[toc:ul]
Dàn bài
1. Mở bài: Giới thiệu bạn thân định tả: Bạn đó tên gì? Học lớp mấy? Em thấy bạn đang ngồi học ở đâu? Khi nào?
2. Thân bài:
3. Kết bài: Nêu suy nghĩ và tình cảm của em về bạn thân đã tả.
Bài văn
Nam là người bạn thân nhất của em. Nam học rất chăm học, ngoài giờ học ở trường, về nhà vừa ăn cơm xong, Nam đã ngồi chỉnh tề vào góc học tập.
Nhìn Nam ngồi học, em thấy dáng người bạn nhỏ nhắn, đầu hơi ngả về phía trước một chút. Nước da Nam trắng hồng phản chiếu ánh điện trông càng sáng hơn. Trước mặt Nam là một quyển vở với những hàng chữ ngay ngắn.
Đầu bài là hai chữ “Khoa học” – đúng là Nam đang học môn khoa học vì hôm trước trong giờ kiểm tra môn này, Nam bị đau, không đến lớp. Hôm nay, Nam phải học bù để mai trả bài cho cô. Đôi mắt đen láy của Nam lướt trên từng dòng chữ. Nam đọc khe khẽ bài học, miệng lẩm nhẩm, em không nghe rõ. Nhìn đôi mắt không chớp của bạn, em đoán chắc Nam đang tập trung để nhớ bài. Thỉnh thoảng, trán Nam lại nhăn lên, chắc có lẽ chỗ nào đó Nam chưa hiểu.
Mái tóc lòa xòa trên trán làm cho gương mặt của Nam thêm vẻ đẹp tự nhiên và ngây thơ. Chiếc áo thun trắng Nam đang mặc đã bị mồ hôi ướt cả thân sau mà Nam không hay biết. Đêm đã khuya, tiếng côn trùng nỉ non vang lên, thế mà Nam vẫn chưa ngủ. Một lát sau, em thấy Nam đứng dậy vươn vai, hít thở không khí bên ngoài, nét mặt tươi hơn. Chắc có lẽ Nam đã học xong bài ngày mai rồi.
Nam chăm học như thế nên Nam trở thành một học sinh giỏi là đúng. Em sẽ cố gắng học tập những tính tốt của Nam trong học tập để bố mẹ vui lòng và không phụ công lao dạy dỗ của thầy cô.
Dàn bài
1. Mở bài: Giới thiệu bạn thân định tả: Bạn đó tên gì? Học lớp mấy? Em thấy bạn đang ngồi học ở đâu? Khi nào?
2. Thân bài:
3. Kết bài: Nêu suy nghĩ và tình cảm của em về bạn thân đã tả.
Bài văn
Em và Thanh cùng nhóm, nhà lại ở gần nhau nên buổi chiều nào chúng em cùng học với nhau tại nhà Thanh.
Chiều nay, cũng như mọi buổi chiều khác, ba má Thanh đều đến cơ quan làm việc, ở nhà chỉ có em và Thanh và con Vàng tám tháng tuổi. Con Vàng thường nằm canh ở ngoài ngõ, coi chừng khách lạ để báo hiệu cho Thanh ra mở cổng đón khách. Thanh là cô bé chăm chỉ, làm việc gì cũng đến nơi đến chốn và rất nghiêm túc. Mấy năm nay học chung với nhau, Thanh đã truyền cho em cái phẩm chất đáng quý ấy. Cả hai đứa chúng em, có thể nói là thân nhau như hai chị em ruột thịt.
Thanh có dáng người cao ráo, thanh thanh, nhỏ bề ngang hơn em một chút nhưng lại cao hơn em một vài phân, dáng đi nhẹ nhàng, uyển chuyển. Tính tình Thanh cởi mở, ôn hòa nên hễ ai tiếp xúc với bạn dù chỉ một lần đầu thôi cũng không thể nào quên được. Năm nay, Thanh vừa tròn mười một, cùng tuổi với em nhưng trong cuộc sống nhiều lúc em cảm thấy Thanh lớn hơn mình đến vài tuổi. Làm việc gì, bao giờ Thanh cũng dành phần khó về mình. Trong học tập phải công nhận Thanh là một cô bé nghiêm túc, mẫu mực nề nếp. Chiều nay, ngồi học với Thanh cũng vậy.
Đúng hai giờ, Thanh đã ngồi vào vị trí học tập của mình, chăm chú giải các bài toán về nhà. Em bước vào chỉ chậm có năm, mười phút thôi mà Thanh đã nhắc ngay: “Lần sau Yến hãy đi sớm hơn một chút, tập cho mình một thói quen giờ nào việc ấy”. Em xin lỗi Thanh rồi nhẹ nhàng ngồi vào vị trí của mình. Nhìn Thanh ngồi trong một tư thế hết sức thoải mái. Tay trái cầm quyển sách toán, tay phải cầm bút đặt lên tập giấy nháp, mắt đăm đắm nhìn vào trang sách, miệng lẩm nhẩm đọc. Em biết là Thanh đang tập trung toàn bộ tâm trí vào đề ra. Thỉnh thoảng, đôi mắt Thanh, nhíu lại, khuôn mặt hiện lên vẻ trầm tư. Và có lúc, cái miệng nho nhỏ xinh xinh ấy nở một nụ cười kín đáo. Có lẽ đó là lúc Thanh đã tìm ra lời giải bài toán. Bàn tay phải hí hoáy ghi nhanh lời giải và các phép tính vừa nghĩ ra. Tiếng bút chạy trên trang giấy nghe rõ mồn một. Sau bốn mươi phút, đến giờ nghỉ giải lao, Thanh mới quay sang em hỏi nhỏ:
– Bài toán sao số 5, Yến đã làm xong chưa?
– Mình mới làm đến bài tập số 4!
Em nói xong thì Thanh đề nghị nghỉ giải lao, rồi vào làm tiếp các bài toán ba mươi phút nữa, sau đó chuyển sang làm các bài tập Tiếng Việt. Tính Thanh là vậy. Bài toán nào Thanh làm rồi, không bao giờ Thanh nói ra trước, chờ em làm xong thì yêu cầu mỗi đứa trình bày cách giải của mình. Bởi vậy mà cả em và Thanh thường có những cách giải riêng mà cô giáo em khen là thông minh và độc đáo.
Tính chăm chỉ, nghiêm túc trong học tập của Thanh là một tấm gương cho em và cả lớp học tập. Thanh thật xứng đáng là một con ngoan, trò giỏi.
Dàn bài
1. Mở bài: Giới thiệu bạn thân định tả: Bạn đó tên gì? Học lớp mấy? Em thấy bạn đang ngồi học ở đâu? Khi nào?
2. Thân bài:
3. Kết bài: Nêu suy nghĩ và tình cảm của em về bạn thân đã tả.
Bài văn
"Cạp! .. Cạp!… Cạp!…"
Tôi quay phắt lại, cả một vùng trắng xóa làm tôi ngạc nhiên. "Đẹp quá" – Tôi buột miệng nói. Nội nắm tay kéo tôi xuống bờ mẫu dẫn vào nhà cô. Tôi dụi mắt vì vừa thoát khỏi cái nhìn gay gắt của ông mặt trời.
"Tôi lớn lên đã thấy dừa trước ngõ"
Thì ra là tiếng của cậu bé "chăn vịt" Không! Phải gọi là "bạn" cơ. Bạn ấy đang học bài giống bài của mình mà. Dáng người nho nhỏ như có một lực hút làm mắt tôi không rời được.
Nội nói: "Lúc nội còn con gái, đã thấy bóng dừa mát trước sân"
Giọng đọc chưa "chạy" làm tôi nao lòng. Phải chăng những người bạn quê của tôi đều như thế? Ánh mắt đen láy không rời khỏi những hàng chữ chi chít. Chiếc miệng be bé tròn theo từng nét chữ. Một chiếc lá trâm bầu vừa rơi xuống. Có lẽ chú bù xè nào đó đã cố tình cắn rơi chiếc lá, nhưng vẫn không làm xao động được hàng mi thưa thớt kia. Mái tóc đờ mi vàng cháy đến tội nghiệp, sau lớp tóc đó sẽ là một bộ óc tuyệt vời. Ngước lên, bạn ấy nhoẻn miệng cười như vừa lòng vì lũ vịt không đi xa. Hàm răng đều tăm tắp lại có một chiếc lồi ra càng đáng yêu hơn. Quay về với quyển sách trên tay, bạn ấy lại tiếp tục đọc. Nước da đen bóng mới mạnh mẽ làm sao. Chẳng như những thằng "công tử bột" ở lớp tôi. Chiếc áo thun bó sát người đã bạc màu và cái quần cụt đen dính đầy bùn là quân phục của một ngày ra trận. Chừng ấy tuổi mà đôi chân và tay của bạn đã to kềnh chắc nịch vì những ngày "hành quân” thế này. Nắng lọt qua lỗ rách của chiếc lá trâm bầu, có lẽ phải dời góc học tập lí tưởng này. Nhưng không, chẳng hề để ý đến điều đó, tiếng đọc bài vẫn không ngừng. Lưng bạn ấy đã dài theo bóng cây, vài giọt mồ hôi đọng lại trên vành môi nho nhỏ. Bạn vẫn không mệt mỏi, ngồi thẳng lưng lên, cái miệng vẫn không ngừng vo vãnh.
Dừa vẫn đứng hiên ngang cao vút
Thành công rồi, tiếng đọc bài bây giờ đã đều đặn. Tiếng nội gọi, làm tôi giật mình chạy theo. Tiếng đọc bài ngày càng nhỏ dần, nhỏ dần, nhỏ dần rồi tắt hẳn giữa cánh đồng mênh mông.
Trở về nhà, nhìn vào góc học tập của mình, một phút bàng hoàng tôi nhớ đến người bạn nhỏ nơi gốc trâm bầu. "Cám ơn, cám ơn bạn nhiều lắm!". Bạn có nghe tôi nói không? Tôi sẽ không còn là cô bé đỏng đảnh, lơ đãng ngày nào. Chiếc bàn xinh xắn này sẽ là gốc trâm bầu lí tưởng của tôi. Bạn bè ơi! Sẽ còn biết bao thửa ruộng, mảnh vườn với chiếc bóng nhỏ bé của "bạn tôi"?