1. Vị trí địa lí và đặc điểm tự nhiên
- Xác định vị trí địa lí của Hà Nội:
Nằm chếch về phía tây bắc của trung tâm vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, Hà Nội có vị trí từ 20°53' đến 21°23' vĩ độ Bắc và 105°44' đến 106°02' kinh độ Đông, tiếp giáp với các tỉnh Thái Nguyên, Vĩnh Phúc ở phía Bắc, Hà Nam, Hòa Bình phía Nam, Bắc Giang, Bắc Ninh và Hưng Yên phía Đông, Hòa Bình cùng Phú Thọ phía Tây.
- Dựa vào bản đồ tự nhiên địa phương và kết hợp với hiểu biết của bản thân, hãy mô tả một số nét chính về tự nhiên ở địa phương em theo gợi ý ở hình 1.
Tên địa phương: Hà Nội.
Dạng địa hình: Địa hình Hà Nội thấp dần theo hướng từ Bắc xuống Nam và từ Tây sang Đông với độ cao trung bình từ 5 đến 20 mét so với mực nước biển. Dạng địa hình chủ yếu là Đồng bằng
Một số sông, hồ: Hồ Hoàn Kiếm, sông Hồng, sông Đuống sông Tô Lịch, hồ Tây, Sông Nhuệ...
Khí hậu: nhiệt đới gió mùa ẩm, mùa hè nóng, mưa nhiều và mùa đông lạnh, ít mưa.
Các yếu tố tự nhiên khác: Dù đồng bằng chiếm 3/4 diện tích nhưng một số khu vực ở Hà Nội vẫn có núi. Ở nội thành cũng có núi, nhưng cao không quá hai chục mét, phần lớn ở quận Ba Đình.
2. Một số hoạt động kinh tế
- Ngành nông nghiệp ở Hà Nội chiếm tỷ trọng nhỏ nhưng chiếm vị trí quan trọng trong việc cung cấp nông sản đáp ứng nhu cầu đa dạng, phong phú và ngày càng tăng của nhân dân Thủ đô.
Hà Nội nhiều loại cây nông nghiệp như lúa, sắn...
Một số loại gia xúc như lợn, bò; một số loại cá, gia cầm như gà, vịt...
- Hà Nội có 6 ngành công nghiệp chủ lực, gồm: dệt may; chế biến nông sản, thực phẩm; hóa chất; cơ khí chế tạo; điện tử viễn thông và công nghệ thông tin
- Hà Nội có nhiều trung tâm thương mại và điểm du lịch nổi tiếng như:
Trung tâm thương mại: Vincom ở Hà Nội, Tràng Tiền Plaza...
Điểm du lịch nổi tiếng: Phố Cổ, Hồ Gươm, Quảng trường Ba Đình – Lăng Bác...
3. Văn hóa địa phương
- Một số nét văn hóa ở Hà Nội:
Hà Nội được coi là trung tâm văn hóa ẩm thực, nơi tập trung nhiều món ăn hấp dẫn và tinh tế, trong đó phải kể đến xôi lúa Tương Mai, chả cá Lã Vọng, phở, bánh cốm - cốm Vòng, bún thang, bánh trôi, bánh cuốn Thanh Trì, nem, chè sen long nhãn…
Kiến trúc cổ của Hà Nội mang đậm dấu ấn của lịch sử dài lâu, chùa chiền, đền miếu có khắp nơi trên đất Hà Nội. Kiến trúc đơn sơ, giản dị, gần gũi với con người tạo nên sự cổ kính, thanh tịnh. Kiến trúc hiện nay chủ yếu là các tòa nhà cao tầng với đa dạng thiết kế mang nét hiện đại.
Các lễ hội tiêu biểu ở Hà Nôi phải kể đến: Lễ hội Gióng, Lễ hội Gò Đống Đa, Lễ hội chùa Thầy...
Đặc điểm trang phục: Ngày xưa nam giới mặc áo dài năm thân, vải thâm, có khuy tết chỉ hoặc khuy đồng, khuy bạc, khuy ngọc... người hào hoa phong nhã thì mặc áo sa trơn, áo trong và quần màu trắng. Mùa rét, dùng áo kép, có thêm lần vải lụa lót màu tươi, áo bông cộc, trần quân cờ. Khi mặc, người ta còn có thắt lưng bao xanh duyên dáng kèm theo.
