Câu 23.1: Xác định những ví dụ nào sau đây là sinh sản ở sinh vật bằng cách điền Đ (Đúng) hoặc S (Sai) vào cột tương ứng trong bảng sau.
STT | Đ/S | Ví dụ |
1 |
| Cây táo ra hoa. |
2 |
| Củ khoai tây mọc mầm. |
3 |
| Thuỷ tức nảy chồi thành thuỷ tức con. |
4 |
| Cây dâu tây mọc thêm cành mới. |
5 |
| Sư tử cái sinh ra sư tử con. |
6 |
| Tái sinh đuôi ở thạch sùng. |
7 |
| Gà con lớn lên thành gà trưởng thành có mào, nặng 2,5 kg. |
8 |
| Hạt hướng dương nảy mầm. |
Lời giải:
STT | Đ/S | Ví dụ |
1 | S | Cây táo ra hoa. |
2 | Đ | Củ khoai tây mọc mầm. |
3 | Đ | Thuỷ tức nảy chồi thành thuỷ tức con. |
4 | S | Cây dâu tây mọc thêm cành mới. |
5 | Đ | Sư tử cái sinh ra sư tử con. |
6 | S | Tái sinh đuôi ở thạch sùng. |
7 | S | Gà con lớn lên thành gà trưởng thành có mào, nặng 2,5 kg. |
8 | Đ | Hạt hướng dương nảy mầm. |
Câu 23.2: Cơ sở tế bào học của sinh sản vô tính là quá trình
A. nguyên phân.
B. giảm phân.
C. thụ tinh.
D. nguyên phân và giảm phân.
Lời giải:
Đáp án đúng là: A
Sinh sản vô tính là sự hình thành cá thể mới từ một phần của cơ thể mẹ. Cơ sở tế bào học của sinh sản vô tính là quá trình nguyên phân, do đó, thế hệ con sẽ giống nhau và giống cá thể mẹ.
Câu 23.3: Sinh sản vô tính là
A. hình thức sinh sản có sự kết hợp của các tế bào sinh sản chuyên biệt.
B. hình thức sinh sản ở tất cả các loài sinh vật.
C. hình thức sinh sản không có sự kết hợp giữa giao tử đực và giao tử cái.
D. hình thức sinh sản có nhiều hơn một cá thể tham gia.
Lời giải:
Đáp án đúng là: C
Sinh sản vô tính là hình thức sinh sản không có sự kết hợp giữa giao tử đực và giao tử cái, cá thể mới được hình thành từ một phần của cơ thể mẹ.
Câu 23.4: Dấu hiệu đặc trưng để nhận biết quá trình sinh sản là
A. sự lớn lên của cơ thể.
B. sự hình thành cơ quan mới.
C. sự hoàn thiện cấu trúc cơ thể.
D. sự hình thành cơ thể mới.
Lời giải:
Đáp án đúng là: D
Sinh sản là quá trình tạo ra những cá thể mới đảm bảo duy trì sự phát triển liên tục của loài → Sinh sản ở sinh vật có các dấu hiệu đặc trưng như: hình thành cơ thể mới, có sự tham gia và truyền đạt vật chất di truyền.
Câu 23.5: Sinh sản là quá trình tạo ra những cá thể mới nhằm
A. đảm bảo sự phát triển liên tục của loài.
B. đảm bảo sự tồn tại và phát triển liên tục của loài.
C. đáp ứng nhu cầu năng lượng cho sự tồn tại của sinh vật.
D. giữ cho cá thể sinh vật tồn tại.
Lời giải:
Đáp án đúng là: B
Sinh sản là quá trình tạo ra những cá thể mới nhằm đảm bảo sự tồn tại và phát triển liên tục của loài.
Câu 23.6: Hoàn thành sơ đồ mô tả quá trình sinh sản hữu tính ở sinh vật sau đây.
Lời giải:
(1) Giao tử đực; (2) Cơ thể cái; (3) Giao tử cái; (4) Hợp tử; (5) Phôi; (6) Cơ thể mới.
Câu 23.7: Hãy cho biết những ưu điểm và hạn chế của sinh sản vô tính ở sinh vật.
Lời giải:
- Ưu điểm: Cá thể sống độc lập, đơn lẻ vẫn có thể sinh sản; tạo ra số lượng lớn con cháu giống nhau trong một thời gian ngắn → có lợi trong trường hợp mật độ quần thể thấp. Tạo ra các cá thể có đặc điểm di truyền giống nhau → thích nghi tốt với môi trường sống ổn định, ít biến động → quần thể phát triển nhanh.
