Văn mẫu 10 CTST tập 1 bài 4: Viết báo cáo kết quả nghiên cứu có sử dụng trích dẫn, cước chủ và phương tiện hỗ trợ.

Đề bài: Viết báo cáo kết quả nghiên cứu có sử dụng trích dẫn, cước chủ và phương tiện hỗ trợ. Theo đó, Baivan gửi đến các bạn những bài văn mẫu để các bạn có thể tham khảo. Từ đó, giúp các bạn có những bài văn hay nhất cho riêng mình.

[toc:ul]

Bài văn mẫu 1: Thuyết minh về tranh Đông Hồ

Bài làm

"Hỡi cô thắt lưng bao xanh
Có về làng Mái với anh thì về
Làng Mái có lịch có lề
Có ao tắm mát có nghề làm tranh"
Đó là những câu ca gợi cảm về một làng nghề truyền thống từ lâu đã được người biết đến - Làng tranh Đông Hồ. Từ bao đời nay, người dân Việt Nam đã quen cái tên Đông Hồ gần liền với nghề về tranh dân gian nổi tiếng.

Đông Hồ, một cái tên làng quen thuộc xinh xắn nằm bên bờ sông Đuống thuộc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, Hà Bắc cũ (nay là tỉnh Bắc Ninh, cách Hà Nội chừng trên 35 km). Từ lâu tên làng đi vào cuộc sống tinh thần của mỗi dân Việt Nam bằng những bức tranh dân gian nổi tiếng, đậm đà sắc thái dân tộc. Làng tranh Đông Hồ xưa còn gọi là làng Mái (đôi khi dân địa phương gọi là làng Hồ), là làng nghề nổi tiếng về tranh dân gian. Làng Đông Hồ nằm trên bờ nam sông Đuống, cạnh bên đò Hồ, nay là cầu Hồ. Từ Hà Nội muốn đi Đông Hồ gần nhất là xuôi theo đường Quốc lộ số 5 (đường đi Hải Phong đến ga Phú Thụy, cách Hà Nội chừng 15 km thì rẽ trái, đi chừng 18 km các địa danh khá nổi tiếng của huyện Gia Lâm (Hà Nội) như phố Sủi, chợ Keo, chợ Dâu (Thuận Thành - Bắc Ninh) là đến phố Hồ - huyện lỵ Thuận Thành. Rẽ trái thêm 2 km là đến làng Hồ. Cũng có thể đi hết phố Hồ, lên đê rẽ gặp điểm canh đê thứ hai sẽ có biển chỉ đường xuống làng Đông Hồ.

Trước đây, hầu như nhà nào cũng làm tranh, nhưng nay, số gia đình chuyên làm về tranh Đông Hồ còn lại không nhiều, điều đó càng khiến cho những gì còn lưu lại trở nên quý giá. Không ai biết chính xác nghề tranh Đông Hồ ra đời từ bao giờ, nhưng căn cứ vào các gia phả trong làng thì muộn nhất là vào đời Lê. tức là cách đây khoảng 500 năm. Còn theo lịch sử cùa làng thì gia đình đã gắn bó với nghề lâu nhất ở đây là gia đình ông Nguyễn Đăng Chế. Đến nay, gia đình ông đã có 20 đời làm nghề. Cả đại gia đình ông ba thế hệ đều tâm huyết với tranh Đông Hồ. Trung tâm giao lưu văn hóa tranh dân gian Đông Hồ do con cháu ông đóng góp xây dựng rộng 5.500 mét vuông vừa mới khánh thành thực sự tạo ra được một không gian văn hoá độc đáo. trở thành một địa chỉ không thể thiếu với các tua du lịch làng nghề cho du khách trong và ngoài nước.

