Giải sách bài tập GDCD 8 Chân trời bài 1: Tự hào về truyền thống dân tộc Việt Nam

Hướng dẫn giải bài 1: Tự hào về truyền thống dân tộc Việt Nam SBT giáo dục công dân 8 chân trời sáng tạo. Đây là sách bài tập nằm trong bộ sách "Chân trời sáng tạo" được biên soạn theo chương trình đổi mới của Bộ giáo dục. Hi vọng, với cách hướng dẫn cụ thể và giải chi tiết học sinh sẽ nắm bài học tốt hơn.

Bài tập 1: Em hiểu thế nào về truyền thống dân tộc Việt Nam ?

Hướng dẫn trả lời:

Truyền thống  của dân tộc là những giá trị tinh thần (những tư tưởng, tính cách, lối sống, cách ứng xử tốt đẹp…) hình thành trong quá trình lịch sử lâu dài của dân tộc, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Bài tập 2: Em hãy kể tên một số truyền thống đáng tự hào của của dân tộc Việt Nam.Cho biết những truyền thống đó mang lại những giá trị gì.

Hướng dẫn trả lời:

Những truyền thống của dân tộc Việt Nam được thể hiện qua:

+ Uống nước nhớ nguồn 

+ Yêu nước, bất khuất đấu tranh chống ngoại xâm 

+ Hiếu học 

+ Hiếu thảo 

+ Nhân ái, yêu thương con người 

- Giá trị của các truyền thống dân tộc:

+ Truyền thống tốt đẹp của dân tộc là tài sản vô cùng quý báu được tổ tiên, cha ông tạo dựng và lưu truyền từ ngàn xưa cho đến ngày nay.

+ Những truyền thống tốt đẹp có giá trị lớn về văn hóa, lịch sử, xã hội và kinh tế, là nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước. Đồng thời, là cái nôi nuôi dưỡng, hình thành nên những phẩm chất tốt đẹp của người Việt Nam.

Bài tập 3: Em hãy nêu một vài biểu hiện đúng và chưa đúng của việc tự hào về truyền thống dân tộc Việt Nam

Hướng dẫn trả lời:

-  Biểu hiện đúng của việc tự hào về truyền thống dân tộc:

  • Yêu nước, bất khuất chống giặc ngoại xâm, đoàn kết nhân nghĩa…

  • Tìm hiểu về lịch sử, cội nguồn

  • Tự hào với bạn bè quốc tế về lịch sử dân tộc hào hùng

  • Biểu hiện chưa đúng của việc tự hào về truyền thống dân tộc:

  • Dễ dàng bị các thế lực thù địch lôi kéo, dụ dỗ, xuyên tạc lịch sử Việt Nam

  • Tự ti, ngại ngùng vì Việt Nam là nước đang phát triển

Bài tập 4. Theo em cần phải làm gì để thể hiện niềm tự hào về truyền thống dân tộc Việt Nam

Hướng dẫn trả lời:

Theo em, học sinh cần:

- Kính trọng người lớn tuổi, cựu chiến binh ở địa phương.

- Tìm đọc tài liệu nói về truyền thống và phong tục, tập quán của dân tộc.

- Đánh giá cao, kính phục các nghệ nhân của các nghề truyền thống.

- Tích cực tham gia những hoạt động đền ơn đáp nghĩa.

- Tích cực tìm hiểu lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc.

- Phê phán những việc làm trái ngược với truyền thống tốt đẹp của quê hương.

- Tham gia và hỗ trợ hoạt động tổ chức các lễ hội truyền thống, sinh hoạt văn hóa ở địa phương, quê hương mình.

- Tích cực xem phim, kịch, nghe nhạc của Việt Nam.

- Sưu tầm những món ăn, trang phục dân tộc độc đáo.

- Tìm hiểu, giới thiệu với mọi người về các lễ hội truyền thống của dân tộc

- Học tập tốt, rèn luyện tu dưỡng đạo đức góp phần xây dựng quê hương đất nước giàu đẹp.

Bài tập 5. Em hãy trình bày suy nghĩ của mình về bài thơ Nam quốc sơn hà (Sông núi nước Nam, tương truyền của Lý Thường Kiệt).

