Bài 13.1: Trong điều kiện bình thường, các chất nào sau đây được cơ thể bài tiết ra ngoài cơ thể?
☐ Nước thừa
☐ Protein
☐ CO$_{2}$
☐ Urea
☐ Lipid
☐ Creatinine
☐ Glucose
☐ Bilirubin
Lời giải:
Trong điều kiện bình thường, các chất được cơ thể bài tiết ra ngoài cơ thể trong các chất trên là: Nước thừa, CO$_{2}$, urea, creatinine, bilirubin.
Bài 13.2: Đâu là cơ quan chính thực hiện chức năng bài tiết của cơ thể?
A. Gan.
B. Ruột.
C. Thận.
D. Phổi.
Lời giải:
Đáp án đúng là: C
Quá trình bài tiết có thể xảy ở da, phổi, ruột, thận. Trong đó, thận là cơ quan chính đảm nhiệm chức năng bài tiết của cơ thể.
Bài 13.3: Hầu hết các chất được bài tiết dưới dạng hòa tan trong máu, ngoại trừ
A. CO$_{2}$.
B. Creatinine.
C. Glucose.
D. NH$_{3}$.
Lời giải:
Đáp án đúng là: A
Hầu hết các chất được bài tiết dưới dạng hòa tan trong máu, ngoại trừ CO$_{2}$. CO$_{2}$ được bài tiết thông qua hoạt động hô hấp của hệ hô hấp.
Bài 13.4: Lượng dịch trong cơ thể chiếm khoảng bao nhiêu phần trăm?
A. 56 %.
B. 65 %.
C. 76 %.
D. 67 %.
Lời giải:
Đáp án đúng là: A
Lượng dịch trong cơ thể (gồm nước và các chất khác) chiếm khoảng 56 %; trong đó, khoảng 2/3 lượng dịch này nằm trong tế bào (dịch nội bào), 1/3 còn lại nằm ngoài tế bào (dịch ngoại bào).
Bài 13.5: Cho các thành phần sau đây:
(1) Quản cầu thận.
(2) Ống góp.
(3) Ống lượn gần.
(4) Quai Henle.
(5) Ống lượn xa.
(6) Niệu quản.
(7) Niệu đạo.
Có bao nhiêu thành phần cấu tạo nên một nephron?
A. 1.
B. 3.
C. 2.
D. 4.
Lời giải:
Đáp án đúng là: D
Các thành phần cấu tạo nên một nephron là: (1), (3), (4), (5).
Mỗi nephron gồm quản cầu thận có chức năng lọc máu, các tế bào ở thành ống thận (ống lượn gần, quai Henle và ống lượn xa) có chức năng tái hấp thu các chất cần thiết từ dịch lọc trả về máu, tiết các chất độc vào dịch lọc và dẫn nước tiểu đến bàng quang trước khi thải ra ngoài.
Bài 13.6: Có bao nhiêu phát biểu sau đây là đúng khi nói về cân bằng nội môi?
(1) Cân bằng nội môi có tính chất cân bằng động.
(2) Điều hoà cân bằng nội môi chính là cân bằng áp suất thẩm thấu của tế bào.
(3) Cân bằng nội môi đảm bảo cho sự tồn tại và thực hiện được chức năng sinh lí của các tế bào trong cơ thể.
(4) Cân bằng nội môi gồm cân bằng hàm lượng nước; nồng độ các chất như glucose, các ion, amino acid, muối khoáng,...
A. 1.
B. 3.
C. 2.
D. 4.
Lời giải:
Đáp án đúng là: B
Các phát biểu đúng là: (1), (3), (4).
(2) Sai. Cân bằng nội môi là sự duy trì ổn định của môi trường bên trong cơ thể, còn cân bằng áp suất thẩm thấu của tế bào chỉ là một biểu hiện của cân bằng nội môi.
Bài 13.7: Có bao nhiêu ví dụ sau đây thể hiện cơ chế cân bằng nội môi?
(1) Khi áp suất thẩm thấu trong máu tăng cao, thận tăng cường tái hấp thụ nước và tăng uống nước.
(2) Ở người, pH máu được duy trì khoảng 7,35 – 7,45 nhờ hoạt động của hệ đệm, phổi và thận.
(3) Hoạt động của các tế bào bạch cầu làm giảm số lượng tác nhân gây bệnh trong cơ thể.
(4) Nồng độ glucose trong máu người được duy trì ở mức 3,9 – 6,4 mmol/L.
A. 4.
B. 1.
C. 2.
D. 3.
Lời giải:
Đáp án đúng là: D
Các ví dụ thể hiện cơ chế cân bằng nội môi: (1), (2), (4).
(3) Sai. Hoạt động của các tế bào bạch cầu làm giảm số lượng tác nhân gây bệnh trong cơ thể là cơ chế miễn dịch, không phải cơ chế cân bằng nội môi.
Bài 13.8: Khi nồng độ glucose trong máu tăng lên, có bao nhiêu phản ứng sau đây nhằm đưa nồng độ glucose trở về mức ổn định?
(1) Tuyến tụy tiết hormone glucagon.
(2) Tế bào gan biến đổi glucose thành glycogen.
(3) Các tế bào tăng cường hấp thu glucose.
(4) Chuyển hóa glycerol thành glucose.
(5) Chuyển hoá glucose dư thừa thành lipid dự trữ.
A. 5.
B. 4.
C. 2.
D. 3.
Lời giải:
Đáp án đúng là: D
Khi nồng độ glucose trong máu tăng lên, các phản ứng nhằm đưa nồng độ glucose trở về mức ổn định là: (2), (3), (5).
(1), (4) Sai. Các phản ứng này làm tăng nồng độ glucose trong máu.
Bài 13.9: Có bao nhiêu phát biểu sau đây là không đúng khi nói về bệnh suy thận?
(1) Là tình trạng chức năng của thận bị suy giảm.
(2) Trường hợp nặng cần phải chạy thận nhân tạo hoặc thay thận.
(3) Nguyên nhân gây suy thận có thể do nhiễm độc từ thức ăn, nhiễm kim loại nặng,…
(4) Người bị suy thận vẫn có khả năng đi tiểu bình thường.
(5) Người bị suy thận có nguy cơ tích tụ nước trong cơ thể, gây ra các vấn đề về huyết áp.
A. 5.
B. 1.
C. 2.
D. 3.
Lời giải:
Đáp án đúng là: B
Các phát biểu đúng là: (1), (2), (3), (5).
(4) Sai. Người bị suy thận có thể bị đi tiểu thường xuyên hơn hoặc nước tiểu có lẫn máu, lẫn protein khi các bộ lọc của thận bị hư hỏng.
Bài 13.10: Khi nói về sỏi thận và đường tiết niệu, có bao nhiêu phát biểu sau đây là đúng?
(1) Ăn nhiều thực phẩm chứa các loại muối calci, phosphate,... là một trong những nguyên nhân gây sỏi thận.
(2) Tiểu ra máu là một trong những biểu hiện của sỏi đường tiết niệu.
(3) Các trường hợp sỏi thận đều phải chữa trị bằng phẫu thuật để lấy sỏi ra khỏi cơ thể.
(4) Người uống nhiều nước, thường xuyên nhịn tiểu có nguy cơ mắc bệnh sỏi thận và đường tiết niệu.
A. 4.
B. 1.
C. 2.
D. 3.
Lời giải:
Đáp án đúng là: C
Các phát biểu đúng là: (1), (2).
(3) Sai. Không phải tất cả các trường hợp sỏi thận đều phải chữa trị bằng phẫu thuật để lấy sỏi ra khỏi cơ thể; trường hợp sỏi có kích thước nhỏ có thể được thải ra ngoài qua nước tiểu.
(4) Sai. Người uống ít nước, thường xuyên nhịn tiểu có nguy cơ mắc bệnh sỏi thận và đường tiết niệu.
Bài 13.11: Hãy cho biết ý nghĩa của việc xét nghiệm định kì các chỉ số sinh hoá máu.
Lời giải:
Việc xét nghiệm định kì các chỉ số sinh hoá máu là biện pháp giúp phát hiện kịp thời tình trạng mất cân bằng nội môi của cơ thể, qua đó, đưa ra các biện pháp khắc phục hoặc điều trị kịp thời để tránh ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ.
Bài 13.12: Quan sát Hình 13.1, hãy cho biết sự khác nhau trong cơ chế điều hoà cân bằng áp suất thẩm thấu của cá tuyết và cá rô.
Lời giải:
Sự khác nhau trong cơ chế điều hoà cân bằng áp suất thẩm thấu của cá tuyết và cá rô:
- Cá tuyết sống ở môi trường nước mặn (môi trường ưu trương) nên chúng bị mất nước liên tục → cá tuyết cân bằng nước bằng cách uống nước liên tục, sau đó bài tiết lượng muối thừa qua mang và thận.
- Cá rô sống ở môi trường nước ngọt (môi trường nhược trương) nên chúng dễ bị mất muối → chúng hấp thụ chủ động muối qua mang và thức ăn, đồng thời bài tiết nước tiểu rất loãng.
Bài 13.13: Có bao nhiêu hệ đệm tham gia điều hoà pH nội môi? Các hệ đệm này hoạt động như thế nào trong trường hợp pH nội môi giảm?
Lời giải:
- Trong cơ thể có ba hệ đệm chủ yếu tham gia điều hoà pH nội môi: hệ đệm bicarbonate (H$_{2}$CO$_{3}$/NaHCO$_{3}$), hệ đệm phosphate (Na$_{2}$HPO$_{4}$/NaH$_{2}$PO$_{4}$) và hệ đệm proteinate.
- Khi pH nội môi giảm (nồng độ H$^{+}$ tăng):
+ Hệ đệm bicarbonate: HCO$_{3}$- sẽ kết hợp với H$^{+}$ tạo thành H$_{2}$CO$_{3}$ → pH máu tăng.
+ Hệ đệm phosphate: HPO$_{4}^{2-}$ sẽ kết hợp với H$^{+}$ tạo thành H$_{2}$PO$_{4}^{-}$ hoặc H$_{2}$PO$_{4}^{-}$ sẽ kết hợp với H$^{+}$ tạo thành H$_{3}$PO$_{4}$ → pH máu tăng.
+ Hệ đệm proteinate: protein có gốc kiềm tự do -NH$_{2}$ sẽ nhận thêm H$^{+}$ thành -NH$_{3}^{+}$ → pH máu tăng.
Bài 13.14: Ở người, khi uống nhiều rượu thường cảm thấy khát nước và mất nhiều nước qua nước tiểu. Giải thích.
Lời giải:
Ở người, khi uống nhiều rượu thường cảm thấy khát nước và mất nhiều nước qua nước tiểu vì: Rượu có tác dụng ức chế tiết ADH → giảm tái hấp thu nước ở ống thận → lượng nước không được tái hấp thu ở ống thận sẽ đi theo nước tiểu ra ngoài. Sự mất nước làm áp suất thẩm thấu → kích thích lên vùng dưới đồi gây ra cảm giác khát.
Bài 13.15: Quá trình tạo thành nước tiểu ở người xảy ra trong các đơn vị thận. Hãy xác định sự có mặt của glucose, urea và protein trong máu hoặc dịch lọc ở các phần khác nhau của một đơn vị thận bằng cách ghi "Có" hoặc "Không" vào các ô trong bảng sau.
| Glucose | Urea | Protein |
Máu trong động mạch đến quản cầu thận |
|
|
|
Máu trong động mạch đi ra khỏi quản cầu thận |
|
|
|
Dịch lọc ở ống góp |
|
|
|
Dịch lọc ở ống lượn xa |
|
|
|
Dịch lọc ở ống lượn gần |
|
|
|
Dịch lọc ở quản cầu thận |
|
|
|
Lời giải:
| Glucose | Urea | Protein |
Máu trong động mạch đến quản cầu thận | Có | Có | Có |
Máu trong động mạch đi ra khỏi quản cầu thận | Có | Có | Có |
Dịch lọc ở ống góp | Không | Có | Không |
Dịch lọc ở ống lượn xa | Không | Có | Không |
Dịch lọc ở ống lượn gần | Có | Có | Không |
Dịch lọc ở quản cầu thận | Có | Có | Không |
Bài 13.16: Hãy cho biết một số nguyên nhân có thể dẫn đến tổn thương thận. Nếu tình trạng tổn thương thận kéo dài sẽ gây hậu quả gì?
Lời giải:
- Một số nguyên nhân có thể dẫn đến tổn thương thận: Tế bào ở thận bị thiếu O$_{2}$, bị nhiễm độc (arsenic, thuỷ ngân, độc tố của vi khuẩn hoặc từ nội tạng động vật,...) hay hoạt động quá mức sẽ làm các tế bào ống thận bị tổn thương, sưng phồng gây tắc ống thận hoặc gây chết tế bào.
- Thận bị tổn thương dẫn đến giảm khả năng tái hấp thu, làm cho cơ thể bị mất các chất dinh dưỡng cần thiết, nước tiểu trong ống thận bị hoà vào máu gây độc cho cơ thể → Nếu tình trạng tổn thương thận kéo dài sẽ dẫn đến tử vong.
Bài 13.17: Hai người A và B có cùng cân nặng là 65 kg và đều có lượng nước trong cơ thể bằng nhau. Cả hai người đều ăn thức ăn nhanh chứa hàm lượng muối cao; sau đó, người B uống thêm một cốc rượu còn người A thì không. Hãy cho biết áp suất thẩm thấu của người A và người B có khác nhau không. Giải thích.
Lời giải:
- Áp suất thẩm thấu máu của người B cao hơn người A.
- Giải thích: Khi ăn thức ăn chứa hàm lượng muối cao → nồng độ Na$^{+}$ trong máu tăng → tăng áp suất thẩm thấu của máu → kích thích thuỳ sau tuyến yên tiết ADH → tăng cường tái hấp thu nước ở ống thận để làm giảm áp suất thẩm thấu máu. Tuy nhiên, do người B uống thêm cốc rượu dẫn đến ức chế tiết ADH → giảm khả năng tái hấp thu nước → áp suất thẩm thấu máu của người B cao hơn người A.