Soạn ngữ văn 9 sách VNEN bài 15: Chiếc lược ngà

Soạn bài chi tiết, cụ thể ngữ văn 9 VNEN bài 15: Chiếc lược ngà. Tất cả bài tập được trình bày cẩn thận, chi tiết. Mời các em cùng tham khảo để học tốt môn học này.

A. Hoạt động khởi động

Hãy đọc một bài thơ/ đoạn thơ hoặc một câu chuyện kể về tình cha con

Trả lời:

* Một số bài thơ viết về tình cha con:

Nói với con

Y Phương

Chân phải bước tới cha

Chân trái bước tới mẹ

Một bước chạm tiếng nói

Hai bước tới tiếng cười.

 

Người đồng mình yêu lắm con ơi

Đan lờ cài nan hoa

Vách nhà ken câu hát

Rừng cho hoa

Con đường cho những tấm lòng

Cha mẹ mãi nhớ về ngày cưới

Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời.

 

Người đồng mình thương lắm con ơi

Cao đo nỗi buồn 

Xa nuôi chí lớn

Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn

Sống trên đá không chê đá gập ghềnh

Sống trong thung không chê thung nghèo đói

Sống như sông như suối

Lên thác xuống ghềnh

Không lo cực nhọc

Người đồng mình thô sơ da thịt

Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con

Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương

Còn quê hương thì làm phong tục.

 

Con ơi tuy thô sơ da thịt

Lên đường

Không bao giờ nhỏ bé được 

Nghe con.

 

Lục bát về Cha

                                            (Trí Nhân)

Cánh cò cõng nắng qua sông

Chở luôn nước mắt cay nồng của cha

Cha là một dải ngân hà

Con là giọt nước sinh ra từ nguồn

Quê nghèo mưa nắng trào tuôn

Câu thơ cha dệt từ muôn thăng trầm

Thương con cha ráng sức ngâm

Khổ đau hạnh phúc nảy mầm từ hoa

Lúa xanh xanh mướt đồng xa

Dáng quê hòa với dáng cha hao gầy

Cánh diều con lướt trời mây

 

Chở câu lục bát hao gầy tình Cha.

B. Hoạt động hình thành kiến thức

1. Đọc văn bản "Chiếc lược ngà"

2. Tìm hiểu văn bản

a) Em hãy kể tóm tắt cốt truyện của đoạn trích. Tình huống nào đã bộc lộ sâu sắc và cảm động tình cha con của ông Sáu và bé Thu?

Trả lời:

* Tóm tắt truyện: 

Ông Sáu xa nhà tham gia kháng chiến suốt tám năm trời, khao khát mong mỏi đến ngày được trở về gia đình gặp mặt con gái. Nhưng bé Thu không nhận ra cha vì vết sẹo trên mặt làm cho em không giống với cha trong bức ảnh chụp chung với má. Em đối xử với ba như người xa lạ. Đến lúc Thu nhận ra cha, lúc tình cha con thức dậy mãnh liệt trong em thì cũng là lúc ông Sáu phải ra đi trở lại nơi chiến đấu. Tại khi căn cứ, người cha dồn hết tình cảm yêu quý, nhớ thương đứa con vào việc làm chiếc lược bằng ngà voi để tặng cô con gái bé bỏng. Nhưng món quà chưa kịp trao cho con thì trong một trận càn, ông đã hy sinh. Trước lúc nhắm mắt ông còn kịp trao cây lược cho người bạn để gửi cho con gái.

Tình huống bộc lộ sâu sắc và cảm động tình cha con:

  • Tình huống thứ nhất là khi bé Thu không nhận cha. Vì cuộc kháng chiến mà người cha đi biền biệt suốt tám năm, từ khi bé Thu chưa đầy một tuổi. Sau tám năm xa cách, anh trở về, đứa con gái không chịu nhận ba. Đến lúc con nhận ra và gọi anh Sáu bằng ba là lúc anh phải ra đi nhận nhiệm vụ mới.
  • Tình huống thứ hai là khi anh Sáu hứa sẽ mang về tặng con một cây lược. Những ngày chiến đấu trong rừng, anh Sáu cặm cụi làm chiếc lược bằng ngà cho con gái bằng tất cả tình yêu thương. Chiếc lược đã làm xong nhưng chưa kịp trao cho con gái thì anh hi sinh trong chiến trường.

b) Tìm hiểu và phân tích diễn biến tâm lí, hành động của bé Thu trong lần gặp cha, khi ông Sáu được về phép. Qua đó hãy nhận xét về tính cách nhân vật bé Thu và nghệ thuật miêu tả tâm lí của tác giả.

Trả lời:

Khi ông Sáu bồi hồi nhận con thì bé Thu lại tròn mắt ngơ ngác lạ lùng. Bé Ngạc nhiên, sợ hãi vì người đàn ông lạ mặt ôm và tự nhận là ba của bé. Vết sẹo dài trên mặt ông Sáu vì xúc động mà đỏ ứng, giật giật khiến cho bé Thu sợ hãi, khóc và chạy về nhà. Bé nhìn ba như người xa lạ, mặt tái đi chạy đi kêu má làm cho ông Sáu rất đau khổ.

Sau đó, bé Thu cự tuyệt mọi sự quan tâm của ông Sáu dành cho mình, ăn nói cộc lốc, trống không với ba. Đỉnh điểm của hành động ngang bướng, kiên quyết không chịu nhận ba của bé Thu là trong bữa ăn gia đình, bé Thu đã hất cái trứng mà ông Sáu gắp vào bát mình.

Khi được bà ngoại giải thích, bé Thu đã hiểu ra mọi việc và chịu nhận ông Sáu là ba. Lúc thấy ba chuẩn bị ra đi khuôn mặt bé Thu buồn rầu nghĩ ngợi xa xăm, đằng sau đôi mắt ấy xáo trộn biết bao ý nghĩ. Hình ảnh bé Thu chạy lại nhận ba vào giây phút ông Sáu lên đường là chi tiết cảm động nhất của truyện ngắn này.

Qua những hành động, suy nghĩ của bé Thu, người đọc càng thêm xúc động về tình cha con. Bé Thu không chịu nhận ba bởi vì rất yêu ba, người ba trong tiềm thức, suy nghĩ của bé Thu không hề giống với người ba thực tại. Vì vậy hành động chống đối chính là sự bảo vệ hình ảnh người cha trong trái tim mình. Khi nhận ra ông Sáu chính là cha mình, em đã bật khóc nghẹn ngào, hôn ba nó cùng khắp, cổ, vai và kể cả vết thẹo dài trên má.

Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật: Sâu sắc, tinh tế và phù hợp với logic của câu chuyện. Nhà văn như hoá thân vào trong nhân vật để biểu hiện những diễn biến tâm lí của một cô bé tám tuổi một cách chân thật xúc động.

c) Tình cảm sâu nặng và cao đẹp của ông Sáu đối với con đã được thể hiện qua những chi tiết, sự việc nào? Điều đó đã bộc lộ thêm nét đẹp gì trong tâm hồn của người cán bộ cách mạng ấy?

Trả lời:

* Tình cảm sâu nặng và cao đẹp của ông Sáu với con gái được thể hiện qua các chi tiết:

+ Về nghỉ phép với tâm trạng nôn nao, hồi hộp, mong ngóng vì biết sắp được gặp con

+ Ông chạy đến ôm bé Thu vào lòng và nói “Thu, con”. Cái ôm chất chứa bao nhiêu tình yêu, nỗi nhớ của người cha.

+ Dù bé Thu không chịu nhận mình nhưng ông Sáu vẫn luôn quan tâm, tìm cách để được gần gũi với con.

+ Ông Sáu đã vô cùng hối hận khi đánh con

+ Khi vào chiến trường, ông vẫn giữ lời hứa tặng con chiếc lược. Tìm kiếm kỉ vật tặng cho con: ông đã cố công tìm được khúc ngà để làm cho con gái một chiếc lược thật đẹp, ông thận trọng tỉ mỉ cưa từng chiếc răng lược như một người thợ bạc rồi còn khắc lên đó những dòng chữ đầy yêu thương. Suốt ngày, ông ngắm chiếc lược và gửi gắm trong đó biết bao nhớ thương về người con gái bé nhỏ.Ông luôn mang chiếc lược bên mình.

+ Trước khi hi sinh, lời trăn trối cuối cùng là nhờ ông Ba mang cây lược về cho bé Thu

=> Qua những chi tiết trong truyện, có thể thấy ông Sáu là một chiến sĩ cách mạng tha thiết tình yêu quê hương đất nước, dù nhiệm vụ chiến đấu gian nan nhưng trong lòng luôn nghĩ về gia đình, thương yêu con cái hết mực. Ông luôn muốn bù đắp những thiệt thòi cho đứa con trong những ngày không có tình thương của ba bên cạnh.

d) Truyện được kể theo lời trần thuật của nhân vật nào? Cách chọn ngôi kể như vậy có tác dụng gì trong việc xây dựng nhân vật và thể hiện nội dung tư tưởng của truyện?

Trả lời:

Truyện được kể theo ngôi thứ nhất, nhân vật xưng “tôi” là người bạn thân của ông Sáu.

Câu chuyện về hai cha con thông qua lời kể của người bạn ông Sáu, đã tạo cho câu truyện tính khách quan chân thực và thể hiện mối quan hệ gắn bó giữa những người đồng chí trong chiến đấu.

C. Hoạt động luyện tập

1. Luyện tập đọc hiểu văn bản Chiếc lược ngà

Em hãy viết lại đoạn truyện kể lại cuộc gặp gỡ cuối cùng của hai cha con ông Sáu theo lời hồi tưởng của một nhân vật khác (ông Sáu hoặc bé Thu).

=> Xem hướng dẫn giải

2. Luyện tập về thơ và truyện hiện đại

a) Điền vào chỗ trống để hoàn thiện bảng thống kê (vào vở) tác phẩm thơ và truyện hiện đại theo mẫu sau:

Bảng 1:

Tác phẩm/

Đoạn trích

Tác giả

Thể loại

Hoàn cảnh sáng tác

Nội dung chính

Đặc sắc nghệ thuật

Làng

Kim Lân

 

 

 

 

Lặng lẽ Sa Pa

 

Truyện ngắn

 

 

 

Chiếc lược ngà

 

 

 

 

 

Bảng 2:

Tác phẩm

 

Tác giả

Thể thơ và phương thức biểu đạt

Hoàn cảnh sáng tác

Nội dung chính

Đặc sắc nghệ thuật

Đồng chí

Chính Hữu

 

 

 

 

Bài thơ về tiểu đội xe không kính

Phạm Tiến Duật

 

 

 

 

Đoàn thuyền đánh cá

 

 

 

 

 

Bếp lửa

 

 

 

 

 

Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ

 

 

 

 

 

Ánh trăng

 

 

 

 

 

Trả lời:

Bảng 1:

Tác phẩm/

Đoạn trích

Tác giả

Thể loại

Hoàn cảnh sáng tác

Nội dung chính

Đặc sắc nghệ thuật

Làng

Kim Lân

Truyện ngắn

được viết và đăng báo trên tạp chí Văn nghệ năm 1948 – giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp.

Truyện thể hiện chân thực, sinh động tình cảm yêu làng quê thống nhất với lòng yêu đất nước ở nhân vật ông Hai.

-Tác giả sáng tạo tình huống truyện có tính căng thẳng, thử thách.

-Xây dựng cốt truyện tâm lí ( đó là chú trọng vào các tình huống bên trong nội tâm nhân vật).

-Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật tự nhiên mà sâu sắc, tinh tế.

-Ngôn ngữ đặc sắc, sinh động, mang đậm chất khẩu ngữ, gần với lời ăn tiếng nói hằng ngày của người nông dân.

Lặng lẽ Sa Pa

Nguyễn Thành Long

Truyện ngắn

sáng tác năm 1970, trong chuyến đi thực tế của tác giả ở Lào Cai.

Truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” khắc họa thành công hình ảnh những con người lao động bình thường, mà tiêu biểu là anh thanh niên làm công tác khí tượng ở một mình trên đỉnh núi cao. Qua đó, truyện khẳng định vẻ đẹp của con người lao động và ý nghĩa của những công việc thầm lặng.

Phương thức tự sự kết hợp với miêu tả, biểu cảm.

Tình huống truyện hợp lí, cách kể chuyện tự nhiên, hấp dẫn.

Nhân vật chính được miêu tả qua cái nhìn của các nhân vật khác.

Lời văn trong sáng, giàu chất thơ. Tiêu đề đậm chất trữ tình.

