Soạn ngữ văn 9 sách VNEN bài 28: Những ngôi sao xa xôi

Soạn bài chi tiết, cụ thể ngữ văn 9 VNEN bài 28: Những ngôi sao xa xôi. Tất cả bài tập được trình bày cẩn thận, chi tiết. Mời các em cùng tham khảo để học tốt môn học này.

A. Hoạt động khởi động

Em đã được học những tác phẩm văn học nào viết về người chiến sĩ trong cuộc kháng chiến chống Mĩ? Theo em, phẩm chất và ý chí chiến đấu của họ có điểm gì chung và đáng trân trọng?

Trả lời:

* Tác phẩm văn học đã học về người chiến sĩ trong cuộc kháng chiến chống Mĩ:

Bài thơ về tiểu đội xe không kính.

Những điểm chung trong phẩm chất và ý chí chiến đấu của họ:

  • Giàu lòng yêu nước
  • Dũng cảm, kiên cường, bất khuất
  • Lạc quan, giàu ý chí và có tình đồng chí, đồng đội sâu sắc.

B. Hoạt động hình thành kiến thức

1. Đọc văn bản Những ngôi sao xa xôi

2. Tìm hiểu văn bản

a) Xác định bố cục truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi.

Trả lời:

* Bố cục truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi chia làm 3 phần:

+ Phần 1 (từ đầu cho đến “ngôi sao trên mũ”): Phương Định kể về cuộc sống của mình cùng các đồng đội trong tổ trinh sát mặt đường của cô.

+ Phần 2 (tiếp đến “chị Thao bảo”): Nho bị thương trong một lần phá bom, Phương Định cùng chị Thao lo lắng và chăm sóc.

+ Phần 3 (phần còn lại): Sau giờ phút hiểm nguy, hai chị em ngồi hát, niềm vui trước cơn mưa đá đột ngột.

b) Truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi được trần thuật từ ngôi kể thứ mấy? Điều này có tác dụng gì trong việc thể hiện nội dung của truyện?

Trả lời:

* Truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi được trần thuật từ ngôi kể thứ nhất (được kể bởi nhân vật Phương Định).

* Cách lựa chọn ngôi kể này có tác dụng:

+ Tạo điểm nhìn phù hợp, dễ dàng tái hiện chân thực hiện thực khốc liệt của chiến tranh. Để cho nhân vật là người trong cuộc kể lại thì câu chuyện sẽ thật hơn, cụ thể và sinh động hơn, tạo cho người đọc cảm giác tin vào câu chuyện hơn. 

+ Khắc họa thế giới nội tâm, cảm xúc và suy nghĩ của nhân vật một cách chân thực, giàu sức thuyết phục.

+ Làm hiện lên vẻ đẹp của con người trong chiến tranh.

c) Phân tích nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật Phương Định trong các đoạn:

- Nhân vật tự quan sát và đánh giá về mình ở phần đầu truyện.

- Tâm trạng của Phương Định trong một lần phá bom ở cuối truyện.

- Cảm xúc trước trận mưa đá ở cuối truyện.

Trả lời:

Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật Phương Định trong các đoạn:

  •  Nhân vật tự quan sát và đánh giá về mình ở phần đầu truyện.

Ở phần đầu truyện, cô tự quan sát và đánh giá về mình rằng: “Tôi là một cô gái khá. Hai bím tóc dày…cái nhìn sao mà xa xăm…” Khi các anh pháo thủ và lái xe hay hỏi thăm cô, cô cảm thấy vui và tự hào nhưng chưa dành tình cảm cho ai. Cô chỉ thích ngăm mình tỏng gương và làm điệu khi đồng độ mình tiếp xúc với một anh bộ đội nào đó.

-> Đó là những nét tâm lí rất tự nhiên và phù hợp với nhân vật bởi Phương Định chỉ vừa mới bước qua tuổi học trò hồn nhiên, vô tư.

  •  Tâm trạng của Phương Định trong một lần phá bom ở cuối truyện.