Hà Nội có một số phong tục, tập quan tiêu biểu như: tục lệ như bày mâm mũ quả, xông đất, lì xì, cúng ông Táo về trời
- Giới thiệu về món Cốm Vòng Hà Nội
Cốm làng Vòng được làm từ loại lúa nếp hoa vàng và là loại lúa non, nhưng không non quá.
Quy trình làm cốm phải qua rất nhiều công đoạn khá tỉ mỉ như: chọn lúa phù hợp tuốt ra lấy thóc. Sau đó sàng bỏ rơm, đãi qua nước để loại bỏ các hạt thóc lép. Thóc sau khi đãi sạch, cho vào chảo rang. Cốm rang xong khi còn nóng là đem giã ngay. Cốm giã xong thì đến công đoạn sàng sẩy và cuối cùng là đóng gói.
Ăn cốm tươi đúng kiểu ta cảm nhận được cái dẻo dẻo, thơm thơm khi nhai và vị ngọt lan dần trong khoang miệng, lắng đọng nơi cuống họng.
4. Danh nhân tiêu biểu
Danh nhân Chu Văn An là một người thầy giáo mẫu mực đáng kính. Ông đã sống trải qua các triều vua Anh Tông, Minh Tông, Hiến Tông, Dụ Tông và Nghệ Tông nhà Trần. Học trò của ông rất đông, có tới trên ba ngàn người. Ông cũng từng dạy học ở Quốc Tử Giám. Ông là người thầy vĩ đại đến ngay cả nhiều người dù đã đỗ đạt vẫn thường lui tới trường để được nghe ông bình văn giảng sách.
Tương truyền rằng khi Chu Văn An khi dạy học ở Cung Hoàng, từng dạy cho một người học trò đặc biệt. Năm ấy đại hạn, dân tình nhôn nhao đói khổ. Vốn giàu lòng nhân đạo, Chu Văn An ngày đêm lo lắng cho nhân dân. Ông nghĩ đến chàng học sinh khôi ngô ham học của mình, hi vọng chàng có thể cứu vớt được nhân dân. Vốn là Thủy thần vì mộ đạo học của Chu Văn An mà hiện thân thành người học trò đến theo học, hàng ngày chàng vẫn được nghe thầy giảng đạo đức nhân nghĩa của thánh hiền; nay chàng lại được chính thầy sai tìm cách cứu vớt muôn dân thì còn nhân nghĩa đạo đức nào bằng. Chàng bèn lấy nước lã mài mực, dùng bút dúng mực vẩy lên trời rồi tung nghiên bút mỗi thứ đi một phía. Lập tức mây đen nổi lên, trời mưa như trút, nước đen màu mực chảy ngập ruộng đồng. Bút của chàng rơi xuống là Tả Thanh Oai, còn nghiên thì rơi xuống cánh đồng làng Quỳnh Đô và biến thành khu đầm nước màu đen nên gọi là đầm Mực. Thấy trời mưa to, nhân dân khắp nơi đều vui mừng. Chu Văn An vô cùng sung sướng. Nhưng chàng học sinh trẻ tuổi vì là tría thiên mệnh nên đã phải gánh chịu trừng phạt. Thầy lo lắng, cho người đi tìm thì thấy xác một con thuồng luồng chết nổi lên ở giữa đầm Cung Hoàng. Chu Văn An biết đó là hiện thân của anh học trò vô cùng yêu quý của ông đã bị trừng phạt vì chống lại lệnh của thiên đình. Chu Văn An buồn rầu đau xót, tiếc thương người đã bỏ mình vì việc nghĩa. Tình nghĩa thầy trò lại càng làm cho nỗi xót thương ấy tăng lên vô hạn. Chu Văn An sai học trò vớt xác con thuồng luồng đó lên và đem chôn cất tử tế…
Qua câu chuyện về Chu Văn An chúng ta thấy được thầy giáo Chu là một người giàu lòng nhân ái, giành cả đời cho việc dạy học.