Chiếc lược ngà

Nguyễn Quang Sáng

Truyện ngắn

năm 1966 –khi tác giả hoạt động ở chiến trường Nam Bộ những năm kháng chiến chống Mĩ

Truyện “Chiếc lược ngà” đã thể hiện một cách cảm động tình cha con thắm thiết, sâu nặng và cao đẹp của cha con ông Sáu trong hoàn cảnh éo le của chiến tranh.

Truyện còn gợi cho người đọc nghĩ đến và thấm thía những mất mát đau thương, éo le mà chiến tranh gây ra cho bao nhiêu con người, bao nhiêu gia đình.

- Xây dựng tình huống truyện bất ngờ mà tự nhiên, hợp lí.

- Xây dựng cốt truyện khá chặt chẽ, lựa chọn nhân vật kể chuyện thích hợp.

- Miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật tinh tế và sâu sắc, nhất là đối với nhân vật bé Thu.

- Ngôn ngữ truyện mang đậm chất địa phương Nam Bộ.

Bảng 2:

Tác phẩm

 

Tác giả

Thể thơ và phương thức biểu đạt

Hoàn cảnh sáng tác

Nội dung chính

Đặc sắc nghệ thuật

Đồng chí

Chính Hữu

Thể thơ tự do.

Phương thức biểu đạt biểu cảm.

Bài thơ “Đồng chí” được sáng tác vào đầu năm 1948 – sau chiến dịch Việt Bắc ( thu đông 1947 ).

Bài thơ đã ca ngợi tình đồng chí hết sức thiêng liêng, như là một ngọn lửa vẫn cháy mãi, bập bùng không bao giờ tắt, ngọn lửa thắp sáng đêm đen của chiến tranh.

Thể thơ tự do với những câu dài ngắn đan xen đã giúp cho nhà thơ diễn tả hiện thực và bộc lộ cảm xúc một cách linh hoạt.

 Hình ảnh thơ cụ thể,xác thực mà giàu sức khái quát.

Ngôn ngữ thơ hàm súc, cô đọng, giàu sức biểu cảm.

Bài thơ về tiểu đội xe không kính

Phạm Tiến Duật

Thể thơ tự do ( kết hợp thể thơ 7 chữ và 8 chữ).

Phương thức biểu đạt: biểu cảm

Ra đời năm 1969, nằm trong chùm thơ của Phạm Tiến Duật được tặng giải Nhất cuộc thi thơ của báo Văn nghệ năm 1969. Chùm thơ đã khẳng định giọng thơ riêng của của ông. Sau này bài thơ được đưa vào tập thơ “ Vầng trăng quầng lửa” (1970) của tác giả.

Bài thơ khắc họa hình ảnh lạ mắt: chiếc xe không kính, từ đó làm nổi bật hình ảnh của những người lính lái xe ở Trường Sơn với tư thế ung dung hiên ngang, tinh thần dũng cảm, bất chấp khó khăn cùng niềm lạc quan của tuổi trẻ và ý chí chiến đấu giải phóng miền Nam.

Giọng thơ ngang tàn, nghịch ngợm, rất gần với lời văn xuôi, lời đối thoại, lời nói thường ngày nhưng vẫn thú vị và giàu chất thơ.

Hình ảnh thơ độc đáo, đặc sắc.

Đoàn thuyền đánh cá

Huy Cận

Thể thơ 7 chữ.

Phương thức biểu đạt: biểu cảm kết hợp miêu tả.

 

Bài thơ được viết vào giữa năm 1958, khi cuộc kháng chiến chống Pháp đã kết thúc thắng lợi, miền Bắc được giải phóng và bắt tay vào công cuộc xây dựng cuộc sống mới.

Bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” đã khắc họa nhiều hình ảnh đẹp tráng lệ thể hiện sự hài hòa giữa thiên nhiên và con người lao động, bộc lộ niềm vui, niềm tự hào của nhà thơ trước đất nước và cuộc sống.

Cảm hứng vũ trụ, cảm hứng lãng mạn.

Bài thơ có nhiều sáng tạo trong việc xây dựng hình ảnh bằng liên tưởng, tưởng tượng phong phú, độc đáo; có âm hưởng khỏe khoắn, hào hùng, lạc quan.

Bếp lửa

Bằng Việt

Thể thơ 8 chữ kết hợp với 7 chữ, 9 chữ.

Phương thức biểu đạt kết hợp nhuần nhuyễn giữa biểu cảm và miêu tả, tự sự và bình luận.

Sáng tác năm 1963, khi nhà thơ đang là sinh viên theo học ngành Luật tại nước Nga.

Bài thơ là những hồi tưởng và suy ngẫm của người cháu đã trưởng thành, nhớ lại những kỉ niệm đầy xúc động về người bà và tình bà cháu. Qua đó, bộc lộ những tình cảm sâu nặng đối với gia đình, quê hương, đất nước.

Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa biểu cảm và miêu tả, tự sự và bình luận.

Giọng điệu tâm tình, thiết tha, tự nhiên, chân thành.

Sáng tạo hình ảnh bếp lửa – hình ảnh vừa thực vừa mang ý nghĩa biểu tượng.

Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ

Nguyễn Khoa Điềm

Thể thơ tự do.

Phương thức biểu đạt biểu cảm.

Bài thơ được Nguyễn Khoa Điềm sáng tác năm 1971 – những năm tháng quyết liệt của cuộc kháng chiến chống Mĩ.

Bài thơ bộc lộ tình yêu thương đằm thắm của người mẹ đối với con, tình cảm gắn bó với quê hương, với cuộc sống lao động và chiến đấu nơi núi rừng chiến khu, dù còn gian nan vất vả; đồng thời gửi gắm ước vọng con mau lớn khôn, khỏe mạnh, trở thành công dân của một đất nước tự do.

Cấu trúc lặp đi lặp lại của lời ru vừa tạo giọng điệu trữ tình, tha thiết, vừa mở rộng và xoáy sâu vào lòng người đọc sự ngọt ngào, trìu mến.

Ánh trăng

Nguyễn Duy

- Thể thơ 5 chữ

-Phương thức biểu đạt tự sự kết hợp với trữ tình.

Nguyễn Duy viết bài thơ “Ánh trăng” vào năm 1978 ,tại thành phố Hồ Chí Minh -nơi đô thị của cuộc sống tiện nghi hiện đại, nơi những người từ trận đánh trở về đã để lại sau lưng cuộc chiến gian khổ mà nghĩa tình.