Hướng dẫn trả lời:

Câu thơ đầu: “Nam quốc sơn hà nam đế cư”:

- “Sông núi”: Chỉ đất nước theo không gian địa lý.

- “Nước nam”: Phân biệt rạch ròi với nước Tống ở phương Bắc.

- “Vua Nam”: Đại diện cho cả dân tộc, đất nước Đại Việt.

=> Khai mở vấn đề “kinh thiên định nghĩa” rằng đất của Đại Việt thì phải do người dân Đại Việt cai quản, sinh sống, đó là lẽ tất nhiên. Ý thơ nhằm khẳng định tư thế hiên ngang, bình đẳng về mặt chính trị, vị thế quốc gia đối với đất nước láng giềng, bằng khẩu khí tự hào, kiêu hãnh, mang đậm lòng tự tôn dân tộc sâu sắc. 

Câu thơ thứ 2: “Tiệt nhiên định phận tại thiên thư”:

- Khẳng định mạnh mẽ ranh giới tổ quốc dựa vào lý luận “thiên ý”, do trời định không thể dối lừa hay thay đổi.

- Ngụ ý kẻ nào làm trái đạo trời thì đều là bất nhân, đi ngược lại “thiên ý”.

Câu thơ thứ 3: “Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm”:

- Thể hiện sự giận dữ và khinh bỉ tột cùng trước hành động trái ngược với thiên lý, không biết liêm sỉ ngang nhiên xâm lược lãnh thổ nước ta của kẻ thù.

- Đồng thời thể hiện sự ngạc nhiên, giọng điệu chế giễu trước sự bất nhân, bất nghĩa của một quốc gia tự nhận mình là “thiên triều”.

- Gián tiếp lần nữa khẳng định chủ quyền đất nước của Đại Việt, thể hiện hào khí dân tộc.

-  Dự báo trước sự vùng lên mạnh mẽ, dữ dội của con dân Đại Việt, quyết không chịu để kẻ thù giày xéo làm nhục quốc thể.

Câu thơ cuối “Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”:

- Lời khẳng định mạnh mẽ, là ý chí quyết tâm đánh cho giặc không còn một mảnh giáp của dân tộc Đại Việt. Cũng là lời cảnh báo, đe dọa, tiên đoán trước về số phận của kẻ xâm lược

- Niềm tin của nhân dân Đại Việt vào chính nghĩa, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, tinh thần yêu nước bất khuất, ý chí kiên kiên cường trong công cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm từ ngàn đời nay. Cũng là lòng tin tưởng tuyệt đối về một cái kết có hậu, niềm tin tất thắng trong cuộc kháng chiến đang tới gần.

=> Thể hiện hào khí dân tộc mạnh mẽ, ý chí độc lập, tự cường, lòng tự tôn dân tộc sâu sắc luôn dâng trào trong huyết quản của mỗi người dân Đại Việt làm thành sức mạnh đánh tan quân thù.

Bài tập 6. Em hãy khoanh tròn vào câu trả lời đúng.

Câu 1. Nội dung nào dưới đây không phải là truyền thống đáng tự hào của dân tộc Việt Nam?

A. Yêu nước, thương nòi.
B. Đoàn kết, nhân nghĩa
C. Hiếu học, tôn sư trọng đạo
D. Tổ chức cưới hỏi linh đình

Hướng dẫn trả lời:

Đáp án : D Tổ chức cưới hỏi linh đình

Câu 2. Nội dung nào dưới đây thể hiện giá trị của các truyền thống dân tộc Việt Nam?

A. Mang đến những giá trị to lớn về văn hóa, lịch sử, xã hội và kinh tế, là nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước
B. giúp cho cá nhân luôn sẵn sàng học hỏi để có thể hòa nhập và phát triển,trở thành một công dân toàn cầu
C. giúp rèn luyện các kỹ năng, tiết kiệm thời gian và hướng đến việc đạt được hiệu quả cao trong công việc
D. giúp con người có cách ứng xử đúng đắn, phù hợp, góp phần thúc đẩy xã hội ổn định, công bằng, phát triển

Hướng dẫn trả lời:

Đáp án :  A. Mang đến những giá trị to lớn về văn hóa, lịch sử, xã hội và kinh tế, là nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước

Câu 3. Trong các hành vi dưới đây hành vi nào thể hiện lòng tự hào về truyền thống dân tộc Việt Nam?

