Giải chi tiết lịch sử 11 KNTT mới bài 5 Quá trình xâm lược và cai trị của chủ nghĩa thực dân ở Đông Nam Á

Giải bài 5 Quá trình xâm lược và cai trị của chủ nghĩa thực dân ở Đông Nam Á sách lịch sử kết nối tri thức. Phần đáp án chuẩn, hướng dẫn giải chi tiết cho từng bài tập có trong chương trình học của sách giáo khoa. Hi vọng, các em học sinh hiểu và nắm vững kiến thức bài học.

Mở đầu

Tại Bảo tàng Hàng hải ở Ma-lắc-ca (Ma-lai-xi-a), mô hình con tàu Phlo đơ Ma của Bồ Đào Nha bị đắm ở Ma-lắc-ca thu hút sự chú ý của đông đảo khách tham quan. Đây là một trong số những con tàu thuộc hạm thuyền hùng mạnh của thực dân Bồ Đào Nha tấn công xâm lược Vương quốc Ma-lắc-ca, cũng là một thương cảng sầm uất ở Đông Nam Á vào năm 1511. Sự kiện này đã mở đầu cho quá trình xâm lược và thống trị kéo dài nhiều thế kỉ của thực dân phương Tây ở Đông Nam Á. Quá trình thực dân phương Tây xâm lược và cai trị ở các nước Đông Nam Á diễn ra như thế nào?

Hướng dẫn trả lời:

  • HS trả lời sau khi học xong nội dung bài.

Hình thành kiến thức mới

1. Quá trình xâm lược và cai trị của thực dân phương Tây ở Đông Nam Á

a) Quá trình xâm lược

Nhiệm vụ 1:

  • CH1: Khai thác Tư liệu 1 (tr.31) và thông tin trong mục, trình bày quá trình thực dân phương Tây xâm lược các nước Đông Nam Á.

Hướng dẫn trả lời:

Từ đầu thế kỉ XVI, các nước phương Tây bắt đầu mở rộng quá trình xâm nhập vào các nước Đông Nam Á thông qua các hoạt động buôn bán, truyền giáo. Thông qua các thương điểm, các nước châu Âu mở rộng giao thương và từng bước chuẩn bị cho quá trình xâm lược.

  • Đối với Đông Nam Á hải đảo: sau gần 4 thế kỉ (từ đầu thế kỉ XVI đến đầu thế kỉ XX), thực dân phương Tây đã hoàn thành quá trình xâm lược các nước Đông Nam Á hải đảo.
  • Đối với Đông Nam Á lục địa: Quá trình xâm lược của thực dân phương Tây bắt đầu vào thế kỉ XIX. Đến đầu thế kỉ XX, các nước thực dân phương Tây đã hoàn thành quá trình thôn tính Đông Nam Á.

CH2: Theo em, cách thức tiến hành xâm lược các nước Đông Nam Á của thực dân phương Tây có những điểm chung gì?

Hướng dẫn trả lời:

  • Các nước thực dân phương Tây đều bắt đầu quá trình xâm nhập các quốc gia Đông Nam Á thông qua các hoạt động buôn bán, truyền giáo, giao thương, tận dụng tình hình các nước Đông Nam Á bước vào thời kì suy thoái, khủng hoảng chính trị, kinh tế, xã hội với nhiều cuộc nổi dậy chống lại chế độ phong kiến.

b) Chính sách cai trị

Nhiệm vụ 2:

CH: Khai thác các tư liệu 2, 3 và thông tin trong mục, trình bày chính sách cai trị của thực dân phương Tây đối với các nước Đông Nam Á.

Hướng dẫn trả lời:

  • Về chính trị: thiết lập nền thống trị dưới các hình thức khác nhau, nhưng đều có điểm chung là bên cạnh sự cai trị của chính quyền thực dân thì các thế lực phong kiến địa phương vẫn được duy trì như một công cụ để thi hành chính sách cai trị thuộc địa.
  • Về kinh tế: thực hiện chính sách bóc lột, khai thác các thuộc địa, biến các nước trong khu vực thành nơi cung cấp nguồn nguyên liệu và thị trường tiêu thụ hàng hoá, phục vụ lợi ích cho chính quốc.
  • Về văn hóa - xã hội: tìm mọi cách kìm hãm người dân ở các nước thuộc địa trong tình trạng lạc hậu, nghèo đói, đồng thời làm xói mòn giá trị truyền thống của các quốc gia Đông Nam Á.

2. Công cuộc cải cách ở Xiêm

Nhiệm vụ 3:

CH1: Trình bày nét chính về công cuộc cải cách ở Xiêm.

