Đề bài: Mỗi vùng quê Việt Nam nơi nào cũng có những món ăn dặc sản của quê mình. Em hãy viết một bài văn giới thiệu cho mọi người biết món ăn đặc sản của quê mình.

Đề bài: Mỗi vùng quê Việt Nam nơi nào cũng có những món ăn dặc sản của quê mình. Em hãy viết một bài văn giới thiệu cho mọi người biết món ăn đặc sản của quê mình. Theo đó, Baivan gửi đến các bạn 3 dàn bài + bài văn mẫu để các bạn có thể tham khảo. Từ đó, giúp các bạn có những bài văn hay nhất cho riêng mình.

[toc:ul]

Bài mẫu 1: Mỗi vùng quê Việt Nam nơi nào cũng có những món ăn dặc sản của quê mình. Em hãy viết một bài văn giới thiệu cho mọi người biết món ăn đặc sản của quê mình. (bánh đậu xanh Hải Dương)

Dàn bài

1. Mở bài: giới thiệu về quê hương em và món ăn đặc sản em sẽ giới thiệu.

2. Thân bài:

  • Những thương hiệu bánh đậu xanh nổi tiếng như: Bảo Hiên, Nguyên Hương, Hòa An... 
  • Từ những hạt đậu xanh nguyên chất, những chiếc bánh đậu xanh ra đời như gói trọn trong mình cả tình yêu và hương sắc quê hương.
    • Màu vàng nhạt như nắng.
    • Hương thơm dịu dàng.
    • Vị bùi của đậu xanh, ngọt ngào của đường kính, béo ngậy của mỡ phần... 
  • Mẫu mã, bao bì đẹp, bắt mắt.
  • Chiếc bánh đậu xanh có mặt trên bàn thờ tổ tiên mỗi dịp lễ Tết, trong những bữa tiệc trang trọng hay trên mâm cơm giản đơn hàng ngày.

3. Kết bài: nêu cảm nghĩ về món ăn đó.

Bài văn

Mỗi con người đều mang trong mình tình yêu quê hương tha thiết. Trong tình yêu ấy có cả niềm tự hào về những sản vật nổi tiếng gắn bó lâu đời với truyền thống quê nhà. Mỗi người con Hải Dương khi đi xa chẳng bao giờ quên được hương vị đậm đà của chiếc bánh đậu xanh.

Bánh đậu xanh là đặc sản nổi tiếng của Hải Dương. Du khách đi qua Hải Dương đều không quên mua cho mình vài hộp bánh đậu xanh về làm quà cho gia đình, bạn bồ. Nói đến bánh đậu xanh, người ta thường nhắc đến những thương hiệu nổi tiếng như: Bảo Hiên, Nguyên Hương, Hòa An... Đó là những hãng sản xuất lớn, có lịch sử lâu đời với bí quyết được trân trọng, giữ gìn từ đời này sang đời khác. Từ những hạt đậu xanh nguyên chất, qua bàn tay khéo léo, công phu của người thợ, những chiếc bánh đậu xanh ra đời như gói trọn trong mình cả tình yêu và hương sắc quê hương. Màu vàng nhạt như nắng, hương thơm dịu dàng, vị bùi của đậu xanh, ngọt ngào của đường kính, béo ngậy của mỡ phần... làm cho bánh đậu xanh quyến rũ người thưởng thức bởi cả sắc, hương, vị. Không chỉ có vậy, các nhà sản xuất còn cho ra đời những mẫu mã, bao bì đẹp, bắt mắt.

Chiếc bánh đậu xanh của quê hương Hải Dương có mặt trên bàn thờ tổ tiên mỗi dịp lễ Tết, trong những bữa tiệc trang trọng hay trên mâm cơm giản đơn hàng ngày. Nó theo chân người ra các tỉnh bạn, vượt trùng dương đến những vùng đất xa xôi. Và ở bất cứ phương trời nào, bắt gặp đâu đó bóng dáng những hộp bánh đậu xanh, mỗi người dân Hải Dương lại trào lên trong lòng mình một nỗi nhớ quê hương da diết.