A. Chê bai, xem thường những truyền thống lâu đời của dân tộc 

B. Tổ chức ma chay phức tạp, dài ngày

C. giữ gìn, phát huy các giá trị tốt đẹp của truyền thống dân tộc
D. Từ chối tham gia các hoạt động nhằm phát huy các truyền thống của dân tộc

Hướng dẫn trả lời:

Đáp án : C. giữ gìn, phát huy các giá trị tốt đẹp của truyền thống dân tộc

Câu 4. Nội dung nào dưới đây không phù hợp với việc thể hiện lòng tự hào về truyền thống dân tộc Việt Nam?

A. Trân trọng, hãnh diện về truyền thống dân tộc mình
B. giữ gìn, phát huy các giá trị tốt đẹp của truyền thống dân tộc
C. Quảng bá hình ảnh, truyền thống, văn hóa của dân tộc ra thế giới
 D. Cổ xúy cho các hủ tục của quê hương

Hướng dẫn trả lời:

Đáp án: D Cổ xúy cho các hủ tục của quê hương

Câu 5. Nội dung nào dưới đây là biểu hiện của lòng tự hào về truyền thống của dân tộc Việt Nam?

A. Không quan tâm, tìm hiểu về những truyền thống tốt đẹp của dân tộc
B. Trân trọng các giá trị tốt đẹp của truyền thống dân tộc
C. giữ gìn và phát huy các hủ tục của dân tộc
D. Xóa bỏ hoàn toàn truyền thống của dân tộc

Hướng dẫn trả lời:

Đáp án: B. Trân trọng các giá trị tốt đẹp của truyền thống dân tộc

Câu 6. Để thể hiện lòng tự hào về truyền thống dân tộc Việt Nam. học sinh cần thể hiện việc làm nào dưới đây?

A. Chán nản vì đất nước còn nghèo nàn, lạc hậu
B. Đề cao truyền thống của dân tộc mình, không tôn trọng truyền thống của dân tộc khác
C. Tích cực tìm hiểu về các truyền thống của các truyền thống dân tộc Việt Nam
D. Thực hiện những hành vi làm xấu hình ảnh của dân tộc

Hướng dẫn trả lời:

Đáp án: C. Tích cực tìm hiểu về các truyền thống của các truyền thống dân tộc Việt Nam

Bài tập 7. Em hãy đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi.

“ Tinh thần yêu nước cũng như các thứ của quý. Có khi được trưng bày trong tủ kính, trong bình pha lê, rõ ràng dễ thấy. Nhưng cũng có khi cất giấu kín đáo trong rương, trong hòm. Bổn phận của chúng ta là làm cho những của quý kín đáo ấy đều được đưa ra trưng bày. Nghĩa là phải ra sức giải thích, tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo, làm cho tinh thần yêu nước của tất cả mọi người đều được thực hành vào công việc yêu nước, công việc kháng chiến”.

( Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, NXB Sự Thật, 1986)

Câu hỏi:

  • Theo em, chủ tịch Hồ Chí Minh muốn nhắn nhủ điều gì đến mọi người qua đoạn trích trên?

  • Là chủ nhân tương lai của đất nước, em cần phải làm gì để có thể thực hiện lời nhắn nhủ trên của Bác Hồ?

Hướng dẫn trả lời:

  • Chủ tịch muốn nhắn nhủ đến các thế hệ mai sau luôn luôn đoàn kết, có tinh thần dân tộc, gìn giữ và phát huy truyền thống yêu nước. 

  • Là chủ nhân tương lai của đất nước, chúng ta cần học tập và rèn luyện góp phần phát triển những truyền thống quý báu của dân tộc cho thế hệ trẻ.

