Giải chi tiết Địa lí 12 KNTT bài 10 Chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Hướng dẫn giải chi tiết bài 10 Chuyển dịch cơ cấu kinh tế sách mới Địa lí 12 Kết nối tri thức. Lời giải chi tiết, chuẩn xác, dễ hiểu sẽ giúp các em hoàn thành tốt các bài tập trong chương trình học. Baivan.net giải chi tiết tất cả các bài tập trong sgk. Hi vọng sẽ trở thành người bạn đồng hành cùng các em trong suốt quá trình học tập.

MỞ ĐẦU

Cơ cấu kinh tế nước ta chuyển dịch theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá phù hợp với xu hướng phát triển của nền kinh tế thế giới. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế có ý nghĩa gì đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước? Cơ cấu kinh tế nước ta có sự chuyển dịch như thế nào?

Bài làm chi tiết:

* Ý nghĩa của chuyển dịch cơ cấu kinh tế đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước: 

- Chuyển dịch cơ cấu kinh tế giúp phát huy các lợi thế so sánh, khai thác và sử dụng hợp lí các nguồn lực của đất nước, tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng hiệu quả hơn. 

- Tăng cường cập nhật, áp dụng khoa học – công nghệ, tạo nên các phương thức quản lí mới, hiện đại. 

- Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. 

* Sự chuyển dịch của cơ cấu kinh tế ở nước ta: 

- Theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa

- Theo ngành

- Theo thành phần kinh tế ở nước ta

- Theo lãnh thổ ở nước ta

I. Ý NGHĨA CỦA SỰ CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU KINH TẾ

Câu hỏi: Dựa vào thông tin mục I, hãy phân tích ý nghĩa của sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nước ta.

Bài làm chi tiết:

Ý nghĩa của sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nước ta:

- Chuyển dịch cơ cấu kinh tế giúp phát huy các lợi thế so sánh, khai thác và sử dụng hợp lí các nguồn lực của đất nước, tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng hiệu quả hơn. 

- Tăng cường cập nhật, áp dụng khoa học – công nghệ, tạo nên các phương thức quản lí mới, hiện đại. 

=> Nâng cao trình độ lao động, tăng năng suất và hiệu quả lao động, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của dân cư.

- Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. 

=> Tạo ra năng lực sản xuất hàng hoá với khối lượng lớn, chất lượng cao, tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần đẩy nhanh quá trình hội nhập với khu vực và thế giới.

II. ẢNH HƯỞNG CỦA VỊ TRÍ ĐỊA LÍ, PHẠM VI LÃNH THỔ ĐẾN TỰ NHIÊN, KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ AN NINH QUỐC PHÒNG.

Câu hỏi: Dựa vào thông tin mục 1, hãy chứng minh và giải thích sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta.

Bài làm chi tiết:

Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta:

- Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá là quá trình chuyển đổi toàn diện nền kinh tế và đời sống xã hội, dựa chủ yếu vào sự phát triển của công nghiệp và dịch vụ trên nền tảng áp dụng khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo, phù hợp với quá trình hội nhập và phát triển bền vững của đất nước. 

- Khu vực công nghiệp và dịch vụ có vai trò quan trọng và tỉ trọng ngày càng tăng trong cơ cấu kinh tế. 

=> Cơ cấu lao động cũng được chuyển dịch theo hướng gia tăng lực lượng lao động có kĩ thuật và trình độ cao hơn.

- Cùng với chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế là sự chuyển dịch cơ cấu theo thành phần kinh tế và theo lãnh thổ, hướng đến khai thác tốt hơn nguồn lực của đất nước, của các địa phương, đồng thời tăng cường mối liên kết giữa các ngành, giữa các địa phương và với quốc tế.

- Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa không chỉ đạt được mục tiêu tăng trưởng mà còn hướng đến sự phát triển bền vững.

Câu hỏi: Dựa vào thông tin mục a, hãy chứng minh và giải thích sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành ở nước ta?

