Đề bài: Mỗi lần đến trường, em thường được nghe âm thanh quen thuộc báo hiệu giờ ra, vào lớp của tiếng trống. Hãy tả lại cái trống trường em và nêu cảm nghĩ của mình.

Đề bài: Mỗi lần đến trường, em thường được nghe âm thanh quen thuộc báo hiệu giờ ra, vào lớp của tiếng trống. Hãy tả lại cái trống trường em và nêu cảm nghĩ của mình. Theo đó, Baivan gửi đến các bạn 3 dàn bài + bài văn mẫu để các bạn có thể tham khảo. Từ đó, giúp các bạn có những bài văn hay nhất cho riêng mình.

[toc:ul]

Bài mẫu 1: Mỗi lần đến trường, em thường được nghe âm thanh quen thuộc báo hiệu giờ ra, vào lớp của tiếng trống. Hãy tả lại cái trống trường em và nêu cảm nghĩ của mình.

Dàn bài

1.  Mở bài: Giới thiệu về cái trống em định tả.

2.  Thân bài: 

  • Tả hình dáng cửa cái trống:
    • Hình dáng của cái trống: chiếc trống lớn, to gần bằng chiếc lu đựng nước, sơn màu đỏ thắm. Hai mặt trống được làm bằng da trâu, dày và nhẵn bóng.  Viền xung quanh mặt trống là một hàng chốt đinh rất chắc chắn. Tang trống là những thanh gỗ mỏng cong, ghép khít và dính chặt với nhau. Ngang lưng trống có thắt hai cái đai bằng mây bện. 
  • Âm thanh của tiếng trống:
    • Tiếng trống ấy có lúc như âm vang tiếng trống trận oai hùng của cha ông thuở nào, có lúc lại tưng bừng, rộn rã như tiếng trống hội mùa, giỗ tổ
    • Tiếng trống như nhắc nhở thầy trò dạy tốt, học tốt.

3. Kết bài: Tình cảm của em đối với cái trống. Trống là vật gần gũi thân quen với học sinh nói chung, với em nói riêng.

Bài văn

"Tùng... tùng... tùng" âm thanh rộn rả của tiếng trống phát ra từ đâu đó đã gợi em nhớ đến hình ảnh của cái trống trường em. Nó được đặt trên cái giá gỗ vững chắc, bên hành lang của văn phòng nhà trường.

Đó là một chiếc trống lớn, to gần bằng chiếc lu đựng nước, sơn màu đỏ thắm. Hai mặt trống được làm bằng da trâu, dày và nhẵn bóng, căng rất phẳng phiu. Viền xung quanh mặt trống là một hàng chốt đinh rất chắc chắn. Tang trống là những thanh gỗ mỏng cong, ghép khít và dính chặt với nhau bằng một lớp keo rán chắc. Ngang lưng trống có thắt hai cái đai bằng mây bện, có quang dầu cẩn thận, trông rất oai vệ. Cây dùi dài cỡ bốn tấc, hình tròn, bằng gỗ được đặt ở bên cạnh trống.

Tiếng trống thật oai nghiêm. Nó có sức mạnh thúc giục chúng em nhanh chân đến lớp. Giờ chơi, tiếng trống như rộn rã reo vui, nó mời gọi chúng em ra sân nô đùa thỏa thích, nó như nhắc nhở chúng em tham gia tập thể dục nhịp nhàng. Đến giờ tan học, tiếng trống ngân vang một điệu khác, giòn hơn, hấp dẫn hơn.

Mỗi khi nghe tiếng trống, ai nấy đểu trở nên nghiêm trang. Tiếng trống ấy có lúc như âm vang tiếng trống trận oai hùng của cha ông thuở nào, có lúc lại tưng bừng, rộn rã như tiếng trống hội mùa, giỗ tổ nơi làng quê. Tiếng trống như nhắc nhở thầy trò dạy tốt, học tốt. Theo tiếng trống ấy, chúng em bước vào năm học mới. Theo tiếng trống ấy, chúng em bước vào mùa hè vui chơi thoải mái.

Suốt những năm học, bác trống luôn là người bạn thân thiết của chúng em. Hè đã đến, xin tạm chia tay với bác trống thân yêu. Mấy tháng hè, chắc bác rất buồn bã vì phải nằm im trên giá, ngắm nhìn sân trường vắng lặng với những xác phượng đỏ rơi trên thảm cỏ xanh. Khi còn đang học thì chỉ mong hè đến, nhưng hè tới, mới nghỉ vài ba bữa, chúng em lại mong chóng đến ngày được gặp bác trống, nghe cái giọng trầm ấm quen thuộc của bác và gặp lại đông đủ thầy bạn, vui biết bao nhiêu.

Bài mẫu 2: Mỗi lần đến trường, em thường được nghe âm thanh quen thuộc báo hiệu giờ ra, vào lớp của tiếng trống. Hãy tả lại cái trống trường em và nêu cảm nghĩ của mình.

Dàn bài

1.  Mở bài: Giới thiệu về cái trống em định tả.

2.  Thân bài: 

  • Tả hình dáng cửa cái trống:
    • Hình dáng của cái trống: tròn như cái chum. Mình được ghép bằng những mảnh gỗ đều chằn chặn. Trống to ở giữa, khum lại ở hai đầu. Quanh lưng quấn ba vành đai to bằng con rắn cạp nong. Hai đầu bịt bằng da trâu, căng rất phẳng.
  • Âm thanh của tiếng trống:
    • Tiếng trống Ồm Ồm giục giã khi báo hiệu vào lớp.
    • Tiếng trống “Cắc, tùng! Cắc, tùng!” để học sinh tập thể dục.
    • Tiếng trống xả một hồi dài báo hiệu hết giờ học, học sinh ra về.
  • Công dụng của cái trống: báo ngày em tựu trường, đến trường đúng giờ, cầm càng cho các em tập thể dục, báo hiệu giờ em được nghỉ.

3. Kết bài: Tình cảm của em đối với cái trống. Trống là vật gần gũi thân quen với học sinh nói chung, với em nói riêng.

Bài văn

Từ năm học lớp một đến nay, không ai trong chúng tôi lại không biết rõ về cái trống trường.

Anh chàng trống này thân tròn như cái chum, lúc nào cũng trên một cái giá giỗ kê ở trước phòng bảo vệ. Mình anh ta được ghép bằng những mảnh gỗ đều chằn chặn, nở ở giữa, khum nhỏ lại ở hai đầu. Quanh lưng quấn hai vành đai to bằng con rắn cạp nong, nom rất hùng dũng. Hai đầu trống buộc kín bằng da trâu thuộc kĩ, căng rất phẳng.

Sáng sáng đi học tới gần trường, nghe thấy tiếng trống ồm ồm giục giã "Tùng! Tùng! Tùng!" là chúng tôi rảo bước cho kịp giờ học. Vào những lúc tập thể dục, anh trống lại "cầm càng" cho chúng tôi theo nhịp "Cắc, tùng! Cắc, tùng! " đều đặn. Khi anh ta "xả hơi " một hồi dài là lúc chúng tôi cũng được "xả hơi" sau buổi học.

Có thể sau này tôi sẽ rời xa mái trường này để lên học ở một ngôi trường to lớn hơn với tiếng chuông báo giờ hiện đại hơn. Nhưng dù vậy, tôi sẽ không bao giờ quên hình dáng cục mịch và âm thanh rộn rã của cái trống trường cùng bao kỉ niệm ấu thơ.

Bài mẫu 3: Mỗi lần đến trường, em thường được nghe âm thanh quen thuộc báo hiệu giờ ra, vào lớp của tiếng trống. Hãy tả lại cái trống trường em và nêu cảm nghĩ của mình.

Dàn bài

1.  Mở bài: Giới thiệu về cái trống em định tả.

2.  Thân bài: 

  • Tả hình dáng cửa cái trống:
    • Hình dáng của cái trống: Trống cao gần bằng cậu học trò lớp bốn. Trống khum khum hình bầu dục. Hai bề mặt trống là hai lớp da trâu hoặc bò dày, nhẵn thín màu vàng ngà hơi cũ. Mặt trống nhìn tựa như bề mặt nồi tráng bánh cuốn. Bao quanh mặt trống là thanh gỗ dẹp mỏng. Thân trống được ghép bằng những mảnh gỗ chắc chắn.
  • Âm thanh của tiếng trống:
    • Trống run lên và tỏa vào không trung những âm thanh kì lạ: Tùng! Tùng! Tùng!
    • Trống trường chỉ vang lên vào những giờ phút đáng ghi nhớ: bước vào năm học, bắt đầu mỗi tiết học, giờ nghỉ học, giờ ra chơi, giờ ra về và lúc bế giảng. 

3. Kết bài: Tình cảm của em đối với cái trống. Trống là vật gần gũi thân quen với học sinh nói chung, với em nói riêng.

Bài văn

Cái trống có mặt ở ngôi trường em học không biết đã bao năm rồi; bác bảo vệ của trường ít nhất cũng đã mười hai năm, thế mà trống vẫn còn tốt.

Trống cao gần bằng cậu học trò lớp bốn. Trống khum khum hình bầu dục hai đầu thon lại, thân to, ba học sinh nối tay nhau mới ôm đủ vòng quanh trống.

Hai bề mặt trống là hai lớp da trâu hoặc bò dày, nhẵn thín màu vàng ngà hơi cũ. Mặt trống nhìn tựa như bề mặt nồi tráng bánh cuốn của bà Hai cạnh nhà em. Bao quanh mặt trống là thanh gỗ dẹp mỏng, sơn viền đỏ vàng, được đóng đinh tre gắn liền với thân trống.

Thân trống được ghép bằng những mảnh gỗ chắc chắn, sơn màu đỏ thẳm, phình to ở giữa. Chỗ ấy được gọi là bụng trống. Bao quanh bụng là một vành đai do hai cây mây bện xoắn vào nhau lớn bằng ngón tay cái. Nhìn từ xa trống như được mang chiếc thắt lưng giản dị, dân dã.

Thường lệ, trước giờ vào học, bác bảo vệ cầm chiếc dùi trống bằng gỗ dài bằng cả cánh tay em để nện lên mặt trống. Lúc đầu bác đánh chậm, nhỏ, càng về sau nhịp tay bác càng nhanh, càng mạnh và dồn dập. Ấy là lúc trống run lên và tỏa vào không trung những âm thanh kì lạ: Tùng! Tùng! Tùng!

Trống trường chỉ vang lên vào những giờ phút đáng ghi nhớ: bước vào năm học, bắt đầu mỗi tiết học, giờ nghỉ học, giờ ra chơi, giờ ra về và lúc bế giảng. Những lúc đi học trễ, nghe trống trường dồn dập, em rảo bước nhanh hơn. Có khi đang bí bài, nghe trống báo hết tiết học, em mừng vui hể hả. Ngược lại, đôi khi đang chạy nhảy hả hê, trống lại báo hết giờ chơi, ai nấy đều tiếc rẻ. Một lần hè đến, nghe trống trường báo hiệu bế giảng năm học, lòng chúng em xao xuyến bâng khuâng, buồn vui lẫn lộn.

Trống trường thực sự là bạn đồng hành của đời học sinh chúng em. Mai đây, chúng em lớn lên, có thể đi bất cứ nơi nào trên Tổ quốc song mãi mãi tiếng trống trường vẫn bập bùng trong kỉ niệm.

Tìm kiếm google:

Xem thêm các môn học

Bài văn mẫu 5


Đia chỉ: Tòa nhà TH Office, 90 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại hỗ trợ: Fidutech - click vào đây
Chúng tôi trên Yotube
Cùng hệ thống: baivan.net - Kenhgiaovien.com - tech12h.com