Bài thơ là một lời tự nhắc nhở của tác giả về những năm tháng gian lao của cuộc đời người lính gắn bó với thiên nhiên, đất nước bình dị, hiền hậu. Qua đó, gợi nhắc, củng cố ở người đọc thái độ sống “uống nước nhớ nguồn”, ân nghĩa thủy chung cùng quá khứ.

Giọng thơ mang tính tự bạch, tâm tình, nhỏ nhẹ và chân thành sâu sắc.

Hình ảnh vầng trăng – “ánh trăng” mang nhiều tầng ý nghĩa.

Ngôn ngữ thơ giản dị nhưng vô cùng hàn sức và mang ý nghĩa sâu xa.

b) Vẽ sơ đồ tư duy (vào vở) về các truyện ngắn đã học (chủ đề tác phẩm, nội dung cụ thể hóa chủ đề, đặc sắc nghệ thuật).

Học sinh tự nghiên cứu.

3. Luyện tập về Tiếng Việt

a) Đọc đoạn trích và trả lời câu hỏi

Nghe mẹ nó bảo gọi ba vào ăn cơm thì nó bảo lại: 

- Thì má cứ kêu đi

Mẹ nó đâm nổi giận quơ đũa bếp dọa đánh, nó phải gọi nhưng lại nói trổng:

- Vô ăn cơm! 

(Nguyễn Quang Sáng, Chiếc lược ngà)

(1) Câu “Vô ăn cơm!” của bé Thu vi phạm phương châm hội thoại nào? Hãy sửa lại câu trên để đảm bảo phương châm hội thoại khi giao tiếp.

(2) Bằng hiểu biết của mình sau khi đọc truyện ngắn Chiếc lược ngà, hãy giải thích lí do vì sao bé Thu vi phạm phương châm hội thoại trong đoạn trích trên.

Trả lời:

(1) Câu “Vô ăn cơm!” của bé Thu vi phạm phương châm lịch sự.

=> Sửa lại:  - Con mời ba vô ăn cơm!

(2) Bé Thu cố tình vi phạm phương châm lịch sự vì lúc này bé chưa nhận ra ông sáu là ba mình nên bé không muốn dùng từ “ba” để gọi ông Sáu.

b) Vận dụng một số kiến thức đã học về một số phép tu từ từ vựng để phân tích nét nghệ thuật độc đáo trong những đoạn trích sau:

(1) 

Một dãy núi mà hai màu mây 

Nơi nắng nơi mưa, khí trời cũng khác

Như anh với em, như Nam với Bắc 

Như đông với tây một dải rừng liền. 

(Phạm Tiến Duật, Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây)

(2) Tiếng kêu của nó như tiếng xé, xé sự im lặng và xé cả ruột gan mọi người, nghe thật xót xa. Đó là tiếng "ba" mà nó cố đè nén trong bao nhiêu năm nay, tiếng "ba" như vỡ tung ra từ đáy lòng nó, nó vừa kêu vừa chạy xô tới, nhanh như một con sóc, nó chạy thót lên và dang hai tay ôm chặt lấy cổ ba nó.

(Nguyễn Quang Sáng, Chiếc lược ngà)

(3) 

Đồng chiêm phả nắng lên không

Cánh cò dẫn gió qua thung lúa vàng

Gió nâng tiếng hát chói chang

Long lanh lưỡi hái liếm ngang chân trời.

(Nguyễn Duy, Tiếng hát mùa gặt)

Trả lời:

(1) Tác giả sử dụng biện pháp so sánh trong hai câu thơ:

"Như anh với em, như Nam với Bắc 

Như đông với tây một dải rừng liền."

=> Thông qua phép tu từ, tác giả muốn khẳng định giữa anh và em, giữa hai miền Nam và Bắc tuy khác nhau mà là một, giống như mây, mưa, khí trời, … của hai bên Trường Sơn tuy khác nhau mà lại liền một dải núi.

(2) Câu văn sử dụng những biện pháp tu từ:

  • So sánh: “Tiếng kêu của nó như tiếng xé”
  • Điệp từ: “xé”
  • Nói quá: “xé cả ruột gan mọi người”

=> Những biện pháp nghệ thuật trên giúp thể hiện tình cảm mãnh liệt của bé Thu – tình yêu và nỗi mong nhớ người cha xa cách bấy lâu nay bùng lên thật mạnh mẽ. Đồng thời còn bộc lộ được niềm xúc động của người kể chuyện và mọi người khi được chứng kiến cảnh chia tay đó.

(3) Trong đoạn thơ, tác giả đã sử dụng một loạt các biện pháp tu từ đặc sắc sau:

  • Nhân hóa: Đồng chiêm phả nắng; cánh cò dẫn gió; gió nâng tiếng hát; lưỡi hái liếm ngang.
  • Ẩn dụ chuyển đổi cảm giác: "Tiếng hát chói chang"
  • Đảo trật tự từ:" Long lanh lưỡi hái"
  • Nói quá: "Long lanh lưỡi hái liếm ngang chân trời."

=> Các biện pháp tu từ trên kết hợp với cách sử dụng nhiều hình ảnh đẹp với màu sắc tươi tắn rực rỡ, với cách sử dụng nhiều động từ độc đáo, nhà thơ đã khắc họa bức tranh về mùa vàng bội thu. Bức tranh ấy vừa có vẻ đẹp của thiên nhiên khoáng đạt, rộng lớn, vừa toát lên niềm vui, niềm hăng say lao động của con người.

4. Luyện tập về tập làm văn

a) Đọc đoạn trích và trả lời câu hỏi

Con bé thấy lạ quá, nó chớp mắt nhìn tôi như muốn hỏi đó là ai, mặt nó bỗng tái đi, rồi vụt chạy và kêu thét lên : “Má! Má!”. Còn anh, anh đứng sững lại đó, nhìn theo con, nỗi đau đớn khiến mặt anh sầm lại trông thật đáng thương và hai tay buông xuống như bị gãy.

(Nguyễn Quang Sáng, Chiếc lược ngà)

(1) Đoạn trích trên được kể theo ngôi kể nào?

(2) Tác giả sử dụng đối thoại, độc thoại hay độc thoại nội tâm? Vai trò. Tác dụng của yếu tố này trong đoạn trích trên?

(3) Lẽ ra, cuộc gặp mặt sau tám năm xa cách sẽ ngập tràn niềm vui và hạnh phúc nhưng trong câu chuyện, cuộc gặp ấy lại khiến nhân vật “anh“ đau đớn. Vì sao vậy? Hãy lí giải bằng một đoạn văn ngắn (trong đó có sử dụng yếu tố miêu tả nội tâm và nghị luận).