Hướng dẫn trả lời:

Về kinh tế:

  • Trong công nghiệp, Chính phủ thực hiện chính sách khuyến khích đầu tư vào các ngành công nghiệp, đường sắt,... Với việc mở cửa nền kinh tế từ nửa sau thế kỉ XIX, Băng Cốc đã trở thành trung tâm buôn bán của khu vực.
  • Trong nông nghiệp, năm 1874, Chính phủ Xiêm đã áp dụng biện pháp miễn trừ và giảm thuế nông nghiệp, tạo điều kiện phát triển sản xuất nông nghiệp và khai khẩn đất hoang. Đến đầu thế kỉ XX, Chính phủ ban hành những quy định quản lí ruộng đất hiện đại.

Về hành chính: Từ năm 1892, Ra-ma V tiến hành cải cách hành chính theo mô hình phương Tây.

Về giáo dục: Công tác giáo dục được nhà vua đặc biệt chú trọng. Năm 1898, sau khi đi khảo sát nền giáo dục ở châu Âu, nhà vua cho công bố Chương trình giáo dục đầu tiên ở Xiêm.

Về ngoại giao:

  • Năm 1897, Ra-ma V tiến hành chuyến công du sang các nước châu Âu, gặp gỡ đại diện các chính phủ Anh, Pháp, Đức, Nga... nhằm mục tiêu xoá bỏ các hiệp ước bất bình đẳng đã kí trước đó.
  • Chính phủ Xiêm kí các hiệp ước với nội dung đồng ý cắt một số vùng lãnh thổ thuộc ảnh hưởng của Xiêm ở Lào, Cam-pu-chia cho Pháp (1907) và ở Mã Lai cho Anh (1909) để bảo vệ nền độc lập của nước mình.

CH2: Vì sao Xiêm là nước duy nhất ở khu vực Đông Nam Á không trở thành thuộc địa của thực dân phương Tây.

Hướng dẫn trả lời:

  • Trong bối cảnh hầu hết các quốc gia trong khu vực đều trở thành thuộc địa của thực dân, công cuộc cải cách của Xiêm đã đưa đất nước phát triển theo con đường tư bản chủ nghĩa, từng bước hội nhập với thế giới. Những thành tựu đó giúp Chính phủ Xiêm có thực lực để thực hiện đường lối ngoại giao mềm dẻo nhằm giữ vững nền độc lập và chủ quyền của đất nước, không bị rơi vào tình trạng thuộc địa.

Luyện tập và Vận dụng

Luyện tập

CH1: Xây dựng trục thời gian thể hiện những nét chính về quá trình thực dân phương Tây xâm lược các nước Đông Nam Á.

Hướng dẫn trả lời:
Giải lịch sử 11 KNTT mới

CH2: Theo em, những chính sách cai trị của thực dân phương Tây ở Đông Nam Á đã tác động như thế nào đối với các nước trong khu vực?

Hướng dẫn trả lời:

Chính sách cai trị của thực dân phương Tây đã dẫn đến những chuyển biến sâu sắc ở các nước Đông Nam Á, trên tất cả các phương diện, từ: chính trị, kinh tế, đến văn hóa, xã hội.

  • Chuyển biến về chính trị:

- Chuyển biến tích cực: một số yếu tố tích cực về hệ thống pháp luật, quản lí hành chính,… được du nhập vào Đông Nam Á.

- Chuyển biến tiêu cực:

+ Từ các quốc gia độc lập, có chủ quyền, các nước Đông Nam Á đã trở thành thuộc địa hoặc bị lệ thuộc về chính trị vào các nước thực dân phương Tây.

+ Quyền lực chính trị nằm trong tay chính quyền thực dân. Một bộ phận lực lượng phong kiến ở các nước Đông Nam Á bị biến thành tay sai, công cụ thống trị và bóc lột của thực dân phương Tây.

+ Khối đoàn kết dân tộc bị rạn nứt.

  • Chuyển biến về kinh tế:

- Chuyển biến tích cực: phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa từng bước được du nhập vào các nước Đông Nam Á, đem đến nhiều tiến bộ hơn so với quan hệ sản xuất phong kiến, ví dụ: xuất hiện nhiều ngành kinh tế mới, xuất hiện các đô thị hiện đại, các trung tâm công nghiệp lớn,…

- Chuyển biến tiêu cực:

+ Tài nguyên thiên nhiên vơi cạn; nhân công bị bóc lột kiệt quệ;

+ Các nước Đông Nam Á bị biến thành thị trường cung cấp nguyên - nhiên liệu, nhân công và tiêu thụ hàng hóa độc chiếm của thực dân phương Tây.

+ Kinh tế các nước thuộc địa bị kìm hãm, phụ thuộc vào kinh tế các nước thực dân xâm lược; sự phát triển chỉ mang tính chất cục bộ ở một số địa phương, về cơ bản, kinh tế Đông Nam Á vẫn lạc hậu, phát triển thiếu đồng bộ, mất cân đối.