Bài tập 8: Có ý kiến cho rằng “ Thật đáng tự hào vì Việt Nam là một dân tộc có lịch sử hàng ngàn năm văn hiến. Thật xấu hổ nếu hàng nghìn năm văn hiến ấy chỉ là một chương sách của môn học Lịch sử mà không được thể hiện trong cách hành xử đời thường”.

Câu hỏi:

Là một người Việt Nam trẻ tuổi, em có suy nghĩ như thế nào về ý kiến trên?

Hướng dẫn trả lời:

- Ý kiến trên có tác dụng nhắc nhở, cảnh tỉnh mỗi người Việt Nam nhìn lại chính mình, để biết trân trọng quá khứ của cha ông đồng thời có ý thức gìn giữ và phát triển những truyền thống văn hoá tốt đẹp trong hiện tại.

- Tuy nhiên, sẽ là phiến diện nếu không ghi nhận những tấm gương nỗ lực để bảo vệ và phát huy truyền thống đó trong đời sống. Từ đó, rút ra bài học nhận thức và hành động cho bản thân.

Bài tập 9. Em hãy xây dựng từ ba đến năm quy tắc ứng xử trong sinh hoạt và học tập nhằm phát huy các truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam

Hướng dẫn trả lời:

  • Ứng xử trong chào hỏi, xưng hô, giới thiệu với thầy cô giáo, nhân viên trong nhà trường khách đến thăm, các vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đảm bảo kính trọng, lịch sự, ngắn gọn, rõ ràng và lễ phép.

  • Chân thành, thẳng thắn, cởi mở, ôn tồn, không cãi vã , chê bai, dè bỉu, xúc phạm, huơ chân, múa tay, nói tục, chửi bậy, chửi thề, khạc nhổ với người có công với cách mạng, người thân xung quanh, toàn thể cộng đồng

Bài tập 10. Em hãy tìm hiểu và giới thiệu với bạn bè quốc tế về một truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam

Hướng dẫn trả lời:

Nước ta là một đất nước có nhiều dân tộc khác nhau vì thế có rất da dạng nét văn hoá dân tộc độc đáo. Những nét văn hoá này được hình thành từ lâu đời trong lịch sử dân tộc. Mỗi dân tộc, mỗi khu vực lại có những nét văn hoá khác nhau của nhân dân ta. Sự khác biệt này đã tạo nên một đất nước Việt Nam xinh đẹp với nhiều truyền thống văn hoá lâu đời được nhiều bạn bè quốc tế biết đến.

Truyền thống đoàn kết, yêu nước

Trong lịch sử những người dân khốn cùng, không có độc lập nhưng nhờ sự dẫn dắt của Đảng, niềm tin vào Đảng thì những người dân đó càng vững tin hơn vào lòng yêu nước, đoàn kết với nhau để giành lại tổ quốc, non sông. Khi đó những người chiến sĩ sẵn lòng hy sinh để bảo vệ những người dân Việt Nam.

Còn trong đại dịch covid 19 thì tình yêu nước và sự đoàn kết được thấy qua hình ảnh người dân là luôn tin tưởng và làm theo những chỉ đạo cấp bách của nhà nước và Đảng. Nhân dân luôn tin tưởng những chỉ đạo đó là đúng đắn và đồng lòng để thực hiện. Khi đó nhà nước ban hành chỉ thị giãn cách xã hội khiến cuộc sống đảo lộn nhưng mỗi người dân hiểu được rằng đó là biện pháp tốt nhất và cần thiết nhất để bảo vệ sức khỏe nên không một người dân nào trái với chỉ thị đưa ra. Vì nhân dân tin tưởng vào Đảng và Nhà nước, lòng yêu nước, sự đoàn kết cùng nhau thực hiện. Điều này đã giúp cho đất nước ta được an toàn trải qua dịch bệnh với số ca nhiễm và ca tử vong ít hơn so với nhiều nước khác và được đánh giá là quốc gia có chiến dịch phòng chống dịch bệnh tốt.

Tìm kiếm google: Giải sách bài tập công dân 8 CTST, Giải SBT công dân 8 CTST bài 1, Giải sách bài tập GDCD 8 CTST bài 1: Tự hào về truyền thống dân tộc Việt Nam

Xem thêm các môn học


Copyright @2024 - Designed by baivan.net