Soạn ngữ văn 9 sách VNEN bài 5: Hoàng Lê nhất thống chí – Hồi thứ mười bốn

Soạn bài chi tiết, cụ thể ngữ văn 9 VNEN bài 5: Hoàng Lê nhất thống chí – Hồi thứ mười bốn. Tất cả bài tập được trình bày cẩn thận, chi tiết. Mời các em cùng tham khảo để học tốt môn học này.

A. Hoạt động khởi động

Có ý kiến cho rằng cuộc tấn công đại phá quân Thanh của vua Quang Trung là cuộc tấn công thần tốc trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của Việt Nam. Hãy tìm một số dẫn chứng lịch sử tiêu biểu để khẳng định điều đó và nêu lên suy nghĩ của em.

Trả lời:

Cuộc tiến công ra Bắc tiêu diệt quân xâm lược nhà Thanh chỉ trong khoảng 5 ngày từ đêm 30 tháng Chạp năm Mậu Thân (tức ngày 25/1/1789 dương lịch) đến chiều mồng 5 Tết Kỷ Dậu (30/1/1789), quân Tây Sơn dưới sự chỉ huy tài tình của vua Quang Trung, đã đánh tan 29 vạn quân Thanh, hoàn thành vẻ vang nhiệm vụ giải phóng kinh thành Thăng Long, giải phóng đất nước.

Chiến thắng quân Thanh mùa xuân Kỷ Dậu (1789) là đỉnh phát triển cao nhất của phong trào Tây Sơn, chứng tỏ tài năng quân sự của Hoàng đế Quang Trung và sức sống bền bỉ của dân tộc. Đó là một chiến công vô cùng oanh liệt trong lịch sử đấu tranh chống xâm lăng của dân tộc ta, là kết quả của tinh thần chiến đấu dũng cảm của quân sĩ, với sự tham gia ủng hộ của nhân dân và tài chỉ huy lỗi lạc của vua Quang Trung.

B. Hoạt động hình thành kiến thức

1. Đọc văn bản

2. Tìm hiểu văn bản

a) Tìm đại ý và bố cục của đoạn trích

b) Trước khi tiến ra Thăng Long, vua Quang Trung đã làm những việc gì? Điều đó cho thấy ông là người như thế nào?

c) Tìm một số hình ảnh chi tiết tiêu biểu thể hiện những chiến thắng vang dội của nghĩa quân Tây Sơn. Em có nhận xét gì về nghệ thuật trần thuật và cảm xúc của tác giả khi nói về những chiến thắng đó.

d) Sự thảm bại của quân tướng nhà Thanh và số phận bi đát của vua tôi Lê Chiêu Thống được khắc họa như thế nào? Giọng điệu trần thuật của tác giả có sự khác biệt gì khi nói về hai cuộc tháo chạy này.

Trả lời:

a) Đại ý: Hồi thứ mười bốn là một trong những phần hay nhất của tác phẩm Hoàng Lê nhất thống chí, dựng lên hình ảnh người anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ và sự thất bại thảm hại tất yếu của bọn xâm lược và lũ vua quan phản nước, hại dân một cách chân thực, sinh động.

Nội dung này được cụ thể bằng những ý chính trong ba đoạn sau:

  • Đoạn 1: từ đầu đến “hôm ấy nhằm vào ngày 25 tháng chạp năm Mậu Thân (1788).”: Được tin báo quân Thanh đã chiếm Thăng Long, vua Lê thụ phong, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế, tự mình đốc suất đại binh ra Bắc dẹp giặc.
  • Đoạn 2: từ “Vua Quang Trung tự mình đốc suất đại binh” cho đến “vua Quang Trung tiến binh đến Thăng Long, rồi kéo vào thành…”: cuộc hành quân thần tốc và chiến thắng lẫy lừng của vua Quang Trung đối với quân Thanh.
  • Đoạn 3: từ “Lại nói, Tôn Sĩ Nghị và vua Lê” cho đến hết: Thất bại thảm hại của quân Tôn Sĩ Nghị và sự thảm hại của vua tôi Lê Chiêu Thống.