  • Chuyển biến về văn hóa:

- Chuyển biến tích cực: nhiều yếu tố tiến bộ của văn hóa phương Tây, như: lối sống, trình độ học thức, hệ tư tưởng, tư duy,… được du nhập vào Đông Nam Á.

- Chuyển biến tiêu cực:

+ Đại bộ phận dân cư vẫn trong tình trạng nghèo đói, lạc hậu, trình độ dân trí thấp.

+ Nhiều giá trị văn hóa truyền thống của các nước Đông Nam Á bị xói mòn; trong xã hội tồn tại phổ biến nhiều hủ tục, tệ nạn xã hội.

  • Chuyển biến về xã hội:

- Làm phân hóa các giai cấp, tầng lớp cũ trong xã hội.

- Làm xuất hiện của các lực lượng xã hội mới, như: công nhân, tư sản, tiểu tư sản…

- Đẩy mâu thuẫn dân tộc giữa nhân dân Đông Nam Á với chính quyền thực dân xâm lược lên cao, làm bùng nổ nhiều cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc.

Vận dụng

CH: Sưu tầm tài liệu từ sách, báo, internet, viết một bài (khoảng 300 chữ) về quá trình thực dân phương Tây xâm lược và thiết lập nền thống trị ở một nước trong khu vực Đông Nam Á.

Hướng dẫn trả lời:

  • Đầu những năm của thế kỷ XIX vùng Đông Nam Á rộng lớn trở thành mục tiêu của các nước đế quốc. Đông Nam Á sớm bị dòm ngó, trở thành mục tiêu xâm lược của thực dân phương Tây bởi Đông Nam Á có vị trí chiến lược quan trọng, giàu tài nguyên thiên nhiên và có nền văn hóa lâu đời. Hơn nữa từ giữa thế kỉ XIX, chế độ phong kiến lâm vào khủng hoảng trầm trọng, kéo dài về chính trị, kinh tế, xã hội. Giữa XIX, thực dân Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan tiến hành xâm lược In-đô-ne-xi-a. Từ năm 1899-1902 Mĩ chiến tranh xâm lược Philippin, biến quần đảo, này thành thuộc địa của mình. Thực dân Anh sau hơn 60 năm (1824 - 1885), tiến hành ba cuộc chiến tranh mới chiếm được Miến Điện. Thực dân Pháp trải qua cuộc chiến tranh xâm lược kéo dài gần nửa thế kỉ (1858 - 1893) để hoàn thành việc xâm chiếm 3 nước Đông Dương. Đến đầu thế kỉ XX, thực dân phương Tây hoàn thành quá trình xâm chiếm và thôn tính Đông Nam Á trừ Xiêm (Thái Lan). Sau khi hoàn thành việc xâm chiếm, thực dân phương Tây tiến hành thiết lập nền thống trị ở Đông Nam Á dưới nhiều hình thức khác nhau. Nhằm chia rẽ, làm suy yếu sức mạnh dân tộc của các nước Đông Nam Á thực dân phương Tây sử dụng chính sách “chia để trị”. Chính quyền thực dân thực hiện chính sách bóc lột, khai thác các thuộc địa, thực hiện biến các nước trong khu vực thành nơi cung cấp nguồn nguyên liệu, thị trường tiêu thụ hàng hoá, phục vụ lợi ích cho chính quốc. Đối với nền văn hoá – xã hội, chúng tìm mọi cách  kìm hãm người dân ở các nước thuộc địa trong tình trạng lạc hậu, nghèo đói. Thực hiện hành động làm xói mòn giá trị truyền thống của các quốc gia Đông Nam Á.
Tìm kiếm google: Giải lịch sử 11 KNTT bài 5, giải lịch sử 11 sách kết nối tri thức bài 5, Giải bài 5 Quá trình xâm lược và cai trị của chủ nghĩa thực dân ở Đông Nam Á, bài 5 Quá trình xâm lược và cai trị của chủ nghĩa thực dân ở Đông Nam Á

Xem thêm các môn học

Giải lịch sử 11 KNTT mới

CHỦ ĐỀ 1. CÁCH MẠNG TƯ SẢN VÀ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA CHỦ NGHĨA TƯ BẢN

CHỦ ĐỀ 4. CHIẾN TRANH BẢO VỆ TỔ QUỐC VÀ CHIẾN TRANH GIẢI PHÓNG DÂN TỘC TRONG LỊCH SỬ VIỆT NAM (TRƯỚC CÁCH MẠNG THÁNG TÁM NĂM 1945)

CHỦ ĐỀ 6. LỊCH SỬ BẢO VỆ CHỦ QUYỀN, CÁC QUYỀN VÀ LỢI ÍCH HỢP PHÁP CỦA VIỆT NAM Ở BIỂN ĐÔNG


Copyright @2024 - Designed by baivan.net