Tâm trạng của Phương Định trong một lần phá bom được miêu tả hết sức chi tiết và chân thực. Khi đến gần quả bom cô cũng sợ nhưng “cảm thấy ánh mắt các chiến sĩ dõi theo mình”, lòng dũng cảm, lòng tự trọng trong cô được kích thích nên cô “không sợ nữa”. Và khi đã ở bên quả bom, kề sát với cái chết có thể đến tức khắc, từng cảm giác của cô như cũng trở nên sắc nhọn hơn và căng như dây đàn : “ thỉnh thoảng lưỡi xẻng chạm vào quả bom. Một tiếng động sắc đến gai người cứa vào da thịt tôi, tôi rùng mình và bỗng thấy tại sao mình làm quá chậm. Nhanh lên một tí ! Vỏ quả bom nóng. Một dấu hiệu chẳng lành” Cô cố gắng chạy đua với thời gian. Khi chạy tới chỗ ẩn nấp, cô hồi hộp, lo lắng chờ đợi: “liệu mìn có nổ, bom có nổ không ? Không thì làm cách nào để châm mìn lần thứ hai”. Cô có nghĩ đến cái chết nhưng là cái chết rất mờ nhạt, không cụ thể. Khi bom nổ, dù ngực đau nhói, “mắt cay mãi mới mở ra được” nhưng cô vẫn chạy ngay tới chỗ bom nổ. Trong truyện, đây là đoạn văn miêu tả tâm lí nhân vật chi tiết và xuất sắc nhất.

  •  Cảm xúc trước trận mưa đá ở cuối truyện.

Khi cơn mưa đá ập đến, cô vui thích cuống cuồng chạy ra nhặt đá, say sưa tận hưởng cơn mưa hồn nhiên như một đứa trẻ: “Những niềm vui con trẻ của tôi lại mở tung ra, say sưa, tràn đầy.” Sau khi mưa tạnh, cô bỗng “thẫn thờ, tiếc không nói nổi”. Một dòng kí ức cùng nỗi nhớ da diết về gia đình, về thành phố thân thương trào dâng trong trí nhớ cô.

d) Phân tích những nét chung và nét riêng của ba nhân vật nữ thanh niên xung phong trong truyện.

Trả lời:

* Những nét chung và nét riêng của ba nhân vật nữ thanh niên xung phong trong truyện.

- Nét chung:

+ Họ đều thuộc thế hệ những cô gái thanh niên xung phong thời kì kháng chiến chống Mĩ mà tuổi đời còn rất trẻ. Nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, họ rời xa gia đình, trường lớp, quê hương để dấn thân vào nơi chiến trường hiểm nguy, gian khổ - nơi mà sống chết, mất còn chỉ diễn ra trong gang tấc.

+ Họ đều có những phẩm chất chung của những chiến sĩ thanh niên xung phong ở chiến trường : có tinh thần trách nhiệm cao đối với nhiệm vụ, lòng gan dạ, dũng cảm không sợ hi sinh, tình đồng đội gắn bó. 

+ Ở họ còn có tình đồng đội gắn bó keo sơn, thắm thiết. Họ hiểu được tính tình, sở thích của nhau và quan tâm, chăm sóc nhau rất chu đáo.

+ Cuộc sống chiến đấu ở chiến trường thật gian khổ, hiểm nguy nhưng họ luôn lạc quan, yêu đời. Họ có cuộc sống nội tâm phong phú đáng yêu, dễ cảm xúc, nhiều mơ ước, hay mơ mộng.

- Nét riêng:

+ Nho là một cô gái trẻ, xinh xắn, rất hồn nhiên và trẻ thơ. Cô thích vòi vĩnh, nũng nịu với Thao và Phương Định. Nhưng khi chiến đấu thì cô cũng rất dũng cảm, hành động thật nhanh gọn.

+ Chị Thao, tổ trưởng, ít nhiều có từng trải hơn. Chị mơ ước và dự tính về tương lai có vẻ thiết thực hơn nhưng cũng không thiếu những khát khao và rung động của tuổi trẻ. Trong công việc, ai cũng gờm chị về tính cương quyết, táo bạo. Thế nhưng chị Thao lại là người rất sợ máu và sợ vắt. Chị chăm chép bài hát dù chẳng thuộc bài nào.

+ Phương Định là cô gái Hà Nội trẻ trung và xinh xắn. Cô cũng trẻ trung như Nho, là một cô học sinh thành phố, nhạy cảm và hồn nhiên, thích mơ mộng và hay sống với những kỉ niệm của tuổi thiếu nữ vô tư về gia đình và về thành phố của mình.

3. Tìm hiểu về biên bản

Đọc hai biên bản và trả lời câu hỏi

(Xem trong sách giáo khoa)

(1) Biên bản ghi lại sự việc gì?

(2) Nêu bố cục chung của hai biên bản.

(3) Có hai loại biên bản được sử dụng phổ biến trong cuộc sống hằng ngày: biên bản hội nghị và biên bản sự vụ. Hãy cho biết hai biên bản này có thuộc hai kiểu biên bản nêu trên không?

(4) Ai là người chịu trách nhiệm chính về tính xác thực của biên bản? Muốn đảm bảo độ chính xác của biên bản, người đó cần phải đảm bảo những yêu cầu gì khi ghi biên bản?