Bài làm chi tiết:

Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành ở nước ta:

- Cơ cấu kinh tế theo ngành có sự chuyển dịch theo hướng: giảm tỉ trọng nhóm ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản; tăng tỉ trọng nhóm ngành công nghiệp và xây dựng, dịch vụ. Công nghiệp trở thành động lực chính trong tăng trưởng kinh tế của đất nước.

- Trong mỗi nhóm ngành đang chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng tỉ trọng các ngành có hiệu quả kinh tế và hàm lượng khoa học – công nghệ cao, giảm tỉ trọng của các ngành có hiệu quả kinh tế thấp, sử dụng nhiều tài nguyên và lao động.

+ Đối với nhóm ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản, cơ cấu dịch chuyển theo hướng tăng tỉ trọng của ngành thuỷ sản, giảm tỉ trọng của ngành nông nghiệp. 

=> Qua việc liên kết với công nghiệp chế biến, các dịch vụ nông nghiệp, theo chuỗi giá trị: sản xuất – chế biến – tiêu thụ, giá trị các sản phẩm nông nghiệp được ngày càng được nâng cao. 

+ Ngành công nghiệp chuyển dịch theo hướng giảm tỉ trọng nhóm ngành công nghiệp khai khoáng, tăng tỉ trọng nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Trong đó, chú trọng những ngành ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ từng bước được hình thành và phát triển.

+ Nhóm ngành dịch vụ phát triển theo hướng đa dạng, dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, tăng cường chuyển đổi số, đặc biệt là trong các lĩnh vực thương mại điện tử, tài chính ngân hàng, bảo hiểm, y tế, giáo dục, logistics, du lịch,...

=> Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế như trên là kết quả của công cuộc Đổi mới, thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước của Nhà nước; sự tác động của các yếu tố về khoa học – công nghệ, xu hướng khu vực hoá và quốc tế hoá.

Câu hỏi: Dựa vào thông tin mục b, hãy:

- Chứng minh và giải thích sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo thành phần kinh tế ở nước ta.

- Đánh giá vai trò của các thành phần kinh tế trong nền kinh tế nước ta hiện nay.

Bài làm chi tiết:

- Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo thành phần kinh tế ở nước ta: 

+ Cơ cấu kinh tế theo thành phần kinh tế của nước ta có sự chuyển dịch theo hướng giảm tỉ trọng của kinh tế Nhà nước, tăng tỉ trọng của kinh tế ngoài Nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

+ Sự chuyển dịch cơ cấu theo thành phần kinh tế là kết quả của đường lối phát triển nền kinh tế nhiều thành phần; tăng cường mở cửa, hội nhập với nền kinh tế của thế giới; áp dụng cơ chế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

- Vai trò của các thành phần kinh tế

+ Kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, nắm giữ những ngành then chốt và những lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế. Kinh tế Nhà nước có vai trò quan trọng trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, định hướng phát triển kinh tế – xã hội chung của đất nước.

+ Khu vực kinh tế ngoài Nhà nước được khuyến khích phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật cho phép, nhất là trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Đây là thành phần kinh tế phát huy nguồn lực trong nhân dân, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế của các địa phương và cả nước.

+ Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được hình thành và phát triển trong vài thập kỉ gần đây, song giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Đặc biệt,  kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài có vai trò lớn trong thu hút vốn đầu tư, công nghệ, phương thức quản lí hiện đại, góp phần thúc đẩy quá trình tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu và hội nhập quốc tế của nước ta.

Câu hỏi: Dựa vào thông tin mục c, hãy:

- Chứng minh sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo lãnh thổ ở nước ta.

- Giải thích sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo lãnh thổ ở nước ta.

Bài làm chi tiết:

Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo lãnh thổ ở nước ta: Cơ cấu kinh tế theo lãnh thổ chuyển dịch đồng thời với sự chuyên dịch cơ cấu ngành và cơ cấu theo thành phần kinh tế.

- Trên phạm vi cả nước, đã hình thành 6 vùng kinh tế - xã hội (theo Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội khoá XV). Các hình thức lãnh thổ khác như khu kinh tế ven biển, khu kinh tế cửa khẩu, hành lang kinh tế,... được hình thành ở nhiều địa phương, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

- Các ngành kinh tế cũng có sự chuyển dịch theo hướng khai thác lãnh thổ có hiệu quả hơn.

