[toc:ul]
Dàn bài
1. Mở bài: giới thiệu về hoàn cảnh gặp mặt.
2. Thân bài:
3. Kết bài: Cảm nghĩ của em sau khi gặp người ấy.
Bài văn
- Vé số đây! Vé số đây!
Đang ngồi uống nước cùng tụi bạn ở bên vệ đường, bất chợt nghe tiếng rao lanh lảnh, tôi quay lại nhìn thì thấy một em bé bán vé số. Đây là cậu bé tôi mới gặp lần đầu nhưng những ấn tượng về em vẫn còn đọng lại trong tâm trí tôi.
Em bé ước chừng tám, chín tuổi. Dáng người em dong dỏng cao. Em mặc chiếc áo sơ mi ngắn tay màu nâu giống như mấy đứa trẻ chăn trâu ở quê tôi. Chiếc quần bò lửng em mặc cũng đã bạc phếch, sờn cả hai đầu gối. Một vài tia nắng của buổi xế chiều còn vương lại khẽ rọi qua cái mũ phớt em đội để lộ ra khuôn mặt chữ điền vuông vức.
Nổi bật trên khuôn mặt ấy là đôi mắt tròn to, đen lay láy, trông lanh lợi, thông minh nhưng thoáng chút u buồn. Em chạy dọc trên đường phố, đến các sạp bán báo, bán hoa quả, mồm không ngớt lời mời chào. Nhưng em bị từ chối bởi thái độ thờ ơ, lạnh lùng, ánh mắt dửng dưng của mọi người, thậm chí đáp lại em là những câu quát tháo. Khi đó, đôi mắt em rũ xuống, nét mặt đầy u buồn.
Em lững thững, bước từng bước nặng nề. Có lẽ em nghĩ: "Nếu không bán hết xấp vé số này thì tối lấy gì mà ăn đây". Bất chợt, một ông khách có dáng người to, cao, bệ vệ ngồi trong quán gọi em vào. Ông nhích nhích từng tờ để dò số. Nét mặt ông hào hứng như sắp được trúng độc đắc. Em bé vẫn đứng đó, đôi mắt sáng lên, khuôn mặt rạng rỡ đến lạ thường. Chắc em đang cầu mong cho ông khách kia mua vé thật nhiều, trúng thật nhiều để vé số của mình đắt hàng hơn.
Ông khách trả tiền xong, như được tiếp thêm nguồn năng lượng dồi dào, em bé lại nhanh nhẹn đi, miệng không ngớt lời rao mời. Thấy thế, tôi dừng lại rút số tiền ba cho sáng nay, gọi em lại mua một vé. Em xòe cả xấp vé số cho tôi chọn, miệng em cười để lộ ra hàm răng trắng, đều đặn, rồi nói:
- Anh Hai mua số nào? Hay để em chọn cho nghe! Em chọn là may mắn lắm đó.
Nói rồi, nhanh như cắt em rút cho tôi một tờ. Tôi gửi tiền và không quên chúc em bán được nhiều vé số, em gật đầu cảm ơn lia lịa. Tuy biết rằng có thể chẳng trúng gì nhưng tôi vẫn mua vì tôi thấy thương em mới có chừng ấy tuổi đã phải chịu cực khổ, phải làm việc vất vả hàng ngày. Tuổi của em lẽ ra phải được vui chơi, được học hành.
Tôi đi về nhà nhưng hình ảnh em bé bán vé số chiều nay khiến tôi phải suy nghĩ mãi. Cùng lứa tuổi như tôi, có biết bao trẻ em thiếu may mắn phải lặn lội trong sương gió kiếm tiền sinh sống. Nếu lúc này ai hỏi tôi ước gì, tôi sẽ nói: "Ước gì cho mọi trẻ em đều được đến trường".
Dàn bài
1. Mở bài: giới thiệu về hoàn cảnh gặp mặt.
2. Thân bài:
3. Kết bài: Cảm nghĩ của em sau khi gặp người ấy.
Bài văn
Chiều chủ nhật, em và bố cùng đi tập thể dục rồi bố dẫn em vào một quán cà phê để ngồi nói chuyện cùng bác Quang - bạn đồng nghiệp của bố. Ngồi trong quán cà phê ai cũng tập trung nói chuyện hoặc đọc sách báo, xem điện thoại, bỗng em thấy một cậu bé trên tay cầm tập tờ vé số bước vào.
Thoạt nhìn ai cũng nhận ra được đó là một em bé đi bán vé số, cậu bé mặc chiếc quần vải màu xanh than bạc màu hai bên ống quần loe bám đầy bụi đất, đôi dép xốp đã mòn mỏng dính, chiếc áo dài tay cũng không còn đủ cúc, ống tay lòe xòe. Cậu bé bước vào quán cất tiếng rao "Ai vé số, vé số đây", đôi chân nhanh nhẹn chạy tới từng bàn hỏi "Chú mua vé số cho con đi chú", vừa nói cậu bé vừa chìa tập vé số ra mời khách chọn, nếu khách không mua cậu bé liền đi ra bàn khác, không nài nỉ làm cho khách khó chịu. Dáng vẻ thông minh hoạt bát của cậu bé cùng lời chào mua khiến ai cũng phải chú ý tới, thế nhưng chẳng mấy ai mua vé số cho cậu bé khi cậu tới gần liền tỏ thái độ lạnh lùng, lắc đầu không mua và xua đuổi cậu đi chỗ khác.
Có khách gọi mua cậu liền chạy tới đôi mắt sáng lên hy vọng khách sẽ mua vài tờ vé số, vị khách đó đã mua cho cậu ba tờ, cậu bé rất vui không quên chúc cho khách sẽ trúng nhiều rồi liền chạy ra ngoài, bước chân đi trên vỉa hè đến những con phố và hàng quán khác.
Dàn bài
1. Mở bài: giới thiệu về hoàn cảnh gặp mặt.
2. Thân bài:
3. Kết bài: Cảm nghĩ của em sau khi gặp người ấy.
Bài văn
Hôm nay tại một quán cà phê ven đường, em đã bắt gặp một em bé bán vé số, dù em biết có rất nhiều trẻ em cơ nhỡ, lang thang, mồ côi không nơi nương tựa phải đi bán vé số nhưng thực sự em không nghĩ lại có những đứa trẻ còn nhỏ tuổi đến thế đã phải mưu sinh.
Em chỉ khoảng 5-6 tuổi dáng người nhỏ gầy, chân tay khẳng khiu, làn da sạm đi vì cháy nắng, khuôn mặt nhợt nhạt nhễ nhại mồ hôi, em thấy em bé dừng lại ngồi bên gốc cây hoa sữa, chắc hẳn đôi chân em đã mỏi nhừ. Em thấy em ngồi đó liền tiến đến, đưa cho em tờ khăn giấy để lau mồ hôi, em ngước nhìn đôi mắt ngơ ngác nhưng chỉ vài giây sau đã mỉm cười thật tươi và cảm ơn em. Bỗng đôi tay em chìa tập vé số ra và hỏi em "Chị có mua vé số bao giờ không?" Em chưa mua bao giờ nhưng khi ấy lại chẳng ngại ngần rút tiền ăn vặt mẹ cho ra mua cho em hai tờ vé số. Em bỗng tươi tỉnh hẳn lên, chẳng còn khuôn mặt ủ rũ mệt mỏi như trước nữa, rồi em nói "Chúc chị may mắn nghen, may có chị mà em có bữa ăn tối rồi đó!", câu nói của em khiến em nghẹn lòng, chỉ biết mỉm cười xót xa.
Trên đường về nhà em đã nghĩ đến một ước mong, đó là ước mong sao sẽ không còn trẻ em nào phải bơ vơ, lang thang và đi bán vé số nữa, tất cả đều được chăm lo, bảo vệ và vui chơi học hành.