(5) Theo em, văn phong của biên bản cần phải đảm bảo yêu cầu gì?

Trả lời:

(1) Biên bản ghi lại sự việc sự việc đã xảy ra hoặc đang xảy ra trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức chính trị, xã hội và doanh nghiệp.

  • Biên bản 1 ghi lại diễn biến cuộc họp sinh hoạt chi đội tuần 6.
  • Biên bản 2 ghi lại buổi công an trả phương tiện giao thông cho chủ sở hữu.

(2) Bố cục chung của hai biên bản.

- Phần mở đầu:

    + Quốc hiệu và tiêu ngữ (đối với loại biên bản sự vụ, hành chính);

    + Tên biên bản;

    + Thời gian, địa điểm, thành phần tham dự và chức trách của họ;

- Phần nội dung: Ghi lại diễn biến và kết quả sự việc.

- Phần kết thúc:

    + Thời gian kết thúc, chữ kí và họ tên của những người có trách nhiệm chính, chữ kí và họ tên của người ghi biên bản;

    + Những văn bản và hiện vật kèm theo (nếu có).

(3)

  • Biên bản 1 là biên bản hội nghị
  • Biên bản 2 là biên bản sự vụ.

(4)

  • Người ghi biên bản phải chịu trách nhiệm về tính xác thực của biên bản.
  • Muốn đảm bảo độ chính xác của biên bản, người ghi biên bản cần ghi lại những sự việc một cách chính xác, cụ thể, trung thực, đầy đủ, khách quan.

(5) Văn phong của biên bản cần phải đảm bảo yêu cầu sáng rõ, ngắn gọn, chính xác.

C. Hoạt động luyện tập

1. Luyện tập đọc hiểu văn bản Những ngôi sao xa xôi.

Ý nghĩa của nhan đề truyện Những ngôi sao xa xôi.

Trả lời:

“Những ngôi sao xa xôi” là một nhan đề đặc sắc, ấn tượng, vừa có ý nghĩa cụ thể, vừa có ý nghĩa ẩn dụ mang tính biểu tượng:

+ Nhan đề “Những ngôi sao xa xôi” gợi nhớ đến hình ảnh những ngôi sao lớn trên bầu trời thành phố quê hương mà Phương Định – nhân vật chính trong truyện – thường hay nhớ lại. Hình ảnh ấy gắn liền với khoảng thời gian yên bình mà cô được sống cùng gia đình mình. Điều đó cho thấy, dù trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt, những cô gái thanh niên xung phong vẫn giữ được nét hồn nhiên, trong sáng, mơ mộng. Và đồng thời thể hiện tấm lòng của cô gái trẻ luôn luôn hướng về gia đình, quê hương.

+ Nhan đề này còn muốn nói lên 3 cô thanh niên xung phong là những ngôi sao trên bầu trời rộng lớn, họ tỏa sáng những vẻ đẹp riêng lấp lánh, diệu kì. Họ là những ngôi sao kì diệu mà ai cũng phải cảm phục khi làm nhiệm vụ trên tuyến đường Trường Sơn. Nhưng họ là "những ngôi sao xa xôi", vì thế  vì thế phải thật chăm chú mới nhìn thấy được, mới phát hiện ra để yêu và quý trọng những vẻ đẹp ấy của họ.

3. Luyện tập về biên bản

a) Tình huống nào sau đây cần viết biên bản?

(1) Em có nguyện vọng được tham gia câu lạc bộ tiếng Anh của trường.

(2) Diễn biến, kết quả của đại hội chi đoàn,

(3) Lớp em muốn trình bày nguyện vọng với cô chủ nhiệm.

(4) Trình bày lí do em bận không thể tham dự buổi sinh hoạt ngoại khóa của lớp.

b) Biên bản được soạn thảo nhằm mục đích gì?

(1) Ghi lại những sự việc đã xảy ra hoặc vừa mời xảy ra.

(2) Ghi lại tâm tư, nguyện vọng của cá nhân.

(3) Ghi lại mệnh lệnh của cấp trên với cấp dưới.

(4) Ghi lại nhiệm vụ mà thầy (cô) giáo giao cho học sinh.

Trả lời:

a) Tình huống nào cần viết biên bản: (2) Diễn biến, kết quả của đại hội chi đoàn.

b) Biên bản được soạn thảo nhằm mục đích: (1) Ghi lại những sự việc đã xảy ra hoặc vừa mời xảy ra.

