Chiều hoàng hôn là đề tài được rất nhiều thi sĩ lựa chọn để sáng tác các tác phẩm thơ văn của mình. Và bài thơ "Chiều hôm nhớ nhà" của Bà Huyện Thanh Quan là một trong số đó. Đây cũng là một kiệt tác của nền thơ Nôm Việt Nam trong thế kỉ XIX. Bài thơ là cảnh hoàng hôn và qua đó thể hiện nỗi buồn của kẻ tha hương. Hai câu thơ đầu thể hiện rất rõ điều đó: "Chiều trời bảng lảng bóng hoàng hôn. Tiếng ốc xa đưa vẳng trống đồn". Hai chữ "lảng bảng" gợi ra một bức tranh buổi chiều đượm buồn với ánh sáng lờ mờ lúc chập tối. Câu thơ chỉ giới thiệu thời gian mà người đọc như cảm thấy cả không gian một vùng quê rộng lớn. Trước thiên nhiên ấy, giữa trời và đất, có một cái gì đó tràn ngập con người nhạy cảm. Đối với người đi xa, khoảnh khắc hoàng hôn, buồn sao kể hết được? Nỗi buồn ấy lại được nhân lên khi tiếng ốc (tù và) cùng tiếng trống đồn "xa đưa vẳng" lại. Chiều dài (tiếng ốc), chiều cao (tiếng trống đồn trên chòi cao) của không gian được diễn tả qua các hợp âm ấy, đã gieo vào lòng người lữ khách một nỗi buồn lê thê, một niềm sầu thương tê tái. Âm thanh từ xa vẳng đến như thúc giục, nhưng vẫn có cái trầm lặng trong đó báo hiệu cho mọi người: ngày sắp hết. Tâm trạng của tác giả đã phần nào được ngầm hiểu trong cách lựa chọn thời gian, không khí và thanh âm. "Chiều hôm nhớ nhà" là một bông hoa nghệ thuật chứa chan tình thương nhớ, bâng khuâng....