Trả lời:

(1) Đoạn trích được kể theo ngôi kể thứ nhất.

(2) Tác giả đã sử dụng hình thức độc thoại nội tâm. Yếu tố này có tác dụng thể hiện được sự đồng cảm và cảm xúc của người kể chuyện - người chứng kiến cuộc gặp lại của hai cha con ông Sáu.

(3) Ông Sáu đi chiến đấu xa nhà đã lâu, nay ông được về thăm nhà, khao khát đốt cháy lòng ông là được gặp con, được nghe con gọi tiếng "ba" để được ôm con vào lòng và sống những giây phút hạnh phúc bấy lâu ông mong đợi. Nhưng thật éo le, con bé không những không nhận ông là ba mà còn tỏ thái độ rất sợ hãi. Chính điều đó đã khiến ông hụt hẫng và đau đớn tột cùng.

b) Hệ thống lại kiến thức tập là, văn trong chương trình Ngữ văn lớp 9, học kì I một số nội dung lớn:

(1) Văn bản thuyết minh: các yếu tố miêu tả, tự sự trong văn bản thuyết minh.

(2) Văn bản tự sự:

- Các yếu tố miêu tả nội tâm và nghị luận trong văn bản tự sự.

- Vai trò, tác dụng, hình thức thể hiện của các yếu tố đối thoại, độc thoại và độc thoại nội tâm trong văn bản tự sự.

- Người kể chuyện trong văn bản tự sự.

Trả lời:

(1)

Sử dụng miêu tả trong thuyết minh giúp người đọc (nghe) hình dung cụ thể, sinh động hơn về đối tượng, làm tăng sức hấp dẫn cho văn bản thuyết minh. Miêu tả là dựa vào đặc điểm, tính chất khách quan của đối tượng, phát huy trí tưởng tượng, hư cấu; sử dụng nhiều yếu tố so sánh, liên tưởng, ít sử dụng số liệu cụ thể; dùng nhiều trong sáng tác văn học nghệ thuật; ngôn ngữ thường đa nghĩa.

+ Các biện pháp nghệ thuật như nhân hóa, so sánh, điệp ngữ… góp phần làm sinh động, cụ thể cho nội dung thuyết mính.

+ Ví dụ khi văn bản thuyết minh về ngôi trường. Yếu tố miêu tả sẽ chỉ rõ những đặc điểm về số phòng học, số lớp học, màu sơn của ngôi trường… Các yếu tố biện pháp nghệ thuật sẽ góp phần miêu tả sinh động, cụ thể, qua đó thể hiện được cảm xúc của người viết.

(2)

Văn bản tự sự:

- Các yếu tố miêu tả nội tâm và nghị luận trong văn bản tự sự.

    • Con người trong thực tiễn đời sống bên cạnh những biểu hiện bên ngoài như hành động, cử chỉ, lời nói,… thì còn có đời sống nội tâm, tinh thần thầm kín bên trong như những suy nghĩ, cảm xúc, tư tưởng,… Mà một trong những yêu cầu quan trọng của văn tự sự đó là phải khắc hoạ được những diễn biến tâm trạng, trạng thái tâm lí nhân vật. Vì vậy, yếu tố miêu tả nội tâm là yếu tố cần thiết và quan trọng trong văn tự sự.
    • Trong lời kể, có khi người kể chuyện muốn thể hiện một sự đánh giá, nhận xét hoặc suy luận nào đó trước đối tượng, khi đó nghị luận được sử dụng. Nghị luận là một thao tác quan trọng giúp cho người kể bộc lộ tư tưởng, quan điểm của mình; hoặc được dùng để xây dựng tình huống triết lí nào đó trong truyện.

- Vai trò, tác dụng, hình thức thể hiện của các yếu tố đối thoại, độc thoại và độc thoại nội tâm trong văn bản tự sự.

  • Đối thoại, độc thoại và độc thoại nội tâm là những hình thức quan trọng để thể hiện nhân vật trong văn bản tự sự.
  • Đối thoại là hình thức đối đáp, trò chuyện giữa hai hoặc nhiều người. 
  • Trong văn bản tự sự, đối thoại được thể hiện bằng các gạch đầu dòng ở đầu lời trao và lời đáp (mỗi lượt lời là một lần gạch đầu dòng).

=> Vai trò: làm cho câu chuyện sống động như trong cuộc sống.

  • Độc thoại là lời của một người nào đó nói với chính mình hoặc với một ai đó trong tưởng tượng. Trong văn bản tự sự, khi người độc thoại nói thành lời thì phía trước câu nói có gạch đầu dòng.

=> Vai trò: bộc lộ trực tiếp thái độ, cảm xúc, tâm lí của nhân vật.

  • Độc thoại nội tâm: là lời độc thoại không cất lên thành lời (không có dấu gạch đầu dòng).

=> Vai trò: dễ đi sâu vào việc khám phá nội tâm nhân vật.

+ Người kể chuyện trong văn bản tự sự.

  • Trong văn bản tự sự, ngươi kể chuyện thương đứng ở ngôi thứ nhât (xưng “tôi”) hoặc giấu mình trong ngôi thứ ba.
  • Người kể chuyện có vai trò dần dắt người đọc đi vào câu chuyện: giới thiệu nhân vật và tình huống, tả người và tả cảnh, đưa ra các nhận xét, đánh giá về những điều được kể.

D. Hoạt động vận dụng

Vận dụng kiến thức đã học để làm bài kiểm tra trên lớp về thơ và truyện hiện đại. Gợi ý một số nội dung kiểm tra như sau:

Bài 1. Phân tích nét nổi bật trong tính cách nhân vật ông Hai (truyện ngắn Làng của Kim Lân). Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật này của tác giả. Quan hệ giữa tình yêu làng quê và lòng yêu nước của nhân vật ông Hai.

Trả lời:

* Học sinh tham khảo làm bài theo những ý chính sau:

+ Nét tính cách đầu tiên và dễ nhận thấy nhất ở ông Hai là tình yêu tha thiết đối với làng ông. Mỗi làn “khoe” làng với ai, ông đều nói bằng sự say mê và náo nức lạ thường. Tối này đến tối khác, ông nói đi nói lại về cái làng của ông. Những tâm sự của ông Hai ở nơi tản cư là tâm sự của một người gắn bó với làng tha thiết, yêu làng bằng một niềm tự hào chân chính.