Tranh Đông Hồ gồm các loại: Tranh thờ - bộ ngũ sự; tranh lịch sử: Hai Trưng, Bà Triệu...; truyện tranh: Thánh Gióng, Truyện Kiều, Thạch Sanh; phổ biến nhất là chúc tụng; ví như tranh Vinh hoa - Phú quý, Nghi xuân, Gà (xem thêm Bảy bức tranh gà); tranh sinh hoạt: Đánh Ghen, Chăn Trâu Thổi Sách. Nhà Nông, Đám cưới Chuột, Hái dừa... Tranh Đông Hổ có đặc điểm thường là những hình ảnh sung túc như đám cưới chuột, cảnh trai gái cùng nhau hái dừa, cảnh cá chép nhiều màu vẫy đuôi... thể hiện mong muốn về sự sung túc.

Theo thời gian làng tranh cũng trải qua biết bao nhiêu thăng trầm. Các cụ nghệ nhân trong làng kể lại: Hồi Pháp thuộc, người ở nhà Bác Cổ thỉnh thoảng sẽ đánh xe ô tô về mua tranh, thậm chí mua cả bàn khắc tranh nữa! Nhà cụ Lừ bản khắc tranh gà rất quý đưa đi đóng cửa chuồng gà, người Pháp phát hiện ra hỏi mua cụ bán liền. Nghĩ lại mà tiếc! Còn nhớ cái thuở Tây càn, dân làng Hồ chạy loạn, binh lửa chiến tranh liên miên và cái khí hậu ẩm ướt khắc nghiệt của thiên nhiên miền Bắc, ván khắc tranh bị hỏng và thất lạc khá nhiều. Bản gốc tranh Đánh ghen, Gà đại cát, lợn ăn lá dày... cũng không còn nữa. Sau ngày Hòa Bình lập lại thấy trên báo Pháp có in tranh dân gian làng Hồ, Chính phủ e phải liên hệ với Đảng Cộng sản Pháp xin cho khắc lại ván tranh để bảo tồn. Đã một thời gian tranh dân gian Đông Hồ bị lãng quên nên nghề làm tranh mai một ít nhiều. Không ít hộ bỏ làm tranh chuyển sang làm đồ vàng mã. Nhưng vài năm trở lại đây người Đông Hồ lại hoan hỉ trở lại với nghề tranh nhiều hơn bởi người dân của ta đã lại nhận ra vẻ đẹp trong sự mộc mạc giản dị của tranh Đông Hồ là không thế thiếu được trong cuộc sống thường nhật, nhất là ngày Tết.

Không chỉ có người Hà Nội và dân một số tỉnh thành trong nước yêu thích tranh dân gian Tết Đông Hồ vẽ tham quan tìm hiểu và chọn mua, mà không ít du khách, những người trong lĩnh vực hội họa, mỹ thuật của nước ngoài cũng đến để nghiên cứu về nghệ thuật tranh dân gian nổi tiếng của làng Hồ. Bà con Việt kiều khi về nước cùng phải tìm mua bằng được những bức tranh làng Hồ và cô Tố Nữ dáng quê hương, để khi ở xa quê trong sương mù Luân Đôn hay cái giá lạnh của Pa-ri hoa lệ, cảm thấy ấm lòng ở chốn tha hương.

Bài văn mẫu 2: Phân tích Lí ngựa ô ở hai vùng đất.

Bài làm

“Khớp con ngựa ngựa ô
Khớp con ngựa ngựa ô
Ngựa ô anh khớp, anh khớp cái kiệu vang, ớ ơ ờ ớ ơ…
Anh tra khớp bạc, lục lạc đồng đen
Búp sen lá dặm, dây cương nhuộm thắm
Cán roi anh bịt đồng thoà.
Là đưa, í a đưa nàng, đưa nàng…
Anh đưa nàng về dinh…”