D. Hoạt động vận dụng

Bài 1. Từ đoạn trích dưới đây trong truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi và dựa vào những hiểu biết của bản thân, em hãy cho biết suy nghĩ của mình về thái độ của mỗi người trong mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể.

Vắng lặng đến đáng sợ. Cây còn lại xơ xác. Đất nóng. Khói đen vật vờ từng cụng trong không trung, che đi những gì từ xa. Các anh cao xạ có nhìn thấy chúng tôi không? Chắc có, các anh ấy có những cái ống dòm có thể thu cả trái đất vào tầm mắt. Tôi đến gần quả bom. Cảm thấy có ánh mắt các chiến sĩ dõi theo mình, tôi không sợ nữa. Tôi sẽ không đi khom. Các anh ấy không thích cái kiểu đi khom khi có thể cứ đàng hoàng mà bước tới.

Trả lời:

Giữa cá nhân và tập thể, giữa cái “tôi” cá nhân và cái “ta” chung rộng lớn có một mối quan hệ gắn bó rất chặt chẽ và khăng khít với nhau. Cá nhân và tập thể có ảnh hưởng qua lại với nhau, mặc dù mỗi yếu tố có sự độc lập tương đối. Nhờ có mối quan hệ này mà xã hội mới có thể phát triển.

Ở trong đoạn trích, nhân vật Phương Định (đại diện cho cá nhân) vì lợi ích của tập thể (của dân tộc, đất nước) mà đi thực hiện nhiệm vụ phá bom nguy hiểm. Tập thể ( những người đồng đội ) luôn dõi theo, động viên, tin tưởng, tiếp thêm lòng dũng cảm để cô hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc.

=> Qua đó, ta có thể rút ra những bài học về thái độ của mỗi người trong mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể:

+ Sức mạnh của mỗi cá nhân hợp lại sẽ tạo nên sức mạnh tập thể lớn lao. Ngược lại, sức mạnh của tập thể cũng là nguồn động đối với mỗi cá nhân.

+ Khi ở trong một tập thể, mỗi cá nhân cần có thái độ học tập, sẻ chia, giúp đỡ động viên nhau để cùng nhau hoàn thiện và hoàn thành công việc chung. Tránh thái độ cá nhân vị kỉ: tách mình, thoát ly ra khỏi tập thể; chỉ biết lo cho cá nhân mình; vô cảm đối với tập thể.

+ Chính sự hòa nhập giữa cá nhân và tập thể, giữa một người với nhiều người sẽ giúp cho xã hội ngày càng phong phú, nhiều màu sắc, nhiều ý nghĩa hơn.

Bài 2. Đọc truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi, em có suy nghĩ gì về tuổi trẻ Việt Nam trong kháng chiến chống Mĩ?

Trả lời:

* Qua truyện ngắn, ta có hiểu thêm nhiều điều về tuổi trẻ Việt Nam trong kháng chiến chống Mĩ:

+ Họ đều là những con người có một lòng nồng nàn yêu nước, gan dạ, dũng cảm, kiên cường. không ngại khó khăn, gian khổ, dám đối mặt với hiểm nguy và hi sinh, mất mát.

+ Họ lạc quan, yêu đời và có tâm hồn đáng yêu, đáng trên trọng ngay cả tỏng hoàn cảnh khói lửa đạn bom của chiến tranh.

=> Qua câu chuyện, ta càng thêm tự hào và biết ơn những con người, những thế hệ đã đánh đổi cả thanh xuân và tính mạng của mình để giữ lấy độc lập, hòa bình cho dân tộc.

Bài 3. Hãy ghi lại biên bản về một buổi sinh hoạt chi đoàn của lớp em.

Trả lời:

ĐOÀN TRƯỜNG THCS DỊCH VỌNG

CHI ĐOÀN:…………………………….

ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH

 

Hà Nội, ngày 1 tháng 2  năm 2018

BIÊN BẢN SINH HOẠT CHI ĐOÀN

Tháng 2 năm 2018

 

1. Thời gian: Hôm nay vào hồi: 8 giờ 30 ngày 1 tháng 2 năm 2018

2. Địa điểm: Tại phòng học 103  chi đoàn 8A tiến hành sinh hoạt chi đoàn.

3. Thành phần:

            Tổng ĐVTN: 30                    Trong đó: Nam: 18 Nữ: 12

            Có mặt: 0 ;         Vắng mặt: 0 ;         Ghi rõ những ĐVTN vắng mặt: ……………………………………………………………………………………………………

Chủ tọa:  Nguyễn Văn A            - chức vụ: Lớp trưởng

            Thư ký: Phạm Thị B      - chức vụ: Đoàn viên

Giáo viên CVHT lớp: cô Trần Thị Tuyết.

