cơ thể đều diễn ra trong một thời gian và theo một quy luật nhất định.

Các nghiên cứu về Di truyền học đã cho rằng sự già hoá của các tế bào cũng như của toàn bộ cơ thể có liên quan đến hiện tượng ngắn dần của đầu mút nhiễm sắc thể (telomere – chứa các đoạn nucleotide ngắn lặp lại 100 – 1 000 lần và không mang thông tin di truyền). Theo đó, telomere của nhiễm sắc thể sẽ ngắn lại sau mỗi lần phân bào, kết quả là phân tử DNA trong các tế bào soma ngày càng ngắn lại đến khi các gene trên DNA bị ảnh hưởng, tế bào không thể tiến hành phân chia được nữa thì tế bào sẽ lão hoá và chết.

a) Dựa trên kết quả nghiên cứu về Di truyền học, hãy giải thích tại sao các nguyên bào sợi chỉ phân chia được tối đa 50 lần.

b) Chiều dài của telomere ở người trưởng thành và người già có gì khác nhau? Tại sao?

c) Các nhà Di truyền học cho rằng telomere có tác dụng bảo vệ sức khoẻ và kéo dài tuổi thọ ở người. Theo em, điều đó có đúng không? Tại sao?

Lời giải:

a) Sau mỗi lần nhân đôi, DNA của tế bào ngắn đi một đoạn ở vùng telomere, trên mỗi phân tử DNA chỉ có một số đoạn telomere nhất định nên mỗi tế bào chỉ phân chia được một số lần nhất định.

b) Ở người già, DNA có đoạn telomere ngắn hơn so với người trưởng thành do người có tuổi thọ càng cao thì số lần tế bào phân chia càng nhiều.

c) Ý kiến đó là đúng. Do các telomere chứa trình tự các nucleotide lặp lại không mang thông tin di truyền nên khi bị ngắn đi sẽ không ảnh hưởng đến các gene trên DNA → bảo vệ các gene trên DNA. Bên cạnh đó, nhờ có sự ngắn đi của telomere sau mỗi lần nhân đôi mà số lần phân bào của các tế bào soma bị hạn chế → giúp cơ thể tránh bị ung thư.

Tìm kiếm google: Giải SBT Sinh học 11 Chân trời bài 19, giải SBT Sinh học 11 CTST bài 19, Giải Bài 19: Khái quát về sinh trưởng và phát triển ở sinh vật

Xem thêm các môn học

Giải SBT Sinh học 11 chân trời sáng tạo

PHẦN BA: SINH HỌC CƠ THỂ

CHƯƠNG 1. TRAO ĐỔI CHẤT VÀ CHUYỂN HÓA NĂNG LƯỢNG Ở SINH VẬT

CHƯƠNG 3. SINH TRƯỞNG VÀ PHÁT TRIỂN Ở SINH VẬT

CHƯƠNG 5. MỐI QUAN HỆ GIỮA CÁC QUÁ TRÌNH SINH LÍ TRONG CƠ THỂ VÀ MỘT SỐ NGÀNH NGHỀ LIÊN QUAN ĐẾN SINH HỌC CƠ THỂ


Đia chỉ: Tòa nhà TH Office, 90 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại hỗ trợ: Fidutech - click vào đây
Chúng tôi trên Yotube
Cùng hệ thống: baivan.net - Kenhgiaovien.com - tech12h.com