+ Trong nông nghiệp, các hình thức tổ chức lãnh thổ có hiệu quả được hình thành và ngày càng mở rộng như các vùng chuyên canh, các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trang trại,...

+ Trong công nghiệp là sự hình thành và phát triển của các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghiệp công nghệ cao, sự mở rộng các trung tâm công nghiệp,... với vai trò là động lực của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

+ Trong dịch vụ, các cơ sở dịch vụ được mở rộng và phát triển theo hướng hiện đại, phục vụ tốt hơn cho các ngành sản xuất vật chất và đáp ứng nhu cầu của nhân dân như giao thông vận tải, thương mại, du lịch,...

- Giải thích: Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo lãnh thổ là kết quả của sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành và theo thành phần kinh tế ở nước ta. Sự chuyển dịch này hướng đến mục tiêu khai thác tốt hơn lợi thế của các lãnh thổ khác nhau, huy động được các nguồn lực cả về tài nguyên, lao động, nguồn vốn, khoa học – công nghệ,... để mang lại hiệu quả cao cả về kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.

LUYỆN TẬP, VẬN DỤNG

Câu hỏi: Dựa vào bảng 10, vẽ biểu đồ thể hiện cơ cấu GDP phân theo thành phần kinh tế của nước ta năm 2010 và năm 2021. Nêu nhận xét.

Bài làm chi tiết:

BIỂU ĐỒ THỂ HIỆN CƠ CẤU GDP PHÂN THEO THÀNH PHẦN KINH TẾ CỦA NƯỚC TA (Đơn vị: %)

Nhận xét về cơ cấu GDP phân theo thành phần kinh tế của nước ta năm 2010 và năm 2021:

- Cơ cấu GDP theo thành phần kinh tế Nhà nước giảm 8,1%: từ 29,3% (2010) còn 21,2% (2021).

- Cơ cấu GDP theo thành phần kinh tế ngoài Nhà nước tăng 7,1%: từ 43,0% (2010) lên 50,1% (2021).

- Cơ cấu GDP theo thành phần khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 4,8%: từ 15,2% (2010) lên 20,0% (2021).

- Cơ cấu GDP theo thành phần thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm giảm 3,8%: 12,5% (2010) xuống 8,7% (2021).

Câu hỏi: Sưu tầm thông tin, tìm hiểu vai trò của một hình thức tổ chức lãnh thổ kinh tế (khu kinh tế ven biển, khu kinh tế cửa khẩu, khu công nghiệp,...) ở nước ta.

Bài làm chi tiết:

Vai trò của một hình thức tổ chức lãnh thổ kinh tế (khu kinh tế ven biển, khu kinh tế cửa khẩu, khu công nghiệp,...) ở nước ta: Ví dụ: khu kinh tế cửa khẩu: 

- Thứ nhất, khu kinh tế cửa khẩu góp phần thúc đẩy mở rộng thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa.

- Thứ hai, thúc đẩy phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch và hoàn thiện kết cấu hạ tầng khu vực cửa khẩu, biên giới; tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư; phát triển khoa học công nghệ; hợp tác liên doanh, chuyển giao công nghệ với các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

- Thứ ba, góp phần tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo; thúc đẩy hợp tác kinh tế-thương mại, xây dựng mối quan hệ hữu nghị bền vững với nước bạn.

- Thứ tư, khu kinh tế cửa khẩu còn tạo điều kiện hình thành các khu dân cư tập trung dọc biên giới, góp phần đẩy mạnh giao lưu kinh tế văn hóa, quốc phòng an ninh khu vực biên giới, thắt chặt tình hữu nghị giữa các quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập kinh tế khu vực và thế giới…

Tìm kiếm google:

Giải địa lí 12 kết nối tri thức, giải bài 10 Chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa lí 12 Kết nối, giải sgk địa lí 12 KNTT bài 10 Chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Xem thêm các môn học

Giải địa lí 12 KNTT mới


Copyright @2024 - Designed by baivan.net