1. Các sự kiện chính là:
- Ông Sằn Nông có phép mời được các loại hát, đặc biệt là hạt thóc về nhà mình ở.
- Khi đến mùa, thóc kéo nhau về nhà nhưng vợ Sằn Nông lại mải chải chuốt mái tóc mà không mở cửa kho khiến thóc chen rồi đánh nhau túi bụi. Vì vài hạt thóc bám lên đầu bà nên vợ Sằn Nông vác gậy vừa đánh vừa chửi khiến thóc giận kéo nhau ra ruộng.
- Ông Sằn Nông biết chuyện bèn ra ruộng dỗ dành nhưng không thành. Quá buồn, ông nắm thóc bay lên trời hóa thành những ngôi sao.
2. Những lời kể mang tính suy nguyên: giải thích cho việc con người khi đến mùa lúa chín phải ra ruộng gặt lúa.
- Sự hình thành các ngôi sao và sông ngân hà.
- Tập tục khi lúa chín, con người phải mang hái liềm ra gặt.
3. Nhân vật chính trong truyện kể trên là ông Sằn Nông nhằm giải thích hiện tượng tự nhiên (sao và sông ngân hà), và tập tục gặt lúa chín mang về nhà.
4. Trong tưởng tượng của con người thời xưa, các loại hạt được dùng làm lương thực thuở sơ khai có những đặc điểm: tự sinh trưởng, đến mùa thì chúng tự tìm về nhà, vào trong kho của nhà dân. Hơn hết, chúng cũng có cảm giác, cảm xúc và có thể “giao tiếp” với con người,... Sự tưởng tượng ấy thể hiện quan niệm của con người cổ sơ về thế giới “vạn vật hữu linh”...
5. Sự biến đổi trong đặc tính của thóc phản ánh những thay đổi: Con người đã biết tìm kiếm, mày mò, sáng tạo cái ăn, không còn phụ thuộc vào tự nhiên.
6. Truyện Thần Lúa của dân tộc Tày:
Ngày xưa có một người đàn bà nghèo, tuổi cao rồi mới sinh được một cậu con trai. Bà đặt tên con là Pọ Khâu (có nghĩa là Bố Lúa), ý mong mỏi con sẽ không phải ăn trái cây, lá rừng quanh năm suốt tháng như mình.
Pọ Khâu lớn lên rất khỏe. Sức vật ngã cả trâu đực.
Pọ Khâu rất yêu thương mẹ. Mẹ ốm nặng, Pọ Khâu lo lắm. Ai mách thuốc gì, ở đâu, dù phải leo đèo, lội suối, Pọ Khâu cũng đi. Nhưng không thuốc nào chữa khỏi. Thật ra, bà mẹ đói, thèm bát cơm.
Một hôm trên đường đi tìm lá thuốc cho mẹ, Pọ Khâu nằm nghỉ bên suối. Một con chim cu đất bay qua gáy:
Muốn mẹ khỏi đau
Lấy lúa cho mau
Về ăn thì khỏi.
Pọ Khâu giật mình, vùng dậy hỏi:
– Ở đâu có lúa, hỡi cu đất?
Chim cu lại gáy:
Yêu tinh mặt đỏ
Tích lúa đầy hang.
– Nó ở đâu? Pọ Khâu hỏi.
Cu đất hất mỏ chỉ ngọn núi cao rồi cất cánh bay đi. Bay được một quãng, cu đất quay lại, khẽ dặn:
Muốn giết yêu tinh
Phải rình lúc ngủ.
Pọ Khâu về nhà rèn một ngọn lao vừa dài, vừa nhọn, đi tìm yêu tinh. Anh đi hết chín châu, mười mường mới đến được ngọn núi cao, thấy vết chân nó chi chít trên sườn núi.
Anh theo vết chân, đến một cái hang rộng. May quá! Nó đang ngủ. Mặt nó đỏ như củ nâu chín, râu nó dài như rễ cây si. Nó ngáy to như sấm, thở phì phà phì phò làm cho cây cối nghiêng như có gió mạnh thổi. Người nó to bằng mười con voi.
Con yêu tinh vẫn ngáy như sấm, thở phì phà phì phò. Nó há miệng. Pọ Khâu nhanh như sóc, bám vào râu nhảy phắt lên cổ nó, phóng luôn mũi lao vào cuống họng yêu tinh. Nó kêu rống lên đau đớn rồi khạc khạc… Mũi lao phóng mạnh quá, cắm ngập vào cổ họng nó rồi. Nó giẫy giụa, máu chảy ào ra như suối.
Pọ Khâu bị nó hất một cái bay ra cửa hang. Anh ngất đi. Một lúc sau, tỉnh lại, anh vào hang thấy yêu tinh mặt đỏ đã nằm chết cứng.
Đúng như cu đất nói, thóc lúa chất đầy cả hang. Pọ Khâu xúc một gùi thóc mang về rồi gọi dân bản lên cùng lấy.
Pọ Khâu xay lúa, giã thành gạo, nấu cơm, làm bánh cho mẹ ăn. Quả nhiên, mẹ được ăn cơm, ăn bánh, bệnh giảm dần rồi khỏi hẳn. Cũng từ đó dân bản có thóc ăn, không ai phải ăn trái cây, lá rừng như trước nữa. Mọi người ra sức phát nương, trồng lúa, cuộc sống trong bản ấm no vui hẳn lên.
Về sau, để nhớ ơn Pọ Khâu, người dân tôn anh là Thần Lúa. Ngày giỗ ngày Tết bao giờ người ta cũng đặt trên bàn thờ một mâm gạo trắng.
Nhận xét:
Một câu chuyện lí giải nguyên nhân con người phải tự mình thu hoạch lúa và một câu chuyện lại chỉ ra nguồn gốc của những hạt lúa, song chúng đều thể hiện mong ước về cuộc sống ấm no, đủ đầy của con người. Con người muốn tìm cái ăn, tất yếu phải lao động, sáng tạo, mày mò, tìm kiếm.