Bài tập 1. Đọc lại văn bản Thần Trụ Trời trong SGK Ngữ văn 10, tập một (tr. 11 – 12) và trả lời các câu hỏi:
1. Xác định thời gian, không gian và các sự kiện chính được kể trong truyện Thần Trụ Trời.
2. Vũ trụ thuở sơ khai được hình dung như thế nào trong truyện thần Trụ Trời?
3. Vì sao thần Trụ Trời lại được miêu tả với hình dạng khổng lồ, kì vĩ?
4. Nếu nhận xét về cách miêu tả công việc kiến tạo vũ trụ của thần Trụ Trời.
5. Phân tích hình ảnh vũ trụ sau khi được kiến tạo để thấy nhận thức của người xưa về thế giới.
6. Tìm những lời kể mang tính suy nguyên và phân tích chức năng cụ thể của chúng trong truyện Thần Trụ Trời.
Trả lời:
1. Thời gian, không gian và các sự kiện chính được kể trong truyện Thần Trụ Trời theo bảng:
Thời gian | Thuở chưa có vũ trụ, chưa có muôn vật và loài người. | ||
Không gian | Trời đất hỗn độn, tối tăm, lạnh lẽo | ||
Nhân vật | Ông thần thân thể to lớn hay Thần Trụ Trời | ||
Sự kiện chính | Ông thần đứng dậy dùng đầu đội trời, đào đất, đá đắp thành cột cao, to để trống trời. Thần ném vung đá và đất đi khắp nơi. Mỗi hòn đá văng ra tạo thành một hòn núi hay một hòn đảo. Đất tung tóe mọi nơi tạo thành cồn đồi, cao nguyên. |
2. Vũ trụ thuở sơ khai trong truyện Thần Trụ Trời được hình dung là một vũ trụ hỗn độn, tối tăm, trời đất chưa tách rời nhau thể hiện qua các chi tiết:
- “Thuở ấy chưa có vũ trụ, chưa có muôn vật và loài người. Trời đất chỉ là một đám hỗn độn tối tăm và lạnh lẽo”.
- “Thần ở trong đám mờ mịt hỗn độn đó không biết đã từ bao lâu” ...
=> Đây là cách hình dung về thuở sơ khai rất phổ biến trong thần thoại suy nguyên của nhiều dân tộc ở Việt Nam và trên thế giới.
3. Thần Trụ Trời được miêu tả với hình dạng khổng lồ, kì vĩ là vì:
- Thần Trụ Trời có chức năng kiến tạo vũ trụ bao la, kì vĩ nên thần cũng có hình dạng khổng lồ, kì vĩ như vậy.
- Đồng thời, trong thần thoại suy nguyên, hình dạng của nhân vật thần thường có mối liên hệ chặt chẽ với hiện tượng tự nhiên được hình tượng hoá để lí giải cho nhận thức về các hiện tượng tự nhiên hoặc những tập tục, thói quen, hành vi của cộng đồng.
4. Công việc kiến tạo vũ trụ của Thần Trụ Trời được tác giả mô tả một cách gần gũi, tựa như công việc lao động của con người. Dù tách biệt trời và đất làm hai đòi hỏi nhiều sức lực nhưng Thần vẫn cần mẫn làm việc để giúp trời đất thoát khỏi vùng hỗn độn, tối tăm.
5. Hình ảnh vũ trụ sau khi được kiến tạo: “Từ đó trời đất phân ra làm hai. Đất phẳng như cái mâm vuông, trời ở trên như cái bát úp, chỗ giáp giới giữa trời và đất gọi là chân trời”; “mặt đất chỗ cao, chỗ thấp không được bằng phẳng”;...
=> Đây là hình ảnh thể hiện sự nhận thức hồn nhiên, mộc mạc, thô sơ, gần gũi của con người thuở bấy giờ (gốm hai tầng trời và đất); về đặc điểm của thế giới (hình dạng của bầu trời và mặt đất); về quá trình hình thành các sự vật, hiện tượng tự nhiên.
6. Những lời kể mang tính suy nguyên trong truyện thần Trụ Trời mang chức năng giải thích cho sự hình thành của vũ trụ trong quan niệm con người thời xưa:
- “Từ đó trời đất phân ra làm hai. Đất phẳng như cái mâm vuông, trời ở trên như cái bát úp, chỗ giáp giới giữa trời và đất gọi là chân trời”; “Vì thế mà bây giờ mặt đất chỗ cao, chỗ thấp không được bằng phẳng”: ở đây, tác giả đã giải thích cho chúng ta hiểu hơn về nguồn gốc, sự ra đời của đất và trời.
- Lời bài vè “Nhất ông đếm cát/ Nhì ông tát bể (biển)…”: ở đây, tác giả giới thiệu cho chúng ta biết về sự hình thành của các sự vật trong vũ trụ.