Hải Dương vốn nổi tiếng là mảnh đất "Địa Linh Nhân Kiệt". Và bánh đậu xanh còn góp phần hoàn hảo thêm hình ảnh của Hải Dương bằng vẻ đẹp của văn hóa ẩm thực Việt Nam

Bài mẫu 2: Mỗi vùng quê Việt Nam nơi nào cũng có những món ăn dặc sản của quê mình. Em hãy viết một bài văn giới thiệu cho mọi người biết món ăn đặc sản của quê mình. ( xôi xíu Nam Định)

Dàn bài

1. Mở bài: giới thiệu về quê hương em và món ăn đặc sản em sẽ giới thiệu.

2. Thân bài:

  • Giống như xôi trứng, xôi ruốc, xôi lạp xưởng,…xôi xíu lạp xưởng là món xôi trắng, dùng kèm với thịt xá xíu, lạp xưởng, và nước sốt thịt.
  • Gạo làm món xôi xíu này cũng là loại gạo nếp thật ngon, hạt tròn, căng mọng.
  • Lạp xưởng chủ yếu được mua ngoài, nhưng đều phải chọn loại ngon đậm đà.
  • Nước sốt thịt thơm ngon, mà mỗi hàng, thường có một bí quyết riêng.
  • Thường dùng kèm với một ly sữa đậu nành.

3. Kết bài: nêu cảm nghĩ về món ăn đó.

Bài văn

Thành phố Nam Định nhỏ bé, nhưng văn hóa ẩm thực ở đây lại vô cùng phong phú, nào phở bò Nam Định, bánh gai Bà Thi, kẹo sìu châu, bánh nhãn Hải Hậu, bánh cuốn làng Kênh, nem nắm Giao Thủy, bánh mỳ Ba Lan, nào xíu báo, xôi xíu lạp xưởng, bánh mỳ pate,…Những món ăn đơn giản, mộc mạc như chính đất thành Nam, nhưng nếm thử rồi chắc chắn sẽ nhớ mãi.

Ắt hẳn, món phở bò Nam Định đã quá quen thuộc với nhiều thực khách, nhưng cái món xôi xíu lạp xưởng ( hay còn gọi xôi xíu) của đất thành Nam này vẫn còn xa lạ với nhiều người.

Cũng chẳng biết món xôi xíu này xuất hiện ở Nam Định từ bao giờ, chỉ biết rằng, khắp các đường của thành phố bạn chắc chắn sẽ dễ dàng tìm thấy món xôi này. Sẽ thấy những cô bán hiền lành, vồn vã bên cái bàn kê cao cao, bày đủ món xôi, chè, sữa đậu…

Giống như xôi trứng, xôi ruốc, xôi lạp xưởng,…xôi xíu lạp xưởng là món xôi trắng, dùng kèm với thịt xá xíu, lạp xưởng, và nước sốt thịt nhưng nó vẫn tạo nên một phong vị riêng, mà không thứ xôi nào có được.

Nam Định vốn nổi tiếng với đặc sản gạo Hải Hậu. Gạo làm món xôi xíu này cũng là loại gạo nếp thật ngon, hạt tròn, căng mọng, để xôi được thành thứ xôi dẻo thơm, đượm vị nắng, đượm vị quê. Thịt xíu ăn kèm, phải được tẩm ướp vừa vặn, nạc và mềm. Lạp xưởng chủ yếu được mua ngoài, nhưng đều phải chọn loại ngon đậm đà. Và điều làm nên sức hút riêng của món xôi xíu thành Nam này, có lẽ chính là nhờ thứ nước sốt thịt thơm ngon, mà mỗi hàng, thường có một bí quyết riêng.
Trộn đều bát xôi, nếm thử một miếng, bãn sẽ thấy, mùi vị thịt xíu, hòa quyện với lạp xưởng, gạo nếp dẻo thơm, vị cay cay của tiêu, nước sốt thịt ngọt, lại đậm đà, dùng thêm một ly sữa đậu nành, cũng đủ để bạn bắt đầu một ngày mới.

Bài mẫu 3: Mỗi vùng quê Việt Nam nơi nào cũng có những món ăn dặc sản của quê mình. Em hãy viết một bài văn giới thiệu cho mọi người biết món ăn đặc sản của quê mình. (cốm vòng)

Dàn bài

1. Mở bài: giới thiệu về quê hương em và món ăn đặc sản em sẽ giới thiệu.

2. Thân bài:

  • Mùa thu Hà Nội cũng là mùa cốm.
  • Những hạt cốm xanh non ngọt thơm được coi là đặc trưng của đất Hà Thành.
    • Cốm ngon nhất là vào độ giữa thu.
    • Sữa hạt lúa nếp như tích tụ cả tinh hoa của trời và đất.
    • Cốm là món quà tao nhã, gợi nhớ.
    • Hạt cốm xanh, mềm, thơm nồng mùi nắng thu, gói trong lá sen, buộc bằng sợi rơm tươi vàng nhạt.
  • Muốn cho cốm dẻo, ngậy thơm:
    • Phải là nếp cái hoa vàng, một loại nếp đặc sản của riêng vùng quê cốm.
    • Khi cây lúa hoe hoe vàng, chỉ độ mươi ngày nữa gặt rộ, đó là lúc người làng cốm đi chọn ngắt từng bông dài, hạt mẩy về chế biến. 
    • Muốn cốm ngon thì phải tính toán cắt lúa đúng lúc.
    • Thường lúc gặt hôm nào đem rang và giã cốm hôm đó.
    • Rang lúa sao cho vừa lửa, hạt cốm chín tới, không giòn mà tróc trấu.
    • Giã cốm bằng loại cối riêng, nhịp nhàng, nhẹ và đều, sao cho cốm mịn và dẻo.