- Nhược điểm: Các cá thể mới được sinh ra giống nhau và giống cá thể mẹ về các đặc điểm di truyền → khi điều kiện sống thay đổi có thể dẫn đến hàng loạt cá thể bị chết, thậm chí toàn bộ quần thể bị tiêu diệt.
Câu 23.8: Vì sao các loài sinh sản hữu tính có khả năng thích nghi cao trong điều kiện môi trường sống luôn thay đổi?
Lời giải:
Sinh sản hữu tính có sự kết hợp giữa quá trình giảm phân và thụ tinh nên có sự tái tổ hợp vật chất di truyền của bố và mẹ, thế hệ sau xuất hiện nhiều biến dị tổ hợp → tăng tính đa dạng di truyền → giúp sinh vật thích nghi cao trong điều kiện môi trường sống luôn thay đổi.
Câu 23.9: Một số loài hàu có hình thức sinh sản hữu tính kèm theo sự đảo giới tính. Đầu tiên, các cá thể hàu đóng vai trò là con đực để sản sinh tinh trùng; sau đó, khi chúng có kích thước lớn nhất sẽ chuyển đổi giới tính thành con cái và sản sinh ra trứng. Cá thể có kích thước càng lớn thì số lượng giao tử được sản sinh càng nhiều.
a) Sự chuyển đổi giới tính có vai trò gì đối với hàu?
b) Tại sao sự tăng kích thước cơ thể chủ yếu diễn ra ở các cá thể cái?
Lời giải:
a) Ở hàu, cá thể có kích thước càng lớn sẽ tạo càng nhiều giao tử → sự đảo giới tính có vai trò tối đa hoá khả năng sản sinh giao tử, do hàu là loài sống cố định nên càng có nhiều giao tử được giải phóng ra môi trường nước thì số lượng đời con được tạo ra sẽ càng nhiều.
b) Do mỗi tế bào sinh trứng khi giảm phân chỉ cho một trứng nên sự tăng kích thước cơ thể chủ yếu diễn ra ở các cá thể cái để tạo được nhiều trứng tăng hiệu suất sinh sản.
Câu 23.10: Đọc đoạn thông tin sau và trả lời câu hỏi.
Thằn lằn đuôi roi (Aspidoscelis uniparens) ở vùng đồng cỏ sa mạc là loài chỉ toàn con cái mà không có con đực. Chúng sinh sản bằng hình thức trinh sinh, trứng phát triển thành cơ thể con mà không qua thụ tinh. Tuy không có con đực nhưng đến mùa sinh sản các cá thể trong loài vẫn thực hiện hành vi ve vãn và giao phối như các loài động vật sinh sản hữu tính. Sau khi bắt cặp, một con cái sẽ bắt chước hành vi của con đực, hai cá thể sẽ thay đổi vai trò cho nhau từ 2 – 3 lần trong mùa sinh sản. Hình 23.1 mô tả tập tính sinh sản của thằn lằn đuôi roi ứng với các chu kì rụng trứng.
a) Thằn lằn đuôi roi có hình thức sinh sản vô tính hay hữu tính? Giải thích.
b) Quá trình sinh sản của thằn lằn đuôi roi được điều hoà bởi những yếu tố nào? Giải thích sự tác động của các yếu tố đó.
c) Nếu một cá thể thằn lằn bị cách li khỏi quần thể thì số lượng trứng rụng sẽ tăng hay giảm? Giải thích.
Lời giải:
a) Thằn lằn đuôi roi là loài sinh sản vô tính do trong quần thể không có con đực, cá thể mới được phát triển từ trứng không thụ tinh (trinh sinh).
b) Quá trình sinh sản ở thằn lằn đuôi roi được điều hoà bởi hormone sinh dục (estradiol, progesterone) và hành vi giao phối của con đực giả. Một trong hai cá thể có hàm lượng hormone estradiol tăng cao sẽ kích thích sự phát triển của buồng trứng (thằn lằn có hành vi như con cái); ở cá thể còn lại có hàm lượng hormone progesterone tăng lên, thằn lằn có hành vi giao phối như con đực và kích thích con cái rụng trứng. Sau khi rụng trứng, lượng estradiol trong cơ thể con cái giảm và progesterone tăng lên, lúc này nó lại có hành vi như con đực và hai cá thể đổi vai trò cho nhau.
c) Nếu một cá thể thằn lằn bị cách li ra khỏi quần thể thì số lượng trứng rụng sẽ giảm vì không có hành vi giao phối của con đực để kích thích sự rụng trứng.