b) Trước khi tiến ra Thăng Long, vua Quang Trung đã làm những việc:

  • Nhận được tin báo quân Thanh chiếm đóng Thăng Long, liền họp các tướng sĩ, đích thân cầm quân đi ngay; lên ngôi hoàng đế, đốc suất đại binh ra Bắc dẹp giặc; gặp Nguyễn Thiếp để hỏi cơ mưu; tuyển mộ quân lính ở Nghệ An, duyệt binh, phủ dụ quân sĩ; biết dùng người, đối đãi công bằng

=> Hành động mạnh mẽ, quyết đoán

  • Sáng suốt nhận định tình hình, quyết định tiến quân ra Bắc tiêu diệt giặc; lời lẽ sắc bén, kích thích được tinh thần tự tôn dân tộc của tướng sĩ, có tư tưởng nhân đạo,...; lên kế hoạch đánh giặc, sử dụng chiến lược, chiến thuật hợp lí, độc đáo (cách hành quân thần tốc, cách chống lại súng của giặc, chiến thuật nghi binh,...)

=> Nhận định tình hình sáng suốt, tài điều binh khiển tướng

  • Trước khi đánh giặc đã tính đến cả đốì sách với giặc sau khi chiến thắng

=> Có ý chí quyết chiến quyết thắng, có tầm nhìn xa trông rộng, mạnh bạo, tự tin trong kế sách đánh giặc, tính toán trước sau chu toàn.

  • Hình tượng vua Quang Trung đã được miêu tả với đầy đủ những phẩm chất của một vị anh hùng, mang vẻ đẹp oai phong lẫm liệt. 

c) Một số hình ảnh chi tiết tiêu biểu thể hiện những chiến thắng vang dội của nghĩa quân Tây Sơn chính là sự thất bại thảm hại của lũ bè bọn bán nước, cướp nước:

    Khi quân Tây Sơn đánh đến nơi, tướng thì sợ mất mật, ngựa không kịp đóng yên, người không kịp mặc giáp… chuồng trước qua cầu phao, quân thì lúc lâm trận “ai nấy đều rụng rời, sợ hãi, xin ra hàng hoặc bỏ chạy toán loạn, giày xéo lên nhau mà chết”, “quân sĩ các doanh nghe thấy đều hoảng hốt, tan tác bỏ chạy, tranh nhau qua cầu sang sông, xô đẩy nhau rơi xuống mà chết rất nhiều”, “đến nỗi nước sông Nhị Hà vì thế mà tắc nghẽn không chảy được nữa”. Cả đội binh hùng, tướng mạnh, chỉ quen diễu võ dương oai bây giờ chỉ còn biết tháo chạy, mạnh ai nấy chạy, “đêm ngày đi gấp, không dám nghỉ ngơi”.

   Quân Thanh tan rã, Lê Chiêu Thống vội vã cùng mấy bề tôi thân tín “đưa thái hậu ra ngoài”, chạy bán sống bán chết, cướp cả thuyền dân để qua sông, “luôn mấy ngày không ăn”. May gặp người thổ hào thương tình đón về cho ăn và chỉ đường cho chạy trốn. Đuổi kịp Tôn Sĩ Nghị, vua tôi chỉ còn biết nhìn nhau than thở, oán giận chảy nước mắt, và sau khi sang đến Trung Quốc phải cạo đầu, tết tóc, ăn mặc giống người Mãn Thanh và cuối cùng gửi nắm xương tàn nơi đất khách quê người.