Đây là những câu hát em thường được nghe qua chiếc đài radio của ông em khi còn nhỏ. Lớn lên, em tìm hiểu và biết được đây là lời bài hát của bài Lý Ngựa Ô, một bài hát nổi tiếng của dân ca Nam Bộ. Bài hát đã để lại cho em ấn tượng sâu sắc vì nhịp điệu vui tươi, cùng với đó là hình ảnh những chú ngựa với nhiều sắc thái thật sinh động. Gần đây, em được biết thêm trong nền văn học Việt Nam cũng có một bài thơ viết về làn điệu lý ngựa ô có tên Lý ngựa ô ở hai vùng đất. Bài thơ thuộc thể loại thơ tự do của tác giả Phạm Ngọc Cảnh, nằm trong tập Đêm Quảng Trị. Hoàn cảnh ra đời của bài thơ vô cùng đặc biệt đó là trong mạch văn hào sảng khí thế của người lính ra trận. Bài Lý ngựa ô ở hai vùng đất đã kể lại cuộc chiến tranh đã qua của nước ta, xen lẫn vào đó chính là tình yêu đôi lứa được thể hiện thông qua làn điệu dân gian quen thuộc. 

Đầu tiên, những làn điệu Lý ngựa ô được hát ở bên anh trong phần đầu của bài thơ:

“Anh lớn lên vó ngựa cuốn về đâu

gặp câu hát bền lòng giong ruổi mãi

đường đánh giặc trẩy xuôi về bến bãi

Lý ngựa ô em hát đợi bên cầu

Hoá vô tận bao điều mơ tưởng ấy

bao câu hát ông cha mình gởi lại

sao em thương câu lý ngựa ô này

sao anh nghe đến lần nào cũng vậy

sao chỉ thấy riêng mình em đứng đấy

chỉ riêng mình em hát với anh đây.

 

Làng anh ở ven sông

sắp vào tháng tư

mắt tình tứ rủ nhau về hội Gióng

mùi hương xông nụ cười lên nhẹ bổng

ai chẳng ngở mình đang đi trong mây

ai chẳng tin mình đang rong ngựa sắt

cả một vùng sông ai chẳng hát

sao không nghe câu lý ngựa ô này.”

Nó lẽ hình ảnh những con ngựa đã xuất hiện trong tâm trí nhân vật anh ngay từ khi còn nhỏ. “Anh lớn lên vó ngựa cuốn về đâu”, ở đây nhà thơ Phạm Ngọc Thạch đã sử dụng nghệ thuật hoán dụ ngay câu đầu tiên của bài thơ với từ “vó ngựa” để chỉ giặc ngoại xâm. Qua đó, có thể thấy anh lớn lên khi đất nước còn loạn lạc, trong thời kì chống giặc cứu nước. Nhưng dù trong tình cảnh chiến tranh khói lửa, những người dân sinh ra ở nước Nam hào hùng vẫn không bao giờ ngừng yêu thương lẫn nhau và lan tỏa tình yêu đó để tiếp thêm sức mạnh cùng nhau bảo vệ nước nhà. Tình yêu tổ quốc, tình yêu con người đó đã được thể hiện qua những câu hát dân gian quen thuộc là làn điệu Lý ngựa ô em hát. Câu hát như tiếp thêm sức mạnh cho anh khi hành quân đánh giặc, như em vẫn luôn đợi anh về và cũng đại diện cho quê hương đang cần anh bảo vệ. Ở đoạn tiếp theo, tác giả sử dụng nghệ thuật điệp ngữ để làm tăng thêm tính tự hào của nhân vật anh về làn điệu Lý ngựa ô được truyền lại từ thời cha ông. Làn điệu lý ngựa ô là điều quý giá mà cha ông để lại, khiến cho anh hay em đều yêu thích nó và nghe đi nghe lại không biết bao nhiêu lần. Từ niềm tự hào đó, nhân vật anh đã khéo léo thổ lộ tình cảm với người thương của mình, nhắc tới câu hát lý ngựa ô, anh nghĩ ngay tới em, và nghĩ tới khung cảnh được cùng em hát vang làn điệu này.