+ Tình yêu làng của ông Hai được thể hiện nổi bật và đậm nét nhất khi ông nghe tin làng ông theo Tây. Tin tức đó như sét đánh ngang tai, ông từ chối tin vào điều đó. “Cổ ông lão nghẹn ắng lại, da mặt tê rân rân. Ông lão lặng đi, tưởng chừng như không thở được. Một lúc sau ông mới rặn è è, nuốt một cái gì vướng ở cổ.” Ông vô cùng đau đớn, xót xa, tủi nhục giống như niềm tin và tình yêu của ông bị phản bội

+ Tình yêu làng còn trở thành một nỗi ám ảnh day dứt trong ông, buộc ông phải lựa chọn giữa làng và nước. Ông xấu hổ, trốn tránh mỗi khi nghe thấy ai bàn tán về tin làng chợ Dầu theo Tây, Việt gian. Cái tin đồn quái ác kia trở thành một nỗi ám ảnh, một nỗi sợ vô hình luôn đè nặng lên tâm trí ông. Và rồi đã dứt khoát đi theo kháng chiến, ông vẫn không thể dứt bỏ tình cảm sâu đậm với làng quê, và vì thế mà ông càng đau xót, tủi hổ hơn.

+ Bên cạnh tình yêu làng, nhân vật ông Hai còn ghi dấu trong mắt người đọc bằng lòng yêu nước và tinh thần kháng chiến. Tình yêu làng giờ đây đã trở thành tình yêu có ý thức, hòa nhập và lòng yêu nước. “Về làm gì cái làng ấy nữa. Về làng là bỏ kháng chiến, bỏ Cụ Hồ.”

+ Khi tin làng chợ Dầu theo giặc được cải chính, tình yêu làng, yêu nước của ông Hai mới được vẽ lên hoàn chỉnh. Ông Hai như sống lại, khuôn mặt rạng rỡ tươi vui hẳn lên. Một lần nữa, tình yêu làng, yêu nước của ông được thể hiện một cách chân thực, cảm động. 

+ Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật: Tác giả miêu tả tâm lý nhân vật qua hành động, ngôn ngữ độc thoại, đối thoại, rất hợp lý. Từ chỗ đau đớn rụng rời đến chỗ bế tắc tuyệt vọng và cuối cùng là sung sướng, hả hê, giải tỏa tâm lý bằng cái tin cải chính. Nhân vật được hồi sinh.

Bài 2. Vẻ đẹp trong cách sống, trong tâm hồn và trong những suy nghĩ của nhân vật anh thanh một mình trên trạm khí tượng giữa núi cao trong truyện Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long.

Trả lời:

+ Dù sống một mình trên đỉnh núi cao với công việc lặng lẽ trôi qua hàng ngày, nhưng nhân vật anh thanh niên trong tác phẩm vô cùng tự hào về công việc của mình. Anh đã tự bồi đắp tâm hồn mình những tình cảm yêu mến với nghề nghiệp và với quê hương đất nước

+ Anh là người mến khách (vui mừng, cảm động khi có khách đến thăm).

+ Là người sống chu đáo, biết quan tâm đến mọi người (hái hoa tặng khách, chuẩn bị trứng luộc cho khách ăn trưa trên xe,...), ân cần, chu đáo với bác lái xe (gửi tam thất cho vợ bác).

+ Là người say mê công việc, có tinh thần trách nhiệm cao: Công việc của anh hết sức vất vả nhưng anh vẫn rất nghiêm túc, đúng giờ. Hiệu quả làm việc rất cao, anh đã góp phần phát hiện ra đám mây khô giúp không quân ta bắn rơi máy bay Mĩ.

+ Có nếp sống ngăn nắp, gọn gàng: căn phòng làm việc của anh sắp đặt rất gọn gàng đâu vào đấy, đặc biệt là một giá sách và một quyển sách đang đọc dở ở trên bàn chứng tỏ tinh thần học hỏi không ngừng.

+ Vẻ đẹp tâm hồn cao đẹp, lãng mạn: ở một mình song anh vẫn trồng hoa thược dược, lay ơn đủ màu, vườn hoa ấy tươi đẹp như tâm hồn anh vậy.

+ Luôn khiêm tốn, giản dị: anh nói rất ít về mình, để dành thời gian nói chuyện với mọi người, từ chối khi ông họa sĩ có ý định vẽ về anh, anh cho rằng có người khác còn xứng đáng hơn anh.

Bài 3. Cảm nghĩ của em về nhân vật bé Thu và tình cha con trong chiến tranh ở truyện Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng.

Trả lời:

Câu chuyện cảm động về tình cha con của bé Thu và người cha tham gia kháng chiến đã để lại trong lòng người đọc những cảm xúc khó tả. Dù trải qua thời gian, qua những gian khổ của chiến tranh ác liệt, tình cha con vẫn nồng ấm, vẹn nguyên tình yêu thương.

Xa nhà từ ngày con mới lọt lòng, anh Sáu luôn mong ước được trở về thăm con. Sau tám năm tham gia chiến đấu, anh trở về với khuôn mặt không còn lành lặn, có vết sẹo dài trên má. Nhìn thấy con, anh muốn ôm trầm lấy nó cho thỏa nỗi nhớ con nhưng bé Thu đã sợ hãi bỏ chạy. Những hình dung về ba của bé Thu khác xa so với hình ảnh thực tại. Thu ương bướng và chống đối anh Sáu, nhất định không chịu gọi anh một tiếng "Ba" chỉ vì em dành tình thương yêu đó cho người cha mà em thương nhớ. Người đọc như đau đớn, xót xa cho người cha trong tác phẩm, vì nhiệm vụ chiến đấu, vì chiến tranh ác liệt mà tình cha con xa cách. Thời gian trở về thăm nhà ít ỏi, anh đã cố gắng gần gũi con nhưng bé Thu càng tìm cách xa lánh. Ngày anh chuẩn bị lên đường tiếp tục làm nhiệm vụ, bé Thu được bà ngoại giải thích đã hiểu ra nguyên nhân của vết sẹo dài trên má ba. Khi nhận ra cha "hai tay em ôm chặt cổ ba..." như muốn giữ anh Sáu ở mãi bên cạnh. Mọi cảm xúc như vỡ òa giữa hai cha con, cái ôm thắm thiết của Thu như muốn níu chân ba ở lại. Và rồi tất cả tình yêu thương cho con được anh Sáu dồn bao tâm huyết để làm chiếc lược ngà. Đó cũng là kỉ vật cuối cùng anh để lại cho con trước lúc hi sinh ở chiến trường.