4. Nội dung sinh hoạt chi đoàn:

4.1. Đánh giá tình hình thực hiện những hoạt động của tháng trước

- Những công việc đã làm được:

+ Nhìn chung hầu hết các đoàn viên tích cực tham gia hoạt động Đoàn và hoạt động thi đua của lớp để chào đón ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

+ Đoàn viên sinh hoạt có chất lượng, tham gia tích cực các phong trào của địa phương.

+ Tham gia LĐVS dọn các phòng học chuẩn bị tu sửa phòng học, cơ sở vật chất.

- Những tồn tại, thiếu sót:

Một số đoàn viên tham gia chưa nhiệt tình

4.2. Triển khai nội dung sinh hoạt chi đoàn tháng 3 : (Ghi rõ nội dung triển khai và thời gian, địa điểm, tên hoạt động chi đoàn tham gia hoặc tự tổ chức trong tháng)

- Chăm sóc công trình phần việc thanh niên: chăm sóc công viên cây xanh của trường

- Đồng chí TPT Đội tập huấn và triển khai các hoạt động Đoàn.

- Viết bài tuyên truyền phát thanh măng non phát định kì.

- Thi đua học tập và công tác Đoàn nhằm chào mừng ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

5. Kết luận của Chủ tọa về những nội dung đã triển khai cho các thành viên của lớp:

Đề nghị các đ/c đoàn viên quan tâm đến nề nếp sinh hoạt đoàn, mỗi đồng chí cần nâng cao ý thức trách nhiệm hơn trong các công việc được giao.

Cuộc họp kết thúc vào hồi 10 giờ 00 cùng ngày

Chủ tọa

GVCN/CVHT

Thư ký

E. Hoạt động mở rộng

Tìm thêm các bài thơ, câu chuyện nói về tuổi trẻ Việt Nam trong những năm chống Mĩ cứu nước.

Trả lời:

* Các bài thơ, câu chuyện nói về tuổi trẻ Việt Nam trong những năm chống Mĩ cứu nước.

Theo Chân Bác

Tố Hữu

“…Hỡi Miền Bắc đó, nặng đôi vai 

Gánh cả non sông, vượt dặm dài 

Xẻ dọc Trường Sơn, đi cứu nước 

Mà lòng phơi phới dậy tương lai!

…”

 

Đừng quên

Chế Lan Viên

“…Nửa nước hoà bình

Nửa nước chiến tranh

Máu thắm vào lòng đất đã sâu

Sao trang giấy lòng anh suy nghĩ cạn

Mỗi chúng ta đi ở đây

Đều có bóng mình ở miền Nam đang ra trận

Đừng quên!.”

 

 Đi trong rừng

Phạm Tiến Duật

Để lại trong rừng những gì quý nhất

Mất mọi thứ để nhân dân không mất

 

Nhớ

Phạm Tiến Duật

 

Cái vết thương xoàng mà đưa viện

Hàng còn chờ đó, tiếng xe reo..

Nằm ngửa nhớ trăng, nằm nghiêng nhớ bến

Nôn nao ngồi dậy nhớ lưng đèo.

 

Những người đi tới biển

Thanh Thảo 

... Cho con xin bắt đầu từ mẹ

Để nói về chúng con

Lớp tuổi hai mươi, ba mươi điệp trùng áo lính

Xanh màu áo lính

Đã từng sung sướng, đã từng nghẹn ngào

Được làm con mẹ

Được ra trận những năm đất nước mình  khốc liệt...

….

Nếu một ngày ta dựng những hàng bia

Xin hãy đề: "Nơi đây những cuộc đời chưa bao giờ yên nghỉ".

 

Lửa mùa hong áo 

Lê Thị Mây

Xin các chị cho em nén giữ trong lòng

Làn hương sả bắt đầu từ ký ức

Mười sáu tuổi, mười bảy tuổi ai không náo nức

Mong được rời nách áo mẹ ra đi

Tiếng núi sông thăm thẳm rầm rì

Phía mặt trận trai làng hành quân lũ lượt

Mười sáu tuổi cởi khăn quàng mơ ước

Mũ tai bèo đỏng đảnh bím đuôi sam.

 

* Một số tiểu thuyết tiêu biểu như:

  • Dấu chân người lính – Nguyễn Minh Châu
  • Rừng xà nu - Nguyễn Trung Thành
  • Hòn Đất - Anh Đức
  • Con đường xuyên rừng - Lê Văn Thảo
Tìm kiếm google:

Xem thêm các môn học


Copyright @2024 - Designed by baivan.net