3. Kết bài: nêu cảm nghĩ về món ăn đó.

Bài văn

Trong bài thơ Đất nước, Nguyễn Đình Thi mở đầu bằng hai câu:

Sáng mắt trong như sáng năm xưa

Gió thổi mùa thu hương cốm mới.

Mùa thu Hà Nội cũng là mùa cốm. Những hạt cốm xanh non ngọt thơm được coi là đặc trưng của đất Hà Thành, cốm ngon nhất là vào độ giữa thu, khi gió heo may nhẹ đưa, sữa hạt lúa nếp như tích tụ cả tinh hoa của trời và đất để làm nên sự ngọt bùi, chỉ ăn một lần sẽ nhớ mãi.

Với người Hà Nội, cốm là món quà tao nhã, gợi nhớ. Hạt cốm xanh, mềm, thơm nồng mùi nắng thu, gói trong lá sen, buộc bằng sợi rơm tươi vàng nhạt, trên quang gánh của các bà, các cô bán rong len lỏi vào từng ngõ nhỏ với tiếng rao tha thiết. Vào những ngày giữa thu, khi nắng đã nhạt và thoảng trong gió heo may, cùng trái bưởi vàng, quả hồng mọng đỏ, nải chuối tiêu trứng cuốc, đĩa cốm xanh tạo thêm màu sắc cho mâm cỗ Trung thu, một món lộc trời thu.

Vì là món quà tao nhã, cốm ăn không cốt no mà là nhâm nhi, thưởng thức. Còn gì là thú hơn trong cái gió heo may lành lạnh, ngồi sà xuống vỉa hè, mua một gói cốm đùm trong lá sen, rồi bốc từng dúm bỏ vào miệng, thong thả nhai để vị ngọt tan ra.

Nói đến cốm Hà Nội là phải nói đến thứ cốm dẹt, màu xanh non làm từ thứ nếp cái vừa qua kì đố sữa. Lúa nếp nào cũng làm nên cốm, nhưng muốn cho cốm dẻo, ngậy thơm thì phải là nếp cái hoa vàng, một loại nếp đặc sản của riêng vùng quê cốm.

Ngoại thành Hà Nội có nhiều làng quê làm cốm, nhimg nổi tiếng nhất vẫn là cốm làng Vòng, thuộc xã Dịch Vọng, huyện Từ Liêm, vốn là vùng trù phú, đất còn thấm đẫm phù sa sông Hồng. Người dân nơi đây gắn bó với ruộng đồng và nghề làm cốm cha truyền con nối tự bao đời. Nghề làm cốm cũng lắm công phu. Khi cây lúa hoe hoe vàng, chỉ độ mươi ngày nữa gặt rộ, đó là lúc người làng cốm đi chọn ngắt từng bông dài, hạt mẩy về chế biến. Muốn cốm ngon thì phải tính toán cắt lúa đúng lúc. Lúa già hạt cốm không còn xanh, cứng và gãy nát. Lúa non quá, hạt cốm bết vào vỏ trấu, nhão mất ngon. Thường lúc gặt hôm nào đem rang và giã cốm hôm đó. Nghề làm cốm vất vả nhất là công đoạn rang lúa. Rang lúa sao cho vừa lửa, hạt cốm chín tới, không giòn mà tróc trấu. Giã cốm bằng loại cối riêng, nhịp nhàng, nhẹ và đều, sao cho cốm mịn và dẻo. Vào những ngày mùa thu, chiều chiều vào làng cốm, ta sẽ được thưởng thức cái hương thơm ngọt ngào lan toả, cùng tiếng chày giã cốm thậm thịch thâu đêm…

Mùa thu Hà Nội, mùi hương hoa sữa, mùa hương cốm mới hoà quyện, ấm áp mọi nẻo đường. Người Hà Thành đi xa sẽ không thể quên vị ngọt ngào dẻo thơm của cốm sữa gói lá sen.

Tìm kiếm google:

Xem thêm các môn học

Bài văn mẫu 5


Copyright @2024 - Designed by baivan.net