Những hành động của bé Thu tưởng chừng như trái ngược nhưng hoàn toàn phù hợp với những cảm xúc và suy nghĩ của em. Tình yêu em dành cho ba – người em chưa từng gặp mặt mà chỉ được nhìn qua tấm ảnh. Cô bé yêu ba, tự hào về ba, khắc ghi hình ảnh của ba trong bức tranh khi chụp chung với má. Đó là nét hồn nhiên, ngây thơ và tình thương yêu trong sáng của cô bé tuổi lên tám như em.

Bài 4. Cảm nhận của em về hình ảnh người lính trong hai bài thơ Đồng chí (Chính Hữu) và Bài thơ về tiểu đội xe không kính (Phạm Tiến Duật).

Trả lời:

* Vẻ đẹp hiên ngang, dũng cảm trong chiến đấu:

  • Anh lính trong "Đồng chí" dũng cảm rời quê hương ra đi rời bỏ cuốc cày, cầm vũ khí chiến đấu. Vì lí tưởng "súng bên súng, đầu sát bên đầu" mà anh đã ra đi để lại "ruộng nương, gian nhà", bỏ lại sau lưng là gia đình và làng quê để lên đường tham gia cách mạng.
  •  Anh lính trong "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" có khác hơn. Anh hiên ngang đối mặt với bom đạn kẻ thù,ngồi vào những chiếc xe bị lột từng lúc một cách trần trụi "không có kính...ta ngồi". Vì xe vỡ kính, anh bình tĩnh đối diện với bao khó khăn tràn vào "không có kính ừ thì có bụi", "không có kính ừ thì ướt áo". Con đường  Phải là người bình tĩnh mới có thể đương đầu với thế giới bên ngoài"Nhìn thấy...buồng lái"

* Vẻ đẹp lạc quan, yêu đời

  • Trong "Đồng chí" người dù thiếu thốn "áo rách vai", "quần vài mảnh vá" vẫn không nề hà. Anh và đồng đội đã vượt qua những cơn "sốt run người" hay những lúc "vầng trán ướt mồ hôi". Tuy gian khổ nhưng anh vẫn mỉm cười vượt qua... "Áo anh...không giày".
  • Trong "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" người lính dù "mưa tuôn mưa xối" dù "bụi phun tóc trắng" vẫn ung dung đối mặt, xem thường khó khăn, lấy gian khổ làm thử thách cho cuộc đời mình, lạc quan yêu đời...hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam. "Chưa cần thay...mau thôi".

Bài 5. Tình yêu con và lòng yêu nước, gắn bó với cách mạng của người mẹ Tà ôi biểu hiện trong những lời ru ở bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ của Nguyễn Khoa Điềm.

Trả lời:

Qua những câu hát ru ta thấy tình cảm của mẹ đối với con là tình yêu đằm thắm lớn lao. Mẹ yêu con, mong con khôn lớn trưởng thành, mong con được sống trong hòa bình. Tình yêu con được gửi gắm qua lời ru với những ước mơ dịu ngọt.

  • Mẹ giã gạo nên mẹ mơ con lớn "Vung chầy lún sân" giã những hạt gạo trắng ngần.
  • Mẹ địu con ra trận nên mẹ mơ thấy Bác Hồ, nghĩa là mơ thấy đất nước thống nhất, Bắc Nam sum họp và "Mai sau con lớn làm người tự do".
  • Tình cảm và khát vọng của người mẹ ngày càng lớn rộng, ngày càng đi từ riêng đến chung, đi từ quê hương tới đất nước.
  • Tình yêu con của người mẹ Tà - ôi gắn với tình thương anh bộ đội, buôn làng và cao hơn nữa là sự gắn bó với tình yêu quê hương đất nước.  Tình cảm riêng chung đã hòa làm một. Tình yêu con gắn liền với tình yêu quê hương đất nước, tình yêu với lao động sản xuất.

Bài 6. Phân tích bút pháp xây dựng hình ảnh thơ trong các bài thơ: Đồng chí  (Chính Hữu), Đoàn thuyền đánh cá (Huy Cận), Ánh trăng (Nguyễn Duy).

Trả lời:

* Đồng chí:

  • Bài thơ mang đậm tính hiện thực. Hình tượng người lính được xây dựng theo bút pháp hiện thực. Những người lính thời kháng chiến chống Pháp là những người nông dân tham gia kháng chiến
  • Người lính: Được lí tưởng hoá ở mọi hoành cảnh, trên mọi khía cạnh, đẹp một cách lí tưởng.
  • Hình ảnh: đầu súng trăng treo là hình ảnh lãng mạn nhất của thơ ca kháng chiến chống Pháp. Biểu tượng cho khát vọng hòa bình, cho nỗi nhớ quê nhà của người lính trong đêm khuya thanh vắng, canh gác giữa rừng hoang giá lạnh…

=> Tóm lại bài thơ có sự hòa quyện giữa cảm hứng lãng mạn và hiện thực.

* Đoàn thuyền đánh cá: 

  • Bút pháp nghệ thuật trong bài thơ nổi bật là bút pháp lãng mạn, cảm xúc dạt dào của nhà thơ cùng với những hình ảnh kì vĩ, đã làm nổi bật vẻ đẹp của con người lao động giữa thiên nhiên bao la.
  • Hình ảnh đàn cá: Được tạo nên bằng sự quan sát và liên tưởng tinh nhạy. Vừa thực, vừa ảo.
  • Hình ảnh đoàn thuyền: Cảm hứng lãng mạn, thủ pháp phóng đại, tượng trưng -> Đoàn thuyền to lớn ngang tầm vũ trụ.

* Ánh trăng:

  • Tự sự kết hợp trữ tình.Vầng trăng mang ý nghĩa biểu tượng.
  • Hình ảnh vầng trăng trong bài thơ mang nhiều tầng ý nghĩa. 
  • Vầng trăng trước hết là trăng của thiên nhiên, của đất trời, trăng vẫn tỏa ánh sáng dịu hiền khắp nhân gian.
  • Trăng là biểu tượng cho những gì gắn bó với con người lúc gian khổ, là người bạn tri âm tri kỉ, vẫn luôn thầm lặng dõi theo và chia sẻ mọi buồn vui.
  • Là tuổi thơ ngọt ngào: trăng còn là biểu tượng cho thời quá khứ, cái thời con người được ngụp lặn trong dòng sông tuổi thơ của cuộc đời mình.
  • Là biểu tượng cho tình nghĩa thuỷ chung.