Nhận xét về nghệ thuật trần thuật:

   Nghệ thuật trần thuật chân thực, sinh động cùng với cảm xúc tự hào dân tộc, lòng kính phục của tác giả khi nói tới những chiến thắng đó . Cụ thể: Việc tác giả ở đây thuật lại một cách rất chân thực sâu sắc cho người đọc thấy được như mình đang ở trong cuộc chiến đó, trong niêm vui chiến thắng và cũng cho thấy được nỗi căm phẫn khi đất nước rơi vào tay những kẻ bất đức. Cách thuật lại một cách rất thật như vậy cho thấy ngòi bút của tác giả không né tránh những điều đau thương hay thất bại của quân dân mà nhìn thẳng vào đó để biết được thực tế và có cách đối diện với thực tế đó. Đó cũng là tình cảm chân thực của tác giả thể hiện qua từng câu văn.

d) * Số phận thảm bại của nhà Thanh và vua tôi Lê Chiêu Thống :

Quân tướng nhà Thanh :

+ Sầm Nghỉ Đống thắt cổ chết, Tôn Sĩ Nghị “sợ mất mật, ngựa không kịp đóng yên, người không kịp mặc áo giáp chuồn trước qua cầu phao”.

+ Binh lính thây nằm đầy đồng, máu chảy thành suối ; tan tác chạy tranh nhau sang sông, rơi xuống nước làm sông tắc nghẽn.

+ Vui tôi nhà Lê : trở thành kẻ phản động “cõng rắn cắn gà nhà” ; cướp thuyền bỏ chạy, mấy ngày không ăn mệt lử, cuống quýt, than thở, oán giận, chảy nước mắt.

=> Cảnh tháo chạy của quân tướng nhà Thanh được miêu tả dưới cái nhìn hả hê

=> Cảnh bỏ chạy của vua tôi Lê Chiêu Thống được miêu tả dài hơn, âm hưởng chậm hơn, toát lên vẻ chua xót, ngậm ngùi.

* Tham khảo trả lời chi tiết:

Quân tướng nhà Thanh:

  • Tôn Sĩ Nghị bất tài, không nắm được tình hình thực tế, kiêu căng tự mãn, trễ nải quân cơ: “chỉ chăm chú vào yến tiệc, vui mừng, không hề lo chi đến việc bất trắc; khi quân Tây Sơn đánh đến thì “sợ mất mật, ngựa không kịp đóng yên, người không kịp mặc áo giáp, dẫn bọn lính kị mã của mình chuồn trước qua cầu phao”…
  • Quân tướng hèn nhát, thảm bại: khi nghe tiếng quân Tây Sơn, quân Thanh ở trong đồn Hạ Hồi “ai nấy rụng rời sợ hãi, liền xin ra hàng”; ở đồn Ngọc Hồi quân thì “bỏ chạy toán loạn, giày xéo lên nhau mà chết”, tướng thì tự thắt cổ chết; thấy nghi binh thì “đều hết hồn hết vía, vội trốn”;  khi nghe tin Tôn Sĩ Nghị bỏ chạy “đều hoảng hồn, tan tác bỏ chạy, tranh nhau qua cầu sang sông, xô đẩy nhau rơi xuống mà chết rất nhiều. Lát sau cầu lại bị đứt, quân lính đều rơi xuống nước, đến nỗi nước sông Nhị Hà vì thế mà tắc nghẽn không chảy được nữa.”…

Vua tôi Lê Chiêu Thống:

  • Vì lợi ích của dòng họ, vị thế nhà Lê mà trở thành những kẻ phản động, cõng rắn cắn gà nhà, đi ngược lại quyền lợi của dân tộc;
  • Đớn hèn, nhục nhã trước quân Thanh;
  • Tháo chạy thục mạng, cướp cả thuyền của dân mà qua sông, khi đuổi kịp Tôn Sĩ Nghị thì “nhìn nhau than thở, oán giận chảy nước mắt”, rồi chấp nhận phận vong quốc, sau này phải cạo đầu tết tóc như người Mãn Thanh…

Giọng điệu trần thuật của tác giả có sự khác biệt khi nói về hai cuộc tháo chạy này:

  • Cảnh tháo chạy của quân tướng nhà Thanh nhịp điệu nhanh, mạnh, hối hả, ngòi bút miêu tả khách quan nhưng vẫn hả hê sung sướng của người thắng trận trước sự thảm bại của lũ cướp nước.
  • Cảnh bỏ chạy của vua tôi Lê Chiêu Thống nhịp điệu chậm hơn, miêu tả tỉ mỉ giọt nước mắt của người thổ hào, nước mắt tủi hổ của vua tôi nhà Lê… Âm hưởng có phần ngậm ngùi, chua xót.