Không chỉ riêng mình anh, mà cả “làng anh”, quê hương của anh đều yêu làn điệu lý ngựa ô. Quê của nhân vật trữ tình “anh” được miêu tả nằm ở “ven sông”. Và đặc biệt đây là nơi gắn với truyền thuyết Thánh Gióng, câu chuyện truyền thuyết có xuất hiện ngựa sắt, con vật đồng hành cùng Thánh Gióng đánh giặc. Mỗi năm, vào tháng tư, làng anh lại mở hội Gióng, mọi người khắp nơi tới để tham gia lễ hội và bày tỏ lòng thành kính biết ơn với Thánh Gióng nên “mùi hương” đã được thắp tỏa ra khắp nơi. Khi hội Gióng diễn ra là lúc truyền thuyết về Thánh Gióng lại được ôn lại và truyền bá đến với con cháu đời sau. Lúc đó, làn điệu Lý ngựa ô sẽ lại vang lên, như một làn điệu hành quân của Thánh Gióng khi xưa cùng với chú ngựa sắt của mình. Làng anh cùng hát làn điệu lý ngựa ô khiến cho bất kể ai tham gia hội Gióng cũng sẽ có cảm giác như mình đang được “đi trên mây” và “rong ngựa sắt” vậy. 

Đến với vùng đất thứ hai cũng yêu làn điệu Lý ngựa ô không kém chính là bên nhân vật em:

“Thế mà bên em móng ngựa gõ mê say
qua phá rộng duềnh doàng lên dợn sóng
qua truông rậm đến bây giờ anh buộc võng
gặp mối dây buộc ngựa gỗc lim già
suốt miền Trung sông suối dày tơ nhện
suốt miền Trung núi choài ra biển
nên gập ghềnh câu lý ngựa ô qua...”

Có thể thấy, nếu như quê anh gắn với truyền thuyết Thánh Gióng ở miền Bắc Bộ thì quê em lại ở miền Trung, nơi móng ngựa “gõ mê say” để băng qua phá “rộng duềnh doàng lên dợn sóng” hay qua cả “truông rậm”. Đây là hai vùng địa hình đặc trưng của dải đất miền Trung nước ta, phá chính là vùng nước mặn có dải đất và cát ngăn với biển, được nối thông ra ngoài biển bằng một dòng nước hẹp. Còn truông chính là chỉ vùng đất hoang, có cây cối rậm rạp. Có lẽ đây không chỉ là quê hương em, mà còn là nơi hai nhân vật trữ tình gặp nhau, nơi nhân vật anh phải đi đánh giặc. Anh phải trải qua biết bao khó khăn, bắc võng ngủ ở truông hoang sơ, buộc ngựa ở gốc lim, trải qua muôn trùng cách trở bởi miền Trung có “sông suối dày” như “tơ nhện”, “núi choài ra biển”. Những lúc như vậy, làn điệu lý ngựa ô thân quen theo anh từ thuở tấm bé lại được em ca vang lên, như để tiếp thêm sức mạnh cho anh mạnh mẽ hơn để bảo vệ tổ quốc.

Rồi làn điệu lý ngựa ô ở hai vùng đất bên anh và bên em được gặp gỡ và giao lưu với nhau:

“Hay vì làng anh ở ven sông
những năm gần đây tháng tư vào hội Gióng
đã hát quen lý ngựa ô rồi
khen câu miền Trung qua truông dài phá rộng
móng gõ mặt thời gian gõ trống
khen câu miền Nam như giục như mời
ngựa tung bờm bay qua biển lúa
ngựa ghìm cương nơi sông xoè chín cửa
tiếng hí chào xa khơi...
hay em biết quê anh ngoài đó
câu hát bắc cầu qua một thời quan họ
câu hát xui nhau nên vợ nên chồng
lý ngựa ô này hát theo đường đánh giặc
có điều gì như thể ẩn vào trong?”

Tuy cùng làn điệu lý ngựa ô, nhưng câu hát ở mỗi vùng lại được thêm vào đó những đặc trưng riêng của quê hương mình. Ở bên anh câu hát lý ngựa ô gắn với truyền thuyết về Thánh Gióng. Ở nơi em, lại gắn với truông dài phá rộng của miền Trung. Hay miền Nam, lý ngựa ô lại có âm điệu “như giục như mời”, những câu hát gắn với hình ảnh ngựa bay qua vựa lúa bát ngát, ngựa chạy ở nơi sông Cửu Long “sông xòe chín cửa” để vươn ra biển lớn, cất tiếng hí vang “chào xa khơi”. Ẩn chứa trong sự hòa hợp, giao lưu của các làn điệu lý ngựa ô của các vùng miền lại là lời tỏ tình của chàng trai miền Bắc dành cho người thương của mình. Chàng giới thiệu với em làn điệu giao duyên của vùng quê quan họ Bắc Ninh nổi tiếng xứ Bắc, hay còn gọi là “câu hát xui nhau nên vợ nên chồng” như một lời tỏ tình chân thành và tinh tế. Rồi chàng ẩn ý muốn hỏi nàng, vậy những câu hát lý ngựa ô theo suốt những con đường đánh giặc bao đời nay, có chứa đựng được tình cảm nam nữ như những câu hát quan họ hay không? Đây như một lời mong mỏi của chàng trai, với ước muốn người yêu có thể làm hậu phương vững chắc cho mình đánh giặc, đợi mình khải hoàn trở về.

Qua bài thơ Lý ngựa ô ở hai vùng đất, người đọc chúng ta như được thả trôi tâm hồn vào với những làn điệu lý ngựa ô, một làn điệu dân ca nổi tiếng không kém với làn điệu quan họ. Bài thơ đã thể hiện được vẻ đẹp của dân ca lý ngựa ô ở dọc ba miền của đất nước, từ bắc vào nam, ở bất kì nơi đâu, điệu lý ngựa ô cũng thật đẹp và chứa đựng những đặc trưng riêng của vùng miền đó. Từ điệu hò lý ngựa ô, các nhân vật trữ tình đã bộc lộ được tình cảm của mình dành cho nhau cũng như tình yêu với đất nước. Truyền thống yêu nước và yêu thương lẫn nhau đã khắc sâu vào trong tâm trí của mỗi một người dân Việt Nam, giống như làn điệu lý ngựa ô đã in sâu vào văn hóa bao đời nay của đất nước ta.

Bài văn mẫu 3: Thuyết minh về tranh Đông Hồ

Bài làm

Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Hồn dân tộc sáng bừng trên giấy điệp

Đây là những câu ca dao quen thuộc khi nhắc đến một trong những làng nghề thủ công mỹ nghệ nổi tiếng tại Bắc Ninh. Nơi lưu giữ không chỉ những giá trị văn hóa tinh thần hồn cốt dân tộc mà còn chứa đựng những nét đẹp tiềm ẩn của con người vùng kinh Bắc.

Nghe đến cái tên Đông Hồ là nhắc đến một ngôi làng xinh xắn nằm bên cạnh bờ sông Đuống thuộc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, Hà Bắc cũ nay là tỉnh Bắc Ninh cách thủ đô khoảng 35km. Đây là một trong những ngôi làng nổi tiếng về những bức tranh dân gian đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.

Theo tương truyền thì ban đầu ngôi làng có tên gọi khác là làng Mái hay còn có tên gọi là làng Hồ do ngôi làng nằm bên cạnh bến đò Hồ. Nghề vẽ tranh của làng bắt nguồn từ thời nhà Lê, ở một ngôi làng nghèo mà hào hoa lịch lãm như vậy vẫn còn tương truyền những câu ca “ làng Mái có lịch có 26 sông tắm mát, có nghề làm tranh”. Trải qua nhiều thế kỉ với nhiều biến động của lịch sử 17 dòng họ bắt đầu quy tụ về làng, và cùng chung sức để phát triển nghề làm tranh. Cứ mỗi tháng vào cữ tháng chạp các thuyền từ xứ Đông xứ Đoài ghé về để “ăn tranh”. KHông khí náo nhiệt rộn ràng khắp nơi tiếng chày giã điệp, chỗ dỡ ván in tranh…. Ở làng Đông Hồ những người có hoa tay, có thú chơi cầm kì thi họa rất được vị nể.

Để hoàn thành một bức tranh, người làm tranh phải rất công phu, cẩn thận và thực hiện nhiều giai đoạn: sơn hồ lên giấy, phơi giấy cho khô hồ, quét điệp rồi lại phơi giấy cho khô lớp điệp, khi in tranh phải in từng màu lần lượt, nếu có 5 màu thì 5 lần in, mỗi lần in là một lần phơi… Cứ như thế, từng lớp, từng lớp dưới ánh sáng mặt trời lấp lánh các hình ảnh, đường nét của cảnh sắc thiên nhiên, nếp sinh hoạt của người dân cứ hiện ra làm say đắm lòng người.

Tranh Đông Hồ có nhiều chủ đề, nội dung tranh đa dạng và phong phú nhưng được chia thành 5 loại phổ biến đó là: Tranh tâm linh, tranh lịch sử, truyện tranh, tranh chúc tụng, tranh sinh hoạt. Nhắc đến tranh Đông Hồ, có lẽ mọi người không thể không biết đến một số bức tranh tiêu biểu nổi tiếng. Bức tranh “Đám cưới chuột” ngụ ý như lời cảnh báo, nhắc nhở và răn dạy những người có chức có quyền nên sống sao cho phải đạo. Đồng thời cũng là lời nhắc nhở cho các thế hệ trẻ trong gia đình biết đối nhân xử thế. “Vinh Quy Bái Tổ” là tên của bức tranh dân gian Đông Hồ nổi tiếng, thường là phần thưởng vinh danh người đỗ đạt và cho cha mẹ họ hàng, làng xóm, thầy dạy. Bức tranh như lời nhắc nhở ý nghĩa cho thế hệ trẻ cố gắng nỗ lực học tập vươn tới thành công… Ngoài ra còn rất nhiều bức tranh mang ý nghĩa sâu sa khác nữa,… Như vậy, các bức tranh Đông Hồ đều mang những ngụ ý và những điều tốt đẹp mà ông cha muốn dăn dạy nhắc nhở thế hệ con cháu sau này. Các bức tranh Đông Hồ chính là những món quà tặng đại diện cho Việt Nam vô cùng đáng quý giá.

Tranh Đông Hồ đã từng được đem đi triển lãm nghệ thuật trên thế giới và nhận về rất nhiều phản hồi tích cực từ du khách khắp nơi. Không chỉ lưu giữ những giá trị tâm hồn người Việt mà nó còn thể hiện được sự tài hoa của con người. Ngày nay, làng tranh dân gian Đông Hồ không chỉ là nơi sản xuất những bức tranh đẹp, ý nghĩa mà nó còn là địa điểm du lịch hấp dẫn được rất nhiều du khách ghé thăm. Người ta cố gắng mua một bức tranh Đông Hồ về treo nhà vừa để thể hiện sự sang trọng lại vừa mong muốn an lành cho gia đình.

Bài văn mẫu 4: Thuyết minh về tranh Đông Hồ

Bài làm

Cũng như tranh làng Sình, tranh Kim Hoàng, tranh Hàng Trống… tranh Đông Hồ ở Bắc Ninh là một dòng tranh dân gian đặc sắc của Việt Nam. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, tranh Đông Hồ vẫn tồn tại với những nét độc đáo, tiêu biểu cho nghệ thuật dân gian nước nhà.

Tranh Đông Hồ có tên gọi đầy đủ là tranh khắc gỗ dân gian Đông Hồ, xuất xứ từ làng nghề nổi tiếng thuộc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Mặc dù có truyền thống lâu đời nhưng do dân làng không thờ tổ nghề và cũng không có tài liệu nào ghi chép cụ thể nên không ai biết rõ tranh Đông Hồ từ đầu mà có.

Tranh Đông Hồ hấp dẫn, gần gũi với mọi người có lẽ là ở màu sắc, bố cục khuôn hình và đặc biệt là ở chất liệu tạo nên tranh hoàn toàn từ tự nhiên: từ bản khắc gỗ, giấy dó, lớp hồ điệp đến màu sắc. Giấy in tranh Đông Hồ được gọi là giấy điệp. Đây là loại giấy được người ta nghiền nát từ vỏ con điệp - một loại sò vỏ mỏng ở biển rồi trộn với hồ. Hồ này cũng được nấu từ bột gạo nếp hoặc bột gạo tẻ, có khi là cả bột sắn. Cùng với giấy điệp, màu sắc của tranh Đông Hồ cũng là quà tặng của thiên nhiên kì thú và bàn tay khéo léo, sự tìm tòi của nghệ nhân làm tranh. Màu đỏ rực rỡ chiết từ gỗ vang hay sỏi son trên núi Thiên Thai, màu vàng ấm lấy từ hoa dành dành hay hoa hòe, màu xanh mát lấy từ lá chàm - loại lá vẫn được dùng để nhuộm áo; màu đen lấy từ than gỗ xoan hay than lá tre được ngầm kĩ trong chum vại vài tháng. Chỉ với bốn màu cơ bản: đen, vàng, đỏ, xanh, các nghệ nhân vẫn làm nên những bức tranh hết sức sống động, hài hòa và vô cùng độc đáo. Sự sống động đó đều nhờ vào cách chế màu, hãm màu tỉ mỉ và khéo léo của các nghệ nhân. Sự cầu kì, cẩn thận từ cách tạo giấy đến chế màu ấy đã làm nên tuổi thọ dài lâu và vẻ đẹp bền vững của tranh Đông Hồ. Giấy điệp có thể tổn tại hơn năm trăm năm, còn màu sắc tranh Đông Hồ luôn rực rỡ, tươi sáng như lúc vừa mới in xong, không bị phai hay bay màu.

Để có được một bức tranh đẹp, các màu in tranh thường được lấy từ chất liệu thiên nhiên: màu đen người ta phải đốt lá tre rồi lấy than của nó, màu xanh lấy từ vỏ lá tràm, màu vàng lay từ hoa hoè, màu đỏ thắm lấy từ thân, rễ cây vang, màu sơn lấy từ sỏi núi, màu trắng là điệp... Những năm gần dây có một số người khi in tranh đã từng dùng một số màu và hóa chất hiện đại, như thế sản phẩm có tăng nhưng chất liệu màu của tranh không tươi màu, sắc nét như tranh làm truyền thống. Đã thế, chỉ trong một thời gian ngắn màu sắc sẽ bị phai nhạt, không bền màu.

Tranh dân gian Đông Hồ không áp dụng chặt chẽ về cơ thể học, các nguyên tắc về ánh sáng hay luật xa gần như tranh hiện đại. Những nghệ sĩ sáng tác tranh dân gian mang nhiều tính ước lệ trong bố cục, trong cách miêu tả về màu sắc. Tất cả đều sử dụng lối vẽ đơn tuyến bình đồ để thế hiện, do đó xem tranh dân gian ta thường bắt gặp cái thú vị ở những nét ngây ngô đơn giản nhưng hợp lý hợp tình.

Tranh dân gian Đông Hồ đã trải qua rất nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử. Có một dạo nghề tranh bị lãng quên nên đã mai một nhiều. Không ít hộ đã bỏ lại tranh chuyển sang làm nghề vàng mã. Tuy nhiên một vài năm trở lại đây, nhận ra giá trị mộc mạc, vẻ đẹp sang trọng của tranh Đông Hồ mà nghề tranh đã được “tái phục hồi” trở thành một trong những thứ không thể thiếu trong đời sống tinh thần của con người nhất là dịp tết đến xuân về.

Xã hội ngày càng phát triển, sẽ có nhiều loại tranh ra đời nhưng tranh Đông Hồ mãi là dòng tranh độc đáo của dân tộc Việt Nam. Nó không chỉ mang giá trị kinh tế mà còn là nét đẹp văn hóa của dân tộc. Vì vậy, thế hệ hôm nay hãy bảo tồn và phát huy để “màu dân tộc” sẽ mãi luôn “sáng bừng trên giấy điệp”.

Tìm kiếm google:

Xem thêm các môn học


Đia chỉ: Tòa nhà TH Office, 90 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại hỗ trợ: Fidutech - click vào đây
Chúng tôi trên Yotube
Cùng hệ thống: baivan.net - Kenhgiaovien.com - tech12h.com