Bài 7. Phân tích những hình ảnh biểu tượng: đầu súng trăng treo ( trong bài Đồng chí), trăng (trong bài Ánh trăng). Chọn bình một đoạn thơ đặc sắc trong các bài đã học.

Trả lời:

Bài thơ Đồng chí với những câu văn dung dị, mộc mạc nhưng đã toát lên vẻ đẹp sáng ngời về những người lính bộ độ cụ Hồ năm xưa. Họ xuất thân từ những miền quê khác nhau, bỏ lại sau lưng là ruộng đồng, gia đình để lên đường chiến đấu cho độc lập dân tộc. Gặp nhau nơi rừng thiên nước độc, giữa tiếng đạn bom, giữa những hiểm nguy luôn rình rập, nhưng họ không hề lo sợ, nao núng tinh thần. Họ đã cùng nhau sống, chiến đấu và gắn bó thân thiết như anh em ruột thịt:

Đêm nay rừng hoang sương muối

Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới

Đầu súng trăng treo.

“Đầu súng trăng treo”, câu thơ ngắn gọn mà cô đọng những ý nghĩa sâu xa. Sự đối lập giữa hai hình ảnh súng và trăng, đối lấp giữa hiện tại chiến tranh ác liệt và khát vọng hòa bình tươi sáng.  Giữa rừng khuya thanh vắng, các anh cùng sát bên nhau làm nhiệm vụ, ánh trăng trên cao như người bạn đồng hành cùng chiến đấu. Ánh trăng như giúp các anh tạm quên đi những ngày tháng chiến đấu vất vả, ánh trăng của khát khao hòa bình dân tộc, ánh trăng gợi nhớ về quê hương yên bình.

Anh với tôi từ xa lạ mà thành thân quen, rồi sát cánh bên nhau những ngày chiến đấu, tình cảm nối lại thành tình đồng chí. Câu thơ cuối bài có ý nghĩa thật đẹp, là hình ảnh chan hòa giữa con người với thiên nhiên, đất nước, là khát vọng về ngày hòa bình của dân tộc. Ánh trăng cuối bài thơ như tỏa ánh sáng dịu dàng, soi rọi cho tình đồng chí gắn bó keo sơn.

E. Hoạt động mở rộng

Bài 1. Kể lại một kỉ niệm không thể quên với người cha thân yêu của mình, trong đó có sử dụng kết hợp các yếu tố miêu tả nội tâm và nghị luận.

(Học sinh tự nghiên cứu)

Bài 2. Sưu tầm và đọc thêm các tác phẩm (thơ và truyện) viết về tình cha con.

Trả lời:

* Một số tác phẩm viết về tình cha con:

- Thơ:

  • Những cánh buồm - Hoàng Trung Thông
  • Ký ức về cha - Sương Trần
  • Nói với con - Y Phương

- Truyện:

  • Cha và con - Tony Parsons
  • Ba ơi, mình đi đâu? - Jean–Louis Fournier

Bài 3. Dựa vào câu hỏi gợi ý bên dưới để đọc hiểu đoạn trích

Cha lại dắt con đi trên cát mịn,

Ánh nắng chảy đầy vai

Cha trầm ngâm nhìn mãi cuối chân trời

Con lại trỏ cánh buồm xa hỏi khẽ:

“Cha mượn cho con cánh buồm trắng nhé,

Để con đi!”

Lời của con hay tiếng sóng thầm thì

Hay tiếng của lòng cha từ một thời xa thẳm

Lần đầu tiên trước biển khơi vô tận

Cha gặp lại mình trong tiếng ước mơ con.

(Hoàng Trung Thông, Những cánh buồm)

a) Đoạn trích được viết theo thể loại nào?

b) Tìm lời dẫn trong đoạn trích và cho biết đó là lời dẫn trực tiếp hay lời dẫn gián tiếp.

c) Em hiểu như thế nào về ý nghĩa của hình ảnh những cánh buồm trắng?

d) Từ tâm sự: “Cha gặp lại mình trong tiếng ước mơ con”, em có thể rút ra bài học gì cho bản thân?

Trả lời:

a) Đoạn trích được viết theo thể loại: Thơ tự do

b) Lời dẫn trong đoạn trích: “Cha mượn cho con cánh buồm trắng nhé,/ Để con đi!”. => Đây là lời dẫn trực tiếp.

c) Hình ảnh những cánh buồm trắng là hình tượng thể hiện cho ước mơ, cho khát vọng được bay cao, bay xa của bao thế hệ. Đó là cánh thuyền chở những ước mơ của tuổi thơ đi đến một chân trời mới, một cuộc sống mới, một khát vọng mới. Cánh buồm trắng trắng ấy sẽ giúp cho thế hệ sau thực hiện những mong ước, những khao khát mà thế hệ trước chưa làm được.

d) “Cha gặp lại mình trong tiếng ước mơ con”: Người cha vô cùng hạnh phúc và như trẻ lại khi tìm lại mình, tìm lại được những khát vọng thuở trước trong tiếng ước mơ của con. Những khát vọng của con cũng là những khát vọng của cha ngày thơ ấu. Gặp lại những khát vọng ấy nơi con, lòng cha nhen nhóm lên bao hi vọng. Hi vọng con sẽ mang khát vọng của con và cha đi xa hơn nữa trong cuộc đời. Những điều cha chưa làm được từ nay sẽ được gửi gắm nơi con. 

=> Từ tâm sự: “Cha gặp lại mình trong tiếng ước mơ con”, bài thơ muốn gửi gắm tới người đọc rằng: Thế hệ trẻ hôm nay cần nối tiếp, tiếp bước con đường của thế hệ cha anh thuở trước. Đó chính là ý nghĩa cuộc đời, là sứ mệnh của tuổi trẻ.

Tìm kiếm google:

Xem thêm các môn học


Đia chỉ: Tòa nhà TH Office, 90 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại hỗ trợ: Fidutech - click vào đây
Chúng tôi trên Yotube
Cùng hệ thống: baivan.net - Kenhgiaovien.com - tech12h.com