* Sở dĩ có sự khác biệt đó là vì: mặc dù tôn trọng tính khách quan trong phản ánh, song không thể chối bỏ được thái độ chủ quan khi quan sát, nhìn nhận. Vì các tác giả đều là những cựu thần của nhà Lê, nên không thể không có sự thương xót, ngậm ngùi cho tình cảnh của vua tôi Lê Chiêu Thống. Đấy là điều tạo nên sự khác biệt trong thái độ và cách miêu tả hai cuộc tháo chạy.

3. Tìm hiểu về sự phát triển của từ vựng (tiếp theo)

a) Hãy tìm những từ ngữ phù hợp với phần giải thích sau:

1. Chợ nhỏ, không cố định ở một chỗ, có thể giải tán nhanh

2. Trên thị trường hết sạch một sản phẩm nào đó mọi người mua quá nhiều.

3. Nói say sưa, huyên thuyên, không có cơ sở chắc chắn về một điều gì đó.

4. Sự phản đối kịch liệt của nhiều người bằng những câu nói mỉa mai, miệt thị.

Trả lời:

1. Chợ nhỏ, không cố định ở một chỗ, có thể giải tán nhanh => chợ cóc

2. Trên thị trường hết sạch một sản phẩm nào đó mọi người mua quá nhiều => cháy hàng

3. Nói say sưa, huyên thuyên, không có cơ sở chắc chắn về một điều gì đó => chém gió

4. Sự phản đối kịch liệt của nhiều người bằng những câu nói mỉa mai, miệt thị => ném đá

b) Có thể tạo nên những từ ngữ mới nào trên cơ sở ghép các từ sau: điện thoại, kinh tế, di động, sở hữu, tri thức, đặc khu, trí tuệ? Giải thích nghĩa của những từ ngữ đó.

Trả lời:

* Có thể ghép thành các từ: điện thoại di động; kinh tế tri thức; đặc khu kinh tế; sở hữu trí tuệ.

* Giải nghĩa:

  • Điện thoại di động: điện thoại vô tuyến nhỏ mang theo người, được sử dụng trong vùng phủ sóng của cơ sở thuê bao.
  • Kinh tế tri thức: nền kinh tế chủ yếu dựa vào việc sản xuất, lưu thông, phân phối các sản phẩm có hàm lượng tri thức cao.
  • Đặc khu kinh tế: khu vực dành riêng để thu hút vốn và công nghệ nước ngoài với những chính sánh ưu đãi.
  • Sở hữu trí tuệ: quyền sở hữu đối với các sản phẩm do hoạt động trí tuệ đem lại, được pháp luật bảo hộ như quyền tác giả, quyền đối với sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghệ..

c) Em hãy cho biết ngoài cách phát triển nghĩa của từ trên cơ sở nghĩa gốc thì còn cách nào khác để phát triển từ vựng?

Trả lời:

Ngoài cách phát triển nghĩa của từ trên cơ sở nghĩa gốc thì còn có thể tạo thêm từ mới để phát triển từ vựng.

d) Tìm từ Hán Việt có nghĩa tương đương ở mỗi từ ngữ sau (ghi vào vở):

1. Vợ

1. …

5. Anh em

5…

2. Nhà thơ

2…

6. Ít người

6…

3. Bạn cũ

3…

7. Trẻ em

7…

4. Sông núi

4…

8. Rất lớn

8…

Trả lời:

1. Vợ

1. nương tử

5. Anh em

5. Huynh đệ

2. Nhà thơ

2. thi sĩ

6. Ít người

6. thiểu số

3. Bạn cũ

3. cố nhân

7. Trẻ em

7. nhi đồng

4. Sông núi

4. giang sơn

8. Rất lớn

8. vĩ đại

e) Tiếng Việt dùng những từ nào để chỉ các khái niệm dưới đây? Chỉ ra nguồn gốc của các từ này.

1. Bệnh mất khả năng miễn dịch gây tử vong.

2. Nghiên cứu có hệ thống các điều kiện để tiêu thụ hàng hóa.

3. Hệ thống thông tin toàn cầu có thể được truy nhập công cộng gồm các mạng máy tính được liên kết với nhau.

Trả lời:

1. Bệnh mất khả năng miễn dịch gây tử vong => AIDS

2. Nghiên cứu có hệ thống các điều kiện để tiêu thụ hàng hóa => Ma-két-tinh

3. Hệ thống thông tin toàn cầu có thể được truy nhập công cộng gồm các mạng máy tính được liên kết với nhau => In-tơ-nét

Nguồn gốc: Từ mượn của các ngôn ngữ châu Âu

g) Từ các câu d và e, em hãy cho biết có thể phát triển từ vựng tiếng Việt bằng cách nào?

Trả lời:

Có thể phát triển từ vựng tiếng Việt bằng cách:

  • Tạo từ ngữ mới
  • Mượn từ ngữ của tiếng nước ngoài

C. Hoạt động luyện tập

Bài 1. Luyện tập đọc hiểu văn bản Hoàng Lê nhất thống chí – Hồi thứ mười bốn

a) Đoạn trích sau đây gợi nhớ đến những câu thơ nào đã học? Điểm chung mà các tác giả thể hiện trong đoạn trích và trong những câu thơ đó là gì?

Trong khoảng vũ trụ, đất nào sao ấy đều đã phân biệt rõ ràng, phương Nam, phương Bắc chia nhau mà cai trị. Người phương Bắc không phải nòi giống nước ta, bụng dạ ắt khác. Từ đời nhà Hán đến nay, chúng đã mấy phen cướp bóc nước ta, giết hại nhân dân, vơ vét của cải người, mình không thể chịu nổi, ai cũng muốn đuổi chúng đi. Đời Hán có Trưng Nữ Vương, đời Tống có Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, đời Nguyên có Trần Hưng Đạo, đời Minh có Lê Thái Tổ, các ngài không nỡ ngồi nhìn chúng làm điều tàn bạo nên đã thuận lòng người, dấy nghĩa quân, đều chỉ đánh một trận là thắng và đuổi được chúng về phương Bắc.

b) Theo em, nguồn cảm hứng nào đã chi phối ngòi bút tác giả khi tạo dựng hình ảnh người anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ? Chia sẻ với các bạn trong lớp về suy nghĩ của em.

Trả lời:

a) Đoạn trích gợi nhớ đến những câu thơ trong Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi:

"Như nước Đại Việt ta từ trước, 

Vốn xưng nền văn hiến đã lâu, 

Núi sông bờ cõi đã chia, 

Phong tục Bắc Nam cũng khác; 

Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần; bao đời xây nền độc lập; 

Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên; mỗi bên xưng đế một phương; 

Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau, 

Song hào kiệt thời nào cũng có. 

Vậy nên: 

Lưu Cung tham công nên thất bại; 

Triệu Tiết chí lớn phải vong thân; 

Cửa Hàm Tử bắt sống Toa Đô 

Sông Bạch Đằng giết tươi Ô Mã 

Việc xưa xem xét. 

Chứng cứ còn ghi."

  • Cả hai đoạn trích đều mạnh mẽ khẳng định nền độc lập, chủ quyền của đất nước Đại Việt. Đồng thời tái hiện lại những trang sử vàng hào hùng của dân tộc, những chiến công chống giặc ngoại xâm vẻ vang thuộc về chính nghĩa còn quân xâm lược luôn phải chuốc thất bại thảm hại.

b) Hình tượng vua Quang Trung đã được miêu tả với đầy đủ những phẩm chất của một vị anh hùng, mang vẻ đẹp oai phong lẫm liệt. Tác giả Ngô gia văn phái vốn trung thành với nhà Lê mà vẫn viết về vua Quang Trung đầy tinh thần ngợi ca như vậy là vì họ đứng trên tinh thần dân tộc mà phản ánh, tinh thần tôn trọng sự thật lịch sử. Có thể thấy, tác phẩm đi theo quan niệm văn sử bất phân - một nét đặc thù của văn học trung đại Việt Nam. Nhờ vậy, càng tạo ra cho tác phẩm sức thuyết phục, tính chân thực cao, chứng tỏ tinh thần tôn trọng sự thật lịch sử. Đây cũng là điểm đặc sắc của thể loại tiểu thuyết lịch sử.

Bài 2. Luyện tập về sự phát triển của từ vựng

a) Sắp xếp những từ dưới đây vào hai cột, một cột là những từ mượn của tiếng Hán, một cột là những từ mượn của các ngôn ngữ châu Âu (ghi vào vở)

mãng xà, xà phòng, biên phòng, ô tô, tham ô, tô thuế, ra đi ô, ô xi, cà phê, phê bình, phê phán, ca nô, ca sĩ, nô lệ

b) Hãy tìm những từ ngữ được tạo ra từ mô hình dưới đây

X + tặc (Ví dụ: hải tặc)

X + hóa (Ví dụ: đô thị hóa)

X + điện tử (Ví dụ: thư điện tử)

c) Cùng bạn tìm ra một số từ ngữ mới được sử dụng phổ biến gần đây và giải thích nghĩa của những từ ngữ đó.

Trả lời:

a) 

Từ mượn của tiếng Hán

Từ mượn của các ngôn ngữ châu Âu

mãng xà, biên phòng, tô thuế, tham ô, phê bình, phê phán, ca sĩ , nô lệ

xà phòng, ô tô, ra đi ô, ô xi, cà phê, ca nô

b) 

X + tặc: lâm tặc, sơn tặc, tin tặc, ...

X + hóa: hiện đại hóa, lão hóa, cơ giới hóa, điện khí hóa, công nghiệp hóa, thương mại hóa…

X + điện tử: thiết bị điện tử, trò chơi điện tử, báo điện tử,...

c)

- Cơm bụi: cơm giá rẻ, thường bán trong những hàng quán nhỏ, tạm bợ.

- Hết đát: (hàng hoá) hết hạn sử dụng.

- Đường cao tốc: đường xây dựng theo tiêu chuẩn đặc biệt dành riêng cho các loại xe cơ giới chạy với tốc độ cao.

- Quá cảnh:thời gian giữa các điểm dừng này dùng để tiếp nhiên liệu cho máy bay, hoặc dừng để đón thêm khách và hàng hóa.

- Bàn tay vàng”: bàn tay tài giỏi, khéo léo, hiếm có trong lao động.

D. Hoạt động vận dụng

Bài 1. Giả sử có một đoàn khách du lịch muốn tìm hiểu về cuộc tiến công thần tốc đại phá quân Thanh của vua Quang Trung, nhóm em sẽ thuyết trình giới thiệu như thế nào? Lập dàn ý cho bài thuyết trình đó.

Trả lời:

* Mở bài:

Giới thiệu người anh hùng áo vải Quang Trung – Nguyễn Huệ: một vị vua văn võ song toàn, có công lớn trong sự nghiệp đánh đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập cho dân tộc.

Giới thiệu Hoàng Lê nhất thống chí:

  • Được viết bằng chữ Hán, theo lối chương hồi.
  • Đoạn trích này phần lớn nằm ở hồi thứ 14.
  • Đoạn trích kể về chiến thắng vẻ vang của Quang Trung trong trận đại phá quân Thanh. 

* Thân bài: 

Giới thiệu qua về vua Quang Trung:

  • Quang Trung là một vị vua yêu nước, thương dân.
  • Là người luôn muốn khẳng định chủ quyền của dân tộc và muốn trực tiếp cầm quân đánh đuổi giặc ngoại xâm.
  • Đích thân hạ lệnh xuất quân ra Bắc.
  • Thân chinh lãnh đạo quân đội thu phục Bắc Hà.
  • Quang Trung có tài thao lược và dụng binh: Đẩy mạnh công tác tuyển duyệt binh lính.
  • Động viên binh lính trước ngày lên đường.

Diễn biến chính:

  • Trước thế mạnh của giặc, quân Tây Sơn ở Thăng Long, rút quân về Tam Điệp và cho người vào Phủ Xuân cấp báo với Nguyễn Huệ.
  • Nhận được tin ngày 24/11, Nguyễn Huệ liền tổ chức lại lực lượng chia quân làm hai đạo thuỷ – bộ.
  • Ngày 25 tháng Chạp, làm lễ lên ngôi lấy hiệu là Quang Trung, trực tiếp chỉ đạo hai đạo quân tiến ra Bắc.
  • Ngày 29 tháng Chạp, quân Tây Sơn ra đến Nghệ An, Quang Trung cho dừng lại một ngày, tuyển thêm hơn 1 vạn tinh binh, mở một cuộc duyệt binh lớn.
  • Ngày 30, quân của Quang Trung ra đến Tam Điệp, hội cùng Sở và Lân. Quang Trung đã khẳng định : “Chẳng quá mười ngày có thể đuổi được người Thanh“. Cũng trong ngày 30, giặc giã chưa yên, binh đao hãy còn mà ông đã nghĩ đến kế sách xây dựng đất nước mười năm sau chiến tranh. Ông còn mở tiệc khao quân, ngầm hẹn mùng 7 sẽ có mặt ở thành Thăng Long mở tiệc lớn. Ngay đêm đó, nghĩa quân lại tiếp tục lên đường. Khi quân Tây Sơn ra đến sông Thanh Quyết gặp đám do thám của quân Thanh, Quang Trung ra lệnh bắt hết không để sót một tên.
  • Rạng sáng ngày 3 Tết, nghĩa quân bí mật bao vây đồn Hạ Hồi và dùng mưu để quân Thanh đầu hàng ngay, hạ đồn dễ dàng.
  • Rạng sáng ngày mùng 5 Tết, nghĩa quân tấn công đồn Ngọc Hồi. Quân giặc chống trả quyết liệt, dùng ống phun khói lửa ra nhằm làm ta rối loạn, nhưng gió lại đổi chiều thành ra chúng tự hại mình. Cuối cùng, quân Thanh phải chịu đầu hàng, thái thú Điền châu Sầm Nghi Đống thắt cổ tự tử.
  • Trưa mùng 5 Tết, Quang Trung đã dẫn đầu đoàn quân thắng trận tiến vào Thăng Long. Đám tàn quân của giặc tìm về phía đê Yên Duyên gặp phục binh của ta, trốn theo đường Vịnh Kiều lại bị quân voi ở Đại áng dồn xuống đầm Mực giày xáo, chết hàng vạn tên. Một số chạy lên cầu phao, cầu phao đứt, xác người ngựa chết làm tắc cả khúc sông Nhị Hà. Mùng 4 Tết nghe tin quân Tây Sơn tấn công, Tôn Sỹ Nghị và Lê Chiêu Thống đã vội vã bỏ lên biên giới phía bắc. Khi gặp lại nhau, Nghị có vẻ xấu hổ nhưng vẫn huyênh hoang. Cả hai thu nhặt tàn quân, kéo về đất Bắc.

=> Kết quả: Thắng lợi vẻ vang mở ra thời kì mới cho dân tộc

* Kết bài: Chiến thắng đị thần tốc của nghĩa quân Tây Sơn là chiến thắng vẻ vang của dân tộc

Bài 2. Hệ thống lại các cách phát triển từ vựng bằng sơ đồ tư duy

Trả lời:

Soạn ngữ văn 9 sách VNEN bài 5: Hoàng Lê nhất thống chí – Hồi thứ mười bốn

Tìm kiếm google:

Xem thêm các môn học


Copyright @2024 - Designed by baivan.net