Câu 10.1. Đặc điểm nào dưới đây không phải là phổ biến với các bài toán quản lý?
A. Phổ biến trong thực tiễn xã hội.
B. Có mục tiêu là quản lý các đối tượng (con người, vật tư, phương tiện, tiền, hàng hoá, môi trường....) phục vụ các hoạt động điều hành xã hội hay sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
C. Đòi hỏi phải thu thập dữ liệu thường xuyên, chính xác và kịp thời; tổng hợp phân tích dữ liệu để có thể có được những thông tin cần thiết phục vụ các yêu cầu quản lý.
D. Chủ yếu phải giải các phương trình được mô tả bằng các biểu thức toán học phức tạp.
Hướng dẫn trả lời:
D. Chủ yếu phải giải các phương trình được mô tả bằng các biểu thức toán học phức tạp.
Câu 10.2. Giả sử em được giao quản lý quầy hàng trên một trang bán hàng trực tuyến. Khi có một đơn mua hàng gửi tới em cần phản hồi cho khách hàng biết những mặt hàng nào có đủ số lượng theo yêu cầu, tổng số tiền khách hàng cần thanh toán. Những dữ liệu nào theo em cần phải được quản lý ?
Hướng dẫn trả lời:
Ngoài tên các mặt hàng, cần quản lý đơn giá và số lượng tương ứng của mặt hàng có trong gian hàng.
Câu 10.3. Để giải quyết yêu cầu quản lý thư viện, theo em những dữ liệu nào là những dữ liệu cần phải được quản lý?
Hướng dẫn trả lời:
Bài toán quản lý thư viện liên quan trước hết tới việc quản lý việc mượn, trả sách. Từ đây có thể hình dung công việc cần làm quản lý thông tin liên quan tới những đầu sách có trong thư viện (tên sách, số lượng, tên tác giả,...) cũng như thông tin liên quan tới bạn đọc (số thẻ thư viện, họ và tên, địa chỉ, tên sách đang mượn, ngày mượn, ngày phải trả sách,...)
Câu 10.4. Công việc nào dưới đây không phải là công việc cập nhật dữ liệu?
A. Ghi chép (thêm) dữ liệu mới thu thập được.
B. Xoá dữ liệu không còn ý nghĩa.
C. Tìm kiếm các dữ liệu thỏa mãn một tiêu chí xác định.
D. Sửa chữa dữ liệu đã có để đảm bảo tính chính xác của dữ liệu.
Hướng dẫn trả lời:
Đáp án đúng:
C. Tìm kiếm các dữ liệu thỏa mãn một tiêu chí xác định.
Câu 10.5. Hãy nêu ví dụ về việc cập nhật dữ liệu cho bài toán quản lý thư viện.
Hướng dẫn trả lời:
Khi xuất hiện một bạn đọc mới, cần thực hiện việc cập nhật thông tin về người đó (số thẻ thư viện, họ tên, địa chỉ,...). Khi thư viện nhập về một đầu sách mới cũng cần cập nhật các thông tin liên quan tới đầu sách đó (tên sách, tên tác giả,...)
Câu 10.6. Truy xuất dữ liệu là gì? Câu trả lời nào sau đây là đúng đắn và đầy đủ nhất?
A. Lấy ra các dữ liệu lưu trữ thoả mãn một số tiêu chí nào đó.
B. Lẫy ra các dữ liệu lưu trữ thoả mãn một tiêu chí nào đó và sắp xếp chúng theo một thứ tự xác định.
C. Lấy ra tất cả các dữ liệu đã được lưu trữ.
D. Lấy ra tất cả các dữ liệu đã được lưu trữ và sắp xếp theo một thứ tự nào đó.
Hướng dẫn trả lời:
Đáp án đúng:
A. Lấy ra các dữ liệu lưu trữ thoả mãn một số tiêu chí nào đó.
Câu 10.7. Khai thác thông tin từ các dữ liệu lưu trữ là gì? Câu trả lời nào sau đây là đúng và đầy đủ nhất?
A. Đơn giản là việc truy xuất dữ liệu theo những yêu cầu cụ thể của người dùng.
B. Là việc cập nhật và truy xuất dữ liệu.
C. Là việc tổng hợp, phân tích, sắp xếp, tính toán, thống kê,... từ những dữ liệu đã có để rút ra được những thông tin có giá trị về những đối tượng mà các dữ liệu phản ánh.
D. Là việc in ra giấy toàn bộ dữ liệu lưu trữ.
Hướng dẫn trả lời:
Đáp án đúng:
C. Là việc tổng hợp, phân tích, sắp xếp, tính toán, thống kê,... từ những dữ liệu đã có để rút ra được những thông tin có giá trị về những đối tượng mà các dữ liệu phản ánh.
Câu 10.8. Trường hợp phải thu thập dữ liệu thường xuyên với tần suất và khối lượng lớn, người ta thường sử dụng phương pháp thu thập dữ liệu nào dưới đây?
A. Dùng thiết bị ghi hình.
B. Dùng thiết bị ghi âm.
C. Ghi chép thủ công.
D. Dùng thiết bị thu thập dữ liệu tự động.
Hướng dẫn trả lời:
Đáp án đúng:
D. Dùng thiết bị thu thập dữ liệu tự động.
Câu 10.9. Hãy quan sát thực tế xung quanh và kể tên một số hoạt động quản lý dùng thiết bị thu thập, lưu trữ dữ liệu tự động.
Hướng dẫn trả lời:
Hãy quan sát thực tế xung quanh và kể tên một số hoạt động quản lý dùng thiết bị thu thập, lưu trữ dữ liệu tự động:
Quản lý giao thông đô thị: Các hệ thống tín hiệu giao thông và camera giám sát đường phố tự động thu thập dữ liệu về lưu lượng xe cộ và hình ảnh vi phạm giao thông để giúp quản lý giao thông hiệu quả.
Quản lý chất lượng không khí: Các cảm biến đo chất lượng không khí tự động gửi dữ liệu về chất lượng không khí, giúp quản lý thành phố cải thiện môi trường sống.
Quản lý sự kiện và hội thảo: Hệ thống quản lý sự kiện tự động thu thập thông tin về người tham dự, lịch trình, và thông tin liên quan để tổ chức sự kiện một cách hiệu quả.
Quản lý nông nghiệp thông minh: Trong nông nghiệp, các thiết bị tự động như trạm thời tiết, cảm biến đất, và máy thu hoạch tự động thu thập dữ liệu về điều kiện nông nghiệp để tối ưu hóa sản xuất.
Quản lý tài chính cá nhân: Ứng dụng di động và dịch vụ ngân hàng trực tuyến tự động theo dõi giao dịch và thông tin tài chính cá nhân để giúp người dùng quản lý tài chính của họ.
Quản lý y tế: Trong lĩnh vực y tế, các thiết bị y tế thông minh ghi lại dữ liệu về sức khỏe của bệnh nhân và theo dõi tình trạng y tế tự động.