Bài tập 1. Sử dụng dàn ý của bài tập 1 trong phần Viết để lập đề cương cho bài nói theo đề tài: Giới thiệu một tác phẩm văn học tự chọn.
Trả lời:
Tên tác phẩm văn học/nghệ thuật Ai đã đặt tên cho dòng sông?
Thể loại: Bút kí
Tên tác giả: Hoàng Phủ Ngọc Tường
1. Lí do chọn giới thiệu tác phẩm văn học/ nghệ thuật:
Ai đã đặt tên cho dòng sông? (Hoàng Phủ Ngọc Tường) không đơn thuần chỉ là tác phẩm miêu tả về vẻ đẹp thiên nhiên nước nhà mà đó còn là tác phẩm thể hiện tình yêu, niềm tự hào tha thiết, sâu lắng mà Hoàng Phủ Ngọc Tường dành cho dòng sông quê hương, cho xứ Huế thân yêu và cũng là cho đất nước.
2. Nội dung giới thiệu tác phẩm văn học/ nghệ thuật:
- Giới thiệu tóm tắt về nội dung và nghệ thuật:
Nội dung: Ai đã đặt tên cho dòng sông là một tùy bút súc tích và đầy chất thơ về sông Hương. Xuyên suốt toàn tác phẩm là hình ảnh con sông Hương xứ Huế vừa mang vẻ đẹp thơ mộng, êm ả, nhẹ nhàng; vừa mang vẻ đẹp hoang dã, bao la,mênh mông, hùng vĩ. Vẻ đẹp con sông Hương là vẻ đẹp làm xao động lòng người. Bên cạnh hình ảnh thiên nhiên quê hương ấy là tấm lòng thủy chung, son sắt, tự hào về vẻ đẹp thiên nhiên quê cha đất tổ, vẻ đẹp non nước quê hương của người con xứ Huế - Hoàng Phủ Ngọc Tường.
Nghệ thuật: Ngôn ngữ phong phú, giàu hình ảnh, bộc lộ cảm xúc, sử dụng nhiều biện pháp như so sánh, ẩn dụ, nhân hóa. Có sự kết hợp hài hòa giữa cảm xúc và trí tuệ, chủ quan và khách quan. Chủ quan là sự trải nghiệm của bản thân. Khách quan là đối tượng miêu tả - dòng sông Hương.Ngôn ngữ giàu hình tượng; văn phong mê đắm tài hoa; chất trí tuệ và chất trữ tình hài hòa thống nhất; am hiểu nhiều lĩnh vực như địa lí, lịch sử, âm nhạc, thơ ca; cảm xúc dạt dào, tha thiết; cái tôi trữ tình hấp dẫn, lôi cuốn.
- Giới thiệu về chủ đề, thông điệp của tác phẩm:
Chủ đề chính của tác phẩm: kể về một dòng sông thơ mộng mà thiên nhiên dành tặng riêng cho xứ huế mộng mơ. Dòng sông Hương hiện lên lúc hoang dại như một cô gái Digan, lúc lại rất trữ tình và thơ mộng.
- Thông điệp của tác phẩm: Yêu thương, tự hào về vẻ đẹp thiên nhiên quê hương, xứ sở - Bài học về việc trân trọng, nâng niu, bảo vệ thiên nhiên môi trường.
3. Trình bày một số ý kiến nhận xét, đánh giá/ điều thích hoặc không thích về tác phẩm/ tình cảm, cảm xúc khi đọc/xem/nghe tác phẩm:
Bài bút kí của Hoàng Phủ Ngọc Tường kể về một dòng sông thơ mộng mà thiên nhiên dành tặng riêng cho xứ huế mộng mơ. Dòng sông Hương hiện lên lúc hoang dại như một cô gái Digan, lúc lại rất trữ tình và thơ mộng. Đó cũng chính là tính cách như một cô gái ngang bướng, mạnh mẽ nhưng không kém phần mềm mại và thơ mộng. Con sông ấy không hề lặp mình trong những cảm hứng của người nghệ sĩ cho dù từ hiện đại hay ngược dòng thời gian về phong kiến xa xưa. Sự minh chứng về những vẻ đẹp của cảnh quan và sự gắn bó của sông Hương với tiến trình lịch sử, văn hóa của dân tộc mà nó xứng đáng là “dòng sông huyền nhiệm, nơi sinh ra vẻ đẹp tâm hồn của đất nước”.
Bài tập 2. Sử dụng dàn ý của bài tập 2 trong phần Viết để chuẩn bị bài nói theo đề tài: Giới thiệu một bài thơ chữ Hán của Nguyễn Du.
Trả lời:
1. Mở đầu: Giới thiệu tác phẩm Sở kiến hành của Nguyễn Du và lí do lựa chọn đề tài (lưu ý cảm hứng nhân đạo bao trùm sáng tác của Nguyễn Du và vị trí đặc biệt của Bắc hành tạp lục).
2. Triển khai:
- Giới thiệu đề tài và tóm tắt nội dung chính của tác phẩm: Bài hành viết về những thân phận người nghèo khổ, bất hạnh.
- Nêu ý kiến đánh giá về giá trị tư tưởng và nghệ thuật của tác phẩm: Sở kiến hành có giá trị nhân đạo và giá trị hiện thực sâu sắc (xót thương, đau đớn trước số phận cùng khổ của người dân; bất bình, căm phẫn trước cảnh sống xa hoa của giai cấp thống trị,...). Bài hành cũng kết tinh nhiều nét đặc sắc về nghệ thuật (sự kết hợp các yếu tố tự sự và trữ tình, nghệ thuật tương phản, ngôn ngữ, ý tứ cô đọng, hàm súc,...).
3. Kết luận: Khẳng định vị trí, ý nghĩa của Sở kiến hành trong thơ chữ Hán Nguyễn Du và trong nền thơ trung đại Việt Nam.
Bài tập 3. Quan điểm của bạn về lòng khoan dung.
Lập dàn ý cho bài nói của bạn khi tham gia thảo luận về vấn đề trên.
Trả lời:
I. Mở bài:
- Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: "Lòng khoan dung"
II. Thân bài:
* Giải thích và nêu biểu hiện của khoan dung trong cuộc sống con người.
- Lòng khoan dung là gì?
- Biểu hiện: Sống vị tha, nhân ái, sẵn sàng tha thứ cho lỗi lầm của người khác,...
* Trình bày ý nghĩa của lòng khoan dung:
- Lòng khoan dung là một trong những đức tính tốt, là biểu hiện của lối sống đẹp, vị tha, vì người khác.
- Trong cuộc sống, ai cũng có lúc phạm phải sai lầm, nên việc bao dung, tha thứ là điều cần thiết đối với con người.
- Lòng khoan dung, tha thứ cho những sai lầm của người khác sẽ khiến cho mối quan hệ giữa con người trở nên tốt đẹp hơn.
- Nếu không biết tha thứ, bỏ qua cho người khác và hẹp hòi, con người sẽ luôn sống trong sự hận thù, mối quan hệ giữa con người sẽ trở nên áp lực, căng thẳng.
* Bài học nhận thức và hành động:
- Chúng ta cần mở rộng lòng mình để sẵn sàng tha thứ, bỏ qua sai lầm của người khác.
- Giúp đỡ người khác nhận ra và khắc phục những sai lầm.
III. Kết bài:
- Khẳng định lại ý nghĩa của lòng khoan dung